GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến quê ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Năm 1976, ông tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật điện Saint Petersburg – LETI (Liên Xô cũ) và trở về làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội. Từ năm 1984, ông được cử đi học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Viện ĐHBK Quốc gia Grenoble (Cộng hòa Pháp). Đến năm 1988, ông được mời tiếp tục ở lại sau một năm giảng dạy tại một trong những chiếc nôi khoa học của nước Pháp, nhưng đến năm 1990, ông vẫn quyết tâm trở về nước. Ông tâm sự: “Tôi tự nhủ phải trở về. Quyết định này thật khó khăn, nhất là khi tôi đang có công việc khá tốt tại một trường đại học danh tiếng ở Pháp. Tuy nhiên, Tổ quốc và mái ấm hạnh phúc gia đình đã thôi thúc tôi trở về”.
Một kỷ niệm, vừa là niềm vinh dự, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho con đường sự nghiệp sau này của GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến trong những năm tháng học trung học. Khi đó, cứ đến giờ học môn Vật lý, thầy chủ nhiệm Phạm Quang Dũng, cũng là thầy dạy bộ môn này đã tin tưởng “nhờ” cậu học trò Nguyễn Đức Chiến đứng lớp cho các bạn cùng học. Chính những lần “trợ giảng” đó đã khơi gợi niềm đam mê, yêu thích môn Vật lý cũng như nghề giáo trong con người ông.
GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến đã có thâm niên giảng dạy gần 40 năm tại Trường ĐHBK Hà Nội. Trong quãng thời gian ấy, ông đã đứng trên bục giảng, giảng dạy và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Ông tâm niệm: “Đã đứng trên bục giảng thì phải hết lòng thương yêu sinh viên, làm hết trách nhiệm của người thầy, làm tròn bổn phận của người đi trước với thế hệ đi sau”.
Trong thời gian công tác, GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến đã hướng dẫn 12 học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, gần 40 thạc sĩ. Hiện tại, ông đang trực tiếp hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh. Những định hướng trong nghiên cứu khoa học rõ ràng, đặc biệt là cách thức làm việc nhóm luôn được ông đề cao. Nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học được ông hướng dẫn không giấu nổi xúc động trước lòng nhiệt thành, tâm huyết với nghề, thanh cao với đời của ông.
Cùng với công tác giảng dạy, GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến cũng là người rất say mê nghiên cứu khoa học. Ông đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ. Đọc danh mục các đề tài khoa học, dự án mà ông đã thực hiện, tôi thật sự khâm phục sức làm việc bền bỉ, cần mẫn của ông.
Dù tuổi đã cao, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến vẫn say mê giảng dạy.
Khoảng hơn 20 năm về trước, trong lần trở lại Hà Lan, GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến đã tìm gặp các giáo sư, các nhà khoa học Hà Lan xin tài trợ để tiếp tục xây dựng và phát triển các phòng thí nghiệm của Trường ĐHBK Hà Nội. Vào những năm 90, ông đã cùng với một số nhà khoa học như GS Thân Đức Hiền, PGS Nguyễn Xuân Chánh, cố GS Nguyễn Phú Thùy… vận động tài trợ để thành lập một trung tâm về khoa học vật liệu. Và những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của các thầy đã được đền đáp. Năm 1992, Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS) được thành lập với sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan và Việt Nam. Viện đảm nhiệm các chức năng đào tạo sau đại học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học vật liệu (vật liệu điện tử).
Là một nhà giáo lâu năm, tâm huyết với nghề, với đời, mặc dù đã ngoài lục tuần nhưng GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến vẫn say mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Trường ĐHBK Hà Nội, các viện nghiên cứu và các hội chuyên ngành. Bên cạnh đó, ông còn giữ vai trò chủ biên nhiều công trình khoa học, giáo trình, viết nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Ghi nhận quá trình phấn đấu, thành tích, sự cống hiến của GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Đảng, Nhà nước đã phong tặng ông nhiều danh hiệu cao quý… Trong sâu thẳm trái tim mình, điều mà GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Chiến mãn nguyện nhất là đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người.
Bài, ảnh: CẨM LỆ