GS Phan Huy Lê: Người bị ép học sử trở thành sử gia

Thời chiến tạo… sử gia

Danh tiếng của con người được xếp vào “tứ trụ” huyền thoại của lịch sử Việt Nam đương đại “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” khiến tôi ngạc nhiên về vẻ giản dị, hiền hòa của Giáo sư (GS) – Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê khi được diện kiến ông. Dù vậy, đôi mắt biết cười vừa hóm hỉnh vừa cương nghị luôn sáng ánh lên ở tuổi bát tuần là dấu hiệu không thể lẫn của một nhà trí thức lớn.

Trong căn nhà rộng chưa đầy 50m2 mà quá nửa dành cho sách ở phố Vọng Đức, Hà Nội, GS Lê kể về những ngày đầu bén duyên với sử học bằng giọng trầm ấm của người Hà Tĩnh: “Tốt nghiệp cấp ba, ngành tôi muốn theo đuổi là toán, lý. Thời đó (năm 1952), cả miền Trung chỉ Thanh Hóa có trường dự bị đại học, Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Tôi và vài người bạn đi bộ ra xứ Thanh để tựu trường. Dọc quốc lộ I, máy bay quần thảo ghê gớm nên để tránh bom, chúng tôi phải ngày nghỉ, đêm đi, sau một tuần mới đến nơi thì đã chậm 5 ngày. Giám đốc nhà trường lúc ấy là GS Trần Văn Giàu bắt nhóm ra chậm vào ban văn- sử”.

Tuân thủ quyết định của trường, nhưng chàng sinh viên vẫn ngấm ngầm nuôi dưỡng đam mê bằng những buổi học trộm bên ban toán – lý. “Tôi thường bí mật nghe giảng bên đó cho đến khi bị kiểm điểm mới thôi. Nhưng cũng nhờ bị ép học sử, tôi có cơ hội nghe các GS Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy… giảng. Niềm say mê môn sử đến với tôi từ lúc nào không biết” – GS Lê nhớ lại.

 

Giáo sư Phan Huy Lê.

Có lẽ tư duy của một người mê toán cũng là nhân tố tạo nên thành công của ông trong sử học. Ngay cả tên công trình vừa được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh của ông cũng có dáng dấp cách tiếp cận của toán học: “Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận”.

GS chia sẻ: “Trong tiếp cận bộ phận, nếu chọn được vấn đề cốt lõi thì có thể mở rộng phạm vi, giúp nhìn lại toàn bộ hệ thống và có góc nhìn mới. Tuy tiếp cận bộ phận, nhưng phải chọn lọc trong lịch sử văn hóa Việt Nam những vấn đề cốt lõi nhất. Cách tiếp cận này không chỉ giúp người đọc hiểu được bộ phận mà còn kết nối với các bộ phận còn lại để có nhận thức chung về hệ thống”.

Công trình này chỉ là một hạng mục góp thêm vào lâu đài thành quả nghiên cứu lịch sử của GS Phan Huy Lê, tiếp nối hàng trăm công trình khác trong hơn nửa thế kỷ gắn bó thủy chung với sử học.


Ông lão sành điệu về công nghệ

GS Lê xuất thân từ dòng họ Phan Huy danh giá, là hậu duệ đời thứ chín của nhà ngoại giao Phan Huy Ích, hậu duệ đời thứ mười của nhà bác học Phan Huy Chú. Cụ thân sinh – tiến sỹ Hán học Phan Huy Tùng – có ảnh hưởng rất lớn đối với ông.

Trầm ngâm với mái đầu bạc trắng, GS Lê nhắc tới cha và những người thầy đã nhen lên niềm đam mê suốt đời của ông với sử học: “GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh là những người đầu tiên giúp tôi hiểu trách nhiệm của mình với lịch sử đất nước qua những giờ giảng tâm huyết. Sau khi tốt nghiệp, tôi được vào khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS Anh, được các thầy giao nhiệm vụ viết bài giảng. Dưới ảnh hưởng của họ, tôi nghiên cứu và viết các bộ thông sử, giáo trình, nghiên cứu về lịch sử địa phương, quân sự… Đến bây giờ tôi vẫn thầm cảm ơn các thầy, các bậc tiền bối ngày trước đã vô tình ép tôi đến với môn sử và giúp tôi có được thành công hôm nay” – GS Lê cười hiền.

Trong cuộc sống riêng, nhà sử học danh tiếng không ép con cháu theo ngành mình mà để họ tự do lựa chọn ngành học yêu thích. Hiện có 2 người con và một người cháu của ông theo đuổi sử học. “Tôi không bao giờ ép buộc; nhưng có lẽ do môi trường gia đình, do thường xuyên “thấm” những câu chuyện lịch sử được nghe kể, vô tình con, cháu tôi cũng mê lịch sử lúc nào không biết” – ông nói với ánh mắt hạnh phúc.

Ở tuổi 82, lịch làm việc của ông vẫn dày đặc với những tiết giảng, hội thảo, các nghiên cứu, trao đổi… Nhìn cách ông sử dụng Macbook để cập nhật thông tin trên Internet, viết lách cũng như trả lời email, đủ thấy tinh thần không ngừng tiếp nhận cái mới của người làm khoa học dù ở thế hệ nào.

Hiện một phần thời gian quan trọng của ông được dành cho việc tham gia biên soạn bộ quốc sử – một công trình đồ sộ gồm 25 tập viết về lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 2015 và 5 tập biên niên sự kiện. Việc hoàn thành bộ sách này được kỳ vọng sẽ là một dấu mốc trong lịch sử phát triển của sử học Việt Nam.

 

GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại Lộc Hà, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp đại học (ĐH) năm 1956, ông làm việc tại bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội và trở thành chủ nhiệm bộ môn 2 năm sau đó, ở tuổi 24. Ông là người xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá, sáng lập khoa Đông phương học của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Từ năm 1988 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam.

Ngoài 3 lần được tặng huân chương Lao động, GS Lê còn được tặng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp, giải thưởng quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, giải thưởng Nhà nước (2000), giải thưởng Hồ Chí Minh (2016).