Nghĩa mẹ

Giáo sư Bùi Văn Ba, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi. Trong giới văn học, ông được nhận xét là cây bút viết nhiều, viết khỏe. Tính đến nay, ông đã có 22 chuyên khảo nghiên cứu; là tác giả/đồng tác giả của hơn 40 công trình nghiên cứu và có hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí, báo chuyên ngành. Năm 2001, cá nhân ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm: Khơi dòng lý thuyết, Trên đà đổi mới văn hóa văn nghệ, Hệ thống quan niệm văn học cổ điển Việt Nam. Năm 2012, những đóng góp của ông với ngành văn học tiếp tục được khẳng định bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh (cá nhân) về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình: Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh, Lý luận phê bình văn học, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây. Đó là những đóng góp, dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp khoa học của GS Bùi Văn Ba, nhưng ẩn chứa trong những thành công đó là những điều thú vị, đầy ý nghĩa mà chúng tôi đã khai thác được từ ông.

Có lần tôi thắc mắc về bút danh “Phương Lựu” vì nghe có phần nữ tính. Giáo sư Bùi Văn Ba cười và nói rằng: tên ấy được ghép từ tên của hai người phụ nữ ông kính trọng nhất là thân mẫu và nhạc mẫu. Từ năm 1962, khi viết bài Kịch lịch sử của Quách Mạt Nhược, ông lấy bút danh là Hoa Lựu, trong đó Lựu lấy từ tên của mẹ ông – cụ Võ Thị Lựu. Năm 1965, sau khi kết hôn, được biết chị em bên vợ đều lấy tên của thân mẫu – cụ Phạm Thị Phương làm tên đệm, ông chợt lóe lên ý tưởng kết hợp tên của hai người mẹ làm bút danh và “Phương Lựu” được sử dụng cho đến ngày nay.

Khi ông kết hôn thì nhạc mẫu đã mất, chỉ biết cụ là người hiền từ, đảm đang. Việc đưa tên nhạc mẫu làm bút danh là cách ông bày tỏ sự kính trọng với đấng sinh thành của vợ. Nhớ về thân mẫu, ông kể, cụ Võ Thị Lựu là con gái duy nhất của một thầy lang trong làng, đảm việc nội trợ như nấu nướng, may vá, thêu thùa. Còn bố ông là Bùi Lương Ngọc – con út trong gia đình trung nông. Khi kết hôn, bà Lựu mới 17 tuổi. Với trình độ sơ học, ông Ngọc đi làm cai phụ trách một nhóm thợ mộc, thợ nề ở Đà Lạt, thường bốn năm mới về thăm vợ con một lần.

Năm 1938, bố ông Ba mất trong một vụ tai nạn lao động, bỏ lại người vợ mới 27 tuổi, một mình nuôi hai con ăn học. Thương cô gái trẻ phải chịu cảnh góa bụa nuôi con, gia đình, họ hàng bỏ công mai mối, không ít người chưa lập gia đình đã chủ động đến ngỏ ý muốn nên duyên nhưng đều không thành, vì với ai cô Lựu cũng đặt vấn đề cùng nuôi dạy hai đứa con. Gia đình cố sắp xếp cho hai anh em ông Ba ở cùng các bác, rồi sau này nhận mấy sào ruộng do bố để lại làm vốn liếng làm ăn, cho mẹ yên tâm đi bước nữa. Không chấp nhận cảnh các con còn nhỏ, không có bố mẹ, không được đi học, phải chân lấm tay bùn sớm nên mẹ tôi quyết ở vậy nuôi hai anh em tôi ăn học, sao cho con hơn cha1 – GS.TSKH Bùi Văn Ba chia sẻ.

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, năm 1945, một lần nữa, bà Lựu nhận hung tin: Đứa con trai cả đã hy sinh trong trận chiến đấu với quân Nhật ở sông Vệ (thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Nỗi đau tưởng như có thể làm cho người mẹ ấy “chết đi sống lại”, nhưng nghĩ đến đứa con trai mới 9 tuổi, bà nén đau thương, tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, làm chỗ dựa cho con và động viên con gắng học hành cho giỏi. Điều kiện gia đình khó khăn, ngoài việc đồng áng, bà Lựu tranh thủ đi làm thuê, làm mướn, nhận làm cỗ giỗ hoặc làm việc trong các xưởng bánh kẹo để có tiền nuôi con ăn học. Giáo sư Bùi Văn Ba còn nhớ, hồi nhỏ mẹ thường đi làm về muộn. Đợi mẹ lâu, ông lang thang sang nhà hàng xóm chơi, bà con thương nên đến bữa hay cho ăn cơm. Bà Lựu biết chuyện nhẹ nhàng bảo ban: Ở nhà chờ mẹ về, đừng đi ăn chực, xấu lắm! Nhiều khi bà lén ăn ngô rang trừ bữa để dành phần cơm cho con. Thương con là thế nhưng bà rất nghiêm khắc, không ít lần cậu con trai nhận vài vết lằn roi của mẹ. Nghĩ lại, ông Ba thấy rất thương và cám ơn mẹ.

Học xong trường Trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi (1953), ông Bùi Văn Ba đăng ký đi dân công. Khi đang hành quân từ miền Tây Quảng Ngãi vào tỉnh Kon Tum, ông nhận được tin báo về quê chuẩn bị đi học nước ngoài. Năm 1954, ông được sang học tập tại trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc, ngành văn học. Trong 4 năm con đi học xa, mẹ ông ở quê nhà tham gia hoạt động cách mạng bí mật. Trở về nước (1960), ông Ba công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì chiến tranh chia cắt hai miền Nam – Bắc, ông chưa có dịp về quê thăm mẹ.

GS.TSKH Bùi Văn Ba giới thiệu ban thờ cụ Võ Thị Lựu, 2-2019

Năm 1965, không quân của Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhiều sinh viên và cán bộ giảng dạy hăng hái đăng kí vào miền Nam chiến đấu. Giảng viên Ba cũng không ngoại lệ dù mới kết hôn, ông mong muốn được trở lại quê hương tìm gặp mẹ vì nghe tin bà bị địch bắt. Tuy nhiên đơn của ông không được chấp nhận vì gia đình đã có anh trai là liệt sĩ. Ông tiếp tục viết đơn lên Ủy ban Thống nhất tình nguyện trở về quê chiến đấu, làm việc và ghi rõ xin Ủy ban chiếu cố vì ở quê nhà chỉ còn người mẹ đang bị tù tội. Nhưng không ngờ chính điều ấy mà một lần nữa đơn của ông bị từ chối với lý do đi chiến đấu mà còn nặng gánh gia đình. Cũng trong năm 1965 ấy, cụ Võ Thị Lựu hy sinh. Cảm giác nhói đau nơi lồng ngực khi nhận tin dữ, ông Ba khóc! Khóc vì thương cuộc đời mẹ nhiều khổ đau, bà còn chưa kịp gặp lại con trai và gặp mặt con dâu. Và ông khóc vì bỗng thấy mình trơ trọi trên đời…

Sau khi mẹ mất, ông thường nhớ lại những lời dặn dò của mẹ lúc sinh thời làm động lực cho bản thân. Ông tự học tiếng Pháp, tiếng Nga, tự trau dồi, nâng cao trình độ để có thể thâm nhập vào nhiều nền văn học trên thế giới cũng như có kiến thức phong phú, cập nhật để giảng dạy cho sinh viên các bậc đào tạo. Ông đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (1987), sau đó là Tiến sĩ (1991) trong nước. Đến nay, ông vẫn là người duy nhất trong nước bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về khối ngành khoa học xã hội. Với bao thế hệ học trò, đồng nghiệp, GS.TSKH.NGND Bùi Văn Ba là tấm gương sáng, đã lao động không mệt mỏi trong lĩnh vực nghiên cứu lí luận văn học dân tộc – hiện đại. Ở ông còn toát lên tinh thần lạc quan, một tấm lòng nhân hậu. Ông đã tặng toàn bộ số tiền từ Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam năm 2012. Ông cũng được đồng nghiệp nhận xét là người luôn vui vẻ, hài hước. Ông từng bộc bạch đời ông nhiều vất vả, nếu không cười thì khó sống. Tếu hài vui là chính, nhưng nhiều khi cũng giải tỏa được khúc mắc trong tâm tư.

Về ý nghĩa của bút danh “Phương Lựu”, như GS Bùi Văn Ba từng chia sẻ: Ghép tên hai người mẹ nhưng ngẫu nhiên cũng gợi lên cả màu sắc và hương vị mà tôi muốn thắm đượm mãi trên từng trang giấy viết và trong từng năm tháng cuộc đời. Những kết quả nghiên cứu khoa học và “quả ngọt” từ sự nghiệp trồng người của Giáo sư2là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, ông đã vun đắp cho bút danh “Phương Lựu” một hào quang không thể phủ nhận. Với ông, đó cũng là cách để bày tỏ lòng biết ơn với công cha nghĩa mẹ.

Nguyễn Thị Điệp

 __________________________

[1] Ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Bùi Văn Ba, 11-12-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Trong 50 năm giảng dạy, GS.TSKH Bùi Văn Ba đã góp phần đào tạo hàng nghìn cử nhân, hướng dẫn 50 thạc sĩ, 15 tiến sĩ, tiêu biểu có các nhà thơ, nhà văn Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn…