Có thể thấy các PGS, GS cùng đội ngũ trí thức là nguyên khí quốc gia để đi đầu trong phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế. Đúng như GS.TSKH Trần Văn Nhung đã nêu trong lời mở đầu bài phát biểu tại buổi lễ. Giáo sư cũng nhấn mạnh Lễ phong hàm năm nay diễn ra trong bối cảnh có hai nét mới: Điểm đặc biệt thứ nhất: Đây là thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XII; Điểm đặc biệt thứ hai: “Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập” (Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII).
Trong bài phát biểu của mình, GS Trần Văn Nhung cũng đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà bác học Pháp Louis Pasteur (1822-1895): “Khoa học không có tổ quốc nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc” để thấy trách nhiệm quốc gia và quốc tế của nhà khoa học thời hội nhập quốc tế ngày nay. GS, PGS là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Được công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS vừa là vinh dự to lớn đồng thời cũng là trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân, trước thế hệ trẻ của đất nước và mỗi GS, PGS phải tiếp tục phấn đấu vươn lên không ngừng để có thể hoàn thành sứ mệnh cao quý này. Được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới với trách nhiệm nặng nề hơn, chứ không phải là điểm kết thúc một sự nghiệp khoa học.
Năm nay, tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681 người (GS là 74, PGS là 607). Theo quy định, các ứng viên này được xét qua ba cấp, cấp cơ sở ở một trong 93 HĐCDGS cơ sở, cấp ngành ở một trong 28 HĐCDGS ngành/liên ngành và ở HĐCDGS Nhà nước. Kết quả cuối cùng: Đã có 52 người đạt tiêu chuẩn chức danh GS (đạt tỷ lệ 70,27%) và 470 người đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (đạt tỷ lệ 77,43%). Nếu tính gộp cả GS và PGS thì cuối cùng được 522 người (đạt tỉ lệ 76,65%). Tức là gần ¼ tổng số ứng viên bị sàng lọc sau ba bước.
Năm nay (và các năm trước), trong số 28 ngành, các ngành sau đây có nhiều GS, PGS mới: Y (9 trên 52 GS, 66 trên 470 PGS), Kinh tế (3 GS và 53 PGS), Quân sự (3 GS và 34 PGS), Cơ khí-Động lực, Giáo dục, Hóa-CN Thực phẩm … Ngược lại, các ngành Luyện kim, Cơ học và Toán học thường có ít GS, PGS mới. Đặc biệt, năm nay ngành Luyện kim không có ứng viên nào được xét đạt. Số PGS năm nay gấp hơn 9 lần số GS, nhưng trong cả quá trình 35 năm qua, chỉ gấp chưa đến 6 lần. Điều này cho thấy số GS đang giảm dần so với số PGS.
Số ứng viên có các công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín cũng tăng lên, nhất là ở những ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, y học, … Đáng mừng là, theo thống kê chưa thật đầy đủ, trong số 522 ứng viên năm 2015, đã có 165 người có bài đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Ở lĩnh vực KHTN và CN có 1.811 bài báo khoa học loại SCI, SCIE, ISI và Scopus. Ở lĩnh vực KHXH và NV có 15 bài SSCI, A& HCI, ISI, Scopus. Tất nhiên, những kết quả khoa học này còn rất khiêm tốn và chúng ta cần vươn lên mạnh mẽ để theo kịp và hội nhập được với khu vực và thế giới. Trong những năm gần đây, năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của các ứng viên được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là số trẻ. Có ứng viên sử dụng tốt từ hai đến ba ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.
Vật lý là ngành với 2 GS và 16 PGS mới nhưng có nhiều công bố quốc tế nhất, với 655 bài, bình quân 36,4 bài/người. Có 3 trên 28 ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế, đó là Vật lý, Toán học, và CNTT và 10 trên 28 ngành không có công bố quốc tế.
Các GS, PGS mới ngày càng được trẻ hóa: Dưới 50 tuổi là 321 người (61,49%), dưới 40 là 121 người (23,18%); tuổi trung bình của 522 GS, PGS là 47,64 (năm 2014 là 49); tuổi trung bình của 52 GS là 56,94 (năm 2014 là 58) và tuổi trung bình của 470 PGS là 46,62 (năm 2014 là 48). Có 129 nữ trên tổng số 522 GS, PGS (24,90%), trong đó có 5 nữ GS là Đỗ Hương Trà (GD học), Nguyễn Thái Yên Hương (Sử học), Lê Thị Thanh Nhàn (Toán học, nữ GS trẻ nhất), Hứa Thị Ngọc Hà (Y học) và Phan Thị Ngà (Y học). Có 5 PGS là người dân tộc ít người: 1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày; 4 nữ, 1 nam.
GS trẻ nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý, Phó Viện trưởng ITIMS, Trường ĐH Bách khoa HN, 43 tuổi, bố mẹ là nông dân người Huế; GS Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình KH, trong đó 85 trên các tạp chí quốc tế ISI (60 SCI và 25 SCIE), hệ số H = 22 (tức là có 22 bài báo, mỗi bài được trích dẫn trên 22 lần). PGS Nguyễn Mậu Chung (Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) là tác giả và đồng tác giả của 8 bài báo trong nước, 261 ngoài nước, trong đó có 229 bài mang tên đại học Việt Nam, Hanoi University of Science.
GS cao tuổi nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa HN.
PGS trẻ nhất năm nay là Hồ Khắc Hiếu, ngành Vật lý, Trường Đại học Duy Tân, 31 tuổi. Như vậy năm nay ngành Vật lý nắm giữ cả hai kỷ lục, GS và PGS trẻ nhất. Có ba PGS cao tuổi nhất năm nay, cùng 63 tuổi, là Lê Thị Mai, ngành Xã hội học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Ứng Duy Thịnh, ngành Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội và Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Kinh tế, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Trong quá trình 35 năm qua, hầu hết các ngành đều “hiếm, muộn” nữ GS (và cả nữ PGS). Tôi xin lấy Toán học để minh họa. Nữ GS toán học đầu tiên của nước ta là NGND GS TSKH Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Sư phạm HN (sau này là CT HĐQT Trường ĐH Thăng Long), được phong GS năm 1980 khi chị 47 tuổi. Cho đến năm nay, sau 35 năm mới có thêm được nữ GS toán học thứ hai là Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên.
“Phúc đã trùng lai” ở một cặp vợ chồng, trong năm 2015, trong ngành Sinh học và trong một trường đại học: Đó là PGS TS Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977) và PGS TS Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976), Trường ĐH KHTN, ĐHQGTPHCM.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin được chúc mừng 52 GS và 470 PGS vừa mới bổ sung thêm vào “nguyên khí quốc gia”, góp phần cùng đội ngũ trí thức đưa đất nước ta vững bước trên con đường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trước năm 1980, Nhà nước đã phong chức danh GS cho 29 người, trong đó có 14 GS Y học. Thay mặt Hội đồng Chính phủ, ngày 29/4/1980 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký QĐ 131-CP công nhận chức vụ khoa học GS cho 83 cán bộ và PGS cho 347 cán bộ.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh Nước VNDCCH cho đến nay, tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là 11.619, gồm có 1.680 GS và 9.939 PGS (số PGS gần gấp 6 lần số GS), trong số đó nhiều người đã mất và về hưu.
Nguyễn Thị Trâm (tổng hợp)
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam