Tuổi nhỏ trên con đường học vấn
Giáo sư Vũ Dương Ninh sinh ngày 18-7-1937 trong một gia đình viên chức quê gốc ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nhưng ông chào đời ở thành phố Nam Định, trong thời gian gia đình từ Hà Nội chuyển về đây sinh sống. Sau này, GS Vũ Dương Ninh vẫn thường nói vui về lá số của mình: “Tôi sinh ra khoảng 9h tối một ngày hè giữa năm Đinh Sửu (1937). Cầm tinh con trâu nên phải nai lưng lặn lội cày bừa. Nhưng may thay sinh vào buổi tối là lúc trâu được nghỉ ngơi, lim dim đôi mắt nhẩn nha nhai lại. Cho nên cuộc sống của tôi, tuy gặp nhiều vất vả nhưng cũng có chút an nhàn”[1].
Khi nói về gia đình mình, GS Ninh chia sẻ: “Tôi là người may mắn được học hành đến nơi đến chốn. Dưới ách thống trị của Pháp – Nhật, việc được đi học là điều ao ước của rất nhiều người. Sớm nhận rõ điều này, tôi luôn cố gắng để học cho thật tốt”[2].
Vũ Dương Ninh là con thứ tư trong gia đình có 7 người con, 5 trai, 2 gái. Do điều kiện công tác thời chống Pháp, người cha thường xuyên xa nhà, nên việc học của ông thuở nhỏ chịu nhiều ảnh hưởng từ người anh cả là Vũ Văn Tảo[3]. GS Vũ Dương Ninh kể lại: “Từ bé, anh Tảo đã dạy tôi học, giảng giải cho tôi nhiều kiến thức khoa học. Anh luôn động viên, khích lệ tôi học tập. Cho đến khi tôi trưởng thành, anh Tảo là tấm gương để tôi phấn đấu noi theo. Chính tài năng và nhân cách của anh ấy đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời và sự nghiệp của tôi”[4].
Quá trình học phổ thông của ông cũng trải qua nhiều khó khăn do điều kiện chiến tranh. Lúc đầu học ở Nam Định, sau chuyển vào Thanh Hóa, rồi lại ra Hà Nội học tiếp. Sau khi có bằng Diplome, ông thi vào trường Chu Văn An là một trường lớn của Hà Nội. Đây cũng là lúc gia đình gặp nhiều khó khăn, ngoài đi học ông còn phải giúp mẹ bán hàng và dạy thêm con em các nhà khá giả (nay gọi là gia sư). Trong hoàn cảnh đó, ông càng nỗ lực học tập. Ông cùng một người bạn đồng môn là Đặng Thế Huy[5] chung tiền mua sách toán bằng tiếng Pháp về phân chia nhau giải bài tập để rồi giảng lại cho nhau vì cả hai đều không có tiền đi học thêm.
Sử học – cơ duyên và thử thách ban đầu
Việc GS Vũ Dương Ninh đến với ngành sử là một cơ duyên. Như ông kể lại: “Lúc mới học xong phổ thông, tôi muốn thi vào Đại học Y để làm bác sĩ. Nhưng sau một lần đi tham quan Viện giải phẫu, nhìn thấy mấy xác chết, tôi sợ nên lại thôi. Lúc đó, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mở, tôi làm đơn xin vào học và trở thành sinh viên khóa đầu tiên của nhà trường. Khi nhập trường, tôi muốn theo ngành Sinh học nhưng lại bị phân công học ngành Sử. Lúc đầu tôi rất không vui nhưng là đoàn viên Thanh niên nên phải chấp hành theo sự sắp xếp của nhà trường. Đến khi được nghe thầy Trần Văn Giàu giảng về lịch sử thế giới và lịch sử cách mạng Việt Nam, tôi cảm thấy thích thú, rất say mê nên quyết tâm đi theo ngành sử học”[6]. Ở khoa Sử, ông được học nhiều người thầy tài năng, đức độ như các Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Sáu, Tôn Thất Chiêm Tế… Ông tâm sự: “Thế hệ các thầy tôi đã được trưởng thành trong nền văn hóa phương Đông, lại tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa phương Tây, trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp nên thấm nhuần ý thức dân tộc, tràn đầy lòng yêu nước, yêu cách mạng. Tri thức và trải nghiệm của các thầy rất phong phú, uyên bác, truyền đạt nhiều điều quan trọng và thú vị. Đó là những người thầy tài cao đức trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ học trò chúng tôi”[7].
Sự nghiệp giảng dạy của GS Vũ Dương Ninh bắt đầu từ khá sớm. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học (1959), ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Lịch sử thế giới. Cuối năm 1960, ông được phân công giảng bài “Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản”. Về bài giảng đầu tiên của mình, GS Vũ Dương Ninh nhớ lại: “Do lần đầu lên giảng nên tôi chuẩn bị bài rất cẩn thận, nhờ thầy Lê Văn Sáu xem và góp ý. Trước khi lên lớp, tôi tự giảng ở nhà nhiều lần để tính toán về thời gian sao cho không ngắn quá cũng không dài quá. Tôi cũng chuẩn bị tâm lý thật tốt vì lúc đó tôi mới 23 tuổi mà nhiều sinh viên lớn tuổi hơn tôi, họ là cán bộ đi học hay bộ đội từ chiến trường trở về. Tuy vậy, trước đây tôi đã từng đi dạy bổ túc văn hóa nên cũng có đôi chút kinh nghiệm đứng lớp. Do chuẩn bị kỹ càng nên bài giảng đầu tiên của tôi được đánh giá tốt”[8]. Sau này, quá trình chuẩn bị bài và lên lớp giảng làm cho ông hiểu sâu sắc rằng, dạy học thực ra là một quá trình tự học, phải rất nghiêm túc và nỗ lực. Học từ các thầy và đồng nghiệp, học từ sách vở và thực tiễn cuộc sống, đồng thời nghe phản ánh của người học để rút kinh nghiệm.
GS Vũ Dương Ninh kể chuyện về cuộc đời ông (2015)
Trong bộ môn Lịch sử thế giới, thầy Vũ Dương Ninh được phân công giảng dạy về lịch sử phương Tây cận đại. Khó khăn lớn nhất lúc đó là ngoại ngữ. Giảng dạy lịch sử thế giới cần phải giỏi ngoại ngữ để tiếp cận với các tài liệu nước ngoài. Hồi phổ thông ông được học tiếng Pháp và thời gian này là lúc ông cố gắng bổ sung tiếng Pháp để đọc tài liệu do Pháp để lại ở các thư viện. Thời học đại học, theo chương trình chính thức, sinh viên phải học tiếng Trung. Đối với ông, tiếng Trung là vấn đề khó. Như ông nhớ lại: “Trong hai năm, thầy Chương Thâu dạy chúng tôi học “theo lối tắt”, tập sử dụng “Từ điển tứ giác” rồi cả lớp chia nhau cuốn “Lịch sử cách mạng Trung Quốc”, mỗi người vài trang để dịch. Thầy giáo chỉ dẫn, giảng giải, cuối cùng sửa chữa biên tập lại thành tài liệu cho sinh viên đọc thêm. Cách học này tiến bộ nhanh, hứng thú, thiết thực nhưng hạn chế về mặt hội thoại, chủ yếu chỉ nhớ mặt chữ và hiểu nghĩa”[9]. Nhờ vốn tiếng Trung ít ỏi đó, ông đã tham khảo cuốn “Lịch sử thế giới” của Trung Quốc do các bạn tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh mang về. Tuy nhiên đòi hỏi chủ yếu lúc bấy giờ là phải biết tiếng Nga vì đa số sách đều nhập từ Liên Xô. Vũ Dương Ninh được học vỡ lòng tiếng Nga qua cô giáo Nona – phu nhân của thầy Nguyễn Tài Cẩn dạy phát âm và qua thầy Nguyễn Cao Đàm – phó tiến sĩ vừa từ Liên Xô về – dạy ngữ pháp. Thời gian đó, nhà trường mời một chuyên gia Liên Xô là bà Elixơva sang giảng lịch sử thế giới. Bà mang theo cuốn sách Lịch sử thế giới của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô để giảng dạy. Nhận thức đây là cơ hội tốt, ông tranh thủ học hỏi rất nhiều từ bà giáo Nga. Ông tập dịch sách tiếng Nga, bắt đầu dịch bản mục lục để qua đó, tích lũy được vốn từ chuyên môn khá tốt, làm cơ sở đi sâu vào dịch các chương sách. Được sự giúp đỡ của thầy Cao Xuân Hạo và thầy Phan Ngọc – là những người rất giỏi tiếng Nga qua con đường tự học, Vũ Dương Ninh dịch một vài chương từ cuốn sách này làm tài liệu giảng dạy và là cơ sở để sau này đi sâu soạn giáo trình. Như GS Ninh chia sẻ: “sau những ngày đầu bỡ ngỡ tôi dần quen với công việc giảng dạy. Ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn nhưng cũng khắc phục dần do tự học, được sự giúp đỡ của các thầy và bạn. Kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp được dần dần nâng lên làm nền tảng cho sự nghiệp giảng dạy sau này của tôi”[10].
Nhắc đến những lớp sinh viên các khóa đầu, ông nhớ tới Ca Lê Hiến, con trai nhà nghiên cứu, nhà cách mạng Ca Văn Thỉnh. Khi tốt nghiệp, nhà trường chọn Ca Lê Hiến ở lại làm cán bộ giảng dạy môn Lịch sử thế giới và dự định cử anh ra nước ngoài học tiếp. Nhưng Ca Lê Hiến lại tình nguyện trở về quê ở Bến Tre, tham gia kháng chiến với bút danh Lê Anh Xuân. Anh hy sinh năm 1968 trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân, để lại nhiều bài thơ đi vào lịch sử như “Dáng đứng Việt Nam”, sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân là một trong những sinh viên đặc biệt ấn tượng đối với khoa Sử và thầy Vũ Dương Ninh.
Trải nghiệm trong thực tiễn thời chiến
Từ năm 1965, Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về nhiều nơi thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Khoa Lịch sử tập trung ở xóm Chùa, xã Vạn Thọ. Để ổn định lớp học, cả thầy và trò đều phải đi chặt cây dựng nhà, làm lớp học, đào hầm tránh bom đạn. Tham gia lao động giúp đỡ bà con theo phương châm dân vận “đi dân nhớ, ở dân thương”. Bên cạnh đó, tăng gia sản xuất cũng là việc quan trọng, ai cũng phải làm. Ngoài số gạo ít ỏi được cấp phát, thầy trò phải trồng sắn, trồng rau đóng góp cho nhà bếp để cải thiện bữa ăn. Đối với thầy Vũ Dương Ninh đây là một điều khó khăn vì vốn là dân thành thị, không quen cày bừa cuốc xới. Nhưng cuộc sống không phụ lòng người có tâm, như ông vẫn ghi nhớ: “Tôi được ở nhà ông bà Được có 6 người con. Lúc đầu họ không gần gũi tôi lắm vì tôi không biết cày cấy, lao động như các thày giáo khác vốn xuất thân từ nông thôn. Trong lúc lúng túng và lo lắng, tôi thấy các con nhà chủ đều học kém nên tôi tổ chức dạy học cho các cháu. Thành lệ, cứ tối đến, tất cả lại ngồi quanh ngọn đèn dầu, tôi lần lượt bảo ban từ bé đến lớn. Dần dần thành tích học tập ở trường tiến bộ rõ rệt, ông bà chủ nhà rất quý mến tôi. Tôi nghĩ, tham gia lao động gặt hái, gánh lúa là rất tốt, dễ hòa đồng với mọi người. Nhưng có lẽ điều bà con cần chính là mình đem cái chữ giúp cho con cái họ tiến bộ, và tôi đã làm được điều đó”[11]. Nhờ sự chỉ dạy của ông và sự cố gắng của những người con chủ nhà mà sau này họ đều trưởng thành và có điều kiện để vươn lên: hai người con trai đi bộ đội, cả 4 cô con gái đều làm giáo viên, sinh hoạt gia đình thay đổi hẳn.
Khó khăn lớn nhất của Vũ Dương Ninh lúc đó là chuyện gia đình. Ông tâm sự: “Lúc đó, vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng. Chiến sự ở Hà Nội ác liệt nên phải sơ tán lên chỗ tôi công tác để sinh cháu. May được gia đình nhà chủ giúp đỡ chăm sóc, không kiêng khem theo phong tục nên chúng tôi cũng yên tâm, thoải mái. Tôi có điều kiện để tập trung dạy học. Đó là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là sự trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời làm nghề giáo của tôi”[12]. Trong thời gian này, thầy Vũ Dương Ninh vẫn tiếp tục giảng dạy về lịch sử thế giới cận đại. Thường các thầy chia nhau vừa giảng dạy nơi sơ tán, vừa về Hà Nội tìm tài liệu trong Thư viện Quốc gia để bổ sung bài giảng. Tất cả nội dung giảng dạy được ông ghi chép tỉ mỉ vào một cuốn sổ dày, lúc nào cũng mang theo bên mình phòng khi bị địch bắn phá, ném bom, bài giảng không bị cháy hay thất lạc. Trong thời gian này, ông cùng thầy Nguyễn Văn Hồng biên soạn cuốn giáo trình “Lịch sử thế giới cận đại”. Thầy Hồng viết phần về phương Đông còn ông viết phần về phương Tây. Cuốn giáo trình in ronêo trên giấy đen xấu xí nhưng đã cung cấp tài liệu cơ bản cho sinh viên trong những ngày thiếu thốn đủ thứ. Sự nỗ lực của GS Vũ Dương Ninh được tập thể ghi nhận, vào tháng 4-1966, ông được kết nạp vào Đảng. Và mới đây, tháng 5-2016 ông vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Những tháng ngày ở Đại Từ, sau này, một người học trò thân của ông là GS.TS Nguyễn Văn Kim vẫn nhắc lại: “Trong khói lửa của chiến tranh, từ trên những chiếc bàn tre dưới ánh đèn dầu không đủ sáng, dưới những mái lán nứa và sự đùm bọc, chở che của bà con nơi sơ tán…, từng phần của cuốn “Giáo trình Lịch sử thế giới” được biên soạn và ứng dụng trong việc giảng dạy cho sinh viên. Vừa làm vừa học, vừa giảng dạy vừa tích luỹ kinh nghiệm, qua thực tiễn gian khó, thầy cùng các bạn đồng nghiệp đã từng bước trưởng thành và trở thành những hạt nhân cốt lõi trong việc xây dựng một số ngành học của trường cũng như nhiều trường đại học ở phía Nam sau khi đất nước thống nhất”[13].
Mở rộng tầm nhìn, xây dựng ngành nghiên cứu quốc tế
Từ trong chiến tranh khó khăn cho đến khi hòa bình lập lại, thầy giáo Vũ Dương Ninh luôn say mê với công việc giảng dạy của mình. Khi đất nước thống nhất, ông được cử trong đoàn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào miền Nam giảng dạy cho các lớp sinh viên Văn khoa ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt. Học kỳ nào ông cũng thu xếp đi giảng lần lượt các trường trong đó. Bài giảng Lịch sử thế giới của ông được các lớp sinh viên miền Nam đón nhận nhiệt tình. Nhiều sinh viên thời đó, nay đảm nhiệm chức vị quan trọng, vẫn còn nhắc tới những ký ức về nội dung phong phú và phương pháp giảng dạy hấp dẫn của ông. Cùng với giảng day, ông góp sức vào việc bồi dưỡng cán bộ thành lực lượng nòng cốt xây dựng bộ môn cho các trường đó có thể tự đảm nhiệm chương trình, giảm dần việc mời thầy từ Hà Nội vào.
GS Vũ Dương Ninh giới thiệu một công trình nghiên cứu do ông chủ biên
Thực hiện kế hoạch hợp tác giáo dục và y tế giữa Việt Nam với một số nước châu Phi, ông được cử vào đoàn chuyên gia đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội sang giảng dạy tại nước Cộng hòa Mađagaxca. Đoàn có 5 người gồm các thầy giáo Nguyễn Đăng Châu (triết học), Hoàng Hữu Đường và Nguyễn Thừa Hợp (toán học), Đinh Xuân Lâm và Vũ Dương Ninh (sử học) công tác trong hai niên khóa 1981-1982 và 1982-1983. Trong quá trình làm việc ở đây, ngoài việc thực hiện kế hoạch của nước bạn, ông tranh thủ thu thập thêm nhiều tài liệu bổ sung vào các giáo trình lịch sử thế giới của mình, điều mà hồi đó ở trong nước không có điều kiện vì rất hiếm sách các nước Tây Âu. Ông còn biên soạn cuốn “Mađagatca trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” bằng nhiều nguồn tài liệu ở địa phương. Năm 1984, ông về nước được phong chức danh Phó Giáo sư, đến năm 1992 được phong Giáo sư.
Việc dạy học luôn gắn liền với nghiên cứu khoa học, như thầy Trần Văn Giàu trong một lần dự giờ giảng của ông đã nhắc nhở: “Chú dạy được, nhưng phải chú ý nghiên cứu khoa học. Không tìm tòi nghiên cứu thì giảng dạy sẽ khó thành công”. Lời nhắc nhở này được GS Vũ Dương Ninh ghi nhớ và cố gắng thực hiện trong suốt cuộc đời công tác của mình.
Về nghiên cứu khoa học, GS Vũ Dương Ninh chia sẻ: “Lịch sử thế giới là ngành học quá rộng lớn. Khi mới vào nghề, tôi cứ phân vân, không biết phải tìm hiểu từ đâu, đi sâu vào cái gì. Chính vào năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã vạch ra đường lối Đổi mới và Hội nhập quốc tế. Từ đó, mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài, nhiều vấn đề đặt ra cho môn Lịch sử thế giới. Đây là thời gian ông có điều kiện đi nghiên cứu, dự hội thảo quốc tế ở Tây Âu (Pháp, Đức, Thụy Điển) cũng như ở Đông Á (Hongkong, Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều nước ASEAN). Cùng với việc sưu tầm tài liệu, trao đổi khoa học, ông tìm hiểu cách tổ chức và định hướng nghiên cứu của các nước. Vận dụng kinh nghiệm và kiến thức tích lũy trong thời gian ở nước ngoài, ông thấy lịch sử thế giới nếu chỉ đi sâu vào đấu tranh giai cấp như bấy lâu vẫn làm thì không đủ. Sự phát triển của xã hội rất phong phú và đa dạng, không chỉ nhìn từ góc độ giai cấp nên cần cho sinh viên mở rộng tầm nhìn từ góc độ lịch sử văn minh, thấy rõ sự sáng tạo của loài người đã làm nên giá trị vật chất và tinh thần, đưa lịch sử phát triển vượt bậc. Do vậy, theo đề nghị của ông, Bộ Giáo dục đã đưa môn Lịch sử văn minh thế giới vào chương trình học tập trong khối kiến thức chung tại các ngành học khoa học xã hội trong cả nước. Cuốn “Lịch sử văn minh thế giới”, do ông chủ biên được sử dụng rộng rãi như giáo trình chính thức trong cả nước, được tái bản hằng năm, hiện nay đã xuất bản lần thứ 14.
Vấn đề hội nhập quốc tế đòi hỏi phải hiểu biết về thế giới bên ngoài mà bấy lâu, do hoàn cảnh chiến tranh, Việt Nam hầu như bị tách biệt, kể cả với các nước xung quanh. Thấy được điều đó, vào đầu những năm 90, ông tổ chức biên soạn các cuốn sách về ASEAN, về châu Á và các quốc đảo Thái Bình Dương. Song vấn đề cơ bản để hội nhập quốc tế, “muốn là bạn với cộng đồng thế giới” thì phải nghiên cứu các vấn đề quốc tế, mối quan hệ giữa các nước lớn, quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đáp ứng yêu cầu đó, từ năm 1993, trong khoa Lịch sử bắt đầu xây dựng ngành Nghiên cứu Quốc tế. Đến năm 1995, ngành này tách ra thành khoa Quốc tế học thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN) do ông làm chủ nhiệm. Cùng thời gian này, cũng từ khoa Sử đã hình thành khoa Đông Phương học do GS Phan Huy Lê lãnh đạo và khoa Du lịch học do GS Trần Quốc Vượng phụ trách.
Từ những ngày đầu của khoa Quốc tế học, GS Vũ Dương Ninh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ và khởi thảo chương trình các môn học. Đây là vấn đề rất mới ở nước ta nên chưa phải đã nhận được sự đồng thuận ngay từ đầu. Nhưng kiên trì đi theo định hướng đã vạch ra, ông cùng đồng nghiệp tìm hiểu kinh nghiệm các nước, đặt mối liên hệ với các bạn nước ngoài nhằm tham khảo nguồn tài liệu về ngành học. Nhờ vậy, ông nhận được nhiều bản chương trình đào tạo của một số trường đại học ở Mỹ, Nhật, Anh, Pháp… Song để vận dụng vào nước ta, như ông chia sẻ: “Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam mà không liên hệ với lịch sử thế giới th́ì không đi vào chiều sâu, có những vấn đề khó lý giải. Còn nghiên cứu, giảng dạy lịch sử thế giới mà không liên hệ với lịch sử Việt Nam thì bài giảng dễ chung chung, không rút ra những kinh nghiệm thiết thực vận dụng vào Việt Nam…”[14]. Quan điểm này được ông và đồng nghiệp vận dụng vào nghiên cứu các vấn đề thuộc về lịch sử cũng như các vấn đề quan hệ quốc tế hiện đại. Đó là hướng mở rộng cho các bài giảng cũng như các đề tài nghiên cứu. Chính nhờ đó nên các bài giảng và công trình nghiên cứu của GS Vũ Dương Ninh trở nên phong phú, sinh động, không chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng của môn học mà còn liên hệ các sự kiện, mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới, giữa thế giới với Việt Nam. Nhờ vậy, những vấn đề tưởng chừng như rộng lớn, xa xôi nhưng luôn liên hệ với lịch sử dân tộc, với thực tiễn Việt Nam làm cho nội dung các bài của ông thường dễ hiểu, gợi mở nhiều vấn đề thiết thực. Những giáo trình, giáo án do ông biên soạn như Lịch sử quan hệ quốc tế, Các tổ chức quốc tế, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam là những viên gạch đầu tiên, cùng nhiều cuốn sách khác của các tác giả: PGS Hoàng Khắc Nam, Phạm Quang Minh, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bùi Hồng Hạnh … đã đặt nền tảng cho sự phát triển đầy triển vọng của Khoa. Đến nay, khoa Quốc tế học đã đi được chặng đường 20 năm, trở thành một trong những cơ sở mạnh đào tạo cả ba bậc (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) về nghiên cứu quốc tế, có mối liên hệ rộng rãi với các trường đại học và các viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
Sau này, khi nghĩ về hơn nửa thế kỷ giảng dạy của mình, GS Vũ Dương Ninh tâm sự: “Làm người thầy giáo thường có nhiều niềm vui, cũng có nỗi buồn. Nhưng niềm vui lớn nhất là được nhìn thầy các học trò của mình trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Trong đó có không ít người đã vượt qua tầm của mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được mà cuộc đời giảng dạy mang lại cho người thầy giáo”[15].
Cuộc hành trình vẫn tiếp tục
Vừa tròn 50 năm gắn bó với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN), ông chính thức nhận sổ hưu khi bước vào tuổi 70. Với cuộc hành trình không mệt mỏi, ông nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú (1994), Nhà giáo Nhân dân (2002) và những phần thưởng xứng đáng – Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì. Nhìn lại quãng đường đã qua của GS Vũ Dương Ninh, GS.TS Nguyễn Văn Kim trân trọng chia sẻ: “Là một nhà giáo, thầy Ninh luôn tin ở học trò, tin ở năng lực sáng tạo và bản lĩnh khoa học của họ. Đất nước đang từng ngày đổi thay, thầy đã chọn nghề sư phạm, mải miết đi trên dặm đường dài nhiều chông gai nhưng cũng rất vinh quang. Suy ngẫm và chiêm nghiệm về cuộc đời làm nhà giáo và nhà khoa học, thầy vẫn thấy đã chọn con đường đi đúng. Giờ đây, thầy có thể vui với sự nghiệp trồng người của mình vì đã và đang có lớp lớp học trò tiếp bước”[16].
Những tưởng về hưu là dịp ông được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Nhưng không phải, tiếp theo lại là 10 năm đầy sôi động. Ông vẫn có mặt trên giảng đường các lớp sau đại học của nhiều cơ sở đào tạo như Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Ngoại giao, vẫn tham gia hoặc làm chủ tịch các Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Ông vẫn thường được mời tham gia Hội đồng khoa học và đào tạo của nhà trường, được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quốc tế học – Khu vực học của Quỹ NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhiệm kỳ 2010 – 2016.
Về các công trình khoa học, ông đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu thực hiện thành công đề tài “Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX” (2007), đúc rút những kinh nghiệm thiết thực cho công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Ông cũng chủ biên (và đồng chủ biên) bộ sách “Chuyên đề lịch sử thế giới”. Đây là công trình tuyển chọn các bài viết có giá trị khoa học của các nhà nghiên cứu trong bộ môn Sử thế giới và cứ 5 năm xuất bản một lần. Đến nay bộ sách này đã xuất bản được 3 tập.
Năm 2010, ở tuổi 73, GS Vũ Dương Ninh đã trực tiếp đi khảo sát thực địa dọc biên giới từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, để thực hiện vai trò chủ biên cuốn sách “Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc”. Cùng với hơn một trăm bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, ông công bố ba cuốn sách gồm “Thế giới, Việt Nam và sự hội nhâp”(2007), “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam” (2015), gần đây nhất là cuốn “Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế. Lịch sử và vấn đề” (2016). Kiến thức và luận điểm của ông đã vượt qua phạm vi các bài giảng trong nhà trường, đang góp phần vào xã hội những gợi ý về việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên bước được đầy cam go trước mắt.
Chuẩn bị bước vào tuổi 80, khi được hỏi: Thầy đã có thể yên tâm nghỉ ngơi chưa? Sau một chút ngẫm nghĩ, GS Vũ Dương Ninh nhẹ nhàng nói: Mình cũng muốn “gác bút”, nhưng chưa biết thế nào. Còn nhiều dự định lắm, còn nhiều đề tài muốn viết lắm, nhưng thôi, “nói trước bước không qua”. Với nụ cười hóm hỉnh và cái bắt tay thật chặt. ông muốn tạm dừng câu chuyện ở đây, dù chúng tôi hiểu rằng hành trình của đời ông, vẫn đang được viết tiếp…
Bùi Minh Hào
[1] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 08-7-2015. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 08-7-2015. Tài liệu đã dẫn.
[3] Tức GS.TS Vũ Văn Tảo, một nhà nghiên cứu khoa học Thủy lợi, nguyên Vụ trưởng, trợ lý Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
[4] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 08-7-2015. Tài liệu đã dẫn.
[5] Sau này là GS.TS Đặng Thế Huy (1937-2014), một nhà khoa học trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp.
[6] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 21-7-2015. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 21-7-2015. Tài liệu đã dẫn.
[8] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 12-8-2015. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9][10][11][12]Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 12-8-2015. Tài liệu đã dẫn.
[13] GS.NGND Vũ Dương Ninh – một đời tâm huyết với nghề.
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/GSNGND-Vu-Duong-Ninh-mot-doi-tam-huyet-voi-nghe-1-12178.aspx.
[14] Phỏng vấn GS Vũ Dương Ninh ngày 5-8-2015. Tài liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.