Là viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, GS-TS Hoàng Quang Thuận đồng thời được bầu vào Hội đồng Giáo sư Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) và Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm Khoa học sáng tạo Thế giới (WCSA) – một viện gồm có 28 quốc gia thành viên, trong đó có cả những cường quốc về khoa học công nghệ như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận Bằng Viện sĩ của viện WCSA… Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông, mà của cả giới khoa học nước nhà.
Sáng tạo riêng – tự hào chung
Ngay từ khi mới 25 tuổi (1978) kỹ sư trẻ Hoàng Quang Thuận đã chế tạo thành công Thiết bị máy điện xung QT-2 dùng trong châm tê và điều trị bệnh tại các bệnh viện. Hồi ấy, với công trình khoa học đầu tay này, ông đã được nhận Giải thưởng cao nhất của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và được Nhà nước cấp bằng sáng chế. Ông còn được trao Huy hiệu 10 năm sau giải phóng do có những đóng góp tích cực về khoa học cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thời kỳ đó.
Quả thật cũng ít người có được những thành công và thành quả sớm như GS Hoàng Quang Thuận như vậy. Sự thông minh, trí sáng tạo cùng lòng đam mê đã tạo nên ở ông những giai điệu đẹp của bản hòa ca khoa học. Cho nên rất đáng trân trọng, nhưng cũng không ngạc nhiên khi ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm ông mới 33 tuổi (1986) với Đề tài: “Dòng điện hiệu ứng sinh học trên cơ thể sống”. Qua đó, ông đã thiết lập nên sơ đồ các vùng điện cực sinh học trên cơ thể người.
Với tư duy khoa học gắn với thực tiễn, những nghiên cứu và sáng tạo khoa học của GS Hoàng Quang Thuận đều phát huy tác dụng và hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. Tiêu biểu nhất là Thiết bị Định hướng miền (máy điện xung QT-2) dùng cho y học của ông đã được Hoa Kỳ và Philippis đưa vào ứng dụng trong điều trị bệnh đạt kết quả tốt. Qua công trình này, ông được Đại học Y khoa Laze Hoa Kỳ phong Giáo sư danh dự và được Quốc Hội Philippines trao thưởng.
GS-TS Hoàng Quang Thuận cũng là người Việt Nam đầu tiên sở hữu Kỷ lục Thế giới về giá trị nội dung do Đại học Kỷ lục Thế giới xác nhận. Trước đó, ông đã là thành viên Hội đồng Sáng lập Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Kỷ lục gia Việt Nam, Kỷ lục gia Châu Á. Liệt kê ra thì đơn giản như vậy. Nhưng tất cả những thành công, những danh hiệu và vị thế danh giá ấy đều được kết tinh từ biết bao công sức, mồ hôi, chất xám mà GS-VS Hoàng Quang Thuận đã đổ ra không kể đến thời gian và sức lực…
Khái quát mấy nét như vậy để thấy rằng, chất khoa học trong con người GS Hoàng Quang Thuận từ lâu đã là một phẩm chất đáng quý ở ông. Nếu không yêu nghề, không mến nghiệp, không giàu trí tuệ thì làm sao ông có được thành quả và sự ghi nhận của cộng đồng như vậy.
Trân quý một Người Thơ
Tôi cũng thật tâm đắc với câu nói của ai đó về GS-TS Hoàng Quang Thuận: Ở ông có sự hài hòa 3 trong 1: Nhà khoa học, nhà thơ và Kẻ hành hương tạo phúc.
Nhà Khoa học thì rõ rồi, như đã khái quát vài nét chính ở phần trên. Nhưng, tài năng của ông, lạ thay không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, mà cả trong lĩnh vực văn hóa, văn chương – một khu vườn hoàn toàn khác biệt so với “khu vườn khoa học tự nhiên”. Không chỉ làm thơ, mà ông đã thể hiện là một Nhà thơ có tầm. Và, một con người như vậy không thể không có một tâm hồn…thi sĩ.
Song, làm thơ với ông không phải là một sự chủ định giống như một nhà thơ chuyên nghiệp. Ông yêu cái đẹp, trân trọng cái thiện, dễ rung động với những sắc màu đa dạng của cuộc sống. Vì thế mà ông đến với thơ và làm thơ. Tự nhiên và hào hứng. Sâu lắng và thiết tha. Những câu chuyện thực (đời nay) và hư (của thế giới người xưa) mà ông chứng kiến, tiếp cận và trải nghiệm, nhờ đi qua cảm xúc của tâm hồn thi sĩ mà thành Thơ, rồi có được những tập Thơ để đời.
Ở góc nhìn khoa học, mọi người biết đến GS-VS Hoàng Quang Thuận thực sự là một nhà khoa học tài năng. Nhưng, đến với ba tập thơ của ông, người ta cũng lại nghĩ rằng, ông là một nhà thơ đích thực. Đó là sự đa tài, là một trí tuệ mẫn tiệp, là con người của sự sáng tạo. Những bài thơ (mà phần nhiều là tứ tuyệt) của ông đúng là sự chắt lọc trong diễn đạt tình cảm và suy nghĩ của mình, nhưng lại bằng những con chữ bình dị, mộc mạc và trong sáng.
Ông làm thơ cho mình, nhưng cũng là cho đời. Thi Vân Yên tử (1997), Ngọa Vân Yên tử (2002) và Hoa Lư Thi tập (2010) là ba tập thơ làm nên tên tuổi của ông với tư cách là một Nhà thơ. Về sau (2010), ông cho gộp 2 tập Thi Vân Yên Tử và Ngọa Vân Yên Tử thành một tập gồm 143 bài thơ lấy tên chung là Thi Vân Yên Tử.
Đặc biệt trong đó, vào đúng dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), thập thơ Hoa Lư Thi tập (gồm 121 bài thơ về Cố đô Hoa Lư) của ông đã được làm thành cuốn sách độc bản Hoa Lư Thi tập, với trọng lượng 54 kg, kích cỡ 109cm x 70cm x 10cm, dày 270 trang. Bìa sách độc bản được làm bằng gỗ gõ đỏ. Sách đã xác lập Kỷ lục Việt Nam ở thời điểm đó và đã được trao tặng Bảo tàng Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội.
Đặc biệt, ngày 5 tháng 5 năm 2016, tại Di tích hoàng Thành Thăng Long, Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings, đã tổ chức Lễ trao bằng Kỷ lục Thế giới cho cuốn sách độc bản “Sử thi Hoa Lư thi tập” này cho đại diện UBND thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi Lễ, ngài Thomas Richard William – Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Kỷ lục Thế giới cho rằng: “ Cuốn sách là vật lưu trữ quốc gia cho các thế hệ người Việt Nam sau này, đồng thời góp phần quảng bá nét văn hóa của người Việt Nam ra thế giới”.
Những sự kiện như vậy đủ cho thấy giá trị thực những tập thơ của tác giả Hoàng Quang Thuận. Giá trị ấy chỉ có thể được làm nên bằng tấm lòng, bằng cảm xúc chân thành, sâu lắng, chứ không thể bằng sự gượng ép mà có được.
Không dừng ở đó, năm 2011, tập thơ Thi Vân Yên tử của ông cũng được thực hiện dưới dạng sách độc bản và được viết bằng thư pháp, có ảnh minh họa. Sách nặng 120 kg, khích thước 125cm x 80cm x 16cm, dày 300 trang, bìa bằng gỗ gụ. Cuốn sách cũng được xác lập Kỷ lục Việt Nam, Kỷ lục Châu Á, Kỷ lục giá trị nội dung của Đại học Kỷ lục Thế giới và đã được trao tặng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử…
Tất cả đã làm nên một Người Thơ Hoàng Quang Thuận, chứ không phải chỉ là “nhà khoa học làm thơ, người vô tình của khách văn chương” như ông khiêm nhường tự bạch. Cái hay của thơ Hoàng Quang Thuận không chỉ ở bề nổi mà chủ yếu ở chiều sâu: Giàu tính triết lý, đậm chất thiền, gần gũi với cảm thức văn hóa tâm linh, nhưng vẫn không xa rời thực tế. Vì thế nên thơ của ông đã đạt kỷ lục về số lượng in, về khổ sách, về mức độ phổ cập và số lượng các bài viết, bài “bình” trong suốt một thời gian dài.
Trở lại với Thơ Hoàng Quang Thuận, ba tập thơ của ông tuy khác nhau, nhưng đều là sự trải lòng sâu lắng với quá khứ, với các bậc tiền nhân (đặc biệt là tấm lòng và sự kính quý của ông đối với Vua Trần Nhân Tông – người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên tử từ cách đây hơn 700 năm về trước) để qua xúc cảm đó của thơ mà góp phần vun đắp chân – thiện – mỹ cho cuộc đời này. Đúng như ông chia sẻ về mấy tập thơ của mình: “Tôi nghĩ tác phẩm này nhắc nhở chúng ta rằng, đất nước ta có truyền thống hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn năm. Chúng ta không thể nào quên được, trong mỗi dòng máu của người dân Việt Nam đã có lòng yêu nước và nhắc nhở chúng ta phải bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc không phải hôm nay mà từ ngàn xưa của cha ông để lại…”.
Với con người “3 trong 1” Hoàng Quang Thuận, sẽ là không đúng chút nào khi nói rằng, viết vài trang báo về ông đã là đủ. Cái chính ở bài viết ngắn này không gì khác hơn là thể hiện sự trân trọng, quý mến, ngưỡng mộ…đối với ông – một con người hòa quyện cả Khoa học và Thơ.
Đặng Đình Chấn
Nguồn:giaoducthoidai.vn/van-hoa/gsts-hoang-quang-thuan-nha-khoa-hoc-mang-ve-dep-hon-tho-2447837-c.html