PGS.TS.BS. Lê Tiến Dũng: Người thầy thuốc nhân hậu, đam mê nghiên cứu khoa học

BS. Lê Tiến Dũng thăm khám bệnh nhân

Nâng cao kiến thức chính là con đường tốt nhất để người bác sĩ đem lại hiệu quả điều trị cao nhất

Năm 1980, BS. Dũng thi vào Trường đại học y dược TP.HCM, đoạt á khoa. Càng học càng thích, càng thực hành càng đam mê. Sáu năm ở trường trôi qua nhanh chóng, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa và tiếp tục thi đậu bác sĩ nội trú của Trường đại học y dược TP.HCM. Những đêm trực với những ca bệnh đặc biệt, những tập hồ sơ dày cộm cùng sự hướng dẫn tận tình của thế hệ đàn anh đi trước càng khiến ông thêm tin vào những gì mình đã lựa chọn.

Nói về thành quả hôm nay, PGS.TS.BS. Lê Tiến Dũng bộc bạch: “Tận mắt chứng kiến niềm vui lẫn nước mắt của người bệnh và người nhà người bệnh, tôi đã tự hứa với bản thân rằng, nâng cao kiến thức chính là con đường tốt nhất để người bác sĩ có thể chữa bệnh và đem lại hiệu quả điều trị cao nhất”. Lòng yêu người, yêu nghề đã thôi thúc ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công tiến sĩ y học với đề tài luận án “Ðánh giá giá trị chụp cắt lớp điện toán trong chẩn đoán ung thư phế quản phổi nguyên phát” vào năm 2000.

Ông là người kiệm nói về bản thân, nhiệt tình trong công tác. Ngoài công việc của một bác sĩ điều trị bệnh, ông còn tham gia giảng dạy cho các sinh viên y khoa, bác sĩ của Trường đại học y. Nhiều năm công tác và tích lũy kinh nghiệm tại nhiều bệnh viện lớn trong thành phố, đến năm 2014, ông đảm nhận vai trò trưởng khoa hô hấp Bệnh viện đại học y dược TP.HCM. Bên cạnh đó, ông còn là phó chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM, ủy viên Ban chấp hành Hội hô hấp Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội lao và bệnh phổi TP.HCM, ủy viên Ban chấp hành Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, thành viên Hội nội khoa TP.HCM, thành viên Asian Network for Surveillance of Resistant Pathogens (ANSORP), Hội hô hấp châu Á Thái Bình Dương (APSR), Hội hô hấp châu Âu (ERS) và Hội lồng ngực Hoa Kỳ (ATS). Tháng 10/2016, ông vinh dự được phong hàm Phó Giáo sư – đây không chỉ là niềm vui của bản thân ông, của gia đình, mà còn là vinh dự của toàn thể nhân viên bệnh viện và các hội mà ông tham gia.

Ðam mê nghiên cứu khoa học…

Trong quá trình khám chữa bệnh, ông nhận ra rằng, học vấn là một biển trời bao la, rộng lớn, sự đổi mới trong ngành y không bao giờ kết thúc. Nếu một người bác sĩ chậm tiếp thu những kiến thức mới đồng nghĩa với việc họ đã tụt hậu và không hoàn thành nhiệm vụ với người bệnh của mình. Do đó, ngoài thời gian điều trị cho người bệnh, ông còn đam mê nghiên cứu khoa học – không chỉ giúp ông tìm ra những quy luật, vấn đề mới, cải thiện việc chẩn đoán, điều trị, mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc truyền tải kiến thức mới và đúng cho các thế hệ đi sau.

Gần 30 công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước về ung thư phổi, đặc điểm hình ảnh CT-scan trong chẩn đoán ung thư phổi, đặc điểm giải phẫu bệnh lý trong ung thư phổi, viêm phổi cộng đồng, đặc điểm vi sinh và đề kháng kháng sinh trong viêm phổi cộng đồng, viêm phổi bệnh viện, đặc điểm vi sinh và đề kháng kháng sinh trong viêm phổi bệnh viện, giá trị các thang điểm đánh giá viêm phổi, giá trị các marker trong viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc điểm vi sinh và đề kháng kháng sinh trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen…

Ông tham gia biên soạn nhiều loại sách giáo khoa như “Hướng dẫn thực hành nội khoa bệnh phổi”, “Hướng dẫn xử trí các bệnh nhiễm trùng hô hấp dưới không do lao”, “Hướng dẫn quốc gia xử trí hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. Với kiến thức uyên bác cũng như tinh thần hăng say học hỏi, ông thường xuyên báo cáo tại các hội thảo khoa học trong và ngoài nước như Ðức, Hà Lan, Hoa Kỳ, New Zealand, Thái Lan, Malaysia…

Không chỉ là người bác sĩ khoác áo blouse trắng tận tâm, tận tụy, ông còn là người thầy của chính bản thân mình và nhiều thế hệ học trò trong, ngoài nước; là người hướng dẫn chính cho 5 luận văn thạc sĩ y học, 2 luận án chuyên khoa II và là chủ nhiệm 7 đề tài nghiên cứu khoa học. Với gần 30 công trình nghiên cứu khoa học về ung thư phổi, viêm phổi cộng đồng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… là minh chứng một điều rằng sự cống hiến vì người bệnh, vì nền y học nước nhà của PGS.TS.BS. Lê Tiến Dũng không bao giờ dừng lại.

Khi được hỏi về những suy nghĩ, dự định của bản thân trong lúc đã đạt được đỉnh cao sự nghiệp, ông chỉ mỉm cười và nói rằng: “Mong ước của một người giảng viên, một người bác sĩ là giảm thiểu đau đớn cho người bệnh, luôn được nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh trở về với gia đình, được nhìn thấy thế hệ học trò của mình vững kiến thức, chắc tay nghề và đủ tâm để có thể đem đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi người bệnh”.

 

Theo Hồng Dung (Khoa học phổ thông)

Nguồn: khampha.vn/suc-khoe/pgstsbs-le-tien-dung-nguoi-thay-thuoc-nhan-hau-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-c11a503049.html