Giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chính Trung sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Khi đang học lớp 7 (năm 1947), tạm xếp bút nghiên, Nguyễn Chính Trung tham gia vào Ban tuyên truyền xung phong huyện Chương Mỹ. Với ý thức sau này sẽ đi học tiếp, cậu thường mượn sách tiếng Việt và tiếng Pháp của các chú trong đơn vị về tranh thủ tự học theo chương trình lớp đệ nhị và đệ nhất. Nhưng rồi, năm 1950 thực dân Pháp đánh chiếm rộng ra vùng Mỹ Đức. Để thực hiện ước mơ được khoác lên mình màu xanh áo lính, Nguyễn Chính Trung đã ghi tên nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ, anh được cử đi học chuyên ngành Thông tin, trường Sĩ quan Lục quân đóng tại Vân Nam, Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng đưa Nguyễn Chính Trung đến và trọn đời gắn bó với lĩnh vực Thông tin điện tử trong quân đội. Tuy nhiên, khi tân binh Nguyễn Chính Trung đang trên đường hành quân nhập học, thì nhận lệnh của cấp trên thực hiện nhiệm vụ tăng cường phục vụ cho chiến dịch Biên giới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tăng cường cho chiến dịch, Chính Trung tiếp tục được đi đào tạo tại trường Sĩ quan Lục quân.

Năm 1953, Nguyễn Chính Trung tốt nghiệp và được phân về Sư đoàn 316 tham gia đảm bảo thông tin liên lạc cho chiến dịch Thượng Lào. Sau đó, anh được điều động về Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong suốt chiến dịch, sĩ quan Nguyễn Chính Trung luôn hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo liên lạc bằng thông tin viễn thông điện, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được điều chuyển về phụ trách đoàn cán bộ thông tin viễn thông điện tiếp quản khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả. Sau đó, ông tiếp nhận phụ trách thêm mạng thông tin ở đảo Hòn Rồng (Quảng Ninh).

 GS.TS Nguyễn Chính Trung, 2017

Cơ duyên nghề giáo bắt đầu từ năm 1956, khi ông Nguyễn Chính Trung được cử về trường cũ, làm giáo viên khoa Thông tin, trường Sĩ quan Lục quân. Bằng nghị lực, và ý chí phấn đấu của người lính, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời cũng miệt mài, kiên trì tự học tích lũy kiến thức để xuất sắc vượt qua kì thi tốt nghiệp chương trình văn hóa cấp ba. Năm 1961, cánh cửa tương lai mở rộng khi đồng chí Chính ủy nhà trường phát hiện ra sự ham học hỏi của giáo viên Nguyễn Chính Trung, nên đã đề nghị gửi ông đi học để nâng cao trình độ ở khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau bốn năm nỗ lực học tập, ông Nguyễn Chính Trung tốt nghiệp loại giỏi và được nhà trường giữ lại làm giảng viên, nhưng ông có nguyện vọng xin quay về công tác tại trường Sĩ quan Lục quân – nơi ông đã gắn bó ngay từ những ngày đầu tiên cuộc đời binh nghiệp.

Khi trở về đơn vị công tác năm 1965, ông Nguyễn Chính Trung được phân công giảng dạy tại bộ môn Vô tuyến điện, trường Sĩ quan Thông tin[1]. Bằng năng lực được khẳng định trong suốt quá trình công tác, ông đã được bổ nhiệm làm Trưởng bộ môn Vô tuyến điện, sau đó là Trưởng ban nghiên cứu Khoa học quân sự của nhà trường. Trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc diễn ra ác liệt, ngoài giảng dạy ở nhà trường ông Nguyễn Chính Trung còn được giao nhiệm vụ nghiên cứu bảo đảm thông tin tác chiến để phục vụ công tác tập huấn chuẩn bị cho các đơn vị thông tin tham gia chiến dịch lớn. Năm 1975, ông Nguyễn Chính Trung một lần nữa tạm gác bút nghiên để ra chiến trường. Ông đi chiến trường B, tham gia chiến dịch Tây Nguyên với nhiệm vụ đảm bảo thông tin, và tiếp quản hệ thống thông tin của địch. Ở Nha Trang, ông Nguyễn Chính Trung đã góp phần bảo vệ tốt đài viễn thông của địch khi chúng rút chạy, để bộ đội ta tiếp quản được toàn vẹn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Giữa chiến trường bom đạn, đối với ông đó chính là môi trường tự học, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu sau này. Như ông tâm sự: “học trong sách vở, học ở nhà trường và học ở chiến trường là sợi chỉ đỏ xuyên suốt phương châm học tập của tôi”[2].

Đất nước thống nhất, ông Nguyễn Chính Trung trở về trường Sĩ quan Thông tin tiếp tục công tác giảng dạy. Năm 1977, ông được cử đi học tập lớp bồi dưỡng nghiên cứu sinh tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Sau khóa học, năm 1979, ông được chọn đi làm thực tập sinh tại Viện Tự động hóa chỉ huy (IMAT) ở CHDC Đức. Đề tài “Tính toán tần số tối ưu cho hệ thống vô tuyến toàn quân” của ông nghiên cứu được Viện Tự động hóa của nước bạn đánh giá xuất sắc. Năm 1981, ông Nguyễn Chính Trung trở về nước, và được Học viện Quân sự cấp cao giữ lại làm giảng viên. Tại đây, giảng viên Nguyễn Chính Trung miệt mài ươm mầm tri thức, ông luôn suy nghĩ, trăn trở, nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy sao cho thời gian lên lớp ngắn, nhưng học viên vẫn dễ hiểu, dễ nhớ được những kiến thức trọng tâm. Và cao hơn là tạo cho học trò tinh thần say mê học tập. Từ cơ sở đó, năm 1983, ông bắt đầu thực hiện đề tài luận án Phó tiến sĩ: “Vận dụng sơ đồ hóa (Grap) lập chương trình môn học tối ưu và cải tiến môn học: Thông tin chiến dịch” tại Học viện Quân sự cấp cao và bảo vệ thành công năm 1988. Sau đó, đề tài được áp dụng vào giảng dạy thực tiễn ở khoa Thông tin điện tử đạt kết quả rất tốt. Đây là đề tài đầu tiên ở nước ta áp dụng phương pháp Grap giảng dạy ở cấp đại học, theo hướng “dạy những nội dung người cần học”[3].

Trong quá trình giảng dạy, thầy Nguyễn Chính Trung luôn quan tâm đến việc nghiên cứu các phương pháp dạy học hiệu quả nhất. Tùy theo từng đối tượng đào tạo mà vận dụng cho phù hợp. Nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp giảng dạy của ông đã giúp cho giảng viên của Học viện Quốc phòng nói chung và các trường đại học có thêm nhiều kinh nghiệm như: Xây dựng phương pháp học tập chủ động trong quá trình học tập ở Học viện Quân sự cấp cao (1992); Những vấn đề chung về phương pháp dạy học ở Học viện Quốc phòng (1993); Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy các môn khoa học quân sự (1997)… Đến nay, GS.TS Nguyễn Chính Trung là tác giả của 22 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, chủ trì 10 đề tài nghiên cứu các cấp, biên soạn 12 giáo trình, tài liệu, sách tham khảo. GS.TS Nguyễn Chính Trung quan niệm, làm khoa học không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, mà còn là việc làm có ý nghĩa thiết thực với thực tiễn và quá trình xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Chính bởi sự nghiêm túc với nghề nên ông Nguyễn Chính Trung đã được Học viện Quốc phòng tin tưởng giao đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Năm 1987, ông trở thành Phó chủ nhiệm khoa Thông tin điện tử, Học viện Quân sự cấp cao. Đến năm 1989, ông tiếp tục được cử làm Chủ nhiệm khoa Thông tin điện tử cho đến khi nghỉ hưu (2003). Trên bất kỳ cương vị nào, dù là nhà giáo hay nhà quản lý, ông vẫn luôn nỗ lực không ngừng, tận tâm, tận lực đóng góp trí tuệ, sức lực của mình vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong quân đội, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với đồng nghiệp và biết bao thế hệ học viên.

Bằng sự phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và xây dựng đất nước, GS Nguyễn Chính Trung đã vinh dự được Nhà nước, Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến thắng hạng ba; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến công hạng ba; Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ chiến thắng; Huy chương vì Sự nghiệp Khoa học Công nghệ; Huy chương vì Sự nghiệp giáo dục; Nhà giáo nhân dân (1998); Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân (2000).

Gần 50 năm cống hiến cho công tác nghiên cứu, giảng dạy GS.TS.NGND Nguyễn Chính Trung luôn mong mỏi thế hệ trẻ hôm nay sẽ ngày một trưởng thành hơn và vững bước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng trôi qua, mọi thứ có thể thay đổi, nhưng tình yêu, sự tâm huyết của ông với sự nghiệp trồng người, nghiên cứu khoa học vẫn như còn vẹn nguyên mỗi khi ông chia sẻ với nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Chính Trung muốn nhắn nhủ cho thế hệ mai sau và con cháu của ông: “Không tha thiết thì không làm nên được việc gì, hãy giữ lấy ngọn lửa ấy trong lòng hỡi các thanh niên, còn nó người còn trẻ, nếu mất nó thì dù 20 tuổi người đã già rồi”[4]

Tạ Thị Anh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Khi đó trường Sĩ quan Thông tin mới được tách ra từ trường Sĩ quan Lục quân.

[2] Lê Văn Chung, “Một nhà giáo say mê học và dạy”, Tạp chí Thông tin giáo dục khoa học quân sự, số 4, năm 1992, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Hiền Lương, “Từ một báo vụ viên trở thành nhà khoa học- người thầy mẫu mực”, in trong cuốn Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tập I, 2000, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Nhật ký gia đình GS.TS Nguyễn Chính Trung (bản in), tr. 20, 2013, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.