Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã từng tìm hiểu về chặng đường nghiên cứu nhà văn Nguyễn Công Hoa[1] của PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh. Để hiểu toàn diện, thấu đáo về thân thế, sự nghiệp của nhà văn nổi tiếng này, bà đã mở rộng nghiên cứu nhiều tác giả khác…Đồng thời, bà tiến hành thu thập tư liệu từ nhiều nguồn, gặp gỡ nhiều nhà văn và người thân của họ để có tư liệu sống. Việc đó thật sự hữu ích đối với bà trong việc mở rộng phông kiến thức. Giờ đây, khi nhắc đến PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, người ta không thể không nhắc đến những đóng góp của bà trong nghiên cứu về văn học hiện đại Việt Nam (1930-1945) và một phần đương đại. Nội dung hai cuốn sách: Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 1999) và Bàn thêm về mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam (H-Thế giới 2002), đã thể hiện rõ điều đó.
Về cụm công trình trên, PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh chia sẻ: Từ cuối những năm 1980, nhờ ánh sáng của công cuộc đổi mới mà giới nghiên cứu Việt Nam nhận ra rằng trong văn học giai đoạn 1932-1945 có nhiều vấn đề, tác gia, tác phẩm… cần được nghiên cứu, đánh giá một cách thông thoáng, khách quan, khoa học. Mục đích của tôi là: Từ những tư liệu phong phú, quý hiếm, xác thực của quá trình sưu tầm công phu, lâu dài, từ những suy nghĩ riêng, kỹ, sâu, nhất là mới, tôi tự đặt cho mình mục tiêu, nhiệm vụ là làm sáng tỏ và khẳng định giá trị đích thực một số tác gia, tác phẩm và vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam, hoặc một khía cạnh của vấn đề. Tất cả đều nhằm đưa ra những kết luận thỏa đáng, khoa học, góp phần tạo nên những nét vẽ chân xác, sống động cho bức tranh văn học sử nước nhà giai đoạn hiện đại.
Ở tuổi 85, PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh vẫn miệt mài với con chữ
Để làm được những điều đó, tôi đã vận dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp lịch sử, so sánh, phân loại, thống kê và phần nào là thi pháp học. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của tôi là những tác gia, tác phẩm, vấn đề… rất đáng chú ý trong văn học giai đoạn 1932-1945 và phần nào đó sau 1945 chưa được nghiên cứu toàn diện, hoặc nghiên cứu còn sơ lược, thiếu chính xác. Trên cơ sở đó tôi đã viết nhiều bài đăng trên tạp chí chuyên ngành, in thành sách riêng và sách chung với các tác giả khác và được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (Tiệp Khắc, Nga, Đức, Nhật), các nghiên cứu sinh, các sinh viên đại học đã tham khảo, trích dẫn. Đó cũng trở thành nguồn tài liệu tôi giảng cho các lớp nghiên cứu sinh ở Viện Văn học, giảng ở trường Viết văn Nguyễn Du….
Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam là tác phẩm tập hợp các bài viết về nhiều tác giả trong khoảng 10 năm, gồm 28 bài nghiên cứu và phụ lục (385 trang), và cuốn Bàn thêm về mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam là tập hợp các bài viết về nhiều tác giả từ năm 1999 đến 2007, gồm 16 bài nghiên cứu và phụ lục (281 trang). Đây là những bài nghiên cứu (một số bài đã được nhà văn (nhân vật trong bài viết) đọc trước khi xuất bản) đã đăng tải trên các báo, tạp chí, chủ yếu là tạp chí Văn học hoặc in chung trong sách. Chẳng hạn: Tự lực văn đoàn với phong trào thơ mới in trong tạp chí Văn học số 2, tháng 3 – 4 năm 1993 (những nghiên cứu trước đó mới đề cập đến công lao của Tự lực văn đoàn với văn xuôi); Về văn học 1932-1945, những cái nhìn gần đây, in trong Những vấn đề lý uận và lịch sử văn học, Nxb Khoa học xã hội, 1999 (cung cấp cái nhìn tổng hợp); Sáng tác của Nguyễn Đình Lạp in trong Tạp chí Văn học số 3, 2002 (ngoài sáng tác, bài viết còn nêu khá kỹ về con người, cuộc đời, gia đình nhà văn), và in thành Lời giới thiệu trong cuốn “Nguyễn Đình Lạp – tác phẩm”, Nxb Văn hóa thông tin, 2003; Lưu Trọng Lư, người có công đầu trong phong trào thơ mới, in trong tạp chí Văn học số 5, tháng 9 – 10 năm 2007 (bằng lý luận và thực tiễn sáng tác của nhà văn để chứng minh điều đó)…
Nhiều vấn đề chưa ai nghiên cứu, nghiên cứu chưa kỹ, hoặc được đánh giá lại với tư liệu phong phú hơn và cái nhìn thông thoáng, cởi mở của thời kỳ đổi mới được thể hiện rõ trong hai tác phẩm này. Cụ thể trong cụm công trình có đưa ra những vấn đề chung, lần đầu tiên được đề cập đến như: Để đi tới một quan niệm hợp lý trong phân kỳ văn học; Tự lực văn đoàn với phong trào thơ Mới; Báo chí với văn học 1932-1945; Tổng luận về các nhà văn nữ… Có nhiều tác gia lần đầu được nghiên cứu về toàn bộ sự nghiệp như Tam Lang, Thanh Châu, Nguyễn Đình Lạp, Từ Ngọc – Nguyễn Lân, Trần Tiêu, Hoàng Ngọc Hà, Bích Thuận… Có những khía cạnh mới mẻ, được đi sâu như Chất hài trong truyện ngắn Nam Cao; Màu sắc dân tộc trong sáng tác của Thạch Lam; Nghệ thuật viết tiểu phẩm đặc sắc của Ngô Tất Tố; Kịch của Vũ Trọng Phụng; Lưu Trọng Lư, người có công đầu trong phong trào thơ mới; Đề tài Hà Nội trong quá trình sáng tác của nhà văn Bích Thuận… Trong hai ấn phẩm đó còn đề cập đến một số vấn đề, đến tác gia, tác phẩm hoặc một khía cạnh trong sáng tác của nhà văn cần được đi sâu nghiên cứu. Trước đây, do hạn chế của thiên kiến một thời, hoặc do hoàn cảnh thời chiến, việc sưu tầm tư liệu có khó khăn nên khi thực hiện nghiên cứu nhiều khi còn sai lệch, chưa thấu đáo. Những năm sau này, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, việc nghiên cứu văn học giai đoạn trước cách mạng có nhiều thuận lợi, có điều kiện để đánh giá khách quan, khoa học, trả lại vị trí đích thực cho một số tác gia, tác phẩm…Trong cụm công trình này, nhất là về những tác gia trước cách mạng thì cái nhìn trên tinh thần đổi mới là hết sức quan trọng. Mặt khác, với những tư liệu mới, do sưu tầm công phu (trên sách báo, đa phần là cũ) và gặp gỡ trực tiếp nhà văn, hoặc người thân nên tư liệu phong phú, chính xác. Từ đó, rút ra những nhận định, đánh giá có tình, có lý, khách quan và có cơ sở khoa học. Chẳng thế mà trong bài "Đọc Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam", PGS.TS Văn Giá có câu “tư duy của nhà khoa học và trái tim người phụ nữ cùng lúc lên tiếng”[2].
Trước đó, để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam, tôi đã gửi bản thảo sách cho GS Hà Minh Đức và GS Trần Đình Sử xin ý kiến nhận xét. Trong bản nhận xét đề ngày 1-8-1998, sau khi phân tích, đánh giá từng chương mục của cuốn sách, GS Trần Đình Sử kết luận: "Nhìn chung, đây là một tập sách có nội dung phong phú, nhưng khá tập trung vào văn học hiện đại và phần nào đương đại. Với ưu thế của một người làm công tác tư liệu, thái độ cẩn trọng, ý thức đổi mới, PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh đã đem lại những nhận thức mới cho những ai quan tâm đến vùng văn học này. Tập sách có ích cho cả các nhà nghiên cứu nói chung mà cũng có ích cho giới nhà trường, vì nhiều tác giả ở đây được dạy ở trung học và đại học. Tập sách chứng tỏ tác giả là người có chủ kiến"[3]. Còn GS Hà Minh Đức, trong bản nhận xét đề ngày 4-8-1998 đã viết "Tìm hiểu và nghiên cứu lâu năm ở khu vực này chị am hiểu khá tường tận tác giả, tác phẩm. Những bài viết về Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang đều là những bài có giá trị. Chị đề xuất vấn đề phân kỳ văn học thời kỳ này với nhiều căn cứ thỏa đáng, nghiên cứu thái độ của Tự lực văn đoàn với thơ mới, nghiên cứu sự nghiệp và tác phẩm của Tam Lang Vũ Đình Chí. Các vấn đề nêu đều có khám phá. Chị không thiên về nhận định khái quát hoặc có tính lý luận mà đi thẳng vào phân tích tác giả, tác phẩm với những tư liệu và chứng cớ vững chắc. Phần trước cách mạng những trang viết bổ ích. Phần sau cách mạng chị có một cách chú ý riêng với những cây bút nữ… Nhìn chung, đây là công trình phong phú, kiến thức rộng và chính xác, nhận định đúng đắn nên được in và phổ biến rộng trong kế hoạch in gần nhất"[4].
Ông Văn giá còn cho rằng "hai cuốn tiểu luận về Văn học hiện đại Việt Nam đã góp phần làm thấu tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử văn học và các hiện tượng tác gia, tác phẩm, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những bất cập, phiến diện, thiếu hụt trong nghiên cứu văn học sử, đặc biệt với giai đoạn 1932-1945, làm sâu sắc và đầy đặn hơn diện mạo văn học hiện đại Việt Nam"[5].
Cụm công trình trên đã có thể làm tài liệu trong nghiên cứu, giảng dạy, kể cả thưởng thức văn học. Nhiều luận văn, luận án trong các trường đại học, Viện Văn học đã tham khảo cụm công trình. Công trình còn được nhiều bài báo, tạp chí đánh giá tốt, thậm chí rất tốt. Trong đó, cuốn Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam (1999).
Những công trình nghiên cứu riêng của PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh
Ảnh: Trần Việt Văn
Cho đến nay, tôi đã làm nghề cầm bút trong ngành văn ngót 60 năm. Ở tuổi 85, tôi vẫn tiếp tục viết, tuy không được nhiều (vì lý do sức khỏe). Trong cuộc sống, tôi quan niệm: “Đời là một cuộc phấn đấu không ngừng”. Với tôi, luôn phải phấn đấu để chiến thắng bệnh tật, để có một cuộc sống tạm đủ, một gia đình hạnh phúc, con cháu có tài, có đức. Nhìn lại từ suốt chặng đường đời của mình, tôi cũng thấy vui vui và có phần tự hào vì đã đóng góp phần nào cho đời, trong đó có những đứa con tinh thần lành mạnh. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng mình cũng có thể đóng góp chút ít kinh nghiệm phấn đấu vượt khó cho những em đang gặp nhiều vất vả, gian khổ để vươn lên trong khoa học, nhất là lĩnh vực khoa học xã hội.
Lê Thị Hằng (ghi)
__________________
* PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, nguyên Nghiên cứu viên chính Viện Văn học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
** GS Hà Minh Đức "Nhận xét công trình "Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam" của PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh", Hà Nội, ngày 4-8-1998, TL do PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh lưu giữ.
[1] Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là một nhà văn hiện thực lớn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (có thời kỳ làm chủ tịch, có thời kỳ ở trong Ban chấp hành). Tham khảo bài "Chặng đường nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan".
[2] Văn giá "Đọc mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 12, 2000, TL do PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh lưu giữ.
[3] Trần Đình Sử, "Nhận xét công trình "Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam" của PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, Hà Nội, ngày 1-8-1998, TL do PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh lưu giữ.