Một chuyến đi đặc biệt

Những con số biết nói

Trong chuyến công tác tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 25 đến 31-5-2019, đoàn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Văn Huy và 5 nghiên cứu viên, 1 cán bộ quay – dựng phim. Chúng tôi đã làm việc với 48 nhà khoa học; thu thập hàng ngàn tài liệu, hiện vật; gần 5000 phút ghi âm và ghi hình; chụp hàng vạn bức ảnh. Đặc biệt, chỉ trong 6 ngày làm việc, chúng tôi đã di chuyển tổng cộng khoảng 700km trên mọi cung đường tại TP Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác đã hoàn thành xuất sắc 6 mục tiêu đề ra, đó là:

– Xây dựng hệ thống cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm tại TP Hồ Chí Minh. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì Trung tâm sẽ có một đội ngũ thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các nhà khoa học nhằm thu thập tư liệu về lịch sử cuộc đời họ một cách liên tục, không ngắt quãng thời gian.

– Thu thập lý lịch, hồ sơ khoa học về cuộc đời của các nhà khoa học phía Nam nhằm bổ sung phông lưu trữ tại Trung tâm.

– Sưu tầm, thu thập tài liệu, hiện vật quý của các nhà khoa học. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung tâm. Đằng sau mỗi hiện vật, tài liệu đó là những câu chuyện liên quan đến nhà khoa học và bối cảnh xã hội mà họ đã sống.

– Bổ sung nhiều tư liệu phong phú cho bộ sưu tập tài liệu, hiện vật về các nhà dân tộc học và địa chất. Trên thực tế, hai chuyên đề nghiên cứu này chúng tôi đã triển khai từ lâu, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới các nhà dân tộc học và địa chất ở miền Nam. Qua chuyến đi này, chúng tôi đã hoàn thiện hơn các thông tin, câu chuyện và sưu tầm nhiều kỷ vật giá trị nhằm phục vụ nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học cũng như lịch sử của ngành dân tộc học, địa chất học ở Việt Nam.

– Chụp bộ ảnh đẹp về mỗi nhà khoa học. Trung tâm đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng về máy móc thiết bị và nhân lực, với hi vọng ghi lại được những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về chân dung, quá trình làm việc và sinh hoạt của nhà khoa học. Khoảng 1 vạn ảnh tư liệu là con số khá ấn tượng mà chúng tôi thu được đối với 48 nhà khoa học.

– Thu thập tư liệu ghi âm, ghi hình về các nhà khoa học. Đối với Trung tâm, ký ức của nhà khoa học cũng là tư liệu lịch sử quý giá. Thông qua câu chuyện cuộc đời của họ, nhiều vấn đề, góc khuất của lịch sử sẽ được góp phần làm sáng tỏ. Dựa trên những thông tin đó, chúng tôi sẽ có nhiều bài viết và bổ sung câu chuyện trong những trưng bày chuyên đề của Trung tâm trong thời gian tới.

Khơi nguồn di sản quý

Đúng với tên gọi của Trung tâm, chúng tôi đang làm một công việc thầm lặng là sưu tầm, lưu trữ và nghiên cứu di sản của các nhà khoa học, nhằm phát huy giá trị và trả lại đúng vai trò của những di sản ấy. Trong quá trình đó, chúng tôi coi di sản của nhà khoa học bao gồm 2 loại hình: di sản vật thể và di sản phi vật thể. Sẽ thật thiếu sót nếu bức tranh về lịch sử khoa học Việt Nam thiếu đi các nhà khoa học ở miền Nam. Ý thức được điều ấy, chúng tôi đều mong mỏi tiếp xúc, làm việc với họ.

Di sản phi vật thể là ký ức của nhà khoa học về cuộc đời họ, về những nghiên cứu khoa học mà họ đã thực hiện, những trải nghiệm, tri thức về lịch sử, xã hội mà họ đã tiếp thu được trong suốt cuộc đời. Đối với những người làm nghiên cứu thì đây là những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua và không lưu trữ lại những tư liệu này. Khi họ không còn nữa, nhưng tiếng nói của họ sẽ vẫn còn mãi thông qua những băng ghi âm, ghi hình được lưu trữ tại Trung tâm. Trong những năm vừa qua, Trung tâm đã tiếp xúc với hàng ngàn nhà khoa học, thu thập hàng trăm vạn phút ghi âm, ghi hình. Đó là di sản quý mà không nơi nào có được. Ấy vậy, thời gian cứ trôi đi, nhiều nhà khoa học không còn nữa. Nếu Trung tâm không nhanh tay và kịp thời đến gặp các nhà khoa học và ghi lại lời kể thì những tư liệu đó sẽ mất mát dần. Ý thức được điều đó, mỗi phút, mỗi giây làm việc với các nhà khoa học, chúng tôi đều trân trọng và ghi lại một cách chi tiết nhất.

Có nhiều câu chuyện thú vị được kể ra từ ký ức của các nhà khoa học tại TP Hồ Chí Minh. Đó là câu chuyện của các nhà khoa học và sự phát triển của các ngành khoa học sau năm 1975, câu chuyện trí thức cũ ở Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước…

Trong đợt công tác này, chúng tôi đã làm việc với một số nhà khoa học thuộc các chuyên ngành như địa chất, dân tộc học, y học, kinh tế-tài chính, nông nghiệp, hóa học… Qua trò chuyện của GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, GS.TS Trần Đông A, chúng tôi hiểu được suy nghĩ của những trí thức đã từng làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày 30-4-1975, họ đã không lựa chọn con đường ra nước ngoài sinh sống mà nguyện ở lại cống hiến cho quê hương, đất nước. Chẳng dễ dàng gì với họ khi phải đối diện với đời sống kinh tế – xã hội vô cùng khó khăn, ăn còn chẳng đủ huống gì làm khoa học? Nhưng động lực gì đã khiến họ ở lại? Mẫu số chung của họ chỉ vỏn vẹn qua những từ ngắn ngủi “yêu nước”, vì “đất nước”. Và họ đã thành công trên con đường đầy chông gai, có những đóng góp to lớn cho nền khoa học và phục vụ thực tiễn đời sống nhân dân.

Buổi làm việc với GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn tại Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sáng 28-5-2019

 GS.TSKH Nguyễn Hưng Phúc (trái) giới thiệu tài liệu tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Nhiều nhà khoa học vào tiếp quản miền Nam sau năm 1975 đã vượt qua khó khăn như thế nào để xây dựng những lĩnh vực khoa học mới mẻ. Họ có suy nghĩ ra sao về nhiệm vụ mới; sự hòa nhập của họ với trí thức cũ như thế nào… Tất cả đều có trong câu chuyện của những nhân chứng lịch sử này.

Thông qua ký ức của PGS.TS Mạc Đường, PGS.TS Phan Xuân Biên, PGS.TS Trần Hồng Liên, TS Trần Thanh Pôn… nhiều vấn đề còn chưa sáng tỏ trong lịch sử của ngành dân tộc học đã được giải đáp. Vấn đề xây dựng ngành khoa học xã hội ở miền Nam; những khuynh hướng nghiên cứu của dân tộc học ở miền Nam; vấn đề Tây Nguyên, xác định thành phần tộc người, người Chăm… từng bước được làm rõ.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với KS.AHLĐ Nguyễn Xuân Bao, nhà địa chất Bùi Phú Mỹ, PGS.TS Huỳnh Trung bởi sự giản dị, thân thiện, chân chất đặc thù của những nhà địa chất. Cuộc đời nay đây mai đó, khi ngủ trong rừng, lúc bên bờ suối giống như những gia vị lãng mạn góp phần làm cho chuyện kể về nghề địa chất thú vị hơn khi đặt cạnh những mẫu đá tưởng chừng vô tri. Ấy vậy, nếu không có họ, không qua câu chuyện kể của họ thật khó hiểu hết những đóng góp to lớn cho việc tìm kiếm khoáng sản, lập bản đồ ở Việt Nam kể từ sau năm 1954. Họ thầm lặng sau những cánh rừng, miệt mài tìm từng vỉa quặng, mẫu đá để viết lên những công trình góp phần làm giàu cho đất nước. Khó ai hình dung được AHLĐ Nguyễn Xuân Bao đã phải vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên và Nam Trung bộ để khảo sát địa chất trong tình hình cuộc kháng chiến còn chưa kết thúc, hiểm nguy luôn rình rập. Cũng ít người biết được đằng sau bản đồ địa chất miền Bắc, miền Nam tỉ lệ 1/500.000 hay việc thống nhất bản đồ địa chất Việt Nam sau năm 1975 là những câu chuyện gì; chuyện làm Atlas Quốc gia… được thực hiện như thế nào. Chỉ có két hợp tư liệu văn bản, tư liệu ký ức mới cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh. Cũng có những nhà địa chất đã hi sinh nơi rừng sâu trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đã rơi xuống để đem lại thành quả ngày nay cho đất nước.

Những nhà nông nghiệp như PGS Trương Công Tín, GS.TS Nguyễn Thơ hay những nhà khoa học kỹ thuật như PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, PGS Cao Minh Thì, PGS.TS Hoàng Hữu Hiên, PGS Nguyễn Đức Ân, PGS.TS Vũ Trọng Khải,… những nhà nghiên cứu khoa học xã hội như PGS Bùi Kim Quỳ, PGS Đỗ Văn Nhung… đều đưa lại cho Trung tâm những dữ liệu lịch sử quý về cuộc đời của họ và ngành khoa học mà họ đã cống hiến. Cũng có những trăn trở, tâm huyết thầm kín được các nhà khoa học tin tưởng chia sẻ với chúng tôi. Đó là tâm sự về vai trò, trách nhiệm của GS.TSKH Nguyễn Duy Gia khi ông làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1981-1986), những vấn đề ông đã làm được, những điều còn tiếc nuối do bối cảnh lịch sử quy định. Hay nhắn nhủ của PGS Vũ Trọng Khải về những vấn đề của trí thức từ sau năm 1945 trở lại đây…

Còn rất nhiều câu chuyện giá trị mà chúng tôi cho rằng, nếu không kịp thời khai thác, lưu trữ thì sẽ mất dần theo thời gian. Đó cũng là những nỗi niềm đau đáu mà mỗi chúng tôi đều ý thức được trong quá trình tiếp xúc với các nhà khoa học.

Bên cạnh di sản ký ức thì di sản vật thể của các nhà khoa học cũng rất quan trọng, góp phần dựng lại lịch sử cuộc đời của một cá nhân, một ngành khoa học thông qua những minh chứng cụ thể.

Chúng tôi vô cùng trân trọng và cảm ơn các nhà khoa học đã tặng hàng ngàn tài liệu, hiện vật cho Trung tâm. Mỗi hiện vật, mỗi tài liệu là một câu chuyện thú vị. Đó là hàng trăm cuốn nhật ký điền dã của các nhà dân tộc học Mạc Đường, TS Trần Thanh Pôn; những mẫu đá chứa đựng những bí ẩn từ lòng đất của PGS.TS Huỳnh Trung; chiếc máy ảnh gắn với những năm tháng khảo sát địa chất của AHLĐ Nguyễn Xuân Bao; bản luận án Tiến sĩ đầu tiên trong ngành tài chính ngân hàng của GS.TSKH Nguyễn Duy Gia; những dụng cụ thí nghiệm, bản thảo bài viết của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi; bức thư thiết lập quan hệ nghiên cứu hai nền dân tộc học Việt Nam và Liên Xô năm 1957 do PGS Mạc Đường lưu trữ… Còn rất nhiều tài liệu, hiện vật quý khác mà khuôn khổ bài viết chưa kịp kể ra. Tất cả hiện vật đều gắn bó như máu thịt với các nhà khoa học. Qua nhiều văn bản, tài liệu, nhiều vấn đề lịch sử cá nhân, lịch sử ngành sẽ được làm sáng rõ hơn. Điều vui mừng hơn nữa là, trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục soạn, bàn giao toàn bộ tài liệu hiện vật cuộc đời cho Trung tâm. Đó là biểu hiện của sự tin tưởng tuyệt đối cho những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cả mà chúng tôi đang thực hiện.

Mở ra những vấn đề nghiên cứu mới

Trong suốt chuyến đi, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi ngồi trên xe taxi, lúc ăn cơm, uống nước… thầy trò chúng tôi đều tranh thủ thảo luận về những vấn đề mới dựa trên kết quả thu thập được từ chuyến công tác ý nghĩa này.

Đầu tiên là cần bổ sung ngay những thông tin, tài liệu hiện vật cho trưng bày “Chuyện nghề Địa chất” đã và đang được chuẩn bị ở Trung tâm. Thông qua ý kiến của các nhà địa chất, chúng tôi đã có thêm nhiều ý tưởng, phương án mới cho trưng bày này, đặc biệt là sự đa dạng trong những câu chuyện nghề, chuyện đời người địa chất. Trưng bày mong muốn truyền tải thông điệp chuyện nghề, những đóng góp, sự khó khăn, muôn màu sắc thái của đời người địa chất. Đó cũng như một cách làm nghiên cứu lịch sử, là sự tri ân đối với các nhà địa chất đã một đời cống hiến cho đất nước.

Ngoài thành quả sưu tầm và làm đầy thêm phông lưu trữ về các nhà dân tộc học Việt Nam, chúng tôi cũng bước đầu manh nha về một nghiên cứu, trưng bày đối với một nhà khoa học hoặc các nhà dân tộc học Việt Nam. Nội dung nghiên cứu, trưng bày được triển khai từ các chủ đề, kết hợp với tiến trình lịch sử cho mỗi nhà khoa học và lĩnh vực khoa học… 

Đặc biệt, trí thức cũ ở miền Nam trước và sau năm 1975 là vấn đề thú vị, hấp dẫn. Thông qua nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ nhiều nội dung lịch sử; bối cảnh lịch sử ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung trước và sau khi thống nhất Đất nước; vấn đề hòa hợp dân tộc; cách ứng xử đối với trí thức; lý do trí thức ra đi; nguyên nhân họ ở lại; họ đã vượt qua khó khăn thế nào; làm thế nào để họ thành công… muôn vàn câu hỏi được đặt ra và chúng tôi sẽ từng bước bóc tách, làm rõ bằng những nghiên cứu của mình trong tương lai.

Cảm xúc của người trong cuộc

Một tuần làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trôi qua như một cơn lốc xoáy. Mỗi thành viên trong đoàn đều có chung suy nghĩ: ước gì chúng ta ở lại đây lâu hơn để làm việc.

Mặc dù mỗi ngày chúng tôi làm việc cả sáng, chiều và tối nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi. Mọi người đều hứng khởi, nhiệt huyết vì biết mình đang thực hiện một công việc có ý nghĩa. Dường như ai cũng làm việc bằng 200-300% sức lực của mình. Không ngày nào chúng tôi ăn cơm đúng giờ. Có khi ăn trưa lúc hai rưỡi chiều, rồi lại đến làm việc ngay với nhà khoa học, thậm chí 23h-24h đêm mới trở về khách sạn.
Thời tiết nắng nóng và những cơn mưa chợt đến, chợt đi của Sài Gòn chẳng thể ngăn bước chân của chúng tôi. Có thành viên chỉ chợp mắt đúng 5 phút trong khi chờ đợi đến lúc làm việc với các nhà khoa học. Cũng có ngày, chúng tôi phải di chuyển hàng trăm cây số để đến với họ.

Điều gì đã khiến chúng tôi hào hứng như vậy? Đó chỉ có thể là tình cảm của các nhà khoa học dành cho chúng tôi. Khó ai có thể cưỡng lại được khi nghe các nhà khoa học kể chuyện. Họ dành cho những “người bạn” từ phương Bắc những cái bắt tay, cái ôm thật chặt, phá vỡ mọi khoảng cách không gian, trút bầu tâm sự đối với những người ghi chép lịch sử. Chúng tôi ý thức được tình cảm của các nhà khoa học dành cho mình, cũng rất đỗi tự hào về nhiệm vụ mà chúng tôi đang thực hiện, vì thế còn điều gì có thể ngăn cách chúng tôi không đến với họ.

Rời Sài Gòn, chúng tôi cảm thấy như còn nợ điều gì đó với các nhà khoa học. Quả thực, đó là món nợ mà chúng tôi không thể sớm trả trong ngày một, ngày hai được. Chúng tôi sẽ còn quay lại để gặp họ rất nhiều lần, để sưu tầm và lưu trữ những tài sản, giá trị quý báu.
Khi ra đến Hà Nội, rời khỏi sân bay Nội Bài và đã lên xe ô tô trở về Trung tâm, một thành viên bất giác nói với anh lái xe: “Cho chúng em về đường Bàu Cát, quận Tân Bình” (nơi chúng tôi thuê khách sạn). Ồ, vậy ra là Sài Gòn và những nhà khoa học nơi đây vẫn còn trong tâm tưởng của chúng tôi!

P/S: Xúc cảm một ngày sau khi rời Sài Gòn! Đoàn công tác chân thành cảm ơn các nhà khoa học phía Nam đã tin tưởng, ủng hộ.

Nguyễn Thanh Hóa