Trên trang mạng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS), Phạm Kim Ngân có bài viết về giá trị của cuốn sổ “Trung-Triều Nhật ký” của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng (bài viết được đăng lại trên mạng quandany.com). Sau khi điểm những nội dung quan trọng mà GS Tôn Thất Tùng đã ghi chép trong nhật ký như những thu hoạch về Ngoại khoa, những thành tựu nổi bật của Y học Trung Hoa…, Phạm Kim Ngân đánh giá đây là "một tập tài liệu lịch sử vô cùng quý giá" và lấy làm tiếc là chưa đọc được những nội dung mà GS Tùng viết bằng tiếng Pháp trong nhật ký.
Tôi may mắn được TTDS cho tiếp cận với 38 trang viết bằng tiếng Pháp, viết trên sổ tay, của GS Tôn Thất Tùng và tôi đã rất cố gắng dịch ra tiếng Việt. Nói là rất cố gắng vì sau 60 năm chữ viết đã bị mờ đi nhiều, nét chữ nhiều chỗ không rõ. Nhờ được nghiên cứu viên Trần Bích Hạnh của TTDS phóng to và cho in đậm nét mực nên tôi mới có thể lần mò đọc những nội dung đã được viết.
GS.TS Nguyễn Duy Tuân – học trò của GS Tôn Thất Tùng
Xin nói rõ về bối cảnh những năm đó để người đọc có thể hiểu rõ hơn về nội dung tập nhật ký. Giáo sư Tôn Thất Tùng đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên từ cuối tháng 7 năm 1951 đến cuối năm 1951, trong phái đoàn Việt Nam do ông Hoàng Quốc Việt dẫn đầu. Năm đó:
– Trung Quốc mới được giải phóng hoàn toàn năm 1949 thì ngay năm 1950 đã phải bước vào chi viện cho Triều Tiên chống Mỹ. Hàng chục vạn Quân chí nguyện Trung Quốc vượt sông Áp Lục sang chiến đấu bên cạnh quân dân Triều Tiên khi bản thân Trung Quốc đang còn ngổn ngang sau nhiều năm nội chiến.
– Năm 1950, sau khi đánh đuổi quân Pháp và giải phóng các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng và Lạng Sơn, Việt Nam mới mở được đường thông thương với các nước xã hội chủ nghĩa và cuối năm đó, được Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa công nhận. Giai đoạn 1951 là giai đoạn chúng ta đang nỗ lực cầm cự, để chuyển mạnh sang tổng phản công. Đời sống quân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn.
Điểm nổi bật trong phần hồi ký viết bằng tiếng Pháp của Giáo sư Tôn Thất Tùng là sự tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng đứng trong cuộc chiến chống đế quốc để giải phóng đất nước, là tình đoàn kết chiến đấu và sự đón tiếp vừa trọng thị vừa thân tình của chính quyền và nhân dân Trung Quốc đối với phái đoàn Việt Nam, là sự đồng cảm trong những khó khăn thiếu thốn mà hai quốc gia đang phải chịu đựng.
Trung Quốc năm 1951 còn nghèo, khó khăn thiếu thốn trăm bề: “Chặng đường từ Long Châu đến Nam Ninh (17 giờ liên tục trên xe tải trên đường nền đất rắn) ”,… tại Thiên Tân “Phòng tôi không có WC, không có bồn tắm”, còn tại Moukden “tôi được ở một khách sạn của giao tế xứ số 103. Phòng ở hơi chật, có thể ngột ngạt vào mùa hè. Điện bị cắt từ 7h sáng và không có đường dẫn nước nóng”.
Y tế Trung Quốc cũng còn rất nhiều khó khăn: “Tước (bác sĩ Trần Hữu Tước đang điều trị ở Bắc Kinh) nói với tôi về sự thiếu thốn trang bị và thuốc ở Bắc Kinh y viện… Dụng cụ thì, như anh nói, đã lỗi thời. Việc thiếu vắng các nhà kỹ thuật cũng thấy cả trong lĩnh vực Nội khoa”.
Mặc dù vậy, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc vẫn đón tiếp phái đoàn Việt Nam rất trọng thị và thân tình. Dù đoàn đi tới đâu, ở Nam Ninh cũng như ở Bắc Kinh hay Thiên Tân cũng được đón tiếp niềm nở, thân tình với những nụ cười, chụp ảnh, quay phim, hoa … “Cuối cùng, tới đích sau một chuyến đi vất vả. Sự tiếp đón nồng nhiệt và ấm cúng của chính quyền nhân dân Trung Hoa và của đông đảo các tổ chức chính trị và văn hóa. 700 người đến hoan nghênh chúng tôi khi xuống tàu hỏa… Tối qua, tiệc chiêu đãi chính thức phái đoàn Việt Nam do Mặt trận chính trị thống nhất Trung Hoa tổ chức ở trong Hoàng cung cũ của Bắc Kinh, tại lầu Hoài Nhân, nơi Từ Hi đã sống… Ở đó, chúng tôi đã bắt tay những nhân vật lớn nhất của nước Trung Hoa mới: Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ…”
Trung-Triều nhật ký
Từ Trung Quốc, trong sự đón tiếp nồng hậu và thân tình của Bạn, tham dự những buổi đón tiếp và tiệc tùng sang trọng, GS Tôn Thất Tùng nhớ tới những khó khăn thiếu thốn trăm bề của nhân dân Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, nhớ tới những người thân trong gia đình đang phải vật lộn với những thiếu thốn và bệnh tật. “ ý nghĩ của tôi hướng tới những người thân: những chiến sĩ bám trụ trên mảnh đất nóng bỏng, những thiếu nữ ở nước chúng ta lao động nặng nhọc hàng ngày trong một cuộc chiến đấu căng thẳng chống kẻ xâm lược, những trẻ em thiếu sự chăm sóc và giáo dục, không biết mọi thứ tiện nghi hiện đại. Tôi nghĩ tới vợ tôi thiếu máu, con tôi gày còm, đứa con gái út thiếu sữa… tôi lại như thấy khu nội trú của những em gái nhỏ trong rừng, khoảng 15 em gái nhỏ trang nghiêm, lo lắng đến tương lai, nước da xanh xao do sốt rét…”
Và rồi GS TônThất Tùng kết luận: “ Việt Nam, Việt Nam, đất nước bị tổn thương do chiến tranh, nhưng không bao giờ bị những tên đế quốc đánh gục ngã. Trong đôi mắt của mỗi đứa trẻ, mỗi người lớn, mỗi thiếu nữ, tôi nhìn thấy đất nước yêu thương của tôi”.
"Trung-Triều nhật ký" của GS Tôn Thất Tùng thực sự là một tài liệu lịch sử vô cùng quý giá, không chỉ của ngành Y tế, mà là của dân tộc Việt Nam, của tình đoàn kết Việt Nam-Trung Hoa. Thiết nghĩ đã đến lúc TTDS, nơi quản lý hai quyển sổ nhật ký này của GS Tôn Thất Tùng, cho xuất bản để đông đảo người đọc có thể tiếp cận được với 2 quyển nhật ký này.
Tháng 11 năm 2011
GS.TS Nguyễn Duy Tuân
(Một học trò cũ của Giáo sư Tôn Thất Tùng)
___________________________
* GS.TS Nguyễn Duy Tuân – nhà khoa học Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu.
* Những đoạn chữ nghiêng do GS.TS Nguyễn Duy Tuân dịch từ tiếng Pháp (TTDS).