Năm nay cũng vậy, hôm ấy bà Nguyễn Thị Mai (vợ của PGS Trần Mạnh Chí) lại dậy sớm đi chợ và bà mua nhiều thứ hơn thường ngày: một chút hoa quả để chồng thắp hương cho đồng đội đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; và chọn những thực phẩm tươi để nấu mâm cơm thật tươm tất đón khách. Gần trưa, trong gian nhà nhỏ của ông bà đã rộn ràng tiếng nói cười, xen lẫn niềm xúc động. Khách mời vẫn giữ thái độ kính trọng với chủ nhà – thủ trưởng cũ, nhưng lại rất thân tình, cởi mở bởi họ là những người bạn, đồng đội, là anh chị em từng gắn bó máu thịt. Tất cả đều vui vẻ, hồ hởi và thấy mình như trẻ lại, và hơn ai hết, PGS Trần Mạnh Chí rất xúc động khi đã rất nhiều năm trôi qua, ông vẫn được các đồng đội cũ dành tình cảm yêu mến, được cùng họ ôn lại những tháng năm gian khổ nhưng thật hào hùng.
Niềm vui, sự xúc động khi gặp lại đồng đội, theo đó là cả miền ký ức, đã được PGS Trần Mạnh Chí mở lòng chia sẻ với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Trên tay PGS.TS Trần Mạnh Chí là bức ảnh ông cùng vợ bên mộ đồng đội
Năm 1968, khi BS Trần Mạnh Chí đang là quyền chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh, Viện Quân y 103 thì nhận được lệnh điều động đi chiến trường miền Nam (đi B) trong 1 năm. Đó là những ngày thu tháng 8. Đi là đi thôi, mãi đến đầu năm 1969, BS Trần Mạnh Chí vẫn chưa biết chính xác nơi mình đến nhận nhiệm vụ, nên khá sốt ruột.
Vào tháng 2-1969, BS Trần Mạnh Chí chính thức được tăng cường về Sư đoàn 471, Đoàn 559, làm Đội trưởng đội điều trị số 35 đóng quân bên bờ sông Bạc, thuộc tỉnh Sekong, Lào – khu vực ngã ba Đông Dương. Nơi đây thường xuyên bị máy bay Mỹ bắn phá nên số chiến sĩ bị thương và hy sinh khá nhiều. Ông nhanh chóng hòa cùng đồng đội, thực hiện nhiệm vụ cứu chữa cho thương bệnh binh. Ông phụ trách mổ tất cả các ca cần phẫu thuật, đặc biệt là vết thương sọ não và cột sống. Đồng thời, Đội còn điều trị các bệnh thông thường như đau bụng, sốt rét, cảm mạo… Ông Trần Mạnh Chí là bác sĩ ngoại khoa nên phải tự nghiên cứu và học hỏi thêm về nội khoa.
Đội điều trị 35 có hơn 50 người, chủ yếu là nữ, với 3 bác sĩ, còn lại là y tá, y sĩ, dược sĩ, cấp dưỡng. Bác sĩ Trần Mạnh Chí được hai y sĩ thường xuyên bên cạnh phụ giúp mọi công việc là Phạm Văn Nôm và Nguyễn Văn Chắt. Hai y sĩ này có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình ông công tác ở đây, đến nay khi nhớ lại ông khiêm tốn chia sẻ: Không có hai anh ấy thì tôi cũng chả làm được gì[1].
Đội điều trị thường được bố trí đóng quân sâu trong rừng, hầm trại làm bệnh viện dã chiến do bộ đội công binh phối hợp xây dựng. Hầm đào sâu xuống lòng đất, trên có mái che, nghiêng ra phía bờ sông, suối để đảm bảo thoát nước tốt khi trời mưa, nhất là trong mùa mưa. Hầm trại có cửa ra vào ở phía trước, lối thoát hiểm phía sau, quanh tường bên trong được nẹp gỗ, trong hầm được trang bị giường bệnh, bàn ghế bằng tre… và còn đào nhiều hầm chữ A, hầm hàm ếch để trú ẩn khi bị ném bom. Mặc dù vậy, nếu bị trúng bom sập hầm thì khó có cơ hội sống sót, thậm chí không tìm được xác. Hầm mổ thì rộng hơn, được che kín tránh ánh sáng lọt ra ngoài, xung quanh ghim vải để đất không rơi xuống; phải luôn có đủ đèn, nguồn nước, bếp hấp dụng cụ, hệ thống thoát nước thật tốt… để sẵn sàng mổ bất cứ lúc nào. Nhiều hôm, bom ném gần làm đèn trong hầm mổ bị tắt, BS Trần Mạnh Chí phải lấy chiếc đèn pin mà ông mang theo từ Hà Nội để các y tá thay nhau soi cho ông mổ. Các y bác sĩ còn tham gia đào hầm, dựng lán trại, đặc biệt luôn phải có sẵn hầm trống để đón thương binh. Với ông và các cán bộ của đội, việc tham gia lao động làm nhà, làm hầm trở thành một chức năng vô cùng quan trọng không kém công tác chuyên môn. Ngoài việc đón nhận thương binh về trại cứu chữa, Đội điều trị còn có nhiệm vụ đi đến các đơn vị ở xa trợ giúp khám chữa bệnh. Do vậy, họ phải thành thạo các kĩ năng đi đường rừng, trong người luôn có sẵn hộp mắm kem[2] để dọc đường đi có thể nấu ăn khi hái được măng rừng, lấy được gạo ở các kho dự trữ của quân đội[3].
Toàn bộ nhu yếu phẩm, lương thực Đội đều được đáp ứng tương đối đầy đủ nhờ các chuyến ô tô từ Bắc đưa vào. Phó giáo sư Trần Mạnh Chí cho biết: “Thức ăn, gạo không thiếu, đàng hoàng hơn nhiều so với trong kháng chiến chống Pháp. Tôi cũng trực tiếp tham gia vác gạo với anh em, nên mọi người rất quý mến. Bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, chứng kiến sự mong manh giữa cái chết với sự sống, sáng có thể cùng ngồi ăn cơm, chiều đã hy sinh, nên tôi rất xót anh em. Mỗi lần nghĩ lại thấy rất thương”[4]. Không ỷ vào số nhu yếu phẩm được cấp, đội luôn ý thức phải tiết kiệm tối đa và còn tự túc sản xuất, phòng khi không nhận được tiếp tế. Mọi người tìm cách trồng ngô, sắn và rau ven sườn núi, những nơi mà máy bay Mỹ không thể phát hiện. Rồi họ thay nhau đi hái rau rừng như rau tàu bay, môn thục, măng vầu, măng nứa… Mỗi lần máy bay Mỹ ném bom khu vực này, bom rơi xuống sông Bạc, cá chết nổi lên mặt nước, anh em trong đội lại cùng nhau đi vớt cá. Thỉnh thoảng, cả đội lại được cải thiện bằng bữa thịt thú rừng săn được như voi, vượn, bò tót… Theo PGS Trần Mạnh Chí, thời đó nếu không có thịt voi thì bộ đội Trường Sơn bị đói. Ngoài ra, Đội điều trị còn nuôi lợn. Có lần, một con trăn khổng lồ đến bắt lợn, nó quấn trọn con lợn rồi trườn đi. Y tá Nôm nhìn thấy bèn đuổi theo, bắn chết con trăn giành lại lợn. Thế là hôm ấy, anh em lại còn được cải thiện bằng cả thịt trăn.
Dù nhu yếu phẩm, lương thực được cung cấp tương đối đầy đủ nhưng, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của đội thì rất thiếu thốn, không có dụng cụ mổ sọ não. Hàng tháng khi đi họp thường kỳ tại các binh trạm, BS Trần Mạnh Chí tranh thủ xin dụng cụ mổ của đội khác. Dần dần đội đã có đủ dụng cụ dùng cho các ca mổ vết thương cơ bản ở chân, tay, cột sống, sọ não và ổ bụng…
Để nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ các đội điều trị, được cấp trên cho phép, BS Trần Mạnh Chí đã tổ chức hai lớp đào tạo, huấn luyện cho 35 bác sĩ. Ông bổ túc cho họ biết xử lý vết thương chuyên khoa, một số kỹ thuật mổ sọ não và cột sống…
Thời kỳ ở chiến trường, có biết bao kỷ niệm theo BS Trần Mạnh Chí đến suốt đời. Một trong số đó là sự việc diễn ra vào tháng 3-1970. Ngày 15-3-1970, BS Trần Mạnh Chí nhận lệnh cùng ba y sĩ Nôm, Chắt và Lưu đi hỗ trợ đội phẫu thuật đường sông vùng Chà Cơi Tây mổ cấp cứu cho thương binh bị vết thương sọ não và cổ. Sau khi mổ, đoàn ở lại một ngày để theo dõi thương binh rồi mới trở về. Dọc đường về, đoàn bị trận bom B52 ở gần suối Hội Môn, cả bốn người trú ẩn trong gầm một tảng đá lớn bên bờ suối ngồi chờ hết ba đợt bom và may mắn cả bốn đều sống sót. Trên đường về đơn vị, BS Trần Mạnh Chí bị sốt, anh em phải dìu đi, 7h tối ngày 20-3-1970 thì về đến đơn vị. Vào 23h45’ đêm hôm đó, máy bay B52 ném bom trúng doanh trại. Bác sĩ Trần Mạnh Chí đang ngủ trong hầm chỉ huy thì mặt đất rung chuyển, hầm sập một góc, chiếc đài để trên bàn nứa cạnh giường văng vào sườn khiến ông bừng tỉnh. Tiếng bom nổ, tiếng anh em gọi nhau chạy nhanh ra hầm chữ A… Các nữ y tá chạy đến trú vào hầm chỉ huy. Cô Nhung, cô Đãi và tất cả đồng thanh nói vui “cùng chết với các thủ trưởng ở đợt bom thứ hai thôi”[5]. Đợt bom thứ hai, sức ép của bom đạn làm tất cả những người ngồi trong hầm chỉ huy đều khó thở nhưng không ai bị thương. Sau đó toàn đội dốc sức đào bới các hầm bị sập để tìm thương bệnh binh. May mắn, dù hầm mổ bị sập nhưng vẫn còn diện tích để mổ, đội phải dùng đèn pin soi mổ ngay trong đêm… Sáng hôm sau, mặt ai cũng đầy khói bụi, cát, máu thấm đầy mắt và tức ngực, dù rất mệt nhưng ai cũng tự nhủ rằng phải cố gắng nhanh chóng khắc phục hậu quả của trận bom, cứu chữa thương binh, chôn cất 17 thương bệnh binh hy sinh, xây dựng lại cơ sở… Khi thu nhặt ba lô, đồ dùng còn lại của đồng đội đã hy sinh để gửi ra Bắc cho gia đình, mọi người không cầm được nước mắt khi đọc những bức thư còn đang viết dở… Những thông tin tìm được ở chiến sĩ đã hy sinh, như tên tuổi, quê quán, ngày mất được viết lại, cho vào lọ thuốc peniciline chôn theo thi thể đã được bọc bằng tấm nilon, nhiều trường hợp được cho vào hòm đan bằng nứa khi chôn cất.
Nhiều đêm, BS Trần Mạnh Chí cùng y sĩ Chắt đi kiểm tra doanh trại. Một đêm hai người thấy y tá Nhung và y tá Đãi đang luôn tay ném đá vào đêm tối, thì ra đó là cách hai y tá canh giữ những thi thể của đồng đội chưa kịp chôn cất, sợ bị thú rừng kéo đi mất. Chiến tranh ác liệt, sự mất mát hy sinh đã để lại trong lòng họ sự ám ảnh khó quên.
Mùa mưa Trường Sơn cũng để lại sự ám ảnh lớn không chỉ với Đội Điều trị 35 mà cả với những ai từng sống ở Trường Sơn. Có thời điểm số thương binh giảm nhưng số ca sốt rét ác tính lại tăng, nhiều ca nguy kịch, nhiều người tử vong. Vì vậy, theo PGS Trần Mạnh Chí việc cấp cứu sốt rét ác tính nổi lên hàng đầu, nó như là một thứ bệnh dịch. Đội điều trị 35 tiếp nhận nhiều ca sốt rét ác tính là học sinh, sinh viên, giáo viên mới nhập ngũ, sau vài tháng huấn luyện, họ đang trên đường hành quân từ Bắc vào Nam, chưa quen với với khí hậu môi trường, khó khăn, gian khổ nên dễ bị sốt rét. Có trường hợp đưa đến đội điều trị đã bị hôn mê sâu và ra đi mãi mãi. Có khi, việc chữa bệnh chủ yếu bằng tinh thần, bởi thiếu trang thiết bị, thuốc men… Ngậm ngùi xót xa nhìn đồng chí của mình ra đi, cả đội đều day dứt, suy nghĩ làm sao cứu được nhiều nhất các ca sốt rét ác tính nặng. Rồi các buổi họp toàn đội được triệu tập để tìm ra cách làm tốt nhất, xác định tinh thần cứu chữa đến cùng trên cơ sở phát hiện sớm những triệu chứng để kịp xử lý…
Công tác khám chữa bệnh cần có những tìm tòi, nghiên cứu, bản thân là bác sĩ ngoại khoa nên BS Trần Mạnh Chí càng phải thận trọng. Có lần, ông cấp cứu ca sốt rét ác tính thể não rất nguy kịch, những cơn co giật toàn thân dữ dội, ông phân vân là có nên đưa gadenal[6] nhỏ giọt vào tĩnh mạch không? Vì không có máy thở, đặt ra vấn đề nếu bệnh nhân ngừng thở thì phải làm sao? Sau khi suy nghĩ, ông đề nghị y sĩ Lưu chuẩn bị sẵn máy thở bóp tay rồi thử liều nhỏ dần dần cho bệnh nhân, và may mắn cơn co giật của bệnh nhân giảm dần, rồi bình phục. Quá trình thực tế điều trị đã giúp BS Trần Mạnh Chí trưởng thành hơn về nội khoa, nhất là xử lý sốt rét ác tính. Nhưng sốt rét rừng không là ngoại lệ với cán bộ của đội điều trị. Nhiều người bị ốm, một hai ngày lại một cơn sốt rét mà vẫn cố gắng làm việc. Có nữ y tá ốm không muốn ăn, BS Trần Mạnh Chí dọa không ăn thì cho ra tuyến ngoài, họ lại vội ăn thêm được vài miếng cơm. Một số thương binh bị thương nặng, hôn mê, khi tỉnh lại đã hỏi ngay: “Liệu tôi có phải ra tuyến ngoài không? Không, tôi xin ở lại chiến đấu”, tinh thần người chiến sĩ ấy cao đẹp… làm sống lại trong mình bao chuyện về nghị lực và lý tưởng” [7]. Sống với những con người “sợ phải ra Bắc”, BS Trần Mạnh Chí càng thấy cảm phục những con người bình dị, nhưng tinh thần và nghị lực không gì sánh được.
Để đáp ứng thực tế chiến trường và kịp thời cứu chữa thương binh, Đội điều trị 35 phải nhiều lần chuyển địa điểm đóng quân quanh khu vực Khăm Muội, Sê Kông, Pắc Xế… Những lần ấy, BS Trần Mạnh Chí lại cùng anh em đi khảo sát để chọn địa hình phù hợp, như đảm bảo bí mật, gần nguồn nước… Sau đó, toàn đội lại bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng, đào một loạt hầm mới, làm các nhà hầm chứa thương binh. Có trường hợp, lán hầm phải xây dựng ở vị trí xa bờ suối, nên đội phải tìm cách bắc máng dẫn nước về; việc xây dựng sẽ khó khăn hơn, nếu địa hình dốc.
Gần ba năm phục vụ ở chiến trường B, BS Trần Mạnh Chí vẫn được biết thông tin về Viện Quân y 103. Ông cũng được biết, lãnh đạo Viện Quân y 103 đã quyết định cử ông đi Liên Xô học để chuẩn bị cán bộ cho việc xây dựng khoa Phẫu thuật thần kinh sau này. Viện Quân y 103 đã hai lần gửi công văn đến Đoàn 559 đề nghị BS Trần Mạnh Chí ra Bắc để đi học. Trong lòng ông lẫn lộn tâm trạng: vừa nhớ nhung những con người nơi đây, vừa muốn được đi học bồi dưỡng chuyên môn, và cuối cùng, ông đã sẵn sàng cho cuộc hành quân dài ngày trở về Bắc. Thế nhưng do thiếu bác sĩ giỏi nên lãnh đạo đơn vị đã quyết định giữ ông lại. Ngày 30-11-1970, ông chính thức nhận lệnh ở lại chiến trường. Bác sĩ Trần Mạnh Chí lại tự nhủ mình phải nỗ lực hoàn thành tốt mọi việc được giao. Rồi tiếp tục theo chiến dịch, ông cùng đội chuyển địa điểm từ bờ bắc xuống bờ nam sông Bạc. Một thời gian sau lại phải chuyển ngược lại. Mỗi lần như vậy, toàn đội phải xây dựng cơ sở, đồng thời đảm bảo việc cứu chữa cho thương bệnh binh. Đặc biệt là khi trời mưa, mọi việc càng khó khăn, vất vả.
Có lẽ dịp Tết Tân Hợi (1971) với toàn đội là khó khăn nhất, bởi sức khỏe của BS Trần Mạnh Chí cùng các y bác sĩ khác đều sa sút, họ thường xuyên bị virus sốt rét tấn công, cơn sốt hành hạ, cơn mê sảng, những phát tiêm làm chai da… Nhưng họ vẫn động viên nhau vượt qua bởi họ biết, nếu ốm kéo dài, tinh thần con người dễ sa sút, bạc nhược lắm! Các y bác sĩ vừa tự điều trị vừa phải tập trung vào nhiệm vụ chính là cứu chữa, chăm sóc thương binh, đồng thời phải tham gia xây dựng hầm hào, đi hỗ trợ đơn vị bạn, rồi đi vác gạo, câu cá và lấy thuốc. Mùa mưa dường như cũng đến sớm và dài hơn, thuốc thang thiếu, số thương binh tăng nên ai cũng lo lắng. Khu bệnh phải căng phình ra như một bệnh viện nhỏ, có lúc đến trên 100 giường; võng, tăng phải căng tạm thành những khu vực điều trị.
Những lo lắng, việc phòng xa trước đây của đội quả không thừa, tháng 6 năm 1971, nhu yếu phẩm tiếp tế không đến kịp, nguồn dự trữ cạn dần, trời mưa tầm tã, ăn uống kham khổ, món độc nhất là “mắm tôm loãng”. Vì vậy, mọi người phải thay nhau đi hái rau, bắt cua, cá… nhưng cũng cạn dần vì chỉ có một vài khe suối nhỏ, rau thì không kịp mọc. Những ngày này, thương bệnh binh vào đội điều trị đông hơn, trời mưa nên không đủ quần áo để thay. Cả khu rừng nhầy nhụa bùn đất, các khu nhà chật ních… Có người vẫn lạc quan, đỡ sốt lại viết nhật ký, làm thơ, nhưng có người thì bị tâm thần bỏ đi trong đêm, có bệnh nhân thuộc diện “B quay”[8]… Bản thân trải qua và chứng kiến, BS Trần Mạnh Chí càng thêm cảm phục sức chịu đựng ghê gớm của những người thầy thuốc nơi chiến trường.
Đến giữa năm 1971, BS Trần Mạnh Chí có tên trong danh sách được sang Liên Xô học nên Viện Quân y 103 đã gửi công văn lần 3 tới Đoàn 559 đề nghị điều BS Trần Mạnh Chí về Bắc. Ngày 14-7-1971, BS Trần Mạnh Chí nhận được điện báo ra Bắc đi học. Dù đây là tin mà ông mong đợi, thỏa ước mơ được học sâu chuyên ngành mình theo đuổi nhưng ông “thấy trào lên nỗi nhớ, thực tâm mình cũng chưa muốn đi ngay, xa cái gia đình này, nhớ những năm ấm cúng tình cảm này” [9].
Những ngày còn ở lại đơn vị, BS Trần Mạnh Chí như vội vã hơn, ông tiếp tục hoàn thành việc đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, giúp họ chuẩn bị giáo án để giảng dạy cho thế hệ kế cận; hoàn thành khóa bồi dưỡng cho y tá, huấn luyện cấp cứu…
Ngày 3-9-1971, sau khi khám cho bệnh nhân cả hai khu nội, ngoại, BS Trần Mạnh Chí nói lời chia tay các thương binh và đồng nghiệp trước khi trở về Bắc. Hôm ấy là một đêm khó ngủ cùng nước mắt chia tay… Ông chuẩn bị hành lý gồm vài bộ quần áo, nhật ký, cuốn lưu bút, những bức ký họa, chiếc đèn pin, thư của đồng đội nhờ chuyển cho người thân và một ít tiền được anh em góp tặng để phòng thân… Hôm sau, ăn bữa sáng cùng anh em, ông lên đường. Ai cũng bùi ngùi xúc động, thậm chí y tá Nhung khóc nức nở, và BS Trần Mạnh Chí cũng không cầm được nước mắt. Y tá Nhung và Định tiễn ông đến khu nhà nội thì đứng lại nhìn theo. Đi qua chiếc cầu nhỏ, BS Trần Mạnh Chí dừng chân ngắm nhìn cảnh vật và chào tạm biệt mọi người. Y tá Đãi và BS Tài đưa ông ra tới đường giao liên thì chia tay, cô Đãi òa lên khóc không thể nói gì. Đó là buổi chia tay vô cùng cảm động, khiến PGS Trần Mạnh Chí luôn thấy bùi ngùi mỗi khi nhớ lại.
Gần 4 năm ở Đội điều trị 35 đã để lại trong PGS.TS Trần Mạnh Chí nhiều kỷ niệm, trở thành miền quá khứ thiêng liêng mỗi khi nhớ về. Trực tiếp chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến những gian khổ, hi sinh của đồng đội đã thôi thúc ông không ngừng cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để cứu chữa thương bệnh binh trong chiến trường và khắc phục những di chứng còn lại của họ sau cuộc chiến. Ông đã sống và cống hiến thay cho cả những đồng đội đã mãi mãi không trở về.
Lê Thị Hằng
______________
* PGS.TS Trần Mạnh Chí sinh ngày 16-6-1933, chuyên ngành Y học, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y).
[1] Phỏng vấn phỏng vấn PGS.TS Trần Mạnh Chí, 9-5-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Mắm kem là loại mắm được cô lại đặc sệt, đựng trong ống nhỏ, đeo trên người như lựu đạn để ăn dọc đường; ở Trường Sơn măng nứa và vầu đều rất sẵn, có thể tìm thấy bất ở bất cứ đâu.
[3] PGS Trần Mạnh Chí cho biết, thời bấy giờ quân đội Việt Nam thường có những kho gạo đặt ở dọc đường, các cán bộ đội điều trị thường đến đây dùng ống nứa đục lỗ lấy gạo ra thổi cơm ăn.
[4] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Mạnh Chí, 9-5-2017, tài liệu đã dẫn.
[5] Trần Mạnh Chí, bản thảo “Thời gian và kỷ niệm – tranh vẽ và những trang nhật ký “Trường Sơn””, 1968-1972, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Thuốc chống co giật, trị động kinh, cơn co uốn ván, ngộ độc Strychnin, rối loạn giấc ngủ.
[7] Trần Mạnh Chí, bản thảo “Thời gian và kỷ niệm – tranh vẽ và những trang nhật ký “Trường Sơn””, 1968-1972, tài liệu lư trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Bộ đội đi B đào ngũ thường được gọi là B quay.
[9] Trần Mạnh Chí, “Thời gian và kỷ niệm – tranh vẽ và những trang nhật ký “Trường Sơn””, 1968-1972, tài liệu lư trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.