Với gần 40 năm trong nghề, bằng những cống hiến không mệt mỏi ông đã ghi lại nhiều dấu ấn sâu sắc về công tác khám chữa, điều trị bệnh nhân bỏng và công tác quản lý, lãnh đạo viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, một trong những bệnh viện hàng đầu, có uy tín khắp trong và ngoài nước. với cái tâm của người thầy thuốc và cái tầm của một vị tướng quân đội trong vai trò lãnh đạo ông đã điều hành và “chèo lái” con thuyền viện bỏng đi qua mọi khó khăn để thành công và phát triển về cả cơ sở vật chất lẫn chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật.
Thiếu tướng. TTND.GS.TS Lê Năm đã nghỉ hưu, nhưng chúng tôi hẹn gặp được ông quả không dễ dàng, bởi vì ông vẫn bận rộn với công tác chuyên môn, dìu dắt thế hệ trẻ. ông được Chính phủ, Quân đội bổ nhiệm là Chuyên viên đầu ngành bỏng Việt nam; ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y; Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Tất cả những việc mà Thiếu Tướng năm đã làm được đã ghi dấu lên một con người với cái Tâm và cái Tầm mà ông đã dành cả cuộc đời gắn bó với nghề y, với ngành bỏng, với bệnh viện và bệnh nhân của mình.
Thiếu tướng. TTND.GS.TS Lê Năm
Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Can Lộc – Hà Tĩnh, eo đất miền Trung đầy nắng gió và cuộc sống cơ cực lúc trẻ thơ đã hun đúc nên trí tuệ một vị Giáo sư đầu ngành bỏng với ý chí kiên cường, dám đương đầu với mọi khó khăn mà chưa từng nản chí. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông là một trong những lớp đảng viên phát triển đầu tiên của Đảng, tham gia nhiều hoạt động cách mạng và trải qua nhiều năm tháng lao tù đầy ải. Chứng kiến sức khỏe cha mẹ ngày càng yếu, rồi qua đời đã trở thành động lực để ông nuôi dưỡng ước mơ làm thầy thuốc cứu chữa cho mọi người. Tưởng như mơ ước đó không trở thành hiện thực khi trong kỳ thi đại học đầu tiên của miền Bắc năm 1970, hồ sơ đăng ký vào Trường Y của ông bị gạt đi, thay vào đó là ông được vào học Trường Thương nghiệp (Đại học Thương mại) hai năm. Cũng như bao thanh niên trai tráng thời đó, chàng trai Lê Năm “gác bút nghiên” lên đường ra chiến trận theo tiếng gọi Tổ quốc. năm 1973, ông được điều về Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) học tập. Đây chính là cơ hội lớn để ông theo đuổi ước mơ của mình. những năm tháng học tập tại trường ông đã miệt mài học tập và luôn được thầy cô tin yêu và bạn bè nể trọng vì tính chịu khó, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu.
Khi ra trường, ông được điều về Bệnh viện Quân khu 4 và được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm khoa ngoại tổng quát. Đến năm 1983, Quân khu cử ông ra Bắc tiếp tục học nâng cao. năm 1987, ông sang Liên Xô học. năm 1990 ông là một trong 3 thực tập sinh Việt nam bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Liên Xô (cũ). năm 1991 sau khi về nước, chính GS.TS Lê Thế Trung đã đưa ông về khoa Bỏng của Viện Quân Y, đúng lúc đó Viện Bỏng Quốc gia được thành lập. rồi từ đó đến nay, ông luôn sát cánh cùng viện từ chỗ chỉ là một khoa cho đến khi trở thành một bệnh viện độc lập hàng đầu về bỏng. Từ những năm đầu ông được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm khoa Bỏng, phó chủ nhiệm Bộ môn Bỏng, Học viện Quân y. Bằng những nỗ lực đóng góp hết mình cho ngành bỏng, năm 2000 ông được giao trọng trách là Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia. Đó chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông, trên cương vị là người lãnh đạo, ông đã ghi lại những dấu ấn rất xuất sắc của mình trong điều trị, nghiên cứu khoa học và xây dựng, phát triển bệnh viện. Với những cố gắng không biết mệt mỏi ông đã vinh dự được nhà nước phong học hàm phó Giáo sư năm 2001 và học hàm Giáo sư năm 2006. năm 2007, với nhiều đóng góp cho ngành và ông đã được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt nam. những phần thưởng ấy là niềm động viên khích lệ để ông tiếp tục cống hiến cho ngành.
Thiếu tướng Lê Năm vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu và đưa khoa học kỹ thuật hiện đại áp dụng vào Viện Bỏng; đặc biệt chú trọng kết hợp Đông – Tây y nhằm phục vụ tốt nhất cho việc chữa trị, khắc phục di chứng bỏng cho bệnh nhân. Hàng loạt kỹ thuật mới đã được triển khai tại Viện Bỏng, như: Kỹ thuật siêu lọc máu, kỹ thuật ô-xy cao áp, kỹ thuật ghép mắt da lưới với độ co giãn lớn, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ, kỹ thuật giãn vạt da, kỹ thuật vi phẫu… Và rồi kỳ tích đã xuất hiện, nhiều bệnh nhân bỏng sâu, diện tích rộng đã được cứu sống. Có những bệnh nhân có diện tích bỏng sâu đến 78% và diện tích bỏng nông đến 90% đã được chữa khỏi hoàn toàn, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống còn trên dưới 1%. Viện Bỏng Quốc gia trở thành một địa chỉ tin cậy của bệnh nhân bỏng khắp cả nước, như một cánh chim đầu đàn của ngành bỏng Việt nam trong mắt bạn bè quốc tế… ông dành thời gian, công sức tìm đến các nước có y học về ngành bỏng phát triển để học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu và đem về vận dụng tại nước nhà. Đồng thời, ông cũng tạo điều kiện đề cử các cán bộ, bác sĩ của bệnh viện ra nước ngoài tham dự hội nghị, theo học các lớp đào tạo chuyên sâu về chữa trị bỏng, với mong muốn đem thêm nhiều kiến thức, nhiều người tài về phục vụ cho bệnh viện, cho đất nước.
Là một nhà khoa học ngành Y chuyên nghiên cứu về ngành bỏng, ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang ý nghĩa áp dụng thực tiễn vào công tác khám và điều trị bệnh về bỏng. ông đã có 4 đề tài cấp nhà nước, 8 đề tài cấp Bộ và rất nhiều đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu. Không chỉ tham gia nghiên cứu khoa học, ông còn tham gia viết sách, giáo trình với những kinh nghiệm, những kiến thức sâu về chuyên ngành bỏng để phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu.
Trong thời gian đương chức, Thiếu Tướng Lê Năm bằng một cái Tâm rất chân thành đã làm được nhiều việc khiến mọi người nể phục. năm 2013, ông và Viện Bỏng đã hoàn thành công trình Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn -Hà Tĩnh. Công trình không chỉ mang giá trị văn hóa vật thể, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần to lớn, có ý nghĩa giáo dục đối với hậu thế nói chung và những người làm nghề thuốc nói riêng. Hình ảnh tượng đài Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đứng trên đỉnh núi minh Tử lộng gió, như nhắc nhở con cháu, các thế hệ học trò của ngài về sự học, về y đức và lương tâm của người thầy thuốc. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2013, Viện Bỏng Quốc gia đã vinh dự được đồng nghiệp quốc tế tin cậy chọn đăng cai Hội nghị Bỏng Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 9 với chủ đề: “Những thách thức trong điều trị bỏng toàn diện” tổ chức tại Khách sạn melia Hà nội. Tham dự Hội nghị có 32 nước trên thế giới với 600 đại biểu trong và ngoài nước. Là người chủ trì Hội nghị, Chủ tịch Hội Bỏng Châu Á – Thái Bình Dương, ông Lê Năm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa ngành bỏng nói riêng và nền y học nước nhà nói chung sánh vai với bạn bè quốc tế.
Mỗi khi nói đến sự nghiệp và những thành công của mình, ông đều rất khiêm tốn, nhưng ánh mắt lại đầy tự hào khi nhắc đến sự hy sinh thầm lặng trong gần hết tuổi thanh xuân của vợ mình – bà Phạm Thị Trọng. nhờ có sự tiếp sức rất lớn từ hậu phương vững chắc ấy, đã giúp ông dành hết tâm huyết, tất cả sức lực để làm lên một Viện Bỏng vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và khang trang. Đời sống cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện ngày càng được cải thiện, với việc xây dựng khu nhà ở khang trang cho cán bộ chính là điều kiện giúp mọi người yên tâm công tác. ông đã dành cả tâm sức mình cho Viện Bỏng Quốc gia và ngành Bỏng Việt nam phát triển. Vì thế, ông thật xứng đáng khi là 1 trong 6 cán bộ cấp cao của quân đội vinh dự nhận Bảng vàng “Trí thức tiêu biểu Việt nam trên mặt trận Kinh tế Xã hội năm 2013”; Huân chương Chiến công hạng nhất do Chủ tịch nước tặng năm 2004; Bằng khen của Chính phủ năm 2005 cùng với nhiều Huân Huy chương cao quý khác. Ông là biểu tượng của một người thầy thuốc vẹn toàn y đức, là một tấm gương sáng để thế hệ tiếp nối ngành y học tập và noi theo.
Thanh Huyền
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/