Tấm “Huy chương” cho một thời sinh viên

Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hào Nam, cán bộ của Trung tâm đã được nghe GS.TS Hà Chu Chử – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp, rồi Viện trưởng Viện Kinh tế Sinh thái – kể về quá trình học tập của ông tại Học viện Lâm nghiệp Lêningrad (Liên Xô).

Những khó khăn ban đầu…

Năm 1955, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hà Chu Chử có nguyện vọng thi vào trường Đại học Y hoặc theo học một ngành kỹ thuật, nhưng cuối cùng lại “đầu quân” tại Khoa Hóa học của trường Đại học Bách khoa khóa I (1956-1959).

Năm 1959, mới học xong năm thứ ba, do yêu cầu bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy, với thành tích học tập tốt, Hà Chu Chử là một trong 14 người được trường Đại học Bách khoa Hà Nội lựa chọn và cử sang học tiếp chương trình đại học ở Liên Xô, chuyên ngành Khí hoá, trường Đại học Công nghệ Hoá học Mendeleev Mátxcơva. Năm đó, trường Đại học Bách Khoa đang có nhu cầu cần đào tạo một người học ngành Hóa học lâm sản. Học viện Kĩ thuật Lâm nghiệp Lêningrad là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học kĩ thuật lớn nhất Liên Xô trong lĩnh vực lâm nghiệp (Hóa học lâm sản). Hà Chu Chử là sinh viên đầu tiên và duy nhất học ở đây trong thời gian 1960-1963 và cũng là người Việt Nam đầu tiên học Hóa học lâm sản, đây thực sự là bước ngoặt dẫn ông đến với một ngành khoa học mới.

Hà Chu Chử đã 3 năm theo học tại Khoa Hóa ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội và học tiếng Nga 2 tiết một tuần do giáo viên Việt Nam dạy, nhưng vốn tiếng Nga của ông chưa đủ nghe và nói khi học đại học cùng với sinh viên Nga. Sang Nga, ông học tiếp chương trình năm thứ 3 tại Học viện cùng với sinh viên Nga, nên những kiến thức trong chương trình hai năm đầu ông phải tự bổ túc đồng thời ra sức tự học tiếng Nga. Hà Chu Chử có cảm giác ngỡ ngàng như “một người không biết bơi bị vứt xuống biển” [1]. Bởi lẽ khi sang Học viện Lâm nghiệp ở ngành học mới nhưng Hà Chu Chử phải học luôn từ chương trình năm thứ ba. Ngoài ra, ông còn phải tự cố gắng để có thể hòa mình vào môi trường sống mới. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ông thử sức mình. Với vốn tiếng Nga ít ỏi nhưng với sự giúp đỡ tận tình của giáo viên người Nga và các bạn cùng học người Nga nên sáu tháng sau, ông đã bắt nhịp được với tiến độ học tập của lớp.

Ông kể: thời gian đầu, nghe các thầy giảng bằng tiếng Nga không ghi chép kịp, có chỗ ông phải viết bằng tiếng Việt. Lần thi vấn đáp học kì đầu tiên, những môn học như điện kĩ thụât, nhiệt kỹ thuật, ông còn lúng túng đã phải xin phép thầy giáo cho dùng thuật ngữ tiếng Anh vì chưa biết thuật ngữ tiếng Nga. Sau nửa năm học, ông đã giao tiếp và có thể trả lời được các câu hỏi của các môn học bằng tiếng Nga, kể cả môn Triết học[2][2].

Thời gian học tập tại Học viện Lâm nghiệp Leningrad, Hà Chu Chử đã có những kỷ niệm khó quên với những người bạn Nga. Trong chuyến thực tập ở nhà máy sản xuất bột giấy của vùng Sibêri, những người công nhân Nga luôn tận tình quan tâm từ chỗ ăn, chỗ ngủ, giúp Hà Chu Chử chống lại cái giá lạnh trên xứ sở băng tuyết. Những ngày lễ họ thường mời ông đến nhà riêng cùng tham dự bữa tiệc vui với gia đình. Ông ấn tượng với tinh thần lao động của các công nhân Nga dù môi trường ở nhà máy rất nhiều khói bụi, thiết bị còn lạc hậu, phần lớn lao động thủ công nhưng họ vẫn miệt mài làm việc. Trong nhà máy, các cán bộ cấp trên và cấp dưới rất gần gũi, tất cả cùng nhau trao đổi về công việc và chung tay khắc phục những khó khăn cũng như chia sẻ những niềm vui. Qua những ngày tháng đó, Hà Chu Chử học được nhiều điều ý nghĩa ở tinh thần tận tâm với công việc, luôn đoàn kết, thương yêu nhau của những công nhân này.

“Huy chương” cho thành tích học tập

Sau những nỗ lực trong học tập và trong quá trình thực tập, cuối năm 1962, với số điểm trung bình 4,99/5.00 cho toàn khoá, Hà Chu Chử đã tốt nghiệp đại học với tấm Bằng đỏ (loại ưu). Trong lễ tốt nghiệp, ngoài tấm Bằng đỏ, Hà Chu Chử được Học viện Lâm nghiệp Lêningrad trao tặng chiếc huy hiệu biểu tượng của Học viện. Đây là huy hiệu riêng của trường, với 3 chữ ЛΤΑ là chữ viết tắt Tên trường: Ленинградская Лeсoтeхническaя Αкaдeмия. Tấm Huy hiệu này thường trao tặng cho các sinh viên có thành tích học tập tốt, và sinh viên Hà Chu Chử là người Việt Nam duy nhất học ở trường tại thời điểm đó được tặng Huy hiệu.

Đối với Giáo sư Hà Chu Chử, những năm tháng học tại Học viện Lâm nghiệp Lêningrad đã trôi xa, nhưng ký ức về quãng thời gian học tập và cảm xúc khi nhận chiếc Huy hiệu trong lễ tốt nghiệp vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông. Ông chia sẻ: Những năm sau đó cho đến nay sinh viên Việt Nam học ở trường này rất nhiều, nhưng không còn được nhận Huy hiệu mang tên Trường vì vậy huy hiệu này được coi như “cổ vật”. Và với ông, đó là tấm “Huy chương” cho tinh thần vượt mọi khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập. Thời gian đã lùi xa, chiếc huy hiệu hình thoi, chiều dài 4,5cm, chiều rộng 2,5 cm, viền trắng, nâu, nền xanh ở giữa. Huy hiệu có ký hiệu viết tắt tên Học viện Lâm nghiệp Leningrad đã cũ. Tấm Huy hiệu được chủ nhân cất giữ trong chiếc hộp đựng huy hiệu nguyên bản của Học Viện Lêningrad, hình chữ nhật (4 x 6.5cm) gắn trên nền nhung đen. Ngày 30-8-2013, GS Hà Chu Chử đã tặng chiếc Huy hiệu cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.

Lê Hoài Thu-Lưu Thị Thúy

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1] Trích ghi âm phỏng vấn GS Hà Chu Chử , ngày 19-7-2013.

[2] Trích ghi âm phỏng vấn GS Hà Chu Chử , ngày 19-7-2013.