Kỷ niệm về thầy Hoàng Tụy

Tốt nghiệp trường phổ thông hệ 10 năm Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) năm 1959, Trần Vũ Thiệu thi đỗ và trở thành sinh viên khóa 4, khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959 – 1962). Khi ấy, thầy Hoàng Tụy vừa bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Toán Lý tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, Liên Xô và về nước công tác, trở thành Trưởng bộ môn, rồi Chủ nhiệm khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư Thiệu còn nhớ, ngay từ năm thứ nhất nhà trường đã tổ chức hội thảo khoa học sinh viên, thường diễn ra vào buổi tối, tạo nên không khí học thuật, nghiên cứu khoa học rất sôi nổi trong sinh viên. Thầy Hoàng Tụy khi đó mới hơn 30 tuổi, ông rất hòa đồng trong những buổi sinh hoạt khoa học giao lưu với sinh viên. Năm 1961, Phó tiến sĩ Hoàng Tụy đọc báo và biết tin các nhà toán học Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực vận trù học và lý thuyết tối ưu. Nhờ các tài liệu do ông Tạ Quang Bửu[1] mang về từ Trung Quốc, Phó tiến sĩ Hoàng Tụy bắt tay vào nghiên cứu thực sự theo hướng này. Và sinh viên toán lúc bấy giờ, trong đó có Trần Vũ Thiệu, Nguyễn Quang Thái[2], Đỗ Long Vân[3] (sinh viên năm thứ 2) và một số sinh viên năm thứ 3 bắt đầu được tham gia các xêmina tìm hiểu về mô hình và phương pháp tối ưu. Dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Tụy và thầy Phan Đức Chính[4], sinh viên đọc cuốn sách “Các phương pháp toán trong tổ chức và kế hoạch hóa sản xuất” bằng tiếng Nga[5], sau đó trình bày trong các xêmina. Với vốn tiếng Nga khá ít ỏi vừa được học và kiến thức toán còn hạn chế, Trần Vũ Thiệu bước đầu được làm quen với các sinh hoạt khoa học bổ ích và có định hướng nhất định về chuyên ngành khoa học còn khá mới mẻ: chuyên ngành "vận trù và tối ưu". Chính nhờ những buổi xêmina khoa học này, Trần Vũ Thiệu tiếp thụ được một số kiến thức ngoài bài giảng của các thầy, đồng thời học được phương pháp tư duy khoa học, tác phong tự lập, tự nghiên cứu. Trần Vũ Thiệu đã có các bài viết nghiên cứu đầu tiên gửi đăng tạp chí chuyên ngành toán học, sau 1 2 măm ra trường công tác, trong đó có bài viết "Về một lớp đồ hình phẳng" làm trong xêmina "Đồ hình và quy hoạch" do thầy Hoàng Tụy hướng dẫn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được đăng trên Tập san Toán Lý, số 4, 12-1963.

 

  GS Trần Vũ Thiệu chia sẻ những kỷ niệm về thầy – GS Hoàng Tụy

Trong thời gian học tập tại trường, năm thứ hai (hè 1961), sinh viên khoa Toán được đi thực tập tại các xí nghiệp vận tải ở Hà Nội. Một số sinh viên, trong đó có Trần Vũ Thiệu, Nguyễn Quang Thái dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Tụy, Phan Đức Chính được cử đi thực tế tại xí nghiệp vận tải Long Biên. Sau khi nhận nhiệm vụ, nhóm sinh viên xuống các nhà máy, cơ sở giao thông vận tải để khảo sát. Sau đó, nhóm của Trần Vũ Thiệu được thầy Tụy giao nhiệm vụ vận dụng kiến thức tối ưu (bài toán vận tải và cách giải) đã được học vào công tác điều vận nhằm phát hiện và khắc phục những hiện tượng lãng phí như chạy xe con thoi, chạy xe chồng chéo, chạy xe đường dài không cần thiết, từ đó tính toán để tìm ra những hành trình chạy xe kết hợp để giảm bớt quãng đường xe chạy không tải. GS Nguyễn Quang Thái – một trong những thành viên của nhóm sinh viên năm đó chia sẻ: Chúng tôi đến xí nghiệp ô tô để giúp họ điều xe, tôi được cử vào vai đội phó rồi đội trưởng xí nghiệp ô tô số 2. Họ đồng ý cho chúng tôi làm thử và thấy có hiệu quả. Sang năm thứ hai, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị sinh viên khoa Toán đến huấn luyện cho các xí nghiệp, các thầy giao cho mấy học trò khá “biệt phái” xuống cơ sở để hướng dẫn. Tôi cũng có trong danh sách đó và được Sở cấp giấy khen. Sinh viên nào đi thực tập hướng dẫn được Sở Giao thông vận tải làm tốt sẽ được miễn thi một số môn[6].

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, Trần Vũ Thiệu được phân công về nhóm Nghiên cứu Toán[7], Ủy ban Khoa học Nhà nước làm việc. Ông kể: “Một số sinh viên như anh Nguyễn Quang Thái được học tiếp năm thứ 4, còn tôi và 4 bạn sinh viên toán khác được phân công công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, làm nòng cốt để xây dựng cơ sở cho Viện Liên hợp Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên dự kiến thành lập hồi đó (Viện Hàn lâm Khoa học Việt nam sau này). Tuy nhiên, tôi vẫn được tham dự một số chuyên đề dành cho sinh viên năm thứ 4 của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội., Trong đó có môn phải học và thi riêng, một thầy một trò. Tôi còn nhớ vàobuổi chiều mùa hè năm 1963 ở giảng đường 2, số 7 Hai Bà Trưng Hà Nội, thầy Tụy giảng môn môn "Lý thuyết trò chơi" cho tôi nghe. Vì thế, tôi tiếp tục có điều kiện “thụ hưởng” sự chỉ bảo của thầy Hoàng Tụy, đặc biệt về lĩnh vực vận trù và tối ưu”[8].

Dưới sự chỉ đạo của thầy Hoàng Tụy, một nhóm nghiên cứu tối ưu gồm có Đỗ Long Vân, Phạm Hữu Sách, Phạm Trà Ân và Trần Vũ Thiệu thực hiện nghiên cứu cách cắt tiết kiệm vật liệu thanh tại công trường Khu gang thép Thái Nguyên (1964), vật liệu tấm ở nhà máy Hoa quả hộp xuất khẩu Hà Nội (1965) để tránh gây lãng phí, vứt bỏ nhiều nguyên vật liệu thừa. Báo cáo nghiên cứu của nhóm đã được đăng trên "Tin tức hoạt động khoa học", Ủy ban Khoa học Nhà nước, số 1-1965.

Còn nhớ một kỷ niệm nhỏ trong chuyến đi công tác ở Bắc Giang năm 1965, thầy Hoàng Tụy cùng Trần Vũ Thiệu và Nguyễn Quang Thái đáp tàu từ ga Hàng Cỏ Hà Nội đi phủ Lạng Thương (Bắc Giang), khảo sát thực tế tại Nhà máy phân đạm hóa chất Bắc Giang, ứng dụng phương pháp sơ đồ mạng lưới PERT vào sản xuất. Thời điểm đó thầy Hoàng Tụy chưa có học hàm giáo sư nhưng khi gặp gỡ, giới thiệu họ vẫn giới thiệu thầy là giáo sư, tiến sĩ, giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn hai học trò trẻ tuổi, họ tỏ ra lúng túng vì chưa biết nên giới thiệu với chức danh gì cho phù hợp. Cuối cùng, Trần Vũ Thiệu và Nguyễn Quang Thái được giới thiệu bằng hai từ “giảng sư”. Được Ban giám đốc nhà máy tạo điều kiện thuận lợi, thầy trò ở lại làm việc khoảng một tuần, tìm hiểu tình hình xây dựng nhà máy, ghi chép số liệu cần thiết rồi trở về xử lý tại Hà Nội.

Bên cạnh những chuyến đi thực tế tại các địa phương, trong năm 1963 thầy Hoàng Tụy viết cuốn sách “Đồ thị hữu hạn và ứng dụng trong vận trù học”. Khi bản thảo sách được Thư ký vụ của Ban Toán lý, Ủy ban Khoa học Nhà nước đánh máy trên giấy pơ-luya trắng xong, thầy Tụy đã đưa bản thảo sách cho học trò Trần Vũ Thiệu, lúc đó đang say mê nghiên cứu về lý thuyết đồ thị, đọc và góp ý. Sau đó (vào năm 1964), Trần Vũ Thiệu được thầy Hoàng Tụy giao cho giảng dạy chuyên đề "Lý thuyết đồ thị", cho sinh viên toán khóa 8 của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo nội dung cuốn sách của thầy Tụy vừa viết. Gần đây, nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Toán ứng dụng và Tin học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS.TSKH Lê Hùng Sơn (cán bộ giảng dạy của Viện), nguyên là sinh viên khóa 8, khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã chia sẻ kỷ niệm thời học chuyên đề "Lý thuyết đồ thị" với Trần Vũ Thiệu và còn bình luận rằng:Thuật toán G. Tarry tìm đường đi trong mê lộ và mê cung của lý thuyết đồ thị rất hay và độc đáo.

Đến năm 1967, từ những trải nghiệm nghiên cứu, làm việc thực tế của Trần Vũ Thiệu tại nhà máy hoa quả hộp xuất khẩu Hà Nội và nhà máy gang thép Thái Nguyên thầy Hoàng Tụy gợi ý Trần Vũ Thiệu cùng thầy viết cuốn sách “Vận trù học là gì?”. Cuốn sách được biên soạn với nội dung giới thiệu ứng dụng vận trù học trong bốn lĩnh vực: Giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và quốc phòng ở trong và ngoài nước, được Nhà xuất bản Khoa học in và phát hành năm 1967. Đây là cuốn sách phổ thông được nhiều người sử dụng làm tư liệu tham khảo và ứng dụng vào thực tế. Với Trần Vũ Thiệu, đây cũng là cuốn sách đầu tiên của ông.

Từ sự trao đổi về chuyên môn, những trải nghiệm thực tế cùng thầy Hoàng Tụy, sự hướng dẫn tận tình, sửa chữa chu đáo bản thảo sách giúp học trò, cách hành văn, cách trình bày bảng rất đẹp và khoa học của thầy Tụy đã giúp Trần Vũ Thiệu học tập được nhiều điều hay từ thầy giáo của mình về phương pháp nghiên cứu khoa học, phong cách diễn đạt, cách viết sao cho rõ ý, dễ hiểu Cuốn sách “Vận trù học là gì?” được Nhà xuất bản Khoa học ấn hành năm 1967, sau khi Trần Vũ Thiệu đã đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô (tháng 1-1967). Nhà xuất bản trả tiền nhuận bút cho hai tác giả cuốn sách với tổng số tiền là 300 đồng (giá trị khoảng một cây vàng thời đó). Thầy Hoàng Tụy là người chấp bút chính, nhưng khi nhận được tiền nhuận bút, thầy vẫn chuyển cho gia đình Trần Vũ Thiệu một nửa số tiền đó. Nhớ lại, GS.TS Trần Vũ Thiệu vẫn rất cảm động trước tấm lòng cao cả của thầy Tụy: "Đây là một bài học quí đối với tôi. Sau này khi làm việc chung với bất kỳ ai, nếu có tiền nhuận bút hay thù lao, dù ít hay nhiều, tôi đều xử lý như thầy của mình đã làm. Tôi coi việc làm đó của thầy như một tấm gương mẫu mực trong cách đối xử với bạn bè và đồng nghiệp".

Trong quá trình soạn thảo cuốn sách “Lý thuyết quy hoạch”, thầy Tụy thường đưa nội dung mình nghiên cứu ra giảng dạy và trao đổi với sinh viên, đồng nghiệp. Những trao đổi giữa thầy và trò giúp cho sinh viên có cơ hội làm quen với nghiên cứu khoa học, đồng thời thầy Hoàng Tụy cũng xem xét những ý kiến của sinh viên để phục vụ việc hoàn chỉnh nội dung cuốn sách “Lý thuyết quy hoạch”, được xuất bản năm 1968. Trong sách này thầy Tụy đã trích dẫn một kết quả nghiên cứu của học trò Trần Vũ Thiệu về "Ví dụ xoay vòng trong thuật toán đơn hình" mà mấy năm trước thầy đã sửa giúp học trò dịch sang tiếng Pháp để đăng trên Tập san Toán Lý, số 4, 12-1964.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ngay từ những ngày đầu ra trường, Trần Vũ Thiệu luôn nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình từ thầy Hoàng Tụy. Ở báo Toán học và Tuổi trẻ, thầy Hoàng Tụy hay phục trách các chuyên mục Toán Ứng dụng và Toán giải trí, Trần Vũ Thiệu cũng được tham gia viết bài cho các chuyên mục này; đôi khi còn được giúp thầy xem, sửa và thậm chí trả lời bài viết của các học sinh phổ thông từ các nơi gửi tới tòa báo.Khi thầy Hoàng Tụy đi dự Hội thảo khoa học tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) về có kể lại: trong Hội thảo trưng bày một trò chơi toán học, với tên gọi "Trò chơi Bắc Kinh" để khách tham dự giải trí, và gợi ý Trần Vũ Thiệu viết bài giới thiệu về trò chơi này trên chuyên mục giải trí của báo Toán học và Tuổi trẻ. Trò chơi này đơn giản, khá hấp dẫn và mang nội dung toán học sâu sắc.

Sau này, khi viết các bài báo khoa học gửi đăng trên các tạp chí toán học uy tín trong nước (Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics) và quốc tế (Optimization, Math. Oper, Res) ông đều được thầy Hoàng Tụy nhận xét, sửa chữa, duyệt bài với tư cách Viện trưởng Viện Toán học hoặc thành viên ban biên tập của các tạp chí gửi đăng bài.

Suốt chặng đường hoạt động khoa học của mình, Trần Vũ Thiệu luôn cố gắng noi theo tấm gương say mê nghiên cứu khoa học của GS Hoàng Tụy. Chính sự nỗ lực không ngừng của bản thân và sự giúp đỡ của thầy Hoàng Tụy, ông đã gặt hái được những thành công nhất định và để lại dấu ấn trong ngành toán học Việt Nam, trong đó phải kể đến những cuốn sách chuyên ngành "vận trù học và tối ưu" mà ông đã viết chung cùng đồng nghiệp như: "Vận trù học là gì?", 1967 (viết cùng với thầy Hoàng Tụy); “Tìm hiểu về vận trù học”, 1976 (viết cùng với Nguyễn Quang Thái); “Thuật toán và chương trình máy tính trong kinh tế”, 1987 (viết cùng với Bùi Thế Tâm và Nguyễn Văn Thiều); “Các phương pháp tối ưu hoá”, 1998 (viết cùng với Bùi Thế Tâm); “Giáo trình tối ưu tuyến tính”, 2004; “Giáo trình tối ưu phi tuyến”, 2011 (viết cùng với Nguyễn Thị Thu Thủy).

Giáo sư Trần Vũ Thiệu chia sẻ: “GS Hoàng Tụy, người thầy đáng kính, đã có ảnh hưởng lớn đến con đường nghiên cứu khoa học của tôi. Ông là người đã định hướng và tạo những điều kiện tốt để tôi có thể học tập và hoạt động khoa học một cách thuận lợi nhất”[9].

Nguyễn Thị Hiên – Giang Thị Nhung

[1] GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Năm 1961, ông có chuyến công tác Trung Quốc và ông Hoàng Tụy đã nhờ mua một số tài liệu liên quan đến lĩnh vực tối ưu.

[2] Sau này là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

[3] Sau này là Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam liên tục hai nhiệm kỳ.

[4] PGS Phan Đức Chính, khoa Toán- Cơ- Tin học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

[5] Cuốn sách của tác giả VS L.V..Kantorovich do Đại học Tổng hợp Leningrat, Liên Xô.xuất bản năm 1939.

[6] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Quang Thái ngày 6-1-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Từ năm 1960 1966, nhóm Nghiên cứu Toán sinh hoạt chung trong tổ Toán- Cơ- Lý-Máy tính, trực thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước. Đến năm 1967, nhóm Nghiên cứu Toán được tách thành bộ phận độc lập, gọi là phòng Nghiên cứu Toán. Đến năm 1969, Viện Toán học được thành lập trên cơ sở phòng Nghiên cứu Toán.

[8][9]Phỏng vấn GS.TS Trần Vũ Thiệu ngày 5-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.