Trong mỗi bước đường học tập của mình, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu không bao giờ quên sự dìu dắt của bốn người thầy lớn để ông được thành công như ngày hôm nay. Khi chưa nghỉ hưu, tại phòng làm việc của mình, GS Hiếu luôn treo trên tường hình ảnh của bốn thầy: thầy Hoàng Hỷ, GS.TSKH Đặng Đức Trạch, GS.TSKH Basenhim D.A và GS.TSKH Iaphaev X.P. Năm 2012, GS Hiếu xây nhà thờ họ ở quê thuộc thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, ngoài gian giữa thờ các vị tổ tiên, gian trái ông dành để thờ bốn người thầy, như một sự tri ân của ông tới các thầy. Những chia sẻ của GS Nguyễn Văn Hiếu về những người thầy giúp chúng tôi hiểu hơn tấm lòng “tôn sư trọng đạo” của ông.
Thời gian học lớp 8 trường cấp III Ngô Quyền, Hải Phòng (1957), Nguyễn Văn Hiếu được cậu bạn thân tên là Nguyễn Huỳnh rủ: “Hiếu ơi, chúng mình cùng đi học ngành Y nhé, thích lắm”. Niềm đam mê theo học ngành Y của cậu bé Nguyễn Văn Hiếu bắt nguồn từ đây. Hè năm đó, Nguyễn Văn Hiếu cùng bạn Nguyễn Huỳnh đăng ký với nhà trường xin đi học lớp y tá 3 tháng do Sở Y tế Hải Phòng tổ chức, để về phục vụ học sinh của trường.
Đến năm lớp 9, nhà trường thông báo tuyển học sinh đi học lớp bác sĩ thể dục thể thao ở Trung Quốc. Do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, Nguyễn Văn Hiếu đăng ký học ngay để sớm ra trường công tác kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng Nguyễn Văn Hiếu nhận được lời khuyên của thầy Hoàng Hỷ – Hiệu trưởng trường cấp III Ngô Quyền thời kỳ đó: “Bây giờ em cứ chịu khó ở lại trường học, sang năm sẽ có dịp”. Học gần hết lớp 10 (1960), Nguyễn Văn Hiếu nộp hồ sơ xin thi vào ngành y tại trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Nhưng vì thiếu chỉ tiêu vào ngành sư phạm, nhà trường họp tất cả học sinh bốn lớp 10, yêu cầu cán bộ và đoàn viên thanh niên ghi tên xung phong đi thi ngành sư phạm. Trong cuộc họp đó, có rất nhiều bạn xung phong ghi tên vào sư phạm, trong đó có đoàn viên Nguyễn Văn Hiếu.
Hè năm 1960, Nguyễn Văn Hiếu lên gặp thầy Hoàng Hỷ để xin giấy giới thiệu dự thi ngành sư phạm. Thật bất ngờ, ông nhận được câu trả lời của thầy Hoàng Hỷ: “Em vẫn đi học ngành y. Kết quả học tập lớp 10 của em đạt điểm cao nên em được chọn sang học y tại thành phố Lêningrat, Liên Xô”. Nhờ đó, Nguyễn Văn Hiếu được học đúng theo ngành ông đam mê. “Thầy Hoàng Hỷ đã đưa tôi đi theo con đường phù hợp. Thầy biết được tố chất của học sinh nên đi theo ngành nào để sau này phát huy được năng lực. Năm 1962, bạn Nguyễn Ngọc Thoa (hiện là PGS.TS, Nhà giáo ưu tú) cũng được thầy Hoàng Hỷ bố trí cho đi học ngành y như trường hợp của tôi”[1]– GS Hiếu cho biết.
GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu tại nhà riêng, 2015
Noi gương thầy Hoàng Hỷ, trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành y, GS Hiếu luôn tạo điều kiện giúp đỡ những học trò có tinh thần ham học học hỏi, yêu nghề, say mê nghiên cứu. Trong số những nghiên cứu sinh ông hướng dẫn, có một nghiên cứu sinh nhà nghèo nhưng học rất giỏi. Thương trò, GS Hiếu lấy tiền cá nhân nhờ cô văn thư đưa giúp nói là tiền cơ quan hỗ trợ để đi đóng quyển luận án. “Tôi tích cực đào tạo và tham gia đào tạo thế hệ trẻ cho Hải Phòng và đất nước, đặc biệt chú ý phát hiện và bồi dưỡng những người trẻ có năng lực và tài năng”[2].
Năm 1961, Nguyễn Văn Hiếu sang học tại trường Đại học Y vệ sinh Lêningrat, Liên Xô. Ngay năm học đầu tiên, ông đã thích theo học chuyên khoa dịch tễ. Ông lên gặp chủ nhiệm bộ môn Dịch tễ bấy giờ là GS.TSKH Basenhim D.A để xin vào nhóm nghiên cứu ngoài giờ. Sau khi nghe ông trình bày, thầy nói: “Em nói tiếng Nga tồi lắm, nhưng thầy tin nếu em tích cực, cần cù học thì có thể nói tốt tiếng Nga”. GS.TSKH Basenhim D.A đã cử một tiến sĩ hỗ trợ ông học tiếng Nga. Sau một năm học tiếng, ông đã nói thành thạo tiếng Nga và được thầy nhận vào nhóm nghiên cứu.
“Được tham gia nhóm nghiên cứu, GS.TSKH Basenhim D.A còn giao đề tài cho tôi tìm hiểu nghiên cứu để báo cáo trước hội đồng khoa học của bộ môn, khi tôi đã viết tiếng Nga thành thạo. Năm học thứ 4, GS.TSKH Basenhim D.A giao nhiệm vụ cho tôi phải viết một topic nhỏ về một bệnh truyền nhiễm là viêm gan để hôm sau thầy đi họp ở Viện Hàn lâm Y học. Thầy còn viết giấy giới thiệu cho tôi vào thư viện của Viện Hàn lâm tra cứu thông tin. Chỉ trong vòng một ngày, tôi vào thư viện tìm kiếm tất cả các tài liệu về viêm gan và viết xong bài gửi cho thầy. Sau này tôi mới hiểu, thực chất thầy không cần bài của tôi vì kiến thức thầy đã nắm được. Thầy làm như vậy là để rèn luyện cho tôi chỉ trong một thời gian rất ngắn phải tìm tư liệu mới để làm việc”[3].
Năm 1967, sinh viên Nguyễn Văn Hiếu tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, nhà trường thông báo ông được ở lại làm nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có quy định học xong phải về nước công tác. Trước khi Nguyễn Văn Hiếu về nước, GS.TSKH Basenhim D.A có khuyên ông 4 điều: “Thứ nhất, làm trong phòng thí nghiệm em cần chú trọng phân lập các con vi khuẩn, vi rút để nắm rõ căn nguyên của các bệnh lây truyền. Thứ hai, sau khi nghiên cứu em phải xuống thực địa để nắm rõ căn nguyên của các bệnh dịch để nghiên cứu lâm sàng, đặc điểm dịch tễ và các biện pháp phòng chống dịch. Thứ ba, em phải biết tổng kết viết bài báo khoa học để gửi đăng ở các tạp chí. Thứ tư, em phải tham gia giảng dạy, y tá em cũng phải dạy”. Những lời dặn dò của thầy như kim chỉ nam định hướng cho BS Hiếu trong suốt quá trình công tác khi về nước.
Nhớ lời thầy dạy, các vụ dịch hạch, dịch tả… xảy ra trên địa bàn Hải Phòng, BS Hiếu đều nghiên cứu, tham gia công tác phòng chống dịch và viết tổng kết. Bên cạnh đó, ông tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn học trò làm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Với mong muốn nâng cao hơn nữa trình độ, BS Hiếu lên gặp thầy Đặng Đức Trạch – Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trình bày mong muốn đi học bác sĩ chuyên khoa II. Thầy Trạch khuyên: “Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ra quy định cán bộ tại các trường, các viện nếu có đề tài và kết quả nghiên cứu đã được công bố thì có thể đăng ký làm nghiên cứu sinh đặc cách. Hiếu nên chọn đề tài về dịch tả đã nghiên cứu trước đó để đăng ký viết luận án Phó tiến sĩ”. Từ định hướng của thầy Đặng Đức Trạch, BS Hiếu đã đăng ký làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Y Hà Nội. Nhớ những lời căn dặn của GS.TSKH Basenhim D.A trước đó, BS Hiếu đã viết rất nhiều công trình nghiên cứu, cộng với sự hướng dẫn của thầy Trạch, chỉ trong 6 tháng, BS Hiếu đã viết xong và bảo vệ thành công đề tài luận án Phó tiến sĩ “Đặc điểm dịch tễ học các vụ dịch tả năm 1976, 1980 và 1981 tại Hải Phòng”, năm 1984.
Nhắc đến GS.TSKH Đặng Đức Trạch, GS Hiếu không quên những lần cùng hướng dẫn một nghiên cứu sinh, thầy Trạch để ông là hướng dẫn 1, còn thầy chỉ là hướng dẫn 2. Bấy giờ ông cũng không hiểu ý đồ của thầy, mãi đến khi ông làm hồ sơ phong hàm Phó Giáo sư, Giáo sư mới hiểu là thầy “nhường”, để tạo điều kiện cho trò.
Không chỉ học tập thầy Đặng Đức Trạch trong công tác chuyên môn, GS Hiếu còn học ở thầy tác phong, cung cách làm việc. GS Hiếu kể: “Có lần tôi đến phòng làm việc của thầy tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để trao đổi công việc. Tôi thấy trên bàn thầy có tấm biển nhỏ đề “Xin đừng ngồi lâu. Cảm ơn”. Học tập thầy, khi tôi làm Giám đốc Trung tâm Vệ sinh dịch tễ Hải Phòng, buổi sáng tôi tập trung làm công tác chuyên môn, mọi văn bản tôi ký duyệt vào buổi chiều, không thì sẽ rất mất thời gian”[4].
Bốn người thầy ảnh hưởng lớn tới GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu
Hàng trên: Thầy Hoàng Hỷ (trái), GS.TSKH Basenhim D.A
Hàng dưới: GS.TSKH Đặng Đức Trạch (phải), GS.TSKH Iaphaev X.P (phải)
Xác định tập trung nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, BS Hiếu đã viết nhiều bài bài khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và có những nghiên cứu phát hiện mới. Đặc biệt, trong một lần công nhân của Nhà máy sắt tráng men, nhôm Hải Phòng bị tiêu chảy do thức ăn, BS Hiếu đã cử kỹ thuật viên Lê Thị Lợi xuống lấy mẫu. Qua phân lập, kỹ thuật viên Lê Thị Lợi báo lại với ông không có vi khuẩn, không phải vi trùng tả. Khi được biết bệnh nhân bị tiêu chảy do ăn tôm, BS Hiếu đã nghĩ ngay đến nguyên nhân là do con vi khuẩn ưu mặn có tên khoa học là Vibrio parahaemolyticus. Mẫu xét nghiệm được đưa lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra, xác định đúng là loại vi khuẩn ưu mặn mới xuất hiện ở miền Bắc từ phân của người bệnh.
Nhờ phát hiện trên, năm 1987, PTS Nguyễn Văn Hiếu là một trong 6 người thi đỗ và được cử sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ. Thầy hướng dẫn ông thực hiện đề tài luận án tiến sĩ “Đặc điểm dịch tễ học bệnh tả Eltor ở Việt Nam” là Viện sĩ hàn lâm y học GS.TSKH Iaphaev X.P. Một tháng ông gặp thầy hướng dẫn một lần để nghe thầy định hướng thực hiện đề tài. GS.TSKH Iaphaev X.P là người rất quý trọng thời gian. “Có lần tôi đến gặp thầy chỉ muộn 3 phút, thầy nhẹ nhàng nói: Tôi giờ không có thì giờ tiếp anh. Rút kinh nghiệm, những lần sau bao giờ tôi cũng đến sớm trước 5 phút ngồi chờ gặp thầy”[5].
Ngày 22-1-1990, PTS Nguyễn Văn Hiếu bảo vệ đề tài luận án tiến sĩ trước hội đồng gồm 18 thành viên tại Học viện Kirốp, Liên Xô. Rất may, trước đó một ngày, thầy hướng dẫn dặn ông: “Mai anh có 20 phút để bảo vệ đề tài luận án, anh có nói hay đến mấy nhưng sang đến phút 21 thì cũng mất phiếu”. Thế là cả đêm hôm đó ông tập báo cáo, nhờ một nghiên cứu sinh bấm thời gian giúp. Tập đi tập lại, ông tự tin để hôm sau lên bảo vệ theo đúng thời gian quy định. Trong buổi bảo vệ chính thức, chỉ trong 19 phút ông đã báo cáo xong nội dung đề tài. Trong hội đồng có một thầy hỏi ông: “Con vi trùng này anh đã làm kháng sinh đồ chưa?”. Lúc đó ông im lặng, bởi nếu ông nói trước hội đồng là đã làm thì khác nào nói thầy chưa đọc luận án. Đến giờ hội đồng nghỉ giải lao, ông mang cuốn luận án đến gặp riêng thầy vừa đặt câu hỏi, ông trình bày nội dung như thầy hỏi đã được đề cập trong luận án. Cách làm của ông như vậy vừa giữ thể diện cho thầy, lại vừa nhận được phiếu của thầy. Buổi bảo vệ thành công, PTS Nguyễn Văn Hiếu nhận được 100% phiếu của hội đồng, công nhận học vị tiến sĩ cho ông.
Được học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Iaphaev X.P, theo GS Hiếu đó là một may mắn lớn. GS.TSKH Iaphaev X.P để lại trong ông nhiều bài học lớn như: cách làm việc ngắn gọn, đúng giờ; thứ nữa, việc dặn dò học trò điều gì cũng cần đúng thời điểm để quyết định thành công; và khi báo cáo khoa học phải thật ngắn gọn, xúc tích.
Ở từng thời điểm trên con đường học vấn, GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu đều nhận được giúp đỡ tận tình của các thầy, không bao giờ ông quên ân tình sâu nặng đó. Được tiếp xúc, làm việc với các thầy tài năng, đức độ, GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu cũng tích lũy nhiều bài học kinh nghiệm để rèn rũa, phát triển bản thân. GS.TSKH Nguyễn Văn Hiếu đúc kết: “Cuộc đời tôi có may mắn lớn là đều gặp những người thầy tốt”[6].
Hoàng Thị Liêm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam