Bước đầu tiếp xúc với đất đá
Sinh ra ở vùng quê nghèo xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, cuộc sống mưu sinh luôn thôi thúc chàng học trò nghèo Nguyễn Thế Thôn phải vươn lên trong học tập để thoát cảnh cơ cực. Cha mất sớm, nhà đông anh em nên Nguyễn Thế Thôn vừa học, vừa phải làm thêm để giúp gia đình trang trải cuộc sống. Năm 1957, Nguyễn Thế Thôn là học sinh lớp 9, trường cấp III Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh về thăm nhà thì tình cờ gặp người bạn cũ Hoàng Thanh Cảnh (hơn ông 2 tuổi), sinh viên năm thứ 2 khoa Mỏ – Luyện kim[1]. Qua lời kể của bạn Cảnh về ngành địa chất với những chuyến đi thực tế ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, Nguyễn Thế Thôn rất háo hức và ước mong được theo ngành địa chất để khám phá mọi vùng miền của Tổ quốc. Ngoài giờ lên lớp và làm thêm, Nguyễn Thế Thôn dành hết thời gian và tâm trí vào việc ôn tập các môn toán, lý, hóa, sinh. Để rồi, vào một chiều hè năm 1959, chàng trai Nguyễn Thế Thôn cầm trên tay giấy báo đỗ đại học mà không kìm được nước mắt của sự vui mừng, sung sướng vì ước mơ đã thành hiện thực.
Ông vẫn nhớ: Sáng ngày 19-9-1959, tôi đến khoa Mỏ – Luyện kim nhập học mà lòng vui sướng lâng lâng, trường mới, bạn mới… Học kỳ đầu tiên, sinh viên Nguyễn Thế Thôn học các môn đại cương như: địa chất đại cương, kinh tế học, khoáng vật học, tìm kiếm, thăm dò địa chất… do các thầy Võ Năng Lạc, Phan Trường Thị giảng dạy. Với lòng say mê, ham tìm tòi khám phá những điều mới, Nguyễn Thế Thôn tập trung học tập và đạt kết quả tốt. Ông được cử làm Tổ phó học tập nhóm Địa chất của khoa Mỏ – Luyện kim. Cuối học kỳ, khoa Mỏ – Luyện kim tổ chức cho sinh viên năm nhất đi thực tế môn Địa chất đại cương ở vùng Đồng Mỏ[2] trong hai tuần do thầy Võ Năng Lạc phụ trách. Chuyến đi này nhằm giúp sinh viên bước đầu tiếp xúc với ngành Địa chất. Vào trung tuần tháng 1-1960, cả lớp tập trung ở ga Hàng Cỏ, rồi đi tàu lên ga Đồng Mỏ. Sau đó, thầy Lạc cùng sinh viên đi bộ khoảng hơn 5 km vào bản của người Tày xin ở nhờ. Hàng ngày, thầy Lạc đưa sinh viên đi thực địa trong rừng hướng dẫn cách tìm mẫu đá. Các mẫu vật thu về được thầy Lạc dùng búa địa chất (có cấu tạo khá đặc biệt gồm 2 đầu, một đầu vuông và một đầu nhọn) đập ra để sinh viên quan sát các hiện tượng cấu tạo đá, qua đó xác định niên đại của các mẫu đá, như Đại cổ sinh, Đại trung sinh, Đại tân sinh. Phó giáo sư Nguyễn Thế Thôn cho biết: Từ mẫu đá, sinh viên chúng tôi có thể thấy được sự thay đổi địa chất địa mạo cũng như niên đại hình thành của khu vực đó[3].
Các học kỳ tiếp theo, Nguyễn Thế Thôn được học thêm nhiều môn chuyên ngành như địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa chất thăm dò… Ngoài ra, ông và một số bạn học được thầy Lạc cho đi khảo sát một tuần ở vùng Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông cho biết: Nơi đây, có mỏ than lớn được thực dân Pháp khai thác từ sớm, sau này được Chính phủ ta xây dựng nhà máy nhiệt điện Na Dương II để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sâu trong khu mỏ khai thác than đá, thầy Lạc hướng dẫn sinh viên tìm hiểu cấu tạo than đá.
Dấu mốc quan trọng
Đến đầu năm 1962, khi đang học năm thứ ba, Nguyễn Thế Thôn quyết định chọn chuyên ngành địa chất thăm dò với mong muốn tìm hiểu những điều bí ẩn nằm sâu trong lòng đất. Theo ông: Đây là một chuyên ngành khó và vất vả, thường xuyên phải đi khảo sát thực địa ở các nơi. Trong số 23 người theo học chuyên ngành này, mỗi người được phân thực tập ở các địa phương khác nhau như Nghệ An, Thanh Hóa hay vùng núi Đông Bắc. Do khoa Mỏ – Luyện kim của trường Đại học Bách khoa liên kết với Cục Bản đồ địa chất[4] (còn gọi là Đoàn 20) thuộc Tổng cục Địa chất nên sinh viên sẽ đi cùng các đoàn công tác này để khảo sát thực tế và vẽ bản đồ. Nguyễn Thế Thôn theo đội Tây Bắc thuộc Đoàn 20 về khảo sát ở vùng núi Tọ, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên[5], và xã Nà Ư, huyện Điện Biên[6], thuộc Khu tự trị Tây Bắc[7].
Sau khi nhận được thông báo của khoa, đầu tháng 6-1962, sinh viên Nguyễn Thế Thôn – được phân công làm trưởng nhóm cùng hai cán bộ của Đoàn 20 (tên là Ích và Tước) được xe commăngca của Tổng cục Địa chất đưa lên thị trấn Phù Yên với hành trang rất đơn giản, vài bộ áo và chiếc chăn đơn. Đoàn 20 cung cấp một số dụng cụ chuyên dụng gồm: búa địa chất, la bàn, đèn pin và áo mưa. Nhiệm vụ chuyến thực tập là phải vẽ bản đồ địa hình và thu thập mẫu đá của khu vực xung quanh núi Tọ, nằm trong chương trình vẽ bản đồ địa chất miền Bắc với tỉ lệ 1:500.000 do nhà địa chất Dovjikov (thuộc Viện nghiên cứu Địa chất toàn Liên bang, Ủy ban Địa chất nhà nước Liên Xô) phụ trách. Nhóm ba người tiếp tục đi bộ khoảng 20 km đến xã Suối Tọ và xin ở nhờ người dân trong bản. Theo PGS Nguyễn Thế Thôn chia sẻ: Nguyên tắc đi thực địa phải luôn có từ 3 người trở lên, bởi nếu một người bị bệnh thì hai người còn lại có thể giúp đỡ. Nơi đây rừng núi hoang vu, thời tiết lại khắc nghiệt, quanh năm sương mù bao phủ, dân sống ở đây chủ yếu là người Hmông. Cuộc sống của họ còn khó khăn, hình thức sản xuất tự cung tự cấp vẫn tồn tại, nhưng người dân tốt bụng và mến khách. Sống cùng dân bản, nhóm công tác thường dậy sớm nấu cơm ăn sáng và chuẩn bị cơm nắm ăn trưa. Hàng ngày, nhóm công tác ba người cùng một người dân bản được thuê dẫn đường đi khảo sát trong rừng, với phạm vi từ 5 đến 10 cây số để vẽ bản đồ. Đến khoảng 5 giờ chiều, nhóm khảo sát rời địa bàn nghiên cứu và trở về bản trước khi trời tối. Trong quá trình thực địa, ông đặc biệt chú ý khảo sát tầng cổ sinh ở đá, tập trung tìm hiểu những nơi có nhiều dấu vết cổ sinh và thu thập các mẫu vật tại đó. Ông giải thích: Đá có nhiều loại, như trầm tích, mắc ma, đá biến chất, qua biến đổi của trái đất mà hình thành nên các dạng núi đá, các mẫu hóa thạch được hình thành do vận động của tự nhiên. Ví dụ như dưới lòng sông, hồ thường có lớp cát; khi nghêu, sò, cá sống trong nước chết đi sẽ ẩn xác vào lớp cát ở tầng đáy, qua hàng triệu năm kiến tạo để hình thành nên các lớp trầm tích và cùng với biến động địa chất tạo nên các hóa thạch. Vùng núi Tọ được hình thành từ kỷ Phấn trắng và kéo dài từ kỷ Trias[8] (kỷ Tam Điệp) đến kỷ Cretaceous[9] (kỷ Phấn trắng).
Sau 2 tuần ở xã Suối Tọ, mọi người chuyển sang khảo sát thêm xã Mường Do, Phù Yên. Một lần, đoàn khảo sát gặp mưa rừng, chiếc la bàn duy nhất của đoàn do Trung Quốc sản xuất bị rơi xuống nước nên không định được phương hướng, thế là cả nhóm đành hạ trại ngủ trong rừng. Mọi người chặt cành cây và lấy lá mây lợp mái, kết hợp với những chiếc áo mưa cho khỏi bị dột, người dẫn đường đảm nhận việc kiếm thức ăn, ông đi tìm bắt những con ốc sên rừng về nướng, khi nước trong vỏ ốc cạn hết là lúc thịt ốc chín, đập vỏ để ăn. Món ốc sên nướng ăn vừa dai vừa bùi, đến giờ ông Thôn vẫn nhớ mùi vị đó. Sáng hôm sau, chiếc la bàn khô thì mọi người mới tiếp tục chuyến hành trình.
Đầu tháng 7-1962, kết thúc đợt thực địa. Thu dọn hành trang, nhóm khảo sát mang theo những mẫu vật thu được quanh khu vực núi Tọ trở ra thị trấn Phù Yên. Đến cuối ngày, xe ô tô của Tổng cục Địa chất lên đón ba người và họ tiếp tục chuyến hành trình tới thị trấn Điện Biên. Trên đường, xa xa ông chỉ thấy lác đác mấy ngôi nhà lá đơn sơ. Đến gặp Chủ tịch thị trấn để xuất trình giấy tờ, đoàn đề nghị địa phương cử hai người dân đi theo giúp việc vận chuyển đồ, hỗ trợ đoàn, bởi chuyến đi sẽ liên tục nhiều ngày, phải ngủ lại trong rừng, do không có điều kiện quay lại bản… Một ngày đoàn trả thù lao cho mỗi người 1.2 đồng, tiền sẽ được thanh toán khi kết thúc chuyến đi. Theo lộ trình, mọi người đi bộ từ thị trấn Điện Biên lên xã Nà Ư giáp biên giới Việt – Lào, để vẽ bản đồ địa chất. Phó giáo sư Nguyễn Thế Thôn cho biết: Đoàn 5 người gồm tôi, hai ông Ích và Tước và hai người dân tộc Thái, nhiệm vụ của họ là dẫn đường và gánh đồ đạc. Men dòng Nậm He[10], mọi người đi sâu vào rừng, theo những nhánh suối nhỏ để lên xã Nà Ư. Ban ngày, nhóm khảo sát đi đo thế nằm của đất và đá, xác định vỉa tầng đá, tìm kiếm các mẫu hóa thạch. Tối đến, mọi người chọn mỏm đá cao hoặc bãi bồi cao từ 1 đến 2m so với mực nước suối để dựng trại ngủ.
Sinh viên Nguyễn Thế Thôn bên dòng Nậm He, tháng 7-1962
Thời đó, rừng núi hoang vu, nguy hiểm luôn rình rập bởi thú dữ. Có lần, mọi người đang đi dọc suối thì thấy dấu chân hổ còn ướt trên đá. Ban đêm, một người dẫn đường thường không ngủ, ngồi canh gác bên ngoài lều. Có lần, ông Thôn khuyên không nên thức suốt như vậy, thì người dẫn đường từ chối với lý do ngủ ngáy sẽ ảnh hưởng tới người khác và dễ bị thú rừng nghe tiếng mò đến. Sau 3 ngày 2 đêm đi đường rừng, mọi người đến được xã Nà Ư, dân cư ở đây chủ yếu là người Hmông, và bắt tay vào vẽ phác thảo bản đồ địa hình. Ông Thôn bỏ tiền riêng mua một con lợn “cắp nách” 8 cân, rồi chia hai phần. Một phần dùng để gói giò, phần còn lại làm ruốc ăn đường. Làm thịt lợn, người dân có đánh tiết canh nhưng ông Thôn khuyến cáo đoàn không nên ăn bởi: Ăn tiết canh lỡ bị đau bụng thì cuộc hành trình sẽ hỏng hết, nơi núi rừng hoang vu này lấy đâu ra thuốc men để chữa trị!. Sau đó, đoàn tiếp tục sang vùng đất Lào, sát biên giới khảo sát 1 ngày rồi trở về thị trấn Điện Biên. Trên đường về, mọi người tìm hoa chuối rừng, chặt về để nấu với giò, ông Thôn cho biết: Ăn món canh hoa chuối này rất ngon nhưng lại dễ bị bệnh tiêu chảy. Cuối tháng 7-1962, đoàn trở về Hà Nội, kết thúc chuyến đi khảo sát. Những mẫu vật và phác thảo bản đồ được ông giao nộp cho Đoàn 20, ông chia sẻ: Một số mẫu vật nhóm tìm được chọn gửi sang Viện Địa chất, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô để xác định niên đại, các mẫu vật này được đánh giá tốt. Ngày 30-12-1962, ông nhận được giấy khen của Đoàn 20 vì có nhiều thành tích trong học tập và giúp đỡ mọi người.
Trên kết quả chuyến đi thực tập, sinh viên Nguyễn Thế Thôn bắt tay vào viết khóa luận tốt nghiệp với tiêu đề Cấu tạo địa chất vùng núi Tọ do thầy Võ Năng Lạc hướng dẫn. Trong buổi bảo vệ khóa luận vào tháng 5-1963, Ủy ban Khoa học Nhà nước[11] đã cử ông Nguyễn Huy Mạc – cán bộ Ban Sinh vật địa đến tham dự. Trong số 23 sinh viên, có ba người là: Nguyễn Thế Thôn, Nguyễn Như Lai và Đặng Xuân Phong được nhận bằng xuất sắc. Hai ông Lai và Phong được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy, còn Nguyễn Thế Thôn và Nguyễn Như Mai (tốt nghiệp loại giỏi) được ông Nguyễn Huy Mạc chọn về công tác ở Ban Sinh vật địa thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Từ đây, kỹ sư trẻ Nguyễn Thế Thôn bắt đầu con đường nghiên cứu địa chất, thực hiện ước mơ khám phá những vùng đất của Tổ quốc thân yêu như ông hằng mong ước.
Thời gian lùi xa, ký ức nào rồi cũng dần nhạt nhòa theo năm tháng. Đối với PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, chuyến đi thực tập ở vùng núi Tây Bắc vẫn đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp, gian khó nhưng thơ mộng, gợi nhiều nỗi niềm nhung nhớ khôn nguôn. Ông rất thích những vần thơ (trong bài Tiếng hát con tàu) của nhà thơ Chế Lan Viên, đã giúp ông nói lên nỗi niềm nhung nhớ đó:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Ngô Văn Hiển
* PGS.TS Nguyễn Thế Thôn sinh năm 1938, chuyên ngành Địa lý, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật môi trường, Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
[1] Là một trong năm Liên khoa củaTrường Đại học Bách khoa Hà Nội.
[2] Thuộc huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
[3] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn ngày 11-1-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN. Các trích dẫn đều lấy từ nguồn chú thích này.
[4] Được thành lập theo Quyết định số 238 BCN/QĐ, ngày 15-2-1960. Năm 1977 đổi tên thành Liên đoàn Bản đồ địa chất.
[5] Nay thuộc tỉnh Lai Châu.
[6] Nay thuộc tỉnh Điện Biên.
[7] Khu tự trị Tây Bắc được thành lập ngày 29-4-1955 theo Sắc lệnh số 230/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký. Đến ngày 27-10-1962, Khu tự trị được tách ra thành lập ba tỉnh gồm: Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ.
[8] Kỷ Trias kéo dài 200 đến 251 triệu năm.
[9] Kỷ Cretaceous kéo dài khoảng 100 triệu năm.
[10] Dòng Nậm He là một nhánh phụ bên hữu ngạn sông Đà, lưu vực khoảng 300km2. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BA%ADm_He.
[11] Năm 1965 tách thành Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.