Một chuyến công tác đáng nhớ

Bước ngoặt trong cuộc đời

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự đổi mới toàn diện đất nước, đổi mới tư duy trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, nhiều Viện nghiên cứu tư tưởng, lý luận của các Đảng anh em được thành lập và mang tên những nhà lãnh đạo hoặc nhà tư tưởng lớn của đất nước như: Viện Gramsci[2] ở Italia, nước Pháp có Viện Môrít Tôrê[3],…Trong bối cảnh đó, theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 19-8-1987, ông Nguyễn Vịnh – Viện trưởng Viện Mác – Lênin[4] đã ký quyết định số 577/ QĐ – ML về việc thành lập Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, trực thuộc Viện Mác – Lênin, và cử ông Trần Thành – đang là Trưởng ban nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh về làm Quyền Viện trưởng. Giáo sư Trần Thành chia sẻ: Việt Nam chúng ta cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn của đất nước. Đổi mới năm 1986 cũng đánh dấu bước chuyển mới trong việc nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh[5].

Từ một Trưởng ban nghiên cứu trong Bảo tàng Hồ Chí Minh với những công việc chủ yếu là nghiên cứu tiểu sử tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay làm Quyền Viện trưởng một cơ quan nghiên cứu, như ông chia sẻ, với tôi, đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời bởi từ đây tôi có thể đi sâu nghiên cứu một con người, một vị lãnh tụ được toàn dân ngưỡng vọng – Chủ tịch Hồ Chí Minh[6].

Đầu năm 1988, Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội[7] chuẩn bị tổ chức hội thảo quốc tế Biện chứng những cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và vì tiến bộ xã hội ở thủ đô Praha, Tiệp Khắc. Đây là hội thảo quốc tế thường niên giữa các Đảng cộng sản trên thế giới. Ở Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (bản tiếng Việt) cũng được ra đời, là cơ quan ngôn luận trực thuộc Viện Mác – Lênin, trụ sở ở số 56B Quốc tử giám, Hà Nội.

GS Trần Thành bên bàn làm việc tại nhà riêng, tháng 3-2016

Vào một ngày cuối tháng giêng năm 1988, tại trụ sở làm việc ông Thành nhận được điện của ông Đặng Xuân Kỳ – Phó Viện trưởng thường trực Viện Mác – Lênin mời gặp có việc cần trao đổi. Do phòng làm việc của hai ông cách nhau một dãy nhà, nên ông Thành gặp ông Kỳ tại phòng tiếp khách của Viện. Thấy ông Thành tới, với nụ cười trên môi, ông Kỳ rót chén trà mời ông và từ tốn nói: Tôi vừa nhận được thông báo ở Trung ương về việc cử một đại biểu Viện ta đi dự Hội nghị quốc tế với chủ đề Biện chứng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và vì tiến bộ xã hội, tổ chức ở Tiệp Khắc sẽ diễn ra vào tháng 3 tới, tôi muốn đề cử anh bởi anh có trình độ và tiếng Nga khá tốt[8]. Nghe vậy, ông Thành vội từ chối với lý do chỉ đọc được tiếng Nga nhưng khó giao tiếp, hơn nữa, ông chuyên tìm hiểu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi hội thảo quốc tế là vấn đề chính trị – triết học mang tính quốc tế, hoàn toàn lạ lẫm với ông. Ông Kỳ vẫn động viên: Đây là nhiệm vụ mà lãnh đạo Viện giao phó, cũng là vinh dự cho anh khi được tham dự hội nghị quốc tế của các Đảng. Riêng tiếng Nga còn yếu là vấn đề mà anh cần khắc phục[9]. Biết không thể từ chối nhiệm vụ nên ông đã nhận lời. Giáo sư Thành chia sẻ thêm: Trước đây, tôi từng học tiếng Nga ở Viện Puskin tại số 4 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình trong những năm 80, lâu ngày không sử dụng nên nghe nói đều khó[10].

Trở về phòng làm việc, trong lòng ông rất lo lắng cho chuyến đi hội thảo sắp tới bởi đây là lần đầu tiên ông tham dự hội thảo quốc tế và là đại diện một nước đã trải qua thực tế đấu tranh giải phóng dân tộc phát biểu trong hội thảo. Ông suy nghĩ: Việt Nam là một dân tộc anh dũng, kiên cường chống lại sự xâm lược của Pháp và Mỹ trong suốt 30 năm (1945-1975), luôn giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, ủng hộ nền hòa bình và tiến bộ xã hội. Nhiều nước châu Á, Phi, Mỹ La tinh đều khâm phục tinh thần đó của Việt Nam nên bài tham luận phải vừa khái quát tình hình chung của các nước, vừa có tính thực tiễn của Việt Nam. Ông tập trung tham khảo tư liệu để viết bài tham luận, mỗi câu, từ đều được ông cân nhắc cẩn trọng. Sau một tuần, ông hoàn thành bài phát biểu, với tựa đề Các nước đang phát triển – cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập và chủ quyền dân tộc. Ông báo cáo tình hình cho Phó Viện trưởng Đặng Xuân Kỳ rằng: Bài viết đã hoàn thành, mong anh xem và góp ý thêm. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa an tâm cho chuyến đi nước ngoài sắp tới[11]. Để ông Thành yên tâm đi công tác, ông Kỳ gọi điện cho ông Dương Ngọc Kỳ – Đại diện thường trú của Việt Nam làm việc ở Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội tại Praha, và là thành viên Ban tổ chức hội thảo, để hỗ trợ ông Trần Thành. Đọc bài tham luận, ông Đặng Xuân Kỳ khá hài lòng và đưa ra thảo luận trong cuộc họp với lãnh đạo Viện Mác – Lênin gồm các Viện phó: Nguyễn Văn Phùng, Hồng Long, Nguyễn Thành Lê, Bùi Đình Kế. Sau khi ban lãnh đạo thông qua nội dung, bài viết được một số cán bộ Viện Mác – Lênin dịch sang tiếng Nga để gửi đi hội thảo.

Lần đầu tham gia hội thảo quốc tế

Ngày 15-3-1988, hội thảo sẽ khai mạc nhưng mãi tới ngày 13-3, ông Thành mới nhận được vé máy bay và lịch trình hội thảo từ Ban tổ chức ở Praha. Là đại biểu Việt Nam duy nhất đi tham dự hội thảo quốc tế khiến tâm trạng ông khá lo lắng. Hơn thế nữa, việc sắp xếp chuyến bay từ Hà Nội sang thủ đô Praha không dễ dàng bởi thời đó các chuyến bay quốc tế còn hạn chế và phải qua nhiều chặng trung chuyển. Lo chồng đi công tác xa thiếu thốn, vợ ông là bà Thành Thị Mai Hương đã bán chiếc nhẫn vàng 1 chỉ, cùng với tiền tích góp trong nhà tổng cộng đổi được khoảng 200 rúp (đơn vị tiền của Liên Xô) để chồng mang theo người. Theo chế độ thời đó, Bộ Tài chính cho ông mượn một số áo khoác mùa đông. Chiều ngày 14-3-1988, ông lên máy bay sang Liên Xô, lúc đáp xuống sân bay quốc tế Sheremetyero, thủ đô Moskva thì đã đêm, mình ông lững thững đi giữa dòng người hối hả, ai cũng muốn nhanh chóng về nhà. Còn ông, xách chiếc vali trên tay, ông nghỉ tạm ở hàng ghế trong khu nhà chờ để sáng mai bay sang thủ đô Praha dự họp. Ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa, những cơn gió khẽ lùa qua khe cửa cũng đủ mang đến cho ông cái lạnh tê tái, lòng ông bồn chồn lo lắng cho buổi hội thảo sắp tới, không sao chợp mắt được.

Sáng hôm sau, đồng hồ điểm 8 tiếng, ông tiếp tục chuyến bay từ Moskva sang Praha. Yên vị trên máy bay, ông tranh thủ đọc lại bài tham luận để thêm an tâm khi phát biểu. Một tiếng sau, ông xuống sân bay Václav Havel Praha và đã thấy một cán bộ của Ban tổ chức hội thảo chờ sẵn, trên tay cầm bảng đề tên: “Tran Thanh”. Ông lướt nhìn đồng hồ đeo tay và nhẩm tính vậy là cuộc hội thảo đã bắt đầu. Lên xe ô tô, ông đề nghị người lái xe đi thẳng đến hội trường cho kịp hội thảo, chừng 10 phút sau, chiếc xe dừng ở một địa chỉ tại trung tâm thủ đô Praha, nơi tổ chức hội nghị. Trên diễn đàn tại hội trường lớn, GS.TS Vôđôladốp – đại diện Đảng cộng sản Liên Xô đang phát biểu về Vấn đề tương quan của cuộc đấu tranh vì hòa bình và cuộc đấu tranh giai cấp vì tiến bộ xã hội. Giáo sư Trần Thành cho biết thêm: Theo bản lịch trình gửi cùng vé máy bay, Ban tổ chức hội thảo có chủ ý bố trí mời đại diện của hai nước có quan điểm khác nhau phát biểu đó là Việt Nam và Liên Xô[12].

Sau bài phát biểu của ông Vôđôladốp, người dẫn chương trình mời đại biểu của Việt Nam lên trình bày tham luận. Đứng trên diễn đàn, ông thấy phía dưới hội trường có mặt của nhiều quan khách đến từ các Đảng cộng sản trên thế giới: Đồng chí Rađac – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Irắc, Ali Manki – Đảng Tiền phong xã hội chủ nghĩa Algerie, Cri Snan – Đảng cộng sản Ấn Độ… Nhớ lại khung cảnh lúc đó, GS Trần Thành cho biết, tâm trạng tôi khi đó rất hồi hộp mặc dù đã luyện đọc nhiều lần bài tham luận[13]. Mở đầu bài bài phát biểu, ông vào thẳng vấn đề: Nhân loại bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ XXI trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, đầy mâu thuẫn mà cũng rất năng động, chứa đựng trong đó cả sự phát triển đột biến lẫn nguy cơ hủy diệt của loài người. Mọi nhận thức và ứng xử trong mối quan hệ quốc tế cần phải xem xét lại dưới ánh sáng của kỷ nguyên vũ trụ – hạt nhân[14]. Ông tiếp tục bài trình bày: Trong mối đe dọa của cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô toàn cầu, biện chứng của cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập và chủ quyền dân tộc trong thế giới thứ ba sẽ diễn ra như thế nào? Có những con đường nào để tiến đến một trật tự thế giới an ninh và công bằng?… Những câu hỏi này chỉ được giải đáp khi trí tuệ của cả giới khoa học kết hợp với thực tiễn chính trị thế giới, mà thực tiễn này phụ thuộc vào ý chí của các dân tộc[15]. Cuối bài, ông nêu nguyện vọng rằng: Trong thời đại ngày nay, mỗi dân tộc có quyền lựa chọn con đường phát triển kinh tế – xã hội của mình, không chịu ảnh hưởng của các nước khác. Đó là một nguyên lý của tư duy chính trị mới và đòi hỏi các nước phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn của họ[16]. Bài phát biểu nhận được những tràng pháo tay từ nhiều người tham dự hội thảo, ông Dương Ngọc Kỳ khen: Bài tham luận của anh hay lắm, mọi người rất chăm chú nghe[17].

Kết thúc phần phát biểu, đại biểu các Đảng bắt đầu chất vấn sôi nổi xoay quanh các vấn đề như: tương quan giữa cuộc đấu tranh vì hòa bình và cuộc đấu tranh giai cấp, thay thế công thức “Thông qua cách mạng để tiến tới hòa bình” bằng khẩu hiểu “Thông qua hòa bình để tiến tới cách mạng”…. Ông Cri Snan – đại diện Đảng cộng sản Ấn Độ rất đồng tình với bài tham luận của đại biểu Việt Nam và nhấn mạnh: Không cho phép ghim lại cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc[18]. Nhiều câu hỏi được đặt ra cho đại biểu Trần Thành xoay quanh vấn đề giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế của những nước mới giải phóng. Ông phải giải đáp mọi thắc mắc và những câu hỏi đặt ra, ví dụ về vấn đề phát triển kinh tế, ông phân tích: Nguyện vọng của nhân dân các nước mới giải phóng là nhanh chóng thực hiện cải cách kinh tế xã hội, sớm chấm dứt tình trạng nghèo nàn, lạc hậu để vươn tới tương lai tươi sáng… sự hợp tác ngày càng mở rộng như Hội đồng kinh tế Mỹ La tinh (gồm 28 nước Mỹ latinh và vùng Caribe), hay Hội đồng tương trợ kinh tế[19] (viết tắt là SEV) là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia đang phát triển[20]. Ông Dương Ngọc Kỳ phải dịch giúp nhiều câu hỏi của đại biểu các nước để ông Trần Thành trả lời. Hội thảo kéo dài đến 12 giờ trưa thì kết thúc, mọi người được mời sang phòng tiệc, riêng ông Thành vì quá mệt nên xin về nghỉ ở nhà khách Trung ương Đảng của Tiệp Khắc do Ban tổ chức Hội thảo bố trí. Ông thấy vui trong lòng bởi đã hoàn thành nhiệm vụ mà lãnh đạo Viện Mác – Lênin, trực tiếp là ông Đặng Xuân Kỳ giao phó. Buổi chiều, lễ tân đã giúp ông liên hệ với Đại sứ Việt Nam Nguyễn Phú Soại với mong muốn ông chuyển đến ở nhà khách của Đại sứ quán và được ông Soại chấp thuận.

Hai hôm sau, ông Thành rời Tiệp Khắc lên máy bay sang thủ đô Moskva với dự định tham quan một vài nơi trước khi về nước. Lúc xuống sân bay Sheremetyero, ông được hướng dẫn qua cửa dành cho hành khách các nước xã hội chủ nghĩa và bị nhân viên an ninh khám xét. Hành khách các nước châu Âu và Mỹ đi cửa khác. Có sự kiểm soát ngặt nghèo đó là do tình trạng buôn lậu qua đường hàng không giữa các nước trong khối xã hội chủ nghĩa diễn ra phức tạp. Hành lý của ông bị an ninh sân bay lục lọi, những tuýp kem đánh răng cũng bị bóp ra xem có giấu hàng cấm bên trong không. Ông bức xúc và thầm nghĩ: Là một đại biểu đi tham dự hội nghị quốc tế mà ông bị khám xét như người đi buôn…[21]. Khi kiểm tra người, thấy túi ông có 200 rúp, nhân viên an ninh cũng tịch thu. Ra khỏi sân bay, ông mất hết tiền trong người, đồ dùng, quà cáp bị lục lọi khiến ông chán nản. Ông đành phải đến nhờ anh Trịnh Tùng, chồng của một nhân viên Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng giúp đỡ. Tiếng là đi nước ngoài dự hội thảo quốc tế mà một món quà nhỏ cho vợ con lại không ra hồn, nên lòng ông có chút bâng khuâng.

Bài tham luận của ông sau đó được Tạp chí Cộng sản đăng tải trên chuyên mục Thế giới: vấn đề và sự kiện, số 4, 1988. Thấm thoắt đã gần ba thập kỷ trôi qua, từng ấy thời gian đã có biết bao thay đổi, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã không còn tồn tại; Viện Mác – Lênin nơi cử ông đi dự hội nghị quốc tế năm 1988, đã sáp nhập về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 1997. Còn ông, mái tóc xanh ngày nào giờ đã bạc như cước, nhưng ký ức trong ông về chuyến đi công tác vẫn vẹn nguyên bởi: Sự đời vô thường, mà ký ức còn vương vấn mãi.

Ngô Văn Hiển

* GS Trần Thành (sinh năm 1935), chuyên ngành Chính trị học, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Phỏng vấn GS Trần Thành, 19-1-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Ông Antonio Gramsci, người Italia (1891-1937) là người đề cao tinh thần dân tộc và dân chủ của đất nước.

[3] Ông Môrít Tôrê – nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp.

[4] Viện Mác – Lênin thành lập năm 1982, năm 1992 đổi thành Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1996, sáp nhập về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[5] [6] Phỏng vấn GS Trần Thành, 19-1-2017, tài liệu đã dẫn.

[7] Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội – cơ quan lý luận và thông tin của các Đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN, có trụ sở đóng tại thủ đô Praha – Tiệp Khắc.

[8] [9][10] [11] [12] [13] Hỏi thông tin GS Trần Thành, 14-4-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[14] Trần Thành. Các nước đang phát triển – cuộc đấu tranh vì hòa bình độc lập và chủ quyền dân tộc. Tạp chí Cộng sản, số 4, 1988; Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 70.

[15] [16]Trần Thành. Các nước đang phát triển – cuộc đấu tranh vì hòa bình độc lập và chủ quyền dân tộc, tài liệu đã dẫn, tr. 73.

[17] Hỏi thông tin GS Trần Thành, 14-4-2017, tài liệu đã dẫn.

[18] G. Grin. Bài tổng thuật Cách mạng và hòa bình trong thời đại hạt nhân. Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội, mục Diễn đàn thảo luận, số 2, 1989; Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 64.

[19] Thành lập năm 1949, trụ sở ở thủ đô Praha, Tiệp Khắc, SEV là nơi hợp tác và trao đổi kinh tế giữa các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Năm 1991, tổ chức này bị giải thể.

[20]Trần Thành. Các nước đang phát triển – cuộc đấu tranh vì hòa bình độc lập và chủ quyền dân tộc, tài liệu đã dẫn, tr. 74.

[21] Hỏi thông tin GS Trần Thành, 14-4-2017, tài liệu đã dẫn.