Cuối năm 1954, cụ Lê Chí Sùng – cha của Lê Chí Quế, khi đó là Chính trị viên xã đội, tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có tên trong danh sách bị quân đội thực dân Pháp truy lùng. Vì vậy, cụ được bố trí tập kết ra miền Bắc. Theo quy định, cụ được đưa theo một người thân trong gia đình và cụ đã chọn con trai lớn là Lê Chí Quế đi cùng. Lúc đó Lê Chí Quế mới 11 tuổi. Cậu háo hức được đi theo cha, nhưng mặt khác cậu cũng buồn vì phải xa người thân, nhất là mẹ. Trước khi đi, cha của Chí Quế mua cho cậu một đôi dép cao su và một chiếc ba lô. Ba giờ sáng ngày 12-8-1954, đoàn tập kết bắt đầu xuất phát từ Quảng Trị và đi bộ 60km ra Vĩnh Linh. Sau đó, có ô tô đón đoàn ra vùng tự do ở Hương Khê, Hà Tĩnh.
GS.TS Lê Chí Quế
Ở Hương Khê, Hà Tĩnh, cha của Lê Chí Quế được phân công phụ trách phong trào vận động đồng bào Công giáo không di cư vào Nam. Vì vậy, cụ thường xuyên phải đi công tác xa. Thời điểm ấy, cụ gửi Lê Chí Quế đến ở nhà ông Nguyễn Ca – một thợ rèn tại địa phương. Cụ nói với chủ nhà là mong muốn con trai được rèn luyện, và cụ đề nghị gia đình ông Nguyễn Ca cho Lê Chí Quế làm mọi công việc như một thành viên trong gia đình. Do đó, trong suốt thời gian ở nhà ông Ca, Lê Chí Quế phải tham gia mọi việc, từ đi cắt cỏ, chăn trâu, làm đồng, đến vào lò rèn học việc rồi làm việc như một người thợ rèn thực thụ. Mảnh đất Hương Khê vốn nghèo, khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, gia đình nhà chủ cũng khó khăn như bao nhà khác, Lê Chí Quế thường xuyên không được ăn no, nhiều khi phải ăn sắn luộc qua bữa. Cuộc sống khổ cực, đã bòn rút đi phần nào sức khỏe của cậu bé gầy gò Lê Chí Quế. Không những vậy, ở đây Chí Quế còn hai lần bị sốt rét. Hai lần bị sốt rét là hai lần phải uống thuốc ký ninh, tự mình vắt tắc (quất) vào miệng cho khỏi đắng, đến nỗi sức khỏe suy kiệt, nhiều lúc cậu tưởng rằng mình sắp chết. Những lúc như vậy, cậu thấy nhớ cha và người thân hơn bao giờ hết. Cậu thèm được ngủ vùi trong vòng tay của mẹ và được nghe mẹ hát ru bằng chất giọng của người làng Ưu Điềm, Huế. Nỗi nhớ ấy ngày càng trở nên cồn cào, da diết và gần như đêm nào cậu cũng khóc vì nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ làng quê. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, Chí Quế thường viết bưu thiếp, hoặc thư rồi thả ra sông với hi vọng những bức thư ấy trôi theo dòng nước chảy về phía Nam và đến được với người thân. Thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, một tháng, rồi hai tháng,… cậu bé Quế ôm ấp hi vọng nhận được thông tin của gia đình nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Không nhận được phản hồi, Lê Chí Quế càng buồn và nhớ nhà hơn.
Sống tại Hương Khê, Hà Tĩnh được gần hai năm, năm 1956 cha của Lê Chí Quế chuyển công tác ra Thanh Hóa và đưa con trai ra theo cùng. Thời gian này, cậu được cha gửi ở nhà một người dân tại thị xã Thanh Hóa tên Vui và được cha cho theo học lớp 6, lớp 7 tại Trường cấp 2 thị xã (nay là trường THCS Cù Chính Lan). Thầy Đinh Văn Liêm khi ấy là Hiệu trưởng đồng thời là cán bộ phụ trách nhóm học sinh miền Nam. Thầy luôn nhắc nhở học sinh tập kết về ý thức phấn đấu học tập, tích cực chuẩn bị nhân lực cho miền Nam khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Thấm nhuần những lời căn dặn của thầy, lấy đó làm động lực, cậu học trò Lê Chí Quế luôn nỗ lực, vượt khó trong học tập.
Thuở đó, nhà ông Vui không có đèn điện, chỉ có một chiếc đèn dầu, đèn đó được ưu tiên để cho các con của ông học bài, do đó buổi tối Lê Chí Quế phải mang sách vở ra học dưới ánh đèn cao áp ở sân Văn phòng Tỉnh ủy, thường đến 11-12 giờ đêm mới trở về nhà. Nhờ năng lực học tốt, năm 1959, cậu thi đỗ vào trường Cấp 3 Lam Sơn. Cũng trong thời gian này, năng khiếu văn của Lê Chí Quế được thầy Vũ Ngọc Khánh phát hiện khi Quế thường xuyên tham gia cộng tác viết bài trên báo tường của nhà trường. Sau đó, Lê Chí Quế được tuyển chọn và tham gia học lớp bồi dưỡng môn văn miễn phí tại trường cùng 9 bạn học khác. Lớp học do thầy Vũ Ngọc Khánh phụ trách. Những vui buồn trong quá trình học tập Lê Chí Quế đều “thèm” được chia sẻ với mẹ nên cậu vẫn giữ thói quen viết bưu thiếp và thư, ghi địa chỉ người nhận là mẹ rồi thả trôi sông. Trong suy nghĩ của cậu học sinh Quế khi ấy vẫn tin tưởng rằng mẹ sẽ nhận được thư của mình.
Năm 1962, sau thời gian tích cực rèn luyện cùng đội tuyển, Lê Chí Quế vinh dự là một trong ba học sinh của tỉnh được cử đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Kết quả, Lê Chí Quế đạt giải khuyến khích. Sau đó, cậu làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học và thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đón nhận niềm vui ấy là lúc chàng thanh niên Quế hiểu rằng những tháng ngày xa gia đình, xa quê hương càng kéo dài hơn nữa.
Tháng 9-1963, Lê Chí Quế nhập học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi ấy, trụ sở trường ở 19 – Lê Thánh Tông, Hà Nội. Tuy nhiên, riêng hai khoa Văn và Sử lại học tại một Trường trung học Hoa kiều ở khu vực đường Láng, Hà Nội. Bốn năm học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là 4 năm trường liên tục di chuyển, từ Hà Nội phải sơ tán lên Mễ Trì, Đại Từ, Thái Nguyên. Thuở ấy, sinh viên ăn cơm bếp tập thể, bữa đói bữa no, thường phải tự mua khoai về luộc ăn thêm. Quần áo nhiều khi cũng phải chia sẻ cho nhau. Vào những dịp Tết nguyên đán, Lê Chí Quế cùng một số bạn học là sinh viên người miền Nam được nhà trường tổ chức cho ăn Tết tại ký túc xá. Tuy cỗ Tết không thực sự đủ đầy, chỉ có một chiếc bánh chưng, nhưng không khí tết rất ấm áp. Bốn năm học đại học là 4 năm sinh viên Quế ăn tết ở ký túc xá. Lúc ấy, mình cảm thấy buồn vô hạn, nước mắt cứ chảy dài vì nhớ mẹ, nhớ gia đình[1],ông tâm sự.
Năm 1967, Lê Chí Quế tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên giảng dạy môn văn học dân gian. Xa gia đình từ lúc còn nhỏ, nay cậu bé ngày nào đã thực sự trưởng thành nhưng vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình da diết. Thỉnh thoảng, chàng thanh niên ấy vẫn biên những lá thư và gửi về cho mẹ nhưng lần nào cũng vậy cậu không hề nhận được thư hồi đáp.
Kể từ khi trở thành giảng viên, đôi chân của ông đã đặt đến nhiều vùng miền của Tổ quốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng rồi qua Hà Giang… để nghiên cứu về văn học dân gian. Ông cho rằng những bước đi đầu đời ấy có nhiều niềm vui và hạnh phúc mà ông khao khát được sẻ chia cùng người thân. Đó là quãng thời gian khá bận rộn, đi để tích lũy kiến thức làm nền tảng để nghiên cứu sâu về văn học dân gian sau này. Dù công việc và trách nhiệm của một giảng viên chiếm nhiều thời gian nhưng ông vẫn giữ thói quen kể từ ngày xa gia đình, đó là viết thư cho mẹ. Đến thời điểm này giảng viên Quế cũng không còn nhớ mình đã viết bao nhiêu bức thư, nhưng việc gửi thư mà không nhận được hồi đáp trở thành quen thuộc như lẽ thường nhưng ông không hề nản chí. Thẳm sâu trong suy nghĩ của ông vẫn tin rằng mình và gia đình vẫn trò chuyện hàng ngày.
Sau 21 năm xa cách, sau ngày miền Nam giải phóng – năm 1975 Lê Chí Quế về Nam thăm gia đình. Ông gửi thư trước để thông báo với người thân. Về đến đầu ngõ, cảnh vật vẫn vậy, chỉ có con người là thay đổi. Một nhóm người đứng đón giảng viên Chí Quế, nhìn xa lạ vô cùng. Họ nhận ra ông và hỏi ông có nhận ra ai không?. Ông Quế ngây người sau một lúc ông mới nhận ra trong đám đông ấy có một người phụ nữ tóc bạc phơ, gầy, lưng hơi còng, đang hướng ánh mắt âu yếm về phía mình, đó là mẹ. Ông vội ôm chầm lấy người phụ nữ ấy và gọi mẹ. Cả nhà ôm nhau khóc nức nở. Làng Câu Nhi hậu chiến tranh không thay đổi nhiều so với trước, khi ấy vẫn có những rặng tre bao quanh nhà, vẫn những con đường đất trải dài khắp xóm, duy chỉ có thay đổi về nhà cửa. Hầu hết các ngôi nhà đều bị đánh phá tan hoang qua những năm chiến tranh, ở khắp sân, vườn, ngọn tre, có khi cả ở mái nhà…vẫn còn vương vất cảnh đầu rơi máu chảy, những chiếc bi đông có khắc tên chủ sở hữu người sử dụng lăn lóc khắp mọi nơi…
Trong những câu chuyện hối hả kể cho người thân nghe ngày trở về, ông Quế có nhắc đến việc mình thường xuyên viết thư rồi nhờ dòng nước gửi về, nhưng được biết gia đình không ai nhận được thư ông viết. Bà mẹ cũng bất ngờ về việc Lê Chí Quế vẫn thường viết thư về gia đình. Ở nơi phương xa, tuy không nhận được tin tức của con nhưng mẹ ông luôn hi vọng về ngày đoàn tụ.
Và cho đến nay GS Lê Chí Quế vẫn tin rằng, tình yêu và niềm tin gửi gắm qua những bức thư đầy hi vọng ấy, dù không đến được với người thân nhưng đã giúp ông vượt qua tháng ngày vất vả phải xa mẹ, xa quê.
Hoàng Thị Kim Phượng
____________________
[1] Phỏng vấn GS.TS Lê Chí Quế ngày 30-6-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.