Phó Giáo sư Nhà giáo ưu tú Trương Chính

1. Trương Chính sinh ngày 16/7/1916 tại xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thời niên thiếu học ở trường Quốc học Vinh, sau ra Hà Nội vừa theo học chương trình tú tài, vừa nhập cuộc đời sống văn học bằng những bài báo đăng trên tờ tạp chí hướng dẫn học tập AJS (Ami de le Jeunese) của Bùi Cẩm Chương; tờ báo tiếng Pháp L’Annam nouveau (An Nam mới) của Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Bạn đường của Lê Hữu Kiều.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm việc ở Bộ Giao thông công chính nằm trong An toàn khu Việt Bắc. Năm 1952, được cử sang Trung Quốc học Trung văn rồi được giữ lại Khu học xá trung ương dịch sách giáo dục học. Năm 1956 về nước, được Bộ Giáo dục điều về làm việc ở Ban Tu thư trung ương (tiền thân của Nhà xuất bản (Nxb) Giáo dục hiện nay) soạn sách giáo khoa theo Chương trình mới. Năm 1959 về làm giảng viên giảng dạy văn học Trung Quốc tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến năm 1979 thì nghỉ hưu(1).

Trương Chính bắt đầu sự nghiệp viết văn bằng các bài phê bình đầy tự tin, bản lĩnh. Mục Tự giới thiệu in trong Tuyển tập Trương Chính cho biết: “Tôi bắt đầu viết văn từ năm 20 tuổi (1936). Đó là những bài phê bình văn học có tính chất tranh luận, không đăng ở báo nào, sau tập hợp lại trong cuốn “Dưới mắt tôi” xuất bản năm 1939(2). Tác phẩm có phụ đề: Phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Sách gồm 200 trang, tập hợp các bài phê bình dành cho 25 tác phẩm của 13 nhà văn(3). Lời Tựa của Văn Ngoạn nói rõ: “Những bài phê bình của ông Trương Chính đều có tính cách công minh, vì một lẽ rất giản dị: Ông Trương Chính không thuộc vào một văn phái nào, không viết giúp cho một tạp chí nào, không là tay sai của một nhóm người nào”. Sau đó ông còn định soạn thảo tập II về các nhà thơ, nhưng sau khi Hoài Thanh ra cuốn Thi nhân Việt Nam (1942) thì không tiếp tục nữa, mà viết tập Những bông hoa dại về dân ca, ca dao Việt Nam đăng trên báo Bạn đường của Lê Hữu Kiều (Nam Mộc), năm 1942 in thành sách… Với những thành tựu đầu tiên ấy, ông được Vũ Ngọc Phan xếp vào hàng ngũ các nhà phê bình trong bộ Nhà văn hiện đại (4). Vũ Ngọc Phan (1904-1987) đã có những lời trân trọng đúng mực về nhà phê bình trẻ tuổi: “…đã bắt đầu kỹ càng và có phương pháp, …nhưng nhiều lúc thiên về luân lý quá, hay tin tưởng ở mỹ thuật quá, người ta hóa ra thiên lệch trong xét đoán…”(5).

Năm 2016, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Trương Chính, tác phẩm Dưới mắt tôi được Nxb Hội nhà văn và Tao Đàn tái bản. Đọc tác phẩm, đông đảo bạn đọc thật sự quý mến tinh thần trung thực thẳng thắn khen chê và dũng khí của tác giả khi ông viết: “Nhà nghệ sĩ không có quyền đứng ngoài xã hội, ẩn trong tháp ngà để hưởng hạnh phúc một cách ích kỷ và khốn nạn”… “Nhiệm vụ của nhà phê bình không những là phải biết lựa lọc để tìm nâng giấc những tài năng mới phát triển và đánh đổ những định kiến thiên lệch, những dư luận sai lầm, những lời bình phẩm nông nổi của một số người đối với những kiệt tác. Nhà phê bình còn phải trừ thải những cây bút không tương lai, sắp đặt lại thứ bậc đích đáng cho các nhà văn”… “Tôi thích văn chương tranh đấu, tôi đặt nó trên văn chương tâm lý vì tôi thấy rằng văn chương cũng là khí giới màu nhiệm để cải tạo xã hội. Nhưng tôi không thiên vị. Đành rằng nghệ thuật phụng sự nhân sinh, nhưng nghệ thuật phải cho ra hồn nghệ thuật đã. Nếu nghệ thuật kém cỏi thì những tư tưởng rất hay của tác giả cũng không có một ảnh hưởng nào hết”. Càng đáng quý hơn khi người có tấm lòng trung thực đó lại có thêm cặp mắt xanh, đôi lúc quả xứng đáng là tri âm, tri kỷ của các nhà văn.

Sau thời tiết chính trị một thời, bây giờ bình tĩnh đọc lại một số tác phẩm xuất sắc của nhóm Tự lực văn đoàn, bạn đọc thật sự sững sờ với một số nhận xét táo bạo, tuy khen có quá lời, nhưng không phải không có những hạt nhân hợp lý của nhà phê bình 23 tuổi Trương Chính bấy giờ. Chẳng hạn: “Đoạn tuyệt (tiểu thuyết của Nhất Linh – HSH chú) vẫn là một kiệt tác văn chương Việt Nam và tác giả của nó vẫn được người ta cảm phục”…; “Hồn bướm mơ tiên (tiểu thuyết của Khái Hưng – HSH chú) mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử văn học Việt Nam và tác giả nó là một nhà luân lý cũng không phải là quá đáng”;… “sau Nhất Linh, sau Khái Hưng, Thạch Lam (tức Nguyễn Tường Lân (1910-1942) em ruột Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam (1905-1963) – HSH chú) đã hiểu biết NGƯỜI một cách đầy đủ và xác đáng hơn”… Bạn đọc yêu văn học càng đồng tình hơn với “tinh thần trừ thải những cây bút không tương lai” của nhà phê bình khi ông thẳng thắn chỉ ra tiểu thuyết Cậu bé nhà quê (của Từ Ngọc – HSH chú) “là một cuốn tiểu thuyết hỏng” hay tiểu thuyết Ngược dòng (cũng của Từ Ngọc – HSH chú) “là một cuốn tiểu thuyết vô giá trị về mọi phương diện nội dung và văn thể”. Bản lĩnh phê bình hiếm có này có lẽ đến nay chưa thấy hiện tượng thứ hai.

2. Thời gian làm việc ở Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục, Trương Chính cùng nhóm Lê Quý Đôn (6) biên soạn bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam gồm 3 tập. Ông được phân công cùng với Huỳnh Lý phụ trách phần Văn học dân gian; cùng Lê Thước phần Văn học chữ Hán từ thế kỷ X; Riêng ông đảm nhận phần Văn thơ nôm của Nguyễn Trãi và nhóm Tao đàn (tập I); phần tiểu thuyết 1930-1945 và phần kịch 1930-1945 (Tập III).

Bìa cuốn Dưới mắt tôi (tái bản năm 2016)  

  Bìa cuốn Lược thảo Lịch sử văn học Việt Nam

Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu công việc yêu thích ấp ủ từ lâu là dịch các tác phẩm của văn hào Lỗ Tấn. Công việc tiếp tục thuận lợi khi ông về giảng dạy văn học Trung Quốc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các tác phẩm nổi tiếng của Lỗ Tấn qua bản dịch đáng tin cậy của ông lần lượt được Nxb Văn hóa, Nxb Văn học cho ra mắt bạn đọc: Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại, Tạp văn tuyển tập. Do nhu cầu giảng dạy, ông lại cùng Trần Xuân Đề, Nguyễn Khắc Phi… biên soạn Giáo trình lịch sử văn học Trung Quốc và cùng một số vị ở Viện Văn học như Hồ Lê, Hồng Dân Hoa, Đức Siêu, Bùi Hữu Bổng… dịch bộ sách 3 tập Lịch sử văn học Trung Quốc của Sở Văn học Trung Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, do Nhà xuất bản Nhân dân Văn học Bắc Kinh xuất bản năm 1962 (Nhà xuất bản Văn học in năm 1964). Ông còn chủ biên tập tư liệu về văn học Trung Quốc, chủ biên, dịch và viết Lời giới thiệu quyển Thơ Tống, viết Lời giới thiệu cuốn Thơ Đỗ Phủ, và tập 2 bộ Thơ Đường 2 tập (tập 1 Thơ Đường, nhà thơ Nam Trân viết giới thiệu); biên soạn phần tiểu sử tóm tắt các tác giả ở Thơ Đường tập 1 trong bản in lần 2 (Nxb Văn học, 1987).

Về văn học Trung Quốc, ông còn cộng tác với Đặng Đức Siêu dịch một số tác phẩm xuất sắc khác như Nửa đêm của Mao Thuẫn, Tường lạc đà của Lão Xá, Ông giáo Chi của Diệp Thánh Đào, Bài ca tuổi trẻ của Dương Mạt; lại cùng Nguyễn Thạch Giang, Phan Văn Các dịch cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc do Đàm Gia Kiện chủ biên (Nxb Khoa học xã hội in năm 1993). Theo Gs Nguyễn Khắc Phi: “Về phương diện dịch, giới thiệu, nghiên cứu văn học Trung Quốc, sau Đặng Thai Mai, anh xứng đáng được xếp vào vị trí “Á quân” (7).

Do yêu cầu của các Nxb, ông còn dịch một số tác phẩm tiến bộ của các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Đức, Nga chủ yếu qua bản dịch Trung văn như Gia đình Bút-đen-bruc của Thomas Mann (cùng dịch với Hồng Dân Hoa); Làm gì? của Tsecnusepxki (cùng dịch với Vũ Lộc); Núi đồi yên lặng của T.K.Sưnaô… Những năm tuổi già, sức yếu, ông vẫn mải miết tiếp tục dịch các cuốn Tiếng chuông cảnh tỉnh trước thế kỷ XXI (Nxb Chính trị quốc gia, 1993), Trò chuyện cùng các bạn gái (Nxb Phụ nữ, 1995) của học giả Nhật Daisaku Ikeda.

3. Không chỉ chuyên sâu về văn học Trung Quốc, Trương Chính còn dành nhiều công sức nghiên cứu văn học Việt Nam. Ngoài các công trình trước cách mạng và biên soạn giáo trình đã nói ở trên, ông còn biên soạn và giới thiệu Thơ văn Nguyễn Công Trứ; cùng Lê Thước biên soạn và giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du, cùng Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm. Ông từng kể, dưới sự chỉ dẫn của cụ Giải nguyên Lê Thước (1890-1975), ông đã nhiều năm “sưu tầm tài liệu… nghiên cứu di sản của cha ông để lại, từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, làm thành những tập hồ sơ đăng trên báo Văn nghệ, Tác phẩm mới liên tục từ năm 1970 và sau này trên tờ Giáo dục và Thời đại (ký Nhất Văn, Nhất Chi Mai). Về những tác giả mà tôi thu thập được nhiều tư liệu thì viết thành bài hoàn chỉnh đăng tập trung trên tờ Nghiên cứu Văn học và Tạp chí Văn học của Viện Văn học, từ năm 1960 cho đến năm 1990”(8). Một số bài viết trên được ông chọn lọc, đưa vào tập Hương hoa đất nước, Phê bình và tiểu luận, Nxb Văn học, 1979. Ngoài Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, ông còn có nhiều bài nghiên cứu công phu về các tác gia cổ điển như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Phan Huy Ích, Nguyễn Hành và các tác gia hiện đại như Hồ Chí Minh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Hải Triều, Hoài Thanh… Ngoài ra, ông còn viết “những bài có tính chất định hướng việc nghiên cứu và phê bình” mà 9 bài nổi bật đã được ông đưa vào trọn Phần Một trong bộ Tuyển tập Trương Chính gồm 3 phần và một phần phụ: Những bài trích trong cuốn Dưới mắt tôi. Tác phẩm đã được Nxb Văn học in thành 2 tập năm 1997. (Tập 1: 472 tr; Tập 2: 520 tr.). Năm 2000, Trương Chính đã được nhận Giải thưởng Nhà nước lần 1 với tư cách tác giả bộ Tuyển tập này.

4. Là nhà khoa học uyên bác, đa tài, Trương Chính còn có một số đóng góp rất đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa. Ông cùng Trần Huy Bá, Lê Thước khảo cứu lịch sử văn hóa Ăng-co; cùng Đặng Đức Siêu biên soạn Sổ tay văn hóa Việt Nam (Nxb Văn hóa.H.1978); cùng Phong Châu sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu Tiếng cười dân gian Việt Nam (Nxb Khoa học Xã hội, H.1979). Ông còn viết truyện danh nhân Lỗ Tấn (Nxb Thanh niên, 1977); viết truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười “theo kiểu mài ngọc cho tốt hơn, đẹp hơn” (chữ củaTrương Chính), đã được Nxb Giáo dục, Nxb Kim Đồng in thành những tập sách nhỏ. Cho đến những năm trên 80 tuổi ông vẫn say sưa với công trình công bố cuối cùng: Giải thích những từ gần âm, gần nghĩa dễ nhầm lẫn (Nxb Giáo dục) in lần đầu năm 1997, đến nay đã được tái bản rất nhiều lần. Cần mẫn như con tằm nhả tơ, con ong làm mật, ông đồ Nghệ chính hiệu làm việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. Ông lúc nào cũng chỉ biết chắm chúi làm việc, cánh trẻ có dịp cùng công tác với ông thường thấy ở ông “một nét gì đó nghiêm khắc lạnh lùng do đó hơi khó gần” (Nguyễn Khắc Phi) và như nhận định của Gs Nguyễn Hải Hà được giới trẻ đồng tình: “có thể thấy đôi chỗ ông hơi cứng, thiếu uyển chuyển”. Cánh trẻ từng đùa ông là “vua lập trường” và ông đã đùa lại: “Các cậu thấy đấy, trong 8 giờ chính quyền ở cơ quan, mình chỉ làm việc cơ quan giao. Sách báo mình ra ào ào, đừng bảo là mình ăn cắp giờ của nhà nước đấy nhé!(9). Tính hơi cứng, thiếu uyển chuyển đó trong cuộc sống cũng theo vào cả các trang viết phê bình của ông. Trong cuốn sách tư liệu Nhà văn Việt Nam hiện đại (1997) ông từng tâm sự: “Là nhà phê bình và nghiên cứu văn học, tôi chú ý nhất đến tính trung thực, nói thật những cảm nghĩ của mình, không phụ họa ai, không nói theo ai, không có ý kiến gì thì không viết. Tôi cho rằng sống hay viết đều phải có lý tưởng… Nhưng chính vì thế mà không được lòng ai, ít được ai chú ý, bị người ta lảng tránh hoặc e dè. Dù biết vậy, nhưng tôi không hề thay đổi hay ân hận, cũng không hề phàn nàn, chỉ ghi lại cho nhớ mà thôi”. Tục ngữ có câu: Non sông dễ cải, bản tính khó dời. Bản tính và bản lĩnh lớn từ thời Dưới mắt tôi về già vẫn vậy. Nhưng chính vì thế, bạn đọc càng kính mến ông hơn.

Phó Giáo sư Bùi Trương Chính qua đời ngày 07/10/2004 tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi. Một bài học kinh nghiệm lớn mà thầy Trương Chính để lại cho các thế hệ học trò và cho bạn đọc nói chung là thầy đã rất sớm tìm được công việc đúng sở trường, sở thích của mình và trọn đời cảm thấy thật sự vui khi làm công việc đó. “Không có gì đặc biệt. Chỉ là ham mê văn học, thích nói ý kiến riêng của mình về một tác giả, một tác phẩm đã đọc và mình yêu mến, rồi vừa viết, vừa học tập, trau dồi tư tưởng cho khỏi sai lầm và thích hợp với thời đại, rất chú ý đến cách hành văn” (11). Hơn nữa, “ngoài thú vui ấy, tôi không hề có một thú vui nào khác” (Tự giới thiệu). Chính nhờ vậy, thầy đã gặt hái nhiều thành công. Có thể những trang viết còn có phần hơi tản mạn, chưa thật tập trung nên kết quả học thuật chưa thật bề thế (12); nhưng những công trình dịch thuật, nghiên cứu, giới thiệu mà thầy để lại chắc chắn lâu dài vẫn nằm trong số những cảo thơm xứ Nghệ và không chỉ của xứ Nghệ mà bạn đọc yêu thích văn học, văn hóa dân tộc ngày ngày lần giở.

Huy Huyền, Phan Thị Quỳnh An(*)

(*) Trường PTTH Thanh Chương 1
Nguồn: Tạp chí KH-CN Nghệ An, số 7, 2017.

Chú thích:

(1), (2), (4), (8) Trương Chính, Tự giới thiệu in trong Tuyển tập Trương Chính, Nxb Văn học. H. 1997. T1, tr5-6-7.

(3),(13) Nhà văn: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Trương Tửu, Thạch Lam, Lan Khai, Nguyễn Khắc Mẫn, Nguyên Hồng, Hoàng Ngọc Phách, Từ Ngọc.

(5) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nxb Vĩnh Thịnh, H. 1951, in lần thứ 2, quyển ba, tr. 203-205.

(6) Nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn gồm các vị: Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Trương Chính.

(7), (9), (10), (11) Xem thêm: Nguyễn Khắc Phi: Hãy tiếp bước nhà nghiên cứu văn học lão thành, Bùi Trương Chính, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ số 1/2004.

(12) Ý kiến của Nguyễn Hữu Sơn trong bài viết Trương Chính in ở cuốn Nghệ Tĩnh gương mặt nhà văn hiện đại, Nxb Văn hóa, 1990, tr.403