Cả đời gắn bó với ngành hậu cần

Là Giám đốc một học viện lớn của Bộ Quốc phòng, được phong quân hàm Thiếu tướng từ năm 2012 nhưng khi chúng tôi đề nghị giới thiệu về ông trên chuyên mục “Người Bắc Giang tiêu biểu”, ông một mực từ chối. Ông nói nhiều về đơn vị, nhà trường, những người đồng chí, đồng đội. Ông là Thiếu tướng, PGS.TS Lưu Văn Miểu (SN 1957) – Giám đốc Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng), người con thôn Sòi, xã Đồng Sơn (huyện Yên Dũng trước kia, nay là TP  Bắc Giang).

Còn đó, một thời tuổi thơ gian khó

Nếu gặp ở đời thường và không giới thiệu chức danh, trông ông hiền từ, giản dị và giống một nhà khoa học hơn là một vị tướng uy nghiêm như xưa nay nhiều người vẫn nghĩ. 

Thiếu tướng Lưu Văn Miểu

Gia đình có 6 anh chị em, lại là con trưởng nên gánh nặng đè lên vai cậu bé Miểu ngày ấy từ rất sớm. Thôn Sòi quê ông nói riêng, xã Đồng Sơn nói chung những năm 70 của thế kỷ trước rất nghèo. Bữa đói bữa no, các em nheo nhóc nên bố mẹ muốn ông nghỉ học ở nhà tập trung làm nông nghiệp phụ giúp gia đình. Ham con chữ, sách vở nhưng lại thương bố mẹ, các em; bỏ học không đành mà bỏ các em đói cũng không được, ông đành dậy từ mờ sáng làm việc nhà rồi nhịn đói, trốn bố mẹ đi bộ gần chục cây số tới Trường cấp III Yên Dũng để theo học.

Học xong, cậu học trò nghèo đó lại nhanh chân về nhà làm ruộng, ra đồng làng chăn trâu cắt cỏ. Vốn thông minh, lại ham học nên suốt những năm học phổ thông, ông luôn nằm trong tốp đầu học sinh xuất sắc của nhà trường. Đất nước chưa nguôi tiếng bom, học xong cấp III, năm 1974, ông nhận liền lúc hai tin vui: một giấy báo nhập học đại học và một giấy báo nhập ngũ. Ông chọn nhập ngũ nhưng lại không thành vì ngày ấy, ông nhỏ thó, chưa đủ chiều cao và cân nặng để vào quân đội. Năn nỉ mãi, ông mới được chấp thuận cho 6 tháng tăng cường thể lực và tháng 2 năm 1975, ông chính thức nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, bắt đầu cuộc đời quân ngũ từ đó đến nay.

Nhà quản lý – Nhà khoa học

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Lưu Văn Miểu tâm sự: Như có một mối duyên, từ ngày nhập ngũ, là chiến sĩ cho tới nay, khi đã mang quân hàm Thiếu tướng, công việc của ông gắn bó chủ yếu với chuyên ngành hậu cần quân đội. Ngoài các năm đi thực tế cơ sở, thời gian học tập và công tác của ông là ở Học viện Hậu cần. Chính mối duyên và sự am hiểu tường tận công việc cũng như những thuận lợi, khó khăn của nhà trường đã giúp ông vừa có được sự định hướng chiến lược sắc sảo của một nhà quản lý, vừa có được sự cụ thể, sát sao của một người làm khoa học.

Năm 1978, sau khi tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ông được cử đi học tại Học viện Hậu cần. Tốt nghiệp năm 1981, ông được giữ lại trường, làm giảng viên Khoa Chỉ huy Hậu cần. Trưởng thành từ cán bộ giảng viên đến cán bộ quản lý các khoa, phòng; rồi Phó Giám đốc, Giám đốc Học viện, ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí đồng nghiệp trân trọng, quý mến.

Năm 2002, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài: “Bảo đảm hậu cần eBBCG tiến công địch đổ bộ đường không trong tình huống A2”. Năm 2007, ông được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 2011, ông đảm nhận chức vụ Giám đốc Học viện Hậu cần và được phong quân hàm Thiếu tướng một năm sau đó.

Thiếu tướng Lưu Văn Miểu (thứ hai từ phải sang) cùng các tướng lĩnh quê Bắc Giang gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Học viện Hậu cần (ngày 12-4-2015). Ảnh: Thành Nam

Bận rộn với công tác quản lý nhưng ông luôn giành thời gian nghiên cứu khoa học. Đến nay, ông có gần 20 đầu sách, giáo trình, tài liệu hướng dẫn và đề tài khoa học trong lĩnh vực hậu cần quân sự. Ông cũng hướng dẫn hàng chục học viên, sinh viên làm luận văn, luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ, đồ án tốt nghiệp đại học… Ông tâm sự: Trong quân đội, ngành hậu cần có một vị trí quan trọng, vì thế, càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy phong phú và hấp dẫn. Mỗi lĩnh vực hậu cần có một đặc trưng riêng và phải có cách làm cụ thể. Hậu cần phòng ngự địa hình đồng bằng khác với hậu cần phòng ngự trung du, lại càng khác với phòng ngự bờ biển, vùng rừng núi; hậu cần – kỹ thuật nhân dân ở xã, phường, thị trấn khác với tiếp nhận lực lượng dự bị động viên… Gần đây nhất, ông nghiên cứu hai đề tài có tính ứng dụng cao là “Xã hội hóa công tác hậu cần quân đội” và “Công tác hậu cần của các doanh nghiệp thực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng”.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo

Là Giám đốc Học viện Hậu cần – trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính quân sự hàng đầu của Bộ Quốc phòng, với lưu lượng trung bình mỗi năm khoảng 2.500 – 3.000 học viên, ông luôn trăn trở làm thế nào để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Hiện Học viện có 420 cán bộ, giáo viên, trong đó 90% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, 48 GS và PGS; đào tạo các hệ từ trung cấp tới Tiến sĩ 6 chuyên ngành: Chỉ huy tham mưu, quân nhu, vận tải, xăng dầu, doanh trại và tài chính. Ông cho rằng, cái khó nhất của nhà trường là phải đổi mới phương pháp, gắn lý thuyết với thực tế. Muốn vậy, phải đổi mới từ chính cách dạy của thầy và cách học của trò. Thầy có thể gợi mở, nêu vấn đề để trò thảo luận, bàn bạc; thậm chí, cuối khóa, nhà trường lấy ý kiến đánh giá của trò về các thầy.

Từ sự mạnh dạn, đổi mới phương pháp dạy và học nên chất lượng đào tạo của nhà trường ngày được nâng lên, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình học viên không chỉ ở mảng đào tạo quân sự mà cả hệ dân sự. Chính vì vậy, điểm đầu vào của trường luôn ở tốp đầu các trường đại học uy tín trong cả nước.  

Đào tạo, cho “ra lò” hàng vạn cán bộ, nhân viên hậu cần cho toàn quân, ông bảo hạnh phúc lớn nhất của ông không phải là quân hàm nọ, chức vụ kia mà là đi tới đâu, cũng thấy học viên, đồng chí, đồng nghiệp từ cái nôi Học viện Hậu cần phát huy kiến thức được học, phục vụ thiết thực cho quân đội, ấy mới là điều quý giá và hạnh phúc.

Với quê hương, dù xa quê đã hơn 40 năm nhưng trong trái tim ông, quê hương vẫn nghĩa nặng tình sâu và vẫn là nơi ông muốn đi về, muốn… báo cáo mỗi khi có niềm vui, có sự kiện gì mới. Ông cũng thường xuyên giữ mối liên hệ với tỉnh để được chung vui với niềm vui của quê nhà, được chia sẻ thông tin, được góp một phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương. Và không chỉ ông, những người con xa quê đều mong muốn Bắc Giang phát triển hơn nữa, giàu mạnh hơn nữa để được thêm yêu, thêm quý và thêm tự hào về mảnh đất mến thương này.

Thu Hương – Việt Hưng – Quốc Phương
Nguồn: www.baobacgiang.com.vn