Về một công trình không được xuất bản

Viết hàng chục cuốn sách, chủ nhiệm hàng chục đề tài nghiên cứu các cấp, nhưng thật bất ngờ khi công trình tâm đắc nhất với GS.TSKH Lê Đức An lại là Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1:500.000, do ông chủ biên năm 1982 mà không được xuất bản. 

 GS.TSKH Lê Đức An xem lại tư liệu từ năm 1982

Cầm trên tay bản thảo “Tờ trình về việc chuẩn bị bản đồ địa mạo, địa chất đưa đi Liên Xô hiệu đính” soạn ngày 13-11-1982, GS Lê Đức An cho biết trước năm 1975, mới có bản đồ địa mạo miền Bắc tỷ lệ 1:200.000 một số vùng, nhưng chưa có ở tỷ lệ 1:500.000. Sau khi đất nước thống nhất, ông được phân vào miền Nam để cùng một số cán bộ khoa học của Đoàn 500 có nhiệm vụ vẽ bản đồ địa mạo và bản đồ trầm tích Đệ Tứ (một phần của bản đồ địa chất) cho toàn miền ở tỷ lệ 1:500.000. Sau 3 năm (1976-1979), ông và đồng nghiệp đã hoàn thành việc vẽ bản đồ địa mạo miền Nam, và cùng với việc vẽ tiếp bản đồ phần miền Bắc trên cơ sở các tư liệu đã có, một bản đồ địa mạo thống nhất toàn quốc ở tỷ lệ 1:500.000 đã được hoàn thành mà ông là chủ biên.

Cuối năm 1982, PTS Lê Đức An sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp và mang theo tờ bản đồ địa mạo Việt Nam 1:500.000 để nhờ các nhà khoa học Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô hiệu đính, trước khi gửi sang Tiệp Khắc in ấn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chính và một số vấn đề khác nên tờ bản đồ này không thể in ấn được. Đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất với GS Lê Đức An. Mặc dù không được xuất bản, nhưng Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1:500.000 là bản đồ địa mạo đầu tiên thể hiện được đầy đủ nhất các đặc điểm địa mạo ở Việt Nam. Không được xuất bản nhưng nó được các kỹ sư địa chất scan và sử dụng trong chuyên môn. Còn đối với ông, nó là tài liệu rất quý để ông có thể hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1985.

Nguyễn Thanh Hóa