GS.TS Chu Văn Đạt: “nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn”

GS.TS Chu Văn Đạt – Chủ nhiệm bộ môn Xe máy Công binh – Học viện Kỹ thuật Quân sự

Đã là nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì phải làm những gì thực tiễn, thiết thực có ích cho xã hội, luôn phải đặt “Ích nước lợi dân” lên hàng đầu. Dù có khó khăn thế nào thì vẫn phải cố gắng để làm, cố gắng vượt qua, bởi những nghiên cứu của mình nó thể hiện được năng lực và khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật công nghệ trong nước. Đó là lời tâm sự của một nhà khoa học đã gần trọn cuộc đời gắn bó với nghiên cứu khoa học và sự nghiệp giáo dục. Ông chính là GS.TS Chu Văn Đạt, Chủ nhiệm bộ môn Xe máy Công binh – Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Một tuổi thơ lam lũ và nhiều vất vả

GS.TS Chu Văn Đạt sinh ngày 19 tháng 03 năm 1962 tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhà nho: có cụ Chu Văn Nghị đỗ tiến sĩ ở thời Nguyễn, ông nội là Chu Văn Cẩn cũng là nhà nho dạy học, dù ông nội đi dạy, nhưng cha ông là Chu Văn Kế thì lại không được học vì gia đình lúc đó quá khó khăn  nên phải đi làm thuê kiếm từng hạt gạo, củ khoai cơm cháo qua ngày. Thấu hiểu được sự vất vả khi không được ăn học, sau này cha mẹ dành dụm để cho các con được ăn học và hy vọng sẽ khôi phục lại truyền thống nho giáo của gia đình.

Nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm đề tài nghiên cứu thiết kế phao khơi kiểu PMP phục vụ vượt sông

Với suy nghĩ của một đứa trẻ, ông đã hiểu được lòng của cha mẹ, nên những ngày học sinh ông rất chăm chỉ học hành với ước mơ sau này sẽ  trở thành sinh viên của trường Đại học. Những ngày học phổ thông, ông cũng không tránh khỏi những khó khăn trong cuộc sống, một buổi đi học còn một buổi ông cùng với người ta nhận mấy trăm con vịt để chăn. Đêm nào cũng thế, ông cùng anh trai của ông phải ở ngoài cánh đồng để trông vịt, cùng với ánh đèn mờ ảo ông vẫn miệt mài trên từng trang sách. Với sự nỗ lực của bản thân nên dù cuộc sống có khó khăn đến nhường nào ông cũng cố gắng để vượt qua để nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Cái duyên đến với nghiên cứu khoa học

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông đã thi vào Đại học kỹ thuật quân sự (nay là Học viện kỹ thuật quân sự), nhưng cũng là lúc đất nước đang vào thời điểm tổng động viên. Trong thời gian chờ kết quả, ông đã đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiếng liêng của Tổ quốc. Có lẽ, ông sinh ra số phận đã an bài cho ông đến với nghiên cứu khoa học, chứ không phải trở thành một anh lính bộ đội cụ Hồ. Sau một tuần đi đóng quân, ông nhận được cuộc gọi từ Học viện kỹ thuật Quân sự về nhập học, ông thi đạt điểm cao nên được cử sang Liên xô học chuyên ngành kỹ thuật quân sự. Mới ngày đầu được đặt chân đến xứ sở Bạch Dương tươi đẹp, ông đã nghĩ so với các bạn cùng trang lứa thì mình là may mắn khi được đi học ở một nơi mà rất nhiều người mơ ước, bởi thế, ông luôn dặn lòng mình phải cố gắng, chăm chỉ học tập để không phụ lòng mong đợi của bố mẹ.

GS.TS Chu Văn Đạt và đoàn cán bộ nghiên cứu

Khi nói về những kỉ niệm khi còn theo học tại Liên Xô, ông không khỏi nghẹn ngào về một đất nước Nga xinh đẹp và cũng thắm đượm tình người. Và cũng ở nơi đây khởi phát lên niềm đam mê của bản thân, đó cũng là cơ duyên dẫn ông đến với nghiên cứu khoa học. Dưới sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, sự quan tâm của bạn bè và sự cố gắng không ngừng của bản thân ông đã tích lũy được những kiến thức vô cùng quý giá và luôn ấp ủ một ngày không xa sẽ được mang về cống hiến cho nước nhà. Dù là một sinh viên xuất phát từ vùng quê nghèo khó nhưng kiến thức về ba bộ môn: toán, lý, hóa của ông thì lại rất tốt, bởi thế trong những năm học tập tại Nga, ông luôn nhận được sự đánh giá cao từ thầy cô và được bạn bè tin yêu.

Thử nghiệm máy bốc xúc vật liệu sau chế tạo tại hiện trường thi công đường hầm

Năm 1986, ông về nước với tấm bằng xuất sắc nên được Nhà nước cử về Học viện Kỹ thuật Quân sự tham gia vào công tác đào tạo, và cũng từ đây niềm đam mê nghiên cứu khoa học của ông được chắp cánh để bay cao, bay xa. Coi việc học và rèn luyện bản thân phải luôn gắn liền với quá trình công tác, vì vậy ông tiếp tục theo học Thạc sĩ Cơ học ứng dụng theo chương trình cao học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau hai năm theo học ông đã bảo vệ thành công Luận văn thạc sĩ,  tiếp đó năm 2001, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Ứng dụng mô hình siêu phần tử động lực học trong động lực học hệ đàn hồi phẳng”  Đây là một bước ngoặt trên con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy của ông.

GS.TS Chu Văn Đạt cùng đồng nghiệp trong nước và nước ngoài nghiên cứu khiên đào hầm.

Sau khi được lĩnh hội khoa học kỹ thuật ở Liên Xô, trở về nước ông chủ yếu nghiên cứu những thiết bị, máy móc để phục vụ cho quân đội và cho đời sống của xã hội. Khi nói về động lực giúp ông nghiên cứu về những vấn đề này, ông chia sẻ: “Mọi vấn đề nghiên cứu đặt ra đều phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, phải làm sao để kết quả nghiên cứu của mình đem lại hiệu quả thiết thực. Có lần tôi tham quan  một đơn vị thi công đường hầm  khâu độ nhỏ trong núi thấy họ làm việc vất vả lắm. Hầu hết  các công đoạn thi công đều làm thủ công, những người lính  bịt kín mặt, xúc từng xẻng đất đá chở ra ngoài trong điều kiện yếm khí, bụi bay mịt mù. Chứng kiến những người lính  bụi phủ kín người, mệt mỏi sau mỗi ca  làm việc đã thôi thúc tôi ngày đêm nghiên cứu với mong muốn cơ giới hóa  các công đoạn thi công vất vả, nặng nhọc,  nhằm giảm bớt sức lao động của con người. Thế là chúng tôi bắt đầu nghiên cứu làm ra “thiết bị bốc xúc cho đường hầm, thiết bị khoan cỡ nhỏ,  bộ giàn giáo di động… ” và đến bây giờ một điều may mắn là những gì chúng tôi đã nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu quả thi công, giảm bớt mồ hôi, công sức của người lính. Đó chính là những thành quả, cũng là niềm vui trong nghiên cứu khoa học của tôi.

GS.TS Chu Văn Đạt và GS người Nga đang trao đổi về chương trình đào tạo tiên tiến ngành máy xây dựng.

Dấu ấn trên con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy

Bao nhiêu năm miệt mài với những công trình nghiên cứu và giảng dạy cho đến nay ông đã chủ trì hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 01 đề tài nhánh cấp Nhà nước,  một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở. Tham gia hàng chục đề tài, đề án cấp Ngành, cấp Bộ, cấp Nhà nước (thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng) tất cả đã được nghiệm thu và đánh giá cao và đã nhiều lần được Bộ tặng bằng khen do thành tích nghiên cứu khoa học. Trong  số các đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao mà ông  đã thực hiện có kết quả, ông tâm đắc nhất đề tài  “Thiết kế, chế tạo phao nổi kiểu PMP phục vụ v­ượt sông;  Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy xúc thủy lực bánh xích có dung tích gầu lớn hơn hoặc bằng 0,7m3 … ”. 

Ông đã công bố  52 công trình và bài báo khoa học  trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong số ấy  không thể không kể đến những công trình tiêu biểu như:  Nghiên cứu ảnh h­ưởng của biến dạng cần tới các thông số động lực học của cần trục KC- 4421; Ứng dụng thuật toán tiến hóa vi phân tối ưu hóa các thông số hình học của gầu náy bốc xúc; Nghiên cứu ổn định nổi của tổ hợp phà PMP và cần trục tự hành;  Phương pháp xác định tải lớn nhất tác dụng lên thiết bị công tác máy xúc thuỷ lực theo điều kiện ổn định làm việc; Dynamical models of  working mechanism of hydraulic excavator v.v. Ông còn là tác giả của 7 bộ giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học và của nhiều ý tưởng mới, táo bạo do luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi trong quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Để có được thành quả như ngày nay, ông cũng phải đánh đổi rất nhiều tiền bạc, công sức, bởi trong quá trình nghiên cứu khoa học  không phải lúc nào cũng thuận lợi, thành công. Có những thời điểm  gặp rất nhiều khó khăn, có những lúc thất bại, những lúc như thế ông  lại càng quyết tâm hơn để hoàn thành những ý tưởng mình đang theo đuổi nghiên cứu, bởi với ông, những gì mà ông đã và đang làm thực sự cần thiết cho quân đội và xã hội.

GS Đạt báo cáo dự án sản xuất máy xây dựng phục vụ chương trình nội địa hóa các sản phẩm cơ khí tại Bộ Xây dựng do thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì.

Hiện nay ông là giáo sư đầu tiên của ngành Xe máy Công binh, máy xây dựng nước ta và là một giáo sư trẻ – trách nhiệm công dân của một nhà khoa học như ông lại càng lớn hơn rất nhiều. Hết mình trong nghiên cứu GS.TS Chu Văn Đạt còn chú trọng công tác đào tạo và giảng dạy. Các bài giảng của ông truyền cảm hứng cho sinh viên lòng yêu nghề, yêu khoa học, tinh thần thái độ nghiêm túc trong học tập, tự tin vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Dường như, khi đứng trên bục giảng, được truyền đạt niềm đam mê và kiến thức cho các thế hệ sinh viên, học viên với ông là một niềm vui lớn lao.

Một người thầy chuẩn mực, được nhiều học trò yêu quý

Trong suốt chặng đường 30 năm qua, GS.TS Chu Văn Đạt đã làm tròn vai trò, nhiệm vụ của một người thầy, một nhà nghiên cứu khoa học. Ông đã hướng dẫn rất nhiều học viên bảo vệ  thành công luận văn thạc sĩ,  luận án tiến sĩ. Hiện nay, nhiều sinh viên, học viên một thời ông dìu dắt đã trưởng thành và đang làm ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp… Một số khác trở thành cán bộ cao cấp đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương.  Có những học trò của ông nay đã là hiệu phó trường đại học, tiếp nối sự nghiệp người thầy cao quý. Không chỉ  được các thế hệ học trò kính trọng và yêu quý mà ông còn nhận được nhiều  được các bạn đồng nghiệp quý mến và đánh giá cao. Trong cuộc đời của mình GS.TS Chu Văn Đạt được Nhà nước Việt Nam ghi nhận công lao đóng góp của ông cho sự nghiệp chung của đất nước bằng nhiều tấm bằng, huân huy chương và đặc biệt là mới đây nhất, ông vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Lễ trao quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Nhìn lại cả chặng đường mà GS.TS Chu Văn Đạt đã đi qua, ông đã cống hiến rất nhiều giá trị to lớn cho cho ngành khoa học nước nhà, cho nền giáo dục cùng với sự phát triển kinh tế chung của đất nước.  Có lẽ điều với ông, niềm mong muốn lớn nhất là vẫn sẽ làm nghiên cứu khoa học để tạo ta nhiều thiết bị hơn nữa  giúp người lao động bớt đi một phần khó khăn, đưa đất nước ngày có một bước tiến mới về khoa học kỹ thuật.

Những bằng khen, huân chương mà GS.TS Chu Văn Đạt được trao thưởng :

– Huân chương chiến công hạng nhất.

– Huy chương Quân kỳ quyết thắng.

– Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ.

– 3 Bằng khen Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khoa học Công nghệ góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

– Bằng khen của Bộ vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

– Kỷ niệm chương HVKTQS; nhiều bằng khen  do có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học , tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và phong trào TĐQT của Học viện KTQS.

– Giấy chứng nhận hướng dẫn học viên đạt giải “Sinh viên NCKH”.

– Danh hiệu Giáo viên dạy giỏi.

– Danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc Phòng.

 

Nienlich.vn

Nguồn: nienlich.vn/tin-tuc/nha-khoa-hoc/gs-ts-chu-van-dat-nghien-cuu-khoa-hoc-phai-xuat-phat-tu-nhu-cau-thuc-tien