Tôi cứ nghĩ, trong hàng triệu người đã và đang gắn bó với ngành giáo dục nước ta, số vị đạt đến tuổi 90 “thượng thượng thọ” là hiếm. Và càng cực hiếm, đến mức có thể đếm không hết ngón tay của một bàn tay, số bậc trưởng thượng theo nghiệp trồng người thủy chung từ thuở thanh xuân cho đến ngưỡng tuổi chót vót này. Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn thuộc số cực hiếm đó. Trước khi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng (năm 2012) không lâu, thầy vẫn gắn bó với ngành giáo dục, với tư cách một nhà nghiên cứu và trên cương vị hiệu trưởng một trường THPT tư thục thuộc loại lớn nhất TP HCM.
Cực hiếm, cực quý
Không những cực hiếm mà còn cực quý ở chỗ GS Lê Trí Viễn không chỉ miệt mài trên bục giảng mà còn say mê trước bàn viết, vừa góp phần đào tạo không biết bao nhiêu công dân ưu tú vừa để lại cho đời một lượng công trình thật đáng nể cả về số lượng lẫn chất lượng. Thầy hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà nhà nước tôn vinh.
Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn Ảnh: TƯ LIỆU
“Từ điển văn học bộ mới” (NXB Thế giới, 2004) có mấy dòng vắn tắt chưa thật đầy đủ về thầy. Bản “lý lịch trích ngang” tuy sơ sài ấy nhưng nói lên nhiều điều, buộc thế hệ hậu sinh chúng tôi phải suy nghĩ để noi gương.
Thứ nhất, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm rất cao của thầy đối với bất cứ đối tượng nào mà thầy tham gia đào tạo. Trong non 70 năm làm nghề trồng người, thầy đã kinh qua đủ các cấp từ tiểu học, trung học, ĐH, sau ĐH; từ lớp nhất ở trường quê nghèo Bảo An (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến việc hướng dẫn thành công vài mươi thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các trung tâm đào tạo chuyên ngành ngữ văn ở Hà Nội, TP HCM. Ở cấp học nào, dù tham gia giảng dạy ngắn hạn hay gắn bó vài thập kỷ, thầy đều để lại những kỷ niệm khó quên trong tâm trí vô số học trò.
Nghĩ về thầy, tôi còn nghĩ đến tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm. Chắc trong số nhiều chục ngàn học sinh các cấp của thầy, ít ai biết rằng dù đã đạt đến trình độ cao đến thế nhưng trước khi lên lớp, bao giờ thầy cũng chuẩn bị lại, chuẩn bị thêm hết sức công phu, tỉ mỉ. Công phu quá nhưng quả là rất đúng đắn, cần thiết nếu muốn giảng dạy thành công.
Được học GS Lê Trí Viễn trước đây hơn 50 năm, chúng tôi còn nhớ như in tác phong mẫu mực của thầy: vào lớp đúng giờ, kết thúc bài giảng đúng giờ, cúi chào đáp lễ học trò rất trang trọng. Khi giảng, thầy muốn – đôi khi hơi cực đoan – cùng người nghe đi đến kiệt cùng của những ý tình cao đẹp cũng như cảm nhận sâu sắc sự lung linh ảo diệu của ngôn từ, hình ảnh.
Thứ hai, để đảm đương nhiệm vụ giảng dạy ở những cấp học ngày càng cao, thầy đã nêu một gương sáng về công phu tự học, lặng lẽ kiên trì và quyết liệt. Tự học để chiếm lĩnh những tri thức khoa học liên ngành, cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học. Tự học để am tường sâu sắc những tác gia kiệt xuất, những nền văn học vĩ đại của nhân loại. Tự học, để từ cái vốn chữ nho khiêm tốn được người cha truyền dạy thuở ấu thơ và trình độ tiếng Pháp còn hạn chế của bậc CĐ tiểu học, sau này thầy nắm vững 2 ngôn ngữ quan trọng bậc nhất ấy…
Thứ ba, cũng như những giáo sư, học giả nổi tiếng khác, thầy đã hình thành cho mình trong nhiều chục năm liền sự gắn kết cần thiết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Thầy luận bàn giảng giải trên cơ sở những trang sách in của chính mình và ngược lại, nội dung giảng dạy trên lớp đã gợi hướng cho thầy đi sâu, rất sâu trong các bài báo khoa học và các chuyên luận dài hơi.
Tinh tế, tài hoa, sâu sắc, kỹ lưỡng…
Bộ “Lê Trí Viễn toàn tập” (năm 2006) gồm 7 cuốn, non 6.000 trang khổ lớn, là tập đại thành của những ngày thầy miệt mài bên bàn văn, kể cả 15 năm (1963-1978) làm chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tổng kết lại, thầy đã công bố 46 công trình, trong đó cộng tác và chủ biên 23 cuốn, riêng thầy có 23 cuốn. Tất cả đều dày dặn, công phu. Thầy tinh tế và tài hoa trong bình và giảng văn. Thầy sâu sắc, kỹ lưỡng trong các công trình văn học sử…
Là một trong những giáo sư văn học hàng đầu, thầy rất quan tâm và tham gia tích cực vào việc viết sách giáo khoa cho học sinh và sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên trung học. Công việc này bắt đầu từ năm 1987 và liên tục kéo dài đến tận năm 2000.
Sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập những thành công của thầy trong lĩnh vực sáng tác. Có một điều, chẳng bí mật gì nhưng ít người biết, GS Lê Trí Viễn mê văn chương từ thuở niên thiếu và có không ít bạn văn nổi tiếng như Khương Hữu Dụng, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng. Năm 1939, thầy vừa dạy tiểu học cùng trường với nhà thơ Khương Hữu Dụng vừa làm thơ.
Trong kháng chiến chống Pháp, chỉ có hơn 2 năm dạy ở Trường Trung học Phan Bội Châu (chiến khu Tuyên Hóa, Quảng Bình), thầy say sưa sáng tác văn xuôi. Hàng chục truyện ngắn và ký của thầy đã đăng trên các tạp chí văn nghệ của Liên khu IV. Thơ cũng là nơi đặc biệt cuốn hút khiến thầy được thực sự tự do, thoải mái đi về và đó chính là lĩnh vực bộc lộ năng khiếu thẩm mỹ của nhà giáo Lê Trí Viễn…
Kỳ tới: Người “quyết đem thân phò nghĩa cả
Hư tâm cầu học
Năm 1987, lúc thầy Lê Trí Viễn đã 70 tuổi, Tổ Văn học Việt Nam Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức sinh hoạt khoa học, mời GS Nguyễn Đăng Mạnh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trình bày liền 5 buổi. GS Mạnh kém GS Lê Trí Viễn đúng một giáp, là học trò của thầy ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại. Thầy đã đi dự đủ 5 buổi, ghi chép kỹ lưỡng hơn ai hết, trao đổi, thảo luận sôi nổi hơn ai hết khiến GS Mạnh nói nhỏ với tôi: “Thầy Viễn là bậc đàn anh của chúng mình trong lĩnh vực học thuật. Thái độ quá nghiêm túc của thầy làm mình ngại quá”.
Có gì đâu! Tất cả vẫn nằm trong tinh thần “hư tâm cầu học” của vị giáo sư cao niên. Có một nét tâm lý tưởng như mâu thuẫn, hóa ra lại hài hòa: Thầy luôn tự tin, rất tự tin khiến có lúc bị ngờ là kiêu ngạo nhưng khi cần lại thực sự khiêm tốn, chân thành học hỏi.
TRẦN HỮU TÁ
Nguồn:nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/mot-doi-day-van-mot-doi-viet-van-20151118220404059.htm