Theo học ngành Y tại Pháp và năm 1941 trở thành bác sĩ Nhi khoa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện luôn mong muốn bằng kiến thức y học đã được trau dồi sẽ giúp trẻ em bớt đau đớn vì bệnh tật. Vì thế, trong suốt quá trình hoạt động, BS Viện đều cống hiến hết sức mình làm một chút gì đó giúp thế hệ trẻ luôn khỏe về thể chất, minh mẫn về trí tuệ. Ngoài việc hoàn thành hai cuốn sách Lòng con trẻ và Giáo dục hoạt động năm 1948 khi còn ở Pháp, thông qua tổ chức Việt kiều in roneo và gửi về nước, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, khi về nước còn góp sức khôi phục môn đá cầu với mong muốn hàng triệu trẻ em Việt Nam sẽ có một môn thể thao thú vị, bổ ích, nhẹ nhàng, linh hoạt.
Đầu những năm 70 của thế kỷ 20, sau khi trở về từ Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cùng với ông Đỗ Chỉ, bạn học cùng trường Bưởi từ những năm 1931- đến năm 1935, ông Chỉ vốn là giáo viên thể dục ở Bắc Giang. Hai ông đã chung sức tìm tòi sản xuất cầu dây và bắt đầu khôi phục, phổ biến môn đá cầu ở Việt
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và ông Đỗ Chỉ đã phải mày mò tìm nguyên vật liệu để tạo ra các quả cầu có giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố về kỹ thuật. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho rằng: Muốn xây dựng môn đá cầu trở thành môn thể thao hiện đại, có tính quốc gia và quốc tế thì phải chuẩn hóa quả cầu: phải giống hệt nhau, dài, nặng phải như nhau. Không nên dùng cầu lông vịt, không thể chuẩn hóa vì không phải con vịt nào lông cũng giống nhau, cũng không dùng quả cầu bằng mây như một số quốc gia Đông
Sau khi việc chế tạo ra quả cầu đã đáp ứng yêu cầu, việc tiếp theo mà bác sĩ Viện và ông Đỗ Chỉ thực hiện đó là phổ biến môn đá cầu, tổ chức thành lập các đội thi đấu. Ở Hà Nội, thanh niên trong Nhà xuất bản Ngoại văn[2] được chia làm hai đội thi đấu với nhau, tổ chức tại sân của nhà xuất bản. BS Nguyễn Khắc Viện cũng tham gia đá cầu cùng với thanh niên nhà xuất bản vào mỗi buổi chiều. Những thanh niên ngoài phố thấy hay cũng bắt đầu tham gia chơi. Ở Bắc Giang, ông Đỗ Chỉ cũng thành lập một đội, thỉnh thoảng tổ chức giao hữu với đội cầu ở Hà Nội[3]. Sau nhiều lượt thi đấu, tìm tòi và rút kinh nghiệm Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và ông Đỗ Chỉ đã tìm ra được quy chuẩn về cấu tạo quả cầu, về chiều dài, rộng của sân, độ cao của lưới, quy định về luật thi đấu… để xây dựng môn đá cầu thành một môn thể thao hiện đại, chính quy.
Sau đó nhiều trận đấu đặc biệt giữa hai đội cầu ở Hà Nội và Bắc Giang đều có sự tham dự, quan sát của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và ông Tạ Quang Chiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao. Kết quả bước đầu, Bộ Giáo dục và Tổng cục Thể thao công nhận môn đá cầu hay, cần phổ biến rộng ở các trường học và cộng đồng dân cư. Tháng 8-1985 Luật Đá cầu ra đời. Sau khi có luật, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cùng ông Đỗ Chỉ đã phối hợp với Báo Tiền phong ở Hà Nội và Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các cuộc thi đá cầu trên diện rộng, lan tỏa tới nhiều tỉnh trong cả nước.
Mỗi khi có dịp đến số nhà 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội (trụ sở của Báo Thiếu niên Tiền phong), BS Nguyễn Khắc Viện hay nói về những câu chuyện xoay quanh quả cầu và đá cầu với các cán bộ làm báo Đội. Ông Lê Trân[4]còn nhớ hình ảnh BS Nguyễn Khắc Viện thường “mặc bộ bà ba màu nâu, lúc ông mặc áo sơ mi bộ đội cộc tay, lúc đội mũ lá, đi đôi guốc mộc”. Ông say mê môn đá cầu và cổ cũ tinh thần các cán bộ ở Tòa soạn báo, khiến họ sôi nổi, hào hứng với môn thể thao đậm tính dân tộc này. Khi phong trào đá cầu phát triển mạnh mẽ, BS Nguyễn Khắc Viện đến tòa soạn hướng dẫn trực tiếp cho các phóng viên báo Đội cách làm quả cầu, chỉ dẫn cho họ cách đá cầu, cách tâng cầu, tổ chức thi đá cầu…. Một số lượng lớn quả cầu được đóng gói từ Tòa soạn báo Đội gửi vào Ban Đại diện Báo trong thành phố Hồ Chí Minh và chuyển đến các tỉnh phía
Hàng năm, trong chương trình mừng sinh nhật BS Viện do Nhà xuất bản Ngoại văn tổ chức thường có một tiết mục đá cầu đặc sắc. Là người ưa tập luyện thể dục thể thao, bác sĩ Viện cho rằng, môn đá cầu sẽ tồn lại lâu dài vì chưa có một môn chơi nào mà có thể chơi được khắp nơi, vừa dễ dàng vừa rẻ tiền. Ông luôn hy vọng một ngày nào đó, đá cầu sẽ trở thành môn thể thao quốc tế thống nhất. Năm 1992, khi nhận được giải thưởng Grand prix de la Francophonie[6]của Viện Hàn lâm Pháp, ông đã trích tặng 10 triệu đồng để phát triển bộ môn đá cầu.
Với những đóng góp của mình, BS Nguyễn Khắc Viện được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Huy chương Vì thế hệ Trẻ đợt đầu tiên. Đây là phần thưởng cao quý nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam. Vào năm 2003, khi Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tròn 80 tuổi, Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đã trao tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp Thể dục Thể thao.
Quả cầu dây do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tự làm, với sự cộng tác của ông Đỗ Chỉ, gồm 2 bộ phận: đế cao su và dây ni lông màu vàng, là quả cầu được thử nghiệm nhiều lần, ở nhiều nơi, và được đánh giá là chuẩn xác về các yếu tố kỹ thuật. Khi trao tặng cho Trung tâm, quả cầu được đựng cẩn thận trong một hộp sơn mài màu đen, có khắc chữ Hội đá cầu Hà Nội cùng với Huy chương Vì sự nghiệp Thể dục thể thao và Huy chương Vì thế hệ Trẻ.
Trải qua thời gian và điều kiện bảo quản, chiếc hộp sơn mài cũng đã cũ, bị tróc sơn. Ngày 11-5-2013, khi trao tặng một số kỷ vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ bảo quản, con gái BS Nguyễn Khắc Viện – bà Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ thêm: Lúc còn sống, nằm trên giường bệnh, hàng ngày ba tôi vẫn nhờ mẹ lấy giúp chiếc hộp sơn mài để ba muốn xem lại những hiện vật kỷ niệm, trong đó có quả cầu dây chính tay ba tự làm. Đó là những kỷ vật mà ba tôi trân trọng quý nhất, là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những đóng góp của ba trong việc khôi phục và phát triển môn đá cầu truyền thống của dân tộc[7].
Nguyễn Thị Hiên
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[1] Trích băng Hồi ký của nhà văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Tư liệu được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Nay là Nhà xuất bản Thế giới. Từ năm 1963 -1984, BS Nguyễn Khắc Viện là Giám đốc.
[3] Trích băng Hồi ký của nhà văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Tư liệu được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong.
[5] Bài viết “Một cộng tác viên đặc biệt”. Lê Trân. Báo Thiếu niên Tiền phong, tháng 5-1997. In trong sách “Nguyễn Khắc Viện, chân dung và kỷ niệm”. H- Khoa học xã hội, 2007.
[6] Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp trao tặng hàng năm cho tác giả của một tác phẩm, công trình có đóng góp xuất sắc vào việc phát triển văn hóa Pháp.
[7] Theo bản ghi âm phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Bình, con gái nhà văn hóa, cố BS Nguyễn Khắc Viện, 11-5-2013.