Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1972, Tiến sỹ khoa học năm 1978 tại trường đại học Tổng hợp kỹ thuật Saint Peterburg, được phong học hàm PGS năm 1984, GS năm 1991, được phong Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 2010.
Trong suốt cuộc đời làm khoa học, ông vẫn thường xuyên đảm nhận cả 3 lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác hội khoa học. Hiện nay ông vẫn tham gia giảng dạy ở ĐHBK-HN và một vài trường đại học khác cũng như chủ trì, góp sức vào những đề tài nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế, tích cực hoạt động hội, chủ tịch hội đồng giám khảo… Gần 50 năm công tác tại trường đại học Bách khoa Hà nội, ông đã trực tiếp giảng dạy 40 khóa sinh viên, hướng dẫn hàng trăm sinh viên tốt nghiệp, hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ, đào tạo lớp kỹ sư tài năng điều khiển tự động tại trường đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Lạc Hồng, Đại học Sao đỏ ở Chí Linh, Hải Dương và lớp bồi dưỡng giáo viên trẻ ở một vài trường đại học học trong nước. Ông đã biên soạn 19 cuốn sách khoa học công nghệ, trong đó có 10 sách giáo trình. Năm 2002, Biên soạn sách giáo trình “ Robot công nghiệp” phục vụ công tác giảng dạy, tái bản (có bổ sung) 4 lần vào các năm 2004, 2006, 2011 và được nhiều trường trong cả nước sử dụng. Ngoài ra, còn biên soạn 03 cuốn sách tham khảo (Thế giới công nghệ cao của bạn, xb năm 2002; Robot giống người, xb năm 2006; Robot- bay, xb năm 2012).
Những công trình nghiên cứu khoa học:
GS. TSKH. NGND Nguyễn Thiện Phúc
Chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp thành phố trong nhiều năm, các đề tài đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc và đã được ứng dụng vào thực tiễn rất có hiệu quả như: Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước KC.03.08 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Robot thông minh phục vụ cho các ứng dụng quan trọng”. Đề tài được nghiệm thu năm 2006, Đồng chủ nhiệm đề tài TP Hồ Chí Minh “Nghiên cứu tổng hợp tình hình ứng dụng robot, phương hướng và giải pháp phát triển”. Đề tài nghiệm thu năm 2009. Chỉ đạo khoa học đề tài TP Hà Nội TC_CN/01.04.3 “Xe tự hành phục vụ y tế trong môi trường độc hại, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm xạ”. Nghiệm thu năm 2007.
Đi sâu nghiên cứu ứng dụng và phát triển KHCN trong hai lĩnh vực, đó là:
* Khoa học công nghệ Robot
– Nghiên cứu, thiết kế, tạo ra Robot RP kiểu mới, có ưu điểm nổi trội và từ đó hình thành các mẫu robocar RP thông minh để ứng dụng trong thực tế. Ngoài ra còn tham gia chỉ đạo và tổ chức các cuộc thi Robocon trong nước và tham dự thi quốc tế hàng năm,
– Nghiên cứu, thiết kế, tạo ra Máy đo tọa độ dạng mới, có rất nhiều ưu điểm, như một robot hoạt động theo tọa độ trụ, giá thành thấp mà vấn đạt độ chính xác cao.
* Lý thuyết ăn khớp bánh răng không gian
– Xây dựng mới “ Lý thuyết ăn khớp bánh răng không gian tiếp xúc enlip với màng dầu thủy động” và từ đó đề xuất các phương pháp mới trong tạo hình bánh răng
– Nghiên cứu, tạo ra hệ thống “Các truyền động ăn khớp ma sát lăn”
Những phát minh sáng chế:
– Chương trình máy tính điều khiển trực tiếp hoặc điều khiển từ xa đảm bảo cho Robocar biết tự tìm đồ vật theo màu sắc năm 2005.
– Chương trình điều khiển robot song song RBSS-233 năm 2005.
– Chương trình máy tính đảm bảo cho Robocar đi men theo đường chắn và phát hiện chướng ngại trên đường đi năm 2005.
– Chương trình tính toán, thiết kế các modun quay dùng bánh răng con lăn năm 2005.
– Chương trình phần mềm tái hiện các bề mặt cong phức tạp năm 2005.
Công trình khoa học được chuyển giao công nghệ
Chuyển giao “Công nghệ dùng trực tiếp năng lượng mặt trời tạo liên tục nước sinh hoạt“ cho Trường Đại học Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương, nhằm tổ chức sản xuất để cung cấp cho các vùng xa, vùng cao, vùng hải đảo. Đây là công nghệ phù hợp với quy mô nhỏ, đầu tư thấp nhất nhưng luôn luôn đảm bảo hiệu quả. Hiện nay đang bắt đầu giai đoạn chuẩn bị sản xuất.
Theo gợi ý của Cục quản lý khoa học Bộ Quốc phòng, trên cơ sở nội dung đề xuất trong sáng chế về Robot-bay 4RX, sẽ lên kế hoạch hợp tác nghiên cứu phát triển loại máy bay không người lái kiểu mới, lúc bay đường dài thì nó là máy bay cánh cố định, lúc cất cánh, hạ cánh thì bay như máy bay trực thăng, nên không bắt buộc phải có đường băng để cất cánh và hạ cánh.
Tiếp cận bước đầu với cán bộ Bộ tư lệnh đặc công để triển khai phương án, theo nội dung đề xuất trong sáng chế, tạo ra một kiểu mới Robot dưới nước TCX, thay cho người nhái, thâm nhập vào vùng các cột chân đế của công trình biển.
Viết và đăng tải 18 báo cáo khoa học, báo cáo chuyên đề trong khuôn khổ các đề tài, dự án.
Từ năm 2002 – 2013, đã viết 52 bài có giá trị về KHCN và đã được đăng trên các Tạp chí, Kỷ yếu, Tuyển tập Hội nghị khoa học… trong nước và quốc tế.
Công tác Hoạt động Hội.
– Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam
Với cương vị là Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Viện tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện và giám định xã hội, phụ trách công tác đào tạo, giảng dạy khoa học và công nghệ robot online và công tác xuất bản sách về khoa học kỹ thuật, đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của Viện.
– Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công trong công tác kiểm tra và thi đua khen thưởng của Hội. Ngoài ra, trong công tác phổ biến kiến thức bảo vệ người tiêu dùng, ông luôn có bài thuyết trình tại các Hội nghị, hội thảo để tư vấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường. Chủ trì công tác tổng kết kinh nghiệm qua 25 năm xây dựng và phát triển Hội.
– Hội Khoa học Công nghệ Robot Việt Nam
Ngoài các công tác thường xuyên của Hội KHCN Robot, như tham gia các hội thảo khoa học, đánh giá một số đề tài khoa học về robot, viết báo về nghiên cứu robot v.v., với chức trách Chủ tịch Hội tôi rất chú trọng xây dựng, phát triển hoạt động các Câu lạc bộ robot trong nhiều trường đại học và cao đẳng. Mạng lưới câu lạc bộ nay đã có ở hầu hết các trường đã từng tham gia Robocon. Riêng năm 2013, Việt nam đăng cai tổ chức thi Robocon quốc tế, ông tham gia trong công tác soạn đề thi và góp phần chỉ đạo các cuộc thi ở trường, khu vực và toàn quốc. Ông đã trực tiếp vào đến Trường Đại học Lạc Hồng, Biên Hòa, Đồng nai để tham gia công việc này. Đây là trường đã đạt giải vô địch trong nước và chuẩn bị cho thi quốc tế. Trong cuộc thi quốc tế năm 2013 tổ chức tại Đà nẵng, Đại học Lạc Hồng đã đoạt giải nhì. Thế là trong 12 lần thi Robocon quốc tế, Việt nam đã 3 lần giành giải vô địch, 4 lần giải nhì, còn lại đều đạt giải 3. Trong các cuộc thi đó của sinh viên Việt nam , ông luôn luôn đồng hành, tư vấn về chuyên môn và hầu hết các năm đều làm chủ tịch hội đồng giám khảo, bản thân có đóng góp rất tích cực vào thành công của các cuộc thi, góp phần mang lại vị thế cho Sinh viên Việt Nam trên trường quốc tế.
Những danh hiệu thi đua, khen thưởng đã đạt được:
– Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014.
– Nhà giáo Nhân dân: năm 2010.
– Huân chương Lao động hạng Nhì: năm 2002.
– Chiến sỹ thi đua các năm học: 2003 – 2004, 2005 – 2006, 2006-2007.
– Bằng khen Liên bộ Bộ KHCN và LHHVN từ năm 1995 – 2005.
– Bằng khen của TG Đ Đài truyền hình VN, từ năm 2002 – 2006.
P.V
Nguồn: www.vusta.vn/