Nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong thời bình, nhân dân Yên Hồ đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính những giá trị truyền thống của quê hương và gia đình đã kết tụ và hun đúc nên người trí thức tài năng, bản lĩnh, sâu sắc – GS.TS Trần Đức Thiệp.

Chân dung GS.TS Trần Đức Thiệp

Chân dung GS.TS Trần Đức Thiệp

Chặng đường để GS.TS Trần Đức Thiệp đến với thành công như ngày hôm nay chứa đựng không ít gian nan vất vả nhưng cũng đầy vinh quang và sự vẻ vang. Ông sinh ra trong một gia đình có tới 8 người con. Khi mới học xong lớp 4, ông đã mất đi người cha yêu quý của mình, cũng là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Trong khi đó, mẹ ông sức khỏe đã yếu, không còn sức lao động nên mọi việc trong gia đình chủ yếu là mấy anh chị em phải tự lo. Nhưng bà là trụ cột, người dạy dỗ, chỉ đường và là tấm gương đạo đức cho con cái noi theo để vững bước đi lên trong cuộc sống và phấn đấu cho sự nghiệp. Sự khó khăn, vất vả khi ấy không ngăn được bước chân và khát vọng tìm kiếm con chữ nơi ông.

Dù phải tranh thủ thời gian để vừa học vừa làm thêm kiếm tiền nhưng ông vẫn phát huy được tinh thần hiếu học, và bản tính thông minh vốn có của mình. Năm 1966, ông được cử sang nước Cộng hòa Nhân dân Bulgaria để học tập. Tài năng cùng sự chịu khó bền bỉ trong học tập đã giúp ông tốt nghiệp xuất sắc ngành Vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Sofia năm 1972 và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1977 ông được mời làm cộng tác viên khoa học tại Khoa Vật lý trường Đại học tổng hợp Sofia.

Năm 1978 ông trở về nước và nhận công tác tại Phòng Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý. Thời gian đầu nhận công tác, ông đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn thiết bị, thậm chí có những lần nguy hiểm đến tính mạng, nhưng với lòng quyết tâm cao độ cùng với niềm đam mê nghiên cứu, ông đã mang lại nhiều công trình khoa học có giá trị. Ông chủ trì và tham gia thực hiện thành công 20 đề tài cấp nhà nước và cấp bộ; hướng dẫn thành công 5 luận án Tiến sĩ, nhiều luận văn Thạc sĩ và Cử nhân; công bố trên 150 công trình khoa học trên các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế và quốc gia có uy tín; tham gia giảng dạy cao học và đại học, viết sách giáo khoa; tham gia nhiều nghiên cứu khoa học và báo cáo hội nghị khoa học quốc tế tại nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, CHLB Đức v.v…

Bên cạnh hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông còn giữ nhiều chức vụ khác nhau như thư ký Hội đồng Khoa học, phó trưởng phòng Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 1984 – 1987.

Sau khi thành lập Trung tâm Vật lý Hạt nhân trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tháng 9 năm1987, ông được bổ nhiệm giữ các chức vụ Trợ lý giám đốc kiêm trưởng phòng, rồi Phó giám đốc và Giám đốc Trung tâm. Tháng 6 năm 1992, Viện Vật lý thành lập ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Vật lý, Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân thuộc Viện Vật lý và Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện. Mặt khác, ông còn tham gia nhiều tổ chức khoa học quốc tế và quốc gia lớn như Ủy viên Hội đồng khoa học Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Nga; Uỷ viên Uỷ ban máy gia tốc Châu Á; Uỷ viên Hội đồng của Diễn đàn nghiên cứu bức xạ synchrotron Châu Á Đại dương; Ủy viên Ban tư vấn về Công nghệ bức xạ synchrotron của ASEAN; Ủy viên Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử Quốc gia; Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Vật lý thuộc Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước; Chủ tịch Hội Hạt nhân Việt Nam và Ủy viên thường vụ Trung ương Hội Vật lý Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khoa học phân tích Hóa, Lý và Sinh học Việt Nam; Ủy viên Ban biên tập các tạp chí quốc gia J.Communicationsin Physics và J. Nuclear Science and Technology v.v…

Năm 2011, Giáo sư Trần Đức Thiệp đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực khoa học tự nhiên với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân’’ cùng với giáo sư Nguyễn Văn Đỗ. Ngoài ra, Giáo sư Trần Đức Thiệp còn nhận được nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huy chương vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chiến sỹ thi đua của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bằng khen của Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chiến sỹ thi đua của Viện Vật lý.

Mặc dù cuộc đời đã cho ông cả danh lẫn vị, khi ở trên đỉnh cao của sự nghiệp nhưng đối với ông, quê hương, gia đình, dòng họ chính là niềm tự hào và là động lực để ông phấn đấu vươn lên và đạt được những thành công như ngày hôm nay. Dù sinh sống và làm việc xa quê hương, nhưng ông vẫn luôn hướng về nguồn cội, vẫn thường về quê thăm hỏi họ hàng làng xóm, đóng góp vào các hoạt động trong dòng họ và quê hương.

Trải qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công tác quản lý, dù ở bất cứ cương vị công tác nào – vai trò nhà giáo, nhà khoa học hay nhà quản lý – Giáo sư Trần Đức Thiệp cũng luôn “cháy” hết mình vì sự nghiệp chung. Đối với ông, cuộc sống sẽ thật vô vị, thật không còn ý nghĩa gì nữa nếu không làm việc và cống hiến cho cộng đồng xã hội, cho đất nước. Vì vậy mà không khó khăn nào làm ông nản lòng, không thử thách nào làm ông nhụt chí.

Những đóng góp của ông trong suốt thời gian qua thật đáng trân trọng. Nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, học viên được ông giảng dạy, dìu dắt  không thể quên một người thầy giản dị nhưng đầy trí tuệ với nghề, đầy nhiệt huyết với nghiệp; luôn đem hết tài và tâm của mình để cống hiến cho sự nghiệp chung.

Nguyễn Giáp

Nguồn: www.vietnamhoinhap.vn/