Giáo dục giá trị sống cho thế hệ trẻ từ di sản của các nhà khoa học Việt Nam *

1. Đặt vấn đề

Từ vài thập niên trở lại đây, vấn đề giáo dục giá trị sống cho thế hệ trẻ trở thành một chủ đề quan tâm lớn trên thế giới cũng như ở ViệtNam, nhằm đào tạo con người hướng đến chân – thiện – mỹ. Các chương trình giáo dục giá trị sống cho lứa tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt ra đời rất phong phú và đa dạng. Từ hoạt động giáo dục giá trị sống trong trường phổ thông, cho thấy việc giáo dục giá trị sống thông qua những con người thực, việc thực và bằng hình thức mang tính trải nghiệm, để nêu gương tốt là bổ ích và hiệu quả. Di sản của các nhà khoa học ViệtNamcó tiềm năng và cần khai thác cho việc giáo dục như vậy. Thông qua loại hình di sản này, có thể kết nối những bài học quá khứ với cuộc sống hiện tại và định hướng tương lai cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh phổ thông.

Bài viết tập trung phân tích làm rõ tiềm năng giáo dục giá trị sống từ di sản của các nhà khoa học thông qua tài liệu, hiện vật được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam; đồng thời đưa ra một số biện pháp để giáo dục giá trị sống cho thế hệ trẻ từ loại hình di sản này.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Di sản của nhà khoa học ViệtNam– một nguồn tư liệu giáo dục

Trong lịch sử hiện đại ViệtNam, các nhà khoa học ViệtNamcó đóng góp to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là sự phát triển về khoa học. Họ là một bộ phận quan trọng của xã hội, được coi là “tinh hoa” của đất nước. Việc nghiên cứu cuộc đời và làm rõ những đóng góp của họ sẽ góp phần làm sáng tỏ bức tranh về lịch sử từng ngành khoa học nói riêng, lịch sử khoa học và lịch sử đất nước nói chung.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, từ năm 2008, một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và tự đảm nhận trách nhiệm phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam ra đời, mang tên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) [1; tr. 7]. Những người thành lập Trung tâm đã xác lập quan niệm và phương pháp nghiên cứu đối với loại hình di sản này. Theo đó, di sản của các nhà khoa học bao gồm di sản vật thể và di sản phi vật thể.Di sản vật thểcủa nhà khoa học là tài liệu, hiện vật trong quá trình hoạt động, do họ tạo ra và rất đa dạng, như: sổ ghi chép, bản thảo bài viết, bản thảo sách, bản thảo công trình nghiên cứu, nhật ký, thư từ, giấy tờ cá nhân… Di sản vật thể của các nhà khoa học không chỉ là những sản phẩm hoàn thiện, đã công bố, mà quan trọng hơn, gồm cả những tài liệu, hiện vật trong quá trình họ nghiên cứu, dù đó chỉ là bản nháp, bản viết tay. Loại di sản này cho phép người nghiên cứu có thể thấy sự thay đổi, phát triển trong tư duy, suy nghĩ, nhận thức của nhà khoa học theo thời gian.Di sản phi vật thểcủa nhà khoa học là những câu chuyện, ký ức, kinh nghiệm trong cuộc đời mà họ đã trải qua, được kể hoặc ghi chép lại và lưu trữ dưới nhiều dạng khác nhau. Thông qua di sản phi vật thể này có thể nắm bắt, nhận dạng nhiều thông tin lịch sử liên quan đến một con người, một cơ quan, một cộng đồng… ở những thời điểm khác nhau. Cũng có thể sử dụng loại di sản này để nghiên cứu, làm rõ những điểm khuyết thiếu của lịch sử mà tư liệu thành văn chưa đề cập, hoặc giúp nhận thức lại các vấn đề lịch sử [2; tr. 69]. Bằng phương pháp nghiên cứu nhân học, xã hội học lịch sử và một số phương pháp khác, cho phép nhìn nhận cuộc đời nhà khoa học như một dòng chảy dài. Tương tự như vậy, di sản mà họ tạo ra (bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể) sẽ cho phép hiểu đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp một con người cũng như môi trường xã hội xung quanh có quan hệ với họ. Với suy nghĩ như vậy, TTDS cho rằng mỗi nhà khoa học là một sợi chỉ, tạo nên tấm thảm muôn màu của nền khoa học nước nhà [3; tr. 61].

Trong 12 năm hoạt động kể từ khi thành lập (2008) đến nay, thông qua đội ngũ gần 20 người làm việc trực tiếp với các nhà khoa học, gia đình, đồng nghiệp và bạn bè của nhà khoa học trên phạm vi toàn quốc, TTDS đã nghiên cứu – sưu tầm và thiết lập hồ sơ của hơn 1.700 nhà khoa học. Số nhà khoa học này ở hơn 40 chuyên ngành khoa học, từ khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, hóa học, sinh học, y học, nông nghiệp,…) đến khoa học xã hội (văn học, lịch sử, triết học…) và khoa học kỹ thuật, ứng dụng (xây dựng, cơ khí, luyện kim,…). Các nhà khoa học sống, học tập và trưởng thành trong nhiều giai đoạn của lịch sử đất nước, từ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thu thập hơn 800.000 đơn vị tài liệu đa dạng về loại hình: từ sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, đến bản thảo công trình, bản thảo sách, ảnh tư liệu, những dụng cụ thí nghiệm, kỷ vật trong đời của nhà khoa học. Bên cạnh đó, thu thập hàng vạn phút ghi âm, ghi hình các nhà khoa học kể chuyện cuộc đời, chuyện học, chuyện nghiên cứu, chuyện tình yêu, đối nhân xử thế… TTDS đã kịp thời thu thập tư liệu của nhiều nhà khoa học, không lâu sau đó họ qua đời, như GS Văn Tạo (Sử học), GS Lê Quang Long (Sinh học), GS Nguyễn Văn Nhân (Y học), GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Cảnh Toàn (Toán học), GS Phạm Đức Dương (Ngôn ngữ học), GS Phan Hữu Dật (Dân tộc học)… Nhiều khối tài liệu, hiện vật có nguy cơ mất mát, hư hỏng do mối mọt và thời tiết đã được “cấp cứu”, như tài liệu của GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung (Y học), GS Vũ Đình Cự (Vật lý)… [4; tr.12].

Một phòng trong hệ thống kho lưu trữ di sản nhà khoa học tại TTDS

Khi tiếp cận với khối di sản đồ sộ này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ, bảo tàng, giáo dục cho rằng đó không chỉ là nguồn tư liệu nghiên cứu có giá trị về mặt lịch sử – văn hóa, mà còn có giá trị giáo dục sâu sắc. Nhấn mạnh về tiềm năng giáo dục từ khối di sản này, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục ViệtNam) nhận định: Trung tâm có những câu chuyện thật, những hiện vật thật kể về cuộc đời của các nhà khoa học với những đóng góp thật. Sự thật luôn có sức mạnh tối thượng, tác động vào niềm tin và cảm xúc của học sinh nói riêng và chúng ta nói chung [5; tr. 11].

Như vậy, di sản của các nhà khoa học là một loại hình di sản văn hóa, có giá trị và mang tính giáo dục, là nguồn tư liệu nếu biết khai thác tốt sẽ phục vụ đắc lực cho giáo dục truyền thống, truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị tốt đẹp đến thế hệ trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng – những người đang trên đường kiến tạo giá trị cho bản thân.

2.2. Những giá trị sống từ di sản nhà khoa học ViệtNam

Năm 2013, nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục di sản trong nhà trường, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp cùng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam đã ra Thông tư 73 để hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Từ đó, hàng loạt chương trình giáo dục đã được thiết kế và triển khai trong thực tế ở Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Với di sản nhà khoa học, chính cuộc đời và những di sản của họ là những bài học giáo dục, chứa đựng giá trị sống, bồi đắp cho thế hệ sau từ những thành công, thất bại của họ.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa và TS Đặng Hoàng Minh, dưới góc độ đạo đức học, giá trị luôn gắn liền với những khái niệm trung tâm như: cái thiện, cái ác, công bằng, bình đẳng, bác ái; bởi vì khái niệm giá trị thuộc phạm vi đời sống đạo đức của con người, các quan hệ xã hội và quá trình hình thành các chuẩn mực, quy tắc đạo đức của xã hội. Còn dưới góc độ tâm lý học, khái niệm giá trị được nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu hành vi, hoạt động của con người và dự báo sự phát triển của nhân cách. Giá trị, theo nghĩa chung nhất, chúng ta có thể hiểu đó là cái đã làm cho một khách thể nào đó có ích, có nghĩa, đáng quý đối với chủ thể, được mọi người thừa nhận [6; tr.39]. Năm 1995, một dự án quốc tế về giá trị sống đã được triển khai tại hơn 100 nước và các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết quả với 12 giá trị sống phổ quát của nhân loại gồm: hòa bình, trung thực, tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm, khiêm tốn, khoan dung, hợp tác, giản dị, tự do, đoàn kết, hạnh phúc. Từ câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp, từ tài liệu hiện vật của hơn 1.700 nhà khoa học ViệtNamđang được lưu trữ tại TTDS, có thể nhận thấy các giá trị đó và nhiều giá trị khác nữa. Chẳng hạn như, tinh thần yêu hòa bình, chống chiến tranh, chống ảnh hưởng và hệ quả của chiến tranh đối với con người. Đó là câu chuyện sẵn sàng lên đường nhập ngũ, tỏa đi khắp các chiến trường để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc của thế hệ nhà khoa học hay câu chuyện về sự kiên trì trong công cuộc chống lại thảm họa dioxin của các nhà hóa học, y học từ cuối những năm 1970. Cũng dễ dàng thấy, tình cảm với những người trong gia đình, yêu thương bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, học trò, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện trong từng suy nghĩ, hành động của mỗi nhà khoa học. Từ đó, họ ý thức được trách nhiệm với bản nhân, gia đình, cơ quan đơn vị và với đất nước, họ luôn khiêm tốn, nỗ lực vươn lên để cống hiến. Trong hoàn cảnh thế giới và đất nước có nhiều biến đổi như hiện nay, trách nhiệm công dân của họ còn thể hiện trong việc nghiên cứu để bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải, chống dịch bệnh lan tràn. Những đức tính giản dị, khoan dung, hợp tác, đoàn kết, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác cũng biểu hiện rõ thông qua những câu chuyện cụ thể của các nhà khoa học. Đặc biệt, nổi bật ở các nhà khoa học là tính trung thực trong cuộc sống, trong học tập và nghiên cứu, như GS Hoàng Tụy (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) từng nhấn mạnh trong kinh nghiệm gần 90 năm hoạt động của mình: “việc chống gian dối trong khoa học để bảo vệ sự trung thực, liêm khiết khoa học là yêu cầu bức thiết, cần quyết liệt ngay từ sớm, đừng để nó phát triển đến giai đoạn di căn không kiểm soát nổi” [7; tr. 286].

Không chỉ có những giá trị chung phổ quát, nhà khoa học Việt Nam còn có những giá trị, phẩm chất mang tính đặc thù của truyền thống dân tộc như: cần cù, ham học và đặc biệt là quyết tâm vượt khó để dám nghĩ dám làm, không ngừng đam mê, sáng tạo, đôi khi chấp nhận cả hy sinh để vươn tới thành công. Trong mỗi nhà khoa học có thể có một giá trị hoặc nhiều giá trị, không những có những giá trị chung mà còn có giá trị riêng.

Đi vào cụ thể một vài trường hợp để minh chứng cho việc nhà khoa học tạo ra giá trị riêng và có ảnh hưởng đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Bộ sưu tập tài liệu của GS Tôn Thất Tùng (Y học) gồm hơn 4000 đơn vị, gồm nhiều loại. Trong đó, những cuốn nhật ký năm 1950-1951, ông đã ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian đi công tác ở Triều Tiên, Trung Quốc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt trong nước. Những ghi chép đó không chỉ phản ánh tinh thần ham học hỏi, tỉ mỉ và óc quan sát khoa học, mà còn thể hiện trách nhiệm của một bác sĩ khi cố gắng tìm ra kinh nghiệm tổ chức và xử lý cho các cơ sở y tế trong thời chiến, để khi trở về có thể áp dụng trực tiếp ở các chiến dịch. Nhật ký Điện Biên Phủ của ông ghi trong những ngày tháng 4 và tháng 5-1954, không chỉ giúp nhận diện rõ bối cảnh và tình hình y tế của ta những ngày ấy, mà còn biểu hiện rõ rệt tình thương yêu của một thầy thuốc với các chiến sĩ đứng trên bờ sinh tử. Những bài nói, bài viết của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được gửi vào Nam với tinh thần yêu hoà bình đã khơi dậy cảm hứng cho không chỉ những chiến sĩ, thanh niên ở miền Bắc, mà cả những người ở bên kia chiến tuyến. Tinh thần tự do và hợp tác lại được phản ánh rõ nét trong từng trang nhật ký đi Pháp (1970), đi Mỹ (1979), khi ông thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề về ảnh hưởng của chất độc dioxin lên người Việt Nam mà không sợ bất kỳ lập luận hoặc sự áp đặt tư duy nào của đồng nghiệp nước ngoài… Và còn hàng trăm bức thư trao đổi giữa ông với các nhà khoa học Pháp, Đức, Mỹ nhằm thiết lập những mối quan hệ khoa học và đưa Bệnh viện Việt – Đức ngày một phát triển hiện đại hơn. Chỉ có thể bằng những tài liệu, hiện vật và những câu chuyện chân thật được kể ra từ cuộc đời một nhà khoa học lừng danh mới có thể gây được những cảm xúc, cảm hứng khác nhau cho mỗi người khi được tiếp cận nó.

Trang ghi chép của GS Tôn Thất Tùng khi đến thăm Bệnh viện Hiệp Hòa, Trung Quốc, 1951

Những tài liệu, hiện vật về đoàn cán bộ Việt Nam đầu tiên được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi Liên Xô học tập năm 1951 (một sự kiện lịch sử ít được ghi lại trong các tài liệu thành văn) cũng có những giá trị giáo dục sâu sắc và riêng có. Một cuốn sổ ghi chép chỉ nhỏ bằng bàn tay từ cách đây gần 70 năm của PGS Lê Văn Chiểu – thành viên trong đoàn du học này, với một dòng chữ nguệch ngoạc “Luôn luôn tích cực” viết bằng bút chì, đã cho thấy quyết tâm vươn lên để xứng đáng với lòng tin của Đảng và Hồ Chủ tịch. Những thành viên trong đoàn đi năm ấy đều có chung suy nghĩ “luôn luôn tích cực”: tích cực học tập chuyên môn, rèn luyện đạo đức, tích cực với đồng nghiệp, đồng chí… Và sau khi trở về nước, ông Lê Văn Chiểu cũng như 20 thành viên còn lại trong đoàn đều trở thành những cán bộ trụ cột của các lĩnh vực công tác, các ngành khoa học khác nhau [8; tr.16]. Cùng trong đoàn ấy, câu chuyện đầy cảm động của Thiếu tướng Phạm Như Vưu toát lên đức tính giản dị, khiêm tốn khi ông giãi bày tâm sự trong nhật kí: “hết sức học tập, cố gắng gìn vàng giữ ngọc, nhớ vợ con quê hương thấm thía, có tiền không dám ăn tiêu, giữ mối quan hệ quốc tế tốt đẹp” [8; tr.18]. Qua dòng chữ trên những trang giấy cũ kỹ, thấy được nhân cách, tâm hồn và ý chí của một thế hệ nhà khoa học hết lòng vì đất nước.

Khẩu hiệu được PGS Lê Văn Chiểu ghi lại trong sổ trước khi đi học Liên Xô, 1951

Nhiều người đã quá ấn tượng với hình ảnh một ông lão ngoài 90 tuổi ngày ngày dùng chiếc gậy để vớt rác ở hồNamĐồng (Hà Nội). Đó chính là GS.TS Nguyễn Thúc Tùng (Y học), người từng chữa cho cả thương binh Pháp năm 1949 khi hai bên đối đầu ngoài mặt trận. Câu chuyện “Ngoài 90 tuổi vẫn tự học” khiến nhiều người bị hấp dẫn, cuốn hút bởi hình ảnh một ông lão tóc bạc gò lưng ngồi đọc sách, bởi sưu tập sổ ghi chép khi đọc sách báo của ông trong hơn nửa thế kỷ (1955-2010), và bởi những cuốn vở tự học tiếng Đức, tiếng Anh. Qua đó, có thể hiểu rằng, nhà khoa học này dù đã thành danh, thậm chí nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng tích lũy kiến thức.

Bộ sưu tập tài liệu của GS.TS Nguyễn Văn Chiển – cây đại thụ của ngành địa chất và những câu chuyện xoay quanh sự nghiệp “làm đất đá lên tiếng” khiến thế hệ sau hiểu được hạnh phúc của một nhà khoa học địa chất như thế nào. Đối mặt với gian nan, hiểm nguy là chuyện thường, điều ấy chỉ khiến bản lĩnh của các nhà khoa học thêm dạn dầy. Họ yêu tự do, yêu sự phóng khoáng… Với họ, hạnh phúc là được cống hiến cho đất nước, là tìm ra được những mỏ khoáng sản mới. Đam mê, không ngừng sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thậm chí hy sinh cả bản thân, đó là bí quyết để thành công và là đặc điểm nổi bật của các nhà khoa học ViệtNam.

Hàng trăm câu chuyện được giới thiệu trong hai bộ sáchDi sản ký ức của nhà khoa họcv�Những câu chuyện hiện vậtdo TTDS phát hành chứa đựng biết bao kinh nghiệm của thế hệ đi trước trong học tập, vươn lên chiếm lĩnh khoa học và phục vụ cuộc sống. Thế hệ trẻ sẽ tìm thấy những điều bổ ích để áp dụng cho mình, trên con đường tạo dựng giá trị riêng cho bản thân và xã hội. Một bức thư viết về từ chiến trường của GS Bùi Phan Kỳ (Khoa học quân sự) gửi cho các con gái, trong đó từng dòng, từng chữ thể hiện tình yêu thương con, trách nhiệm của người cha và sự mong đợi con trưởng thành. Đó còn là lời khuyên, lời động viên các con trên đường đời. Thư có đoạn viết: “Dám nghĩ tất cả, dám làm tất cả thì sẽ có tất cả! Trong cuộc sống, đừng sùng bái một cái gì, đừng sợ sệt một cái gì, đừng đầu hàng một cái gì… Hãy biết quý trọng thời giờ, làm việc gì cũng phải say mê mới có chất lượng. Bỏ phí thời giờ thì cuộc đời rất dài cũng thành ngắn, tranh thủ được thời gian thì sống ngắn cũng thành dài[9; tr. 134].

Thư của GS Bùi Phan Kỳ gửi con gái Bùi Lệ Dung

Những câu chuyện được kể lại hay minh chứng qua các tài liệu như sổ ghi chép, sổ nhật ký, bản thảo bài viết, thư từ, ảnh tư liệu… đều khiến người xem phải suy ngẫm. Câu chuyện cảm động về những nhà khoa học thế hệ trước đã rời nước ngoài để trở về Việt Nam theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được “kể” lại. Họ từ bỏ cuộc sống nhung lụa để đồng cam cộng khổ vì mục tiêu độc lập tự do cho dân tộc. Tiêu biểu như trường hợp GS Trần Hữu Tước (Y học) đã quyết định về nước cuối năm 1946, khi ông hoàn toàn có thể tiếp tục sống phong lưu ở Pháp. Những dòng viết trong hồi ký được đánh máy trên giấy mỏng, nhòe mực của ông xuất phát từ sự lựa chọn của lương tâm: “Về Đất Nước! Đó là một cái gì thiêng liêng khôn tả, khó nói ra lời, như khi trái tim đang ấp ủ một mối tình tràn ngập bao la, cần phải hạ giọng, dịu lời trong đêm khuya vắng! Người ngoài có thể không hiểu đến tâm tình chan chứa ấy, tưởng có mưu đồ gì đây, mà phải bỏ cả tiền tài, địa vị, về, trong lúc gian khổ khó khăn? Có gì khác là về để phục vụ!”[10; tr. 58]. Những câu chuyện như thế phản ánh lòng yêu nước và nhân cách cao đẹp, trí tuệ, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, vượt khó của các nhà khoa học tự nguyện cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước Việt Nam. Và chắc chắn, điều gì xuất phát từ thẳm sâu trong tâm hồn, vì cộng đồng, đất nước thì sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến những người khác, đặc biệt là thế hệ đi sau.

Một ví dụ khác là cuốn sổ chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay của GS.TS Nguyễn Ngọc Giao (Vật lý), ông dùngghi chép bài giảngthời sinh viênở trường Đại họcTổng hợp Hà Nộitừ gần nửa thế kỷ trước, trong đócónhững bài giảng của GS Hoàng Tụy, GSNguyễnHoàng Phương và nhiều thầy giáo khác. Trong cuốn sổ, có một trang ông ghi lại bài nói chuyện của GS Hoàng Tụy ngày 12-10-1960 về chủ đề “Tuổi trẻ là tuổi vàng của các nhà khoa học”, với nhiều ý tưởng và lời khuyên tâm huyết cho các bạn trẻ mới bước vào con đường khoa học. Những lời khuyên sâu sắc và chí tình này đã theo ông suốt cuộc đời và ông giữ mãi nhiệt huyết, phấn đấu không ngừng trên mọi cương vị công tác. Có rất nhiều câu chuyện như thế, qua đó gợi mở suy nghĩ, tác động đến tư tưởng, tình cảm và thái độ của những người được tiếp cận di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Tóm lại, bên cạnh việc mang những giá trị sống phổ quát của nhân loại, di sản các nhà khoa học Việt Nam có những nét đặc thù, phản ánh truyền thống dân tộc và dấu ấn cá nhân của mỗi nhà khoa học. Đi sâu khai thác khối di sản này sẽ thu được những bài học hữu ích, tác động đến nhân cách, đạo đức, suy nghĩ và lối sống của thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

2.3. Các hình thức giáo dục giá trị sống thông qua di sản nhà khoa học Việt Nam

Với sự đa dạng, phong phú về các loại hình di sản của nhà khoa học, trong 12 năm hoạt động vừa qua, TTDS đã tổ chức giới thiệu, công bố các kết quả nghiên cứu như tổ chức trưng bày, xuất bản ấn phẩm, thực hiện các bộ phim, xây dựng chương trình giáo dục ngoại khóa cho học sinh… nhằm kết nối di sản nhà khoa học với cộng đồng xã hội. Trong đó, đáng chú ý là 4 cuộc trưng bày theo những chủ đề khác nhau kể từ năm 2014. Trưng bày đầu tiên – “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” giới thiệu ba nhà Y học tên tuổi[1]; thông qua những bức ảnh tư liệu, sổ ghi chép, thư từ… để kể câu chuyện họ đã học tập và sáng tạo trong điều kiện đầy gian khó ở Việt Nam giai đoạn 1950-1980. Tiếp theo, năm 2017 tổ chức trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, giới thiệu kỷ vật cùng với câu chuyện của 100 nhà khoa học, giúp công chúng hiểu biết về quá trình học tập, sự đóng góp, hi sinh cho đất nước, và cả tình yêu gia đình, quê hương của các nhà khoa học [11; tr. 20-21]. Năm 2018, TTDS tham gia thực hiện trưng bày “Cháy mãi những đam mê”, một cuộc trưng bày về các nhà khoa học nữ đã sáng tạo và thành công trong khoa học. Năm 2019, trưng bày “Chuyện nghề địa chất” mới khai trương gần đây, kể về lao động khoa học có nhiều gian khổ, khó khăn nhưng đầy đam mê và tâm huyết của các nhà địa chất Việt Nam [12; tr. 62].

Trong 3 năm đầu mở cửa Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (từ năm 2016)[2], với những hoạt động phát huy di sản nhà khoa học, trong hơn 150.000 lượt khách tham quan đã có khoảng 40% là học sinh phổ thông. Thông qua hoạt động trưng bày, di sản của các nhà khoa học đem lại những suy nghĩ và cảm xúc tích cực cho người xem. Họ không những được tiếp cận thông tin về các nhà khoa học, hiểu biết về lịch sử các ngành khoa học…, mà còn thu nhận những giá trị cao đẹp từ di sản các nhà khoa học để lại. Nhiều vị khách khi đến đây thăm trưng bày của TTDS đã khẳng định di sản nhà khoa học là một kho báu về đức độ – trí tuệ, mà không phải dân tộc nào trên thế giới này cũng có được.

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu (Hóa học) giới thiệu với học sinh

Mục tiêu bay – một sản phẩm công nghệ do ông và đồng nghiệp sản xuất, 2017

Trong sổ lưu bút của TTDS, một vị khách đã bày tỏ cảm nhận của mình:“Từng lá thư, từng hiện vật, đặc biệt là các tài liệu nghiên cứu khoa học của các thầy, như một một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đầy khó khăn nhưng hào hùng của một dân tộc có truyền thống hiếu học, yêu nước, thương dân. Kho báu về tri thức mà các thế hệ các thầy để lại, mãi mãi là nguồn trí tuệ vô giá mà thế hệ con cháu nhiều đời sau được hưởng nhờ”. Hay như một tâm sự khác, của chị Đoàn Thị Thu Hồng (38 tuổi, ở Cao Phong, Hòa Bình): “Những ký ức về một tuổi thơ khốn khó của thời bao cấp như ùa về trong tôi. Tôi thấy đâu đó là hình ảnh của ông tôi trong chiếc mũ tai bèo, hình ảnh của mẹ tôi tay cầm tem phiếu mua đồ cho hai chị em. Tôi và con gái sẽ còn quay lại đây, và tôi sẽ chính là người hướng dẫn riêng cho con trong dòng lịch sử này”.

Nhiều bậc phụ huynh đưa con cháu đến xem trưng bày của TTDS để định hướng lý tưởng sống cho con. Như gia đình anh Nguyễn Văn Minh – một lương y ở thành phố Hòa Bình và là học trò cũ của GS Nguyễn Tài Thu (y học) – đã đưa con trai đến tham quan để được nghe những câu chuyện về các nhà khoa học, đặc biệt là về chiếc máy điện châm của GS Nguyễn Tài Thu, với mong muốn con trai “Phải sống tốt với bản thân mình, với xã hội”. Khi xem trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, nhiều học sinh nảy nở khát vọng phấn đấu theo gương các nhà khoa học. Một em học lớp 5 tại Hòa Bình cho biết: “Em rất thích tìm hiểu những thứ trên trái đất này được tạo ra từ cái gì. Em thích hình dung xem kính hiển vi có thể nhìn thấy gì và tưởng tượng ra nhiều thứ qua chiếc kính đó”. Và thêm nữa: “Em mơ ước sau nàysẽ được học một trường đại học, được nghiên cứu khoa học và có gì đó được lưu giữ với tư cách một nhà khoa học trong tòa nhà Di sản này”. Sau chuyến tham quan, bạn Ngô Quang Cường (lớp 11A1, trường THPT Vân Cốc, Hà Nội) nghĩ về tương lai của mình: “Em sẽ cố gắng phấn đấu học tập thật tốt để trở thành một nhà Y học, để xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp và cuộc sống ý nghĩa nhất”..

Để tiếp tục mở rộng đưa di sản nhà khoa học đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, TTDS cần nghiên cứu để tổ chức các hoạt động giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau. Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGD-ĐT với việc tập trung hình thành các năng lực, phẩm chất cho học sinh đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu, đồng thời đưa hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc ở tất cả các cấp học là một trong những cơ hội thuận lợi để phát triển hoạt động này. Từ thực tiễn hoạt động của TTDS, có thể dẫn ra một số hoạt động nhằm giáo dục các giá trị sống cho học sinh các cấp như sau:

. Tham quan học tập kết hợp khám phá, trải nghiệm: Thông qua việc nhìn ngắm những kỷ vật, theo dõi câu chuyện đằng sau mỗi kỷ vật ấy, sẽ giúp cho người xem có thêm hiểu biết và được chiêm nghiệm những bài học kinh nghiệm của các nhà khoa học. Đặc biệt, khi tham quan trưng bày, giáo viên có thể kết hợp cùng người phụ trách di sản để tổ chức phiếu khám phá và các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu sâu sắc nội dung, giá trị từ các di sản, mà còn khơi dậy tính tò mò, năng động, đam mê khám phá của học sinh và khiến chương trình giáo dục nhẹ nhàng, mang tính chất vừa học, vừa chơi.

. Kể chuyện nêu gương: Với lứa tuổi học sinh, những câu chuyện trong cuộc đời của nhà khoa học sẽ là điều thú vị với các em. Chẳng hạn, chuyện từ phát hiện những con giun đũa chui vào ống mật đến nghiên cứu tìm ra phương pháp cắt gan mới của GS Tôn Thất Tùng; chuyện làm sao mà một nhà khoa học không học đại học ngày nào nhưng vẫn trở thành giáo sư của GS Văn Tạo… Những tấm gương như vậy sẽ truyền cảm hứng, lan tỏa điều tốt đẹp đến các em học sinh.

. Tìm hiểu về các ngành khoa học và các nghề nghiệp trong xã hội:Do tiếp cận đa dạng các lĩnh vực khoa học, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đến khoa học kỹ thuật và công nghệ, lại có môi trường thiên nhiên rộng trên 34ha, TTDS và CVDS có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực địa cho học sinh khám phá kiến thức của từng môn khoa học này. Đồng thời, có thể giúp học sinh tiếp cận với khái niệm và ý nghĩa từng ngành nghề cũng như con đường học tập để trở thành người hoạt động trong lĩnh vực đó.

. Sắm vai nhà khoa học:Đây là mức độ cao hơn của việc định hướng nghề nghiệp.Giáo viên hoặc ban tổ chức chương trình ngoại khóa có thể tổ chức các hoạt động để học sinh đắm mình vào vị trí của nhà khoa học trong những bối cảnh và môi trường làm việc cụ thể. Từ đó sẽ khích lệ các em tập hình thành suy nghĩ, nhận định và hành động như những nhà khoa học thực thụ. Có thể xây dựng chuỗi các hoạt động theo chủ đề “Em tập làm nhà khoa học”, ví dụ như em là nhà sinh học, nhà địa chất, nhà toán học… Điều ấy sẽ liên quan tích cực đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau nàycho học sinh.

. Giao lưu gặp gỡ, nói chuyện với nhà khoa học: Nhà khoa học trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện cuộc đời mình là cách tốt cho học sinh để tiếp cận với các giá trị. Thực tế, TTDS đã tổ chức cuộc giao lưu của GS Vũ Dương Ninh (Sử học) với học sinh lớp 10 trường THPT Chu Văn An; GS Trần Vĩnh Diệu (Hóa học), GS Phong Lê (Văn học) với học sinh ở tỉnh Hòa Bình… Những buổi giao lưu đó nhận được phản hồi tích cực từ cả học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Có thể thấy, để phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam, còn có rất nhiều việc phải làm và cần tìm ra nhiều hình thức hoạt động thích hợp. Nhưng với số lượng tài liệu, hiện vật đồ sộ, di sản các nhà khoa học là nguồn tư liệu dồi dào, quan trọng, có tác dụng lâu dài khơi dậy cảm hứng, động lực để thế hệ trẻ trau dồi giá trị bản thân và vươn lên trong cuộc sống.

3. Kết luận

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hiện là đơn vị lưu trữ lớn khối di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học Việt Nam. Qua thực tiễn đã chứng minh, di sản đó có ý nghĩa trên nhiều khía cạnh: nghiên cứu lịch sử văn hóa, xã hội, lịch sử khoa học, lịch sử giáo dục và đặc biệt là có thể khai thác để phục vụ các chương trình giáo dục cho thế hệ trẻ.

Từ kinh nghiệm hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cần tiếp tục phát triển các hình thức giáo dục nhằm đưa ra những biện pháp khai thác loại hình di sản này một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp xu thế trong và ngoài nước.

Có thể thiết kế, lồng ghép nội dung, câu chuyện được khai thác từ di sản của nhà khoa học Việt Nam vào chương trình học tập của học sinh (có thể là nội khóa hoặc ngoại khóa, tùy đặc điểm, chương trình giảng dạy của từng trường) các cấp ở bậc phổ thông, để quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị di sản này trong xã hội. Những hoạt động tiếp theo của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam rất cần sự quan tâm, chung tay của các nhà hoạch định chiến lược giáo dục, những nhà tâm lý giáo dục, để đưa thành chương trình giáo dục giá trị sống từ di sản nhà khoa học được phổ quát và có ý nghĩa thực tiễn cao.

* Bài viết đăng trênTạp chí Khoa học Giáo dục, số 30, tháng 6-2020.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Văn Huy, Trần Bích Hạnh (2018),Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 10 năm hình thành và phát triển. Tạp chí Thế giới Di sản, số 8.

[2] Nguyễn Thanh Hóa (2019),Vai trò của di sản ký ức đối với việc nghiên cứu lịch sử, từ kinh nghiệm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế “Hồi ức, ký ức và tài liệu lưu trữ về Việt Nam – Giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía”, ĐH KHXH và NV – ĐHQG Hà Nội.

[3] Nguyễn Văn Huy, Bùi Minh Hào, Nguyễn Thanh Hóa (2012),Di sản nhà khoa học và vấn đề lưu trữ về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tổ chức và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ nhân dân”, Hà Nội.

[4] Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Thanh Hóa (2018),Vì sao cần sưu tầm khẩn cấp di sản của các nhà khoa học?. Tạp chí Thế giới Di sản, số 8.

[5] Nguyễn Thị Hợp (2018),Mô hình giáo dục di sản nhà khoa học,Báo Giáo dục và Thời đại, số Chủ nhật, 52 (30.12.2018)

[6] Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Đặng Hoàng Minh (2010),Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở – Tài liệu dùng cho giáo viên THCS, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

[7] Hoàng Tụy (2019),Xin được nói thẳng, NXB Thế giới, Hà Nội.

[8] Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (2012),Di sản ký ức của nhà khoa học, Tập 2, NXB Tri thức, Hà Nội.

[9]Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (2018),Những câu chuyện hiện vật,Tập 4, NXB Thế giới, Hà Nội.

[10] Phạm Mạnh Hùng (Chủ biên) (2013),Trần Hữu Tước – Cuộc đời và sự nghiệp, NXB Y học, Hà Nội.

[11] Hoàng Thị Liêm (2018),Hướng tới Bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam, Tạp chí Thế giới Di sản, số 8.

[12] Trần Bích Hạnh (2019),Giá trị giáo dục qua di sản ký ức và tài liệu của các nhà khoa học Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế “Hồi ức, ký ức và tài liệu lưu trữ về Việt Nam – Giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía”, ĐH KHXH và NV – ĐHQG Hà Nội.

Trần Bích Hạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam