Từ cuốn nhật ký của chàng sinh viên lâm nghiệp

PGS.TS Nguyễn Hữu Quang có thói quen viết nhật ký từ nhỏ. Cuốn hồi ký “Khát vọng cuộc đời” [1] được ông biên soạn trên cơ sở những tập nhật ký của mình. Tuy nhiên, đến nay ông chỉ còn lưu giữ một cuốn sổ nhật ký và đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 24-9-2014. Đây là cuốn sổ ông mua tại Bắc Kinh khi đang trong hành trình đi học ở Liên Xô, trên nền bìa bọc vải màu đỏ có dòng chữ “Vĩ đại đích hữu nghị” bằng tiếng Trung Quốc. Ông đã dùng cuốn sổ này để ghi nhật ký kể từ khi tạm dừng chân ở Bắc Kinh cho đến ngày được kết nạp Đảng tại Liên Xô. Bằng bút máy viết mực đen hoặc xanh, ông ghi một cách tổng hợp, từ các sự kiện, những dòng tâm sự cho đến những điều rút kinh nghiệm và có cả những bài thơ do ông sáng tác. Cuốn sổ đã không còn nguyên vẹn, bị rách gáy, giấy long rời ra và quăn góc, nhưng qua đó khắc họa chân thực cả một tiến trình của anh thanh niên xung phong trở thành chàng sinh viên lâm nghiệp Nguyễn Hữu Quang.

Cuốn nhật ký của PGS.TS Nguyễn Hữu Quang

Cuối năm 1954, khi cùng đội thanh niên xung phong 30-34 đang lao động tại công trường 111 ở Pa Tần, Điện Biên thì Nguyễn Hữu Quang nhận được lệnh của cấp trên điều về Hà Nội nhận công tác mới. Cùng về Hà Nội chuyến ấy còn có những đồng chí ở các đơn vị khác và tất cả được tập hợp thành một trung đội do anh Hoàng Văn Cừ phụ trách. Từ công trường 111, toàn trung đội đi bộ hành quân, về tới khu Việt Nam học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đúng rạng sáng mồng 1 tết Nguyên đán. PGS Nguyễn Hữu Quang vẫn nhớ hôm ấy: Khác với những người Hà Nội, anh em chúng tôi vẫn nón lá bọc vải dù, ba lô con cóc, lại có cả cuốc xẻng… làm cho nhiều người hiếu kỳ cứ nhìn theo. Các cháu nhỏ chạy theo vỗ tay chào các chú bộ đội, các cụ già cũng đưa tay chúc mừng chúng tôi [2]. Cán bộ của Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục đón tiếp niềm nở và chuẩn bị chỗ cho trung đội nghỉ ngơi. Sau khi được gặp Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Văn Giạng, mọi người mới biết nhiệm vụ sẽ là học văn hóa, ôn tập toán – lý – hóa và tham gia chỉnh huấn để chuẩn bị đi đào tạo ở nước ngoài. Qua một thời gian tham gia chỉnh huấn tại trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa (nay là trường ĐH Bách khoa Hà Nội) [3], tất cả phải trải qua kỳ thi để kiểm tra kiến thức, đánh giá thực lực của từng học viên. Các học viên vốn chỉ mới học hết cấp 2, lại trải qua thời gian dài đi phục vụ kháng chiến, không động gì đến sách vở, nên bây giờ việc học tập trở lại gặp muôn vàn khó khăn. PGS Nguyễn Hữu Quang cho biết, ông nhớ lời cha dặn: Hãy phấn đấu học tập rèn luyện chiến đấu để cống hiến với tất cả tâm hồn trong sáng nhất con ạ! [4], nên nhiều đêm thức trắng ôn bài và rồi đạt kết quả cao trong kỳ thi về các môn học. Tiếp theo, các học viên được học chính trị và cũng phải thi để lựa chọn một lần nữa. Với kết quả thi chính trị cũng tốt, Nguyễn Hữu Quang được tuyển chọn cùng với gần 200 người được đi học ở nước ngoài. Ông đã ghi lại thời khắc đó trong nhật ký: Giấy tờ đủ cả rồi, tất cả đều xong xuôi, chỉ có tàu là đi được cả, gần hai trăm người, hai trăm trái tim hồi hộp chờ mệnh lệnh [5].

Mùa thu năm 1955, đoàn du học sinh rời khu Việt Nam học xá và ra ga Hàng Cỏ để lên đường sang Liên Xô. Trên đường đi, trong sự mờ ảo của màn đêm, Nguyễn Hữu Quang cố ngoái nhìn về khu Việt Nam học xá với cảm xúc gắn bó trong quãng thời gian vừa qua. Hành trang của những người lần đầu xuất ngoại chuyến ấy chỉ là những cuốn sách, những tập tài liệu và những tâm hồn đầy mơ ước. Những dòng đầu tiên ông ghi trong cuốn sổ này ở Bắc Kinh là dành để kể lại cảnh chia tay lúc đoàn đi qua khu Bệnh viện Bạch Mai: Chúng tôi chào nhau lần cuối cùng, kẻ đi người ở, các đồng chí cấp dưỡng, công nhân viên ríu rít kẻ về hậu tuyến, người ở lại tiền phương, chia tay nhau lòng bồi hồi phấn khởi. Thế là xa cách, đi được 500 thước tôi ngoảnh lại thì những mái nhà tranh ánh đêm mờ đã khuất bóng, để lại trong đầu óc tôi một mối luyến thương, một tình vấn vương bao ngày đấu tranh gian khổ [6]. Rạng sáng ngày 14-8-1955, đoàn tàu liên vận xuất phát từ ga Hàng Cỏ chở đoàn du học sinh Việt Nam đi về hướng Đồng Đăng. Khi tàu qua cầu Long Biên, qua sông Hồng đang mùa nước dâng ngầu đục, Nguyễn Hữu Quang tự nhủ với lòng mình: Thời xa cách tạm biệt dòng sông anh dũng mới thấy lần đầu tiên và cũng xa cách luôn, ngày mai về gặp nhau nói chuyện nhé. Ngành nghề của tôi sau này sẽ là bạn chăn gối của sông nước, bao nhiêu hi vọng tràn ngập một ngày mai. Khi trở lại với sông Hồng, với công tác trị thủy, tôi hứa sẽ quyết tâm để đạt nguyện vọng của bản thân, mà cũng là mong ước của nhân dân và Đảng. Công cuộc kiến thiết xã hội còn đòi hỏi tôi nhiều [7]. Gần hai trăm con người trên chuyến tàu ấy, theo Nguyễn Hữu Quang suy nghĩ: Phải chăng họ cũng giống tôi, cũng đang nhìn lại miền ký ức cuộc đời [8].

Ngày 20-8-1955, tàu đến Bắc Kinh – Trung Quốc, Nguyễn Hữu Quang thốt lên: Đến rồi, Bắc Kinh mến yêu! Thành trì hòa bình vĩ đại vững chắc của nhân dân châu Á [9]. Đoàn được bố trí nghỉ tại Thanh Hoa Phạn Điếm ít ngày để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiếp theo. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Hữu Quang ở khách sạn, lại được phục vụ rất nhiệt tình và chu đáo, nên cảm thấy thích thú, ngỡ ngàng, xa lạ, khiến ông nhận xét: Như thiên đường trần gian của cuộc đời tôi và bè bạn [10]. Mấy ngày đợi tàu, ai nấy đều sống trong chờ đợi, hồi hộp, có cả buồn và vui. Sau khi mua được cuốn sổ, Nguyễn Hữu Quang tranh thủ ghi lại những kỷ niệm và cảm xúc vừa qua kể từ hôm rời Hà Nội.

Sáng ngày 30-8-1955, đoàn nhận lệnh tiếp tục cuộc hành trình. Mặc dù thời gian lưu lại Bắc Kinh không lâu, nhưng đoàn học sinh Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cùng sự thân tình trong lòng những người làm việc ở khách sạn. Nguyễn Hữu Quang nhớ mãi hình ảnh một nhân viên khách sạn cầm chiếc mũ nan bọc vải của ông và cứ mân mê… Đó là chiếc mũ kỷ niệm bởi nó đã theo ông qua nhiều nơi ở mặt trận Điện Biên ác liệt và gian khổ, ngôi sao trên mũ như lóe lên niềm tin chiến thắng. Đối với Nguyễn Hữu Quang khi ấy, hình ảnh ngôi sao, chiếc mũ và chiến trường xưa có ý nghĩa thiêng liêng: Như đốt cháy tâm can tôi, đang thúc giục tôi tiến lên phía trước [11]. Tàu đưa đoàn đi qua Thiên Tân, Hải Quan rồi đến miền Đông Bắc, tới khu vực nào cũng được hướng dẫn viên giới thiệu bằng tiếng Việt. Tâm trạng của Nguyễn Hữu Quang đặc biệt rạo rực trong ngày mồng 2 tháng 9, khi nhớ lại một năm trước, cũng vào ngày này, ông được vinh dự bắn phát súng đầu tiên trong đêm hội mừng chiến thắng tại Chiềng Đông, Sơn La, còn bây giờ ông và mọi người cùng đi đang ở trên chuyến tàu của nước bạn và tâm tưởng hướng về Tổ quốc, âm thầm tự mở hội trong lòng nhân ngày độc lập của nước nhà.

Vào lúc 9 giờ 13 phút ngày 3-9-1955, đoàn tàu dừng lại ở Mãn Châu, kết thúc cuộc hành trình trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Bước chân xuống tàu, Nguyễn Hữu Quang cảm nhận rõ rệt cái lạnh giá của vùng biên giới Xô – Trung. Gần trưa, cả đoàn lên tàu của Liên Xô và tiếp tục hành trình. Nhật ký của ông cho biết: Tàu Liên Xô, tất cả đều mới lạ, tàu được bố trí một cách bài bản, 4 người một khoang. Trong khoang có nệm chờ, có radio, đèn điện, ống hút bụi, cái gì cũng hiện đại và đẹp lạ mắt… Tâm trạng tôi cảm thấy sung sướng, sảng khoái đến vô cùng [12]. Bước sang ngày 5-9-1955, tàu liên vận Bắc Kinh – Mátxcơva tiến vào đất Liên Xô, rồi cuối cùng dừng lại ở nhà ga thuộc thành phố Mátxcơva. Cả đoàn vui mừng khôn xiết, mọi sự mệt nhọc được xua tan trước không khí rộn ràng trên đất nước được mệnh danh là “Anh cả xã hội chủ nghĩa”.

Trong năm học đầu tiên ở Liên Xô, được gọi là năm học dự bị, Nguyễn Hữu Quang và các bạn Việt Nam tập trung vào học tiếng Nga tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, đồng thời được tham gia nhiều chuyến dã ngoại để gia tăng hiểu biết về đất nước Liên Xô. Đặc biệt, vào dịp hè năm 1956, trước khi bước vào năm học mới, trường tổ chức cho lưu học sinh nước ngoài một chuyến tham quan vùng Đông sông Vonga. Đoàn gồm hơn 600 người bắt đầu khởi hành lúc 12h trưa ngày 25-7-1956: Tàu rời bến Mạc Tư Khoa trong một buổi trưa nắng đẹp. Một ngày nắng đẹp đến tuyệt vời và hiếm có trên xứ sở Bạch dương [13]. Đoàn tàu du lịch lần lượt cập bến cho đoàn tham quan các thành phố nằm bên sông Vonga. Trong nhật ký, Nguyễn Hữu Quang ghi chép cẩn thận về những địa điểm được thăm ở mỗi thành phố, từ thông tin về lịch sử, địa danh cho đến cảm nhận, suy tư của mình, như ở thành phố Ulianốp: Là nơi người cộng sản vĩ đại Lênin được sinh ra và lớn lên, đoàn đã tới thăm ngôi nhà Lênin từng sống và ngôi trường Lênin từng học thuở nhỏ [14]. Thành phố Cuibưsếp mang trên mình hơn 370 năm lịch sử. Tại đây có những nhà máy kỹ nghệ điện lực, kỹ nghệ sản xuất thép…, có tới 7 trường đại học đặt ở đây [15]. Về kênh đào Vonga Đông, theo ông viết: Mang ý nghĩa quan trọng, đó là biến Mạc Tư Khoa thành hải cảng chung của 5 biển: Hắc Hải, Adốp, Lý Hải, Ban Tích và Bạch Hải… Đây trở thành đầu mối giao thương quan trọng trong việc phát triển kinh tế và công nghiệp của Liên Xô [16]. Đến thành phố Ráttốpnanđônu, điểm dừng chân cuối cùng của đoàn sinh viên, ông mô tả: với khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh vật ở đây cũng có những nét đặc trưng riêng, những thảm cỏ xanh mơn mởn, hàng dương trải dài thẳng tắp, bồn hoa quanh năm nở rộ [17]. Chuyến hành trình dọc theo dòng sông Vonga, tại mỗi nơi dừng chân đều có những hoạt động giao lưu với các trường đại học sở tại. Đối với sinh viên Nguyễn Hữu Quang, đó là một chuyến tham quan đầy ấn tượng và lý thú: Tất cả được dồn nén thành những kỷ niệm không bao giờ quên của những ngày lênh đênh trên dòng sông êm dịu [18].

Sau khi trở về từ chuyến đi tham quan ấy, lưu học sinh Việt Nam được nghe Đại sứ quán nước ta phổ biến về việc phân công ngành học. Trước khi sang Liên Xô, Nguyễn Hữu Quang đã được định hướng học về trị thủy sông. Trong thời gian học dự bị, có một sinh viên người dân tộc thiểu số từ chối học về lâm nghiệp như phân công, nên Đại sứ quán và Đảng bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô gợi ý Nguyễn Hữu Quang theo học ngành này. Trước tình thế như vậy, thực tâm ông rất băn khoăn và cũng buồn, vì đã gắn bó một năm với bạn bè và thầy cô tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, đã chuẩn bị tinh thần sẽ học tập tại ngôi trường nổi tiếng này. Cuối cùng, ông quyết định chấp nhận chuyển sang học ngành lâm nghiệp, mà lý do thì như ông chia sẻ trong buổi trò chuyện ngày 11-9-2014: Ngành lâm nghiệp rất quan trọng, nhà thơ Tố Hữu từng viết về rừng: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”; hơn nữa, khi còn là thanh niên xung phong, hàng ngày ông đã thề dưới quốc kỳ: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, do đó ông phục tùng sự phân công của tổ chức. Ông học chuyên ngành lâm nghiệp tại trường Đại học Kỹ thuật lâm nghiệp Mátxcơva. Sinh viên Nguyễn Hữu Quang học tập tích cực, hăng say, năm nào cũng được nhà trường giao cho đề tài nghiên cứu để củng cố thêm kiến thức thực tiễn. Ông tập trung chủ yếu vào những đề tài phù hợp với thực tiễn Việt Nam, như: nghiên cứu cấu tạo tính chất cơ lý của gỗ Việt Nam, cắt gọt gỗ lim, ép ván, kỹ thuật sấy gỗ… Ông còn đăng ký thực tập tại nhà máy chế biến gỗ để được trải nghiệm như một kỹ sư thực thụ. Vì thế, năm nào ông cũng được nhà trường tặng thưởng cho thành tích nghiên cứu và học tập.

Những dòng nhật ký của chàng sinh viên Nguyễn Hữu Quang đột ngột khác biệt do nhận được tin dữ từ Việt Nam: mẹ ông qua đời. Đó là nỗi mất mát to lớn khiến ông đau khổ và bối rối: Đọc lại thư nhà lòng tôi đau khổ. Mẹ, mẹ yêu quý của con ơi, ngàn năm cách biệt nhưng biết làm sao! [19]. Ông trăn trở: Suốt cả đêm tôi không ngủ. Tôi mơ màng như một người mới trải qua một giấc mộng triền miên [20]. Sự đau khổ càng lớn và day dứt bởi mẹ qua đời trong khi ông vẫn ở nơi đất khách quê người mà không thể trở về viếng mẹ. Trong cuốn sổ nhật ký, ông bày tỏ niềm xót thương của mình qua những vần thơ: Được tin mẹ mất con kinh hồn/Bút đâu tả hết nỗi đau thương/Những tưởng mai sau ngày sum họp/Ai ngờ cách ngả chốn âm dương [21]. Nguyễn Hữu Quang không biết chia sẻ cùng ai ngoài những vần thơ và từng trang nhật ký. Rồi ông tự an ủi bản thân và xác định: Cháu của Bác không bao giờ buồn khổ để quên nhiệm vụ, vì cháu chỉ còn một lý tưởng thờ Đảng và kính yêu Bác [22].

Chính từ lòng trung thành, yêu Đảng, yêu Bác cùng với sự phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện và đạt kết quả học tập xuất sắc, sinh viên Nguyễn Hữu Quang là một trong số người đầu tiên thuộc đoàn lưu học sinh Việt Nam được kết nạp Đảng tại Liên Xô. Ngày 3-11-1960 là mốc thời gian cuối cùng ông ghi lại những dòng nhật ký trong cuốn sổ này: Ôi! Tất cả như đã vờ òa trong niềm mơ ước của tôi, khát vọng bao ngày của một cuộc đời đã cho tôi đến với cuộc đời người cộng sản [23]. Trong thời điểm thiêng liêng ấy, ông vẫn như nghe văng vẳng bên tai lời dạy của người cha ở quê nhà: Cha dặn con, dù đường đời có khó khăn gian khổ, dù những giây phút nguy nan nhất, con phải biết suốt đời theo Đảng, phải luôn tin tưởng vào con đường cách mạng của Đảng đã chỉ ra [24]. Sau đó, năm 1961, ông bảo vệ xuất sắc khóa luận tốt nghiệp về chuyên ngành chế biễn gỗ và là một trong 17 sinh viên Việt Nam ở các trường đại học tại Liên Xô được đưa vào diện chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.

Dù PGS.TS Nguyễn Hữu Quang đã trải qua nhiều cương vị công tác: Viện trưởng Viện Công nghiệp rừng, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Ban cán sự Đảng tại Liên Xô, Đại biểu Quốc hội khóa VI, nhưng đối với ông, những kỷ niệm về thời sinh viên tươi đẹp trên đất nước bạn vẫn để lại dấu ấn đậm nét và nhiều cảm xúc qua từng trang nhật ký.

Lưu Thúy – Bích Phương

________________________

* PGS.TS Nguyễn Hữu Quang là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Lâm nghiệp, nguyên Chủ nhiệm khoa Công nghiệp rừng, nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp rừng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng tại Liên Xô.

[1] Nguyễn Hữu Quang, Khát vọng cuộc đời, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.

[2] Nguyễn Hữu Quang, Khát vọng cuộc đời, sách đã dẫn, tr. 69.

[3] Ngày 6-3-1956, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa (sau là trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Khu Đông Dương học xá được chọn làm địa điểm xây dựng trường Bách khoa. Cơ sở này được xây dựng từ năm 1938, là ký túc xá của sinh viên 3 nước Đông Dương, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì đổi tên thành Việt Nam học xá.

[4] Nguyễn Hữu Quang,Khát vọng cuộc đời, sách đã dẫn, tr. 39.

[5] Nhật ký ngày 14-8-1955.

[6] Nhật ký ngày 22-8-1955.

[7] Nhật ký ngày 22-8-1955; trước khi sang Liên Xô ông được phân công học về trị thủy sông.

[8] Nguyễn Hữu Quang, Khát vọng cuộc đời, sách đã dẫn, tr. 79.

[9] Nhật ký ngày 20-8-1955.

[10] Nguyễn Hữu Quang, Khát vọng cuộc đời, sách đã dẫn, tr. 104.

[11] Nhật ký ngày 30-8-1955.

[12] Nhật ký ngày 3-9-1955.

[13] Nhật ký ngày 25-7-1956.

[14] Nhật ký ngày 28-7-1956.

[15] Nhật ký ngày 28-7-1956.

[16] Nhật ký ngày 28-7-1956.

[17] Nhật ký ngày 28-7-1956.

[18] Nguyễn Hữu Quang,Khát vọng cuộc đời, sách đã dẫn, tr. 147.

[19] Nhật ký ngày 25-7-1956.

[20] Nhật ký ngày 25-7-1956.

[21] Bài thơ “Viếng mẹ”, nhật ký tháng 7-1958.

[22] Nhật ký (không ghi ngày tháng).

[23]Nhật ký ngày 3-11-1960.

[24] Nhật ký ngày 3-11-1960.