GS-TS Nguyễn Thị Lang: “Tôi là nông dân chính hiệu”

GS-TS Nguyễn Thị Lang hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Đại học Cửu Long (Vĩnh Long).

Nhà khoa học nông dân

GS-TS Nguyễn Thị Lang có nước da ngăm, gương mặt chất phác, cởi mở của người gắn bó với đồng ruộng. Bà không coi mình là nhà khoa học của nhà nông mà tự nhận là nông dân. Với bà, việc tạo ra các giống lúa nông dân đang cần không xuất phát từ sự thông cảm và thấu hiểu của người ngoài cuộc mà từ nhu cầu của chính cộng đồng mà bà tự coi mình là một phần trong đó.

“Tuổi thơ tôi là những buổi đi học về cất vội cặp sách rồi chạy ra đồng giúp ba mẹ làm lúa. Gia đình tôi cũng như bao bà con ở quê, ai cũng nai lưng ra làm mà vẫn cực khổ. Chúng tôi luôn ước có giống lúa tốt, năng suất cao, ngắn ngày để tăng hiệu quả kinh tế” – GS Lang chia sẻ.

Giáo sư – tiến sỹ Nguyễn Thị Lang

Mơ ước đó là động lực thôi thúc cô gái Bến Tre theo ngành sinh học. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM)năm 1979, bà được nhận vào Ban Khoa học kỹ thuật Bến Tre, sau đó chuyển sang làm thư ký Hội đồng khoa học của tỉnh.

Trong những lần đi khảo sát các vùng ngập mặn như huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú của Bến Tre, bà loé lên ý nghĩ làm sao để vẫn tận dụng được lợi thế của vùng ngập mặn, vừa nuôi tôm nhưng vẫn trồng được lúa. “Nhưng lấy lúa chịu mặn ở đâu để trồng? Không còn cách nào khác là phải tự nghiên cứu. Nghĩ vậy, tôi vừa làm quản lý nhà nước về khoa học, vừa tranh thủ thời gian nghiên cứu. Khó khăn rất nhiều bởi nghiên cứu giống lúa chịu mặn là việc chưa ai làm” – GS Lang kể.

10 năm cho “dòng họ” lúa chịu mặn

Đầu những năm 1990, bà Nguyễn Thị Lang về Viện Lúa ĐBSCL, bắt đầu chương trình lai giống từ lúa mùa đến lúa cao sản, lúa ngắn ngày để cải thiện gene và hướng đến việc tạo ra giống lúa cực sớm, năng suất và phẩm chất tốt.

GS-TS Nguyễn Thị Lang sinh năm 1957 tại tỉnh Bến Tre. Bà đã lai tạo thành công 73 giống lúa, trong đó 31 giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là chuẩn quốc gia. Ngoài ra, 106 giống lúa khác do bà lai tạo cũng đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. 43 công trình nghiên cứu của bà đã được ứng dụng cho sản xuất và thương mại hóa.

TS Lang đã được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2011 nhờ thành tích chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, có năng suất, chất lượng cao; giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2016 cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Nhớ lại chuyện cũ, đôi mắt biết cười của GS Lang ánh lên niềm vui: “Một lần, các nhà khoa học của Quỹ Rockefeller (Mỹ) đến thăm viện, lúc đó tầm 5 giờ chiều. Thấy tôi vẫn đang ngồi lựa hạt giống, một cán bộ điều phối quỹ đã thắc mắc rằng sao mọi người đã về hết mà tôi còn ở lại. Tôi đáp là muốn tận dụng thời gian tập trung nghiên cứu cây lúa cho tốt. Vị tiến sỹ hỏi về ước mơ của tôi. Tôi thành thật nói về ước ao được đi nước ngoài, học tiếng Anh cho giỏi và đọc nhiều tài liệu liên quan đến giống lúa, làm sao để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển hiệu quả”.

Sau cuộc trò chuyện, vị tiến sỹ ngoại quốc chủ động xin thông tin liên hệ và sau một tuần, bà Lang nhận được thư mời cùng mẫu hồ sơ đăng ký học chương trình sau tiến sỹ về công nghệ sinh học ở nước ngoài. Bà đã vượt qua phần phỏng vấn của hơn 20 nhà khoa học và chọn Viện Nghiên cứu lúa quốc tế – Philippines (IRRI) để làm nghiên cứu sau tiến sỹ theo kinh phí của Quỹ Rockefeller.

“Khi vừa qua Viện IRRI, tôi xây dựng các nghiên cứu về bệnh khô hạn, rầy nâu, phẩm chất, bạc lá. Đến năm 2000, tôi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Nhật Bản về khoa học nông nghiệp (JIRCAS), hoàn thành công trình xây dựng bản đồ gene mặn. Kết quả là các giống lúa lai tạo khi ở Nhật chịu được nồng độ mặn 0,3% thì về Việt Nam, sống trong môi trường có nồng độ mặn lên tới 0,8% vẫn có thể phát triển tốt” – GS Lang chia sẻ. Từ thành công này, những giống lúa chịu mặn đã lần lượt được bà lai tạo thành công.

“Giống lúa OM4900 gắn với sự nghiệp cuộc đời tôi vì tôi đã mất gần 10 năm để nghiên cứu phát triển nó từ giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười – còn gọi là “lúa ma” – thành giống lúa có khả năng chịu khô hạn, phèn, mặn, kháng rầy nâu. Cơm nấu từ loại lúa này rất thơm và mềm” – GS Lang chia sẻ.

Giống OM4900 đã được xuất khẩu sang Campuchia, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… Theo bà, nó đã được các nhà khoa học nhận định là giống lúa chuẩn mực về khả năng chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt. Từ thành công này, đã có thêm hàng chục giống lúa chịu mặn mang họ “OM” ra đời như OM4498, OM5930, OM4900, OM6073…

Đến nay, GS Lang đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. GS Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam – cho biết: “GS Lang đã cùng tập thể Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo được rất nhiều giống cây trồng mới, chủ yếu là các giống lúa có chất lượng cao và chống chịu tốt điều kiện khắc nghiệt của môi trường; nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là OM4900 – giống lúa có chất lượng gạo ngon, năng suất khá cao, chiếm thị phần lớn trong số các giống lúa tại ĐBSCL.

Giống lúa này đang nằm trong dự án đổi mới công nghệ để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Đây là đóng góp rất ý nghĩa của GS Lang và tập thể các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL vào việc phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng và thân thiện với môi trường”.   

GS-VS Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam:

Tôi biết GS Lang từ những năm 1990, trước là thầy cô ấy, nay là đồng nghiệp. Tôi rất thán phục khả năng làm việc của cô Lang. Tôi còn nhớ năm 1994, khi cô bảo vệ luận án tiến sỹ với đề tài “Nghiên cứu ưu thế lai của một số tính trạng sinh lý và năng suất cây lúa” tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, tôi là lãnh đạo của viện này. Trong hội đồng đánh giá, nhiều thầy không tiếc lời khen về tính khoa học và tính sáng tạo của đề tài luận án.

Từ nền tảng đó, GS Lang không ngừng vươn lên. Cái đáng quý ở cô là tính kiên trì, quyết đoán và luôn sáng tạo, lăn lộn thực tế với nông dân. Cách đây vài tuần, tôi cùng GS Lang đi đánh giá khả năng chống chịu bệnh hại của một số giống lúa do cô tạo ra trong điều kiện vụ mùa miền Bắc. Đây là vấn đề cấp bách vì đa phần các giống lúa năm nay bị bệnh khô vằn, bạc lá và đạo ôn nặng.

Từ thực tế này, chắc chắn GS Lang sẽ hình thành các ý tưởng mới trong chọn tạo giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hy vọng sẽ còn nhiều thành công nữa đến với GS Lang – một nhà khoa học nông nghiệp đích thực.

Ông Nguyễn Trọng Phước – Bộ môn Di truyền chọn giống, Viện Lúa ĐBSCL:

Cô Lang là người nhiệt huyết, tận tâm với công việc. Trong nghiên cứu, cô đeo bám vấn đề đến nơi đến chốn. Nghiên cứu nào chưa thành công, cô luôn làm đi làm lại đến khi nào thành công mới thôi. Ngay cả khi cô giao đề tài cho anh em thí nghiệm, dù thất bại, cô vẫn động viên và tìm hiểu nguyên nhân tại sao thí nghiệm đó thất bại, từ đó làm lại thí nghiệm cho đến khi thành công. Cả trong phòng thí nghiệm và trên đồng ruộng, cô đều miệt mài, mê mải như vậy.

 

Loan Lê
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/