Tốt nghiệp Đại học Y tại Hà Nội năm 1945, năm 1946, bác sỹ Nguyễn Thúc Tùng xung phong ra mặt trận và chính thức vào chiến trường Nam Trung bộ tháng 6 năm 1946. Năm 1949, ông được điều vào làm Quân y trưởng Liên trung đoàn 80-83 ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Trong thời gian này ông đã tham gia trận Ninh Mã. Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng kể: “Tỉnh Phú Yên khi đó là vùng tự do của ta, quân địch chiếm đóng ở vùng đồng bằng tỉnh Khánh Hòa. Địch cũng có một đồn đóng ở đỉnh đèo Cả. Từ đỉnh đèo xuống phía Nha Trang (Khánh Hòa), đường ô tô và tàu hỏa chạy ven theo núi khoảng 10km, bên kia là biển. Quãng đường quốc lộ này khá gần nơi đóng quân của trung đoàn, chỉ cần vượt qua dốc Mỏ là đến, lại nhiều cây cối um tùm dễ phục kích. Ban chỉ huy trung đoàn quyết định tổ chức đánh phục kích ở nơi này.Thường thường, tuần hai lần, địch cho một đoàn xe vận tải chở các thứ vũ khí, đạn dược, lương thực tiếp tế cho đồn đóng trên đèo Cả. Chúng bao giờ cũng cho một xe tăng đi đầu, một xe tăng khóa đuôi ở cuối đoàn xe. Sau khi nắm chắc quy luật, đồng chí Lư Giang- Liên Trung đoàn trưởng (Sau này là Trung tướng, Tư lệnh quân khu Thủ đô) hạ quyết tâm đánh đoàn xe. Tôi cùng trạm mổ được yêu cầu cùng đi để giải quyết thương binh ngay tại mặt trận. Trong các lần trước, trạm mổ của tôi đóng ở vùng tự do, thương binh cáng về trạm thường mất khoảng nửa ngày. Trước lúc lên đường, tôi có nói rõ hơn với các chiến sĩ m là trận đánh này tôi sẽ mang theo một trạm mổ để cứu chữa ngay nếu anh em bị thương. Điều này đã động viên anh rất lớn cho anh em. Nhờ quyết tâm và nắm chắc quy luật, trận Ninh Mã này đã kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt cả đoàn xe của địch gồm 1 xe tăng và 15 xe vận tải, thu được một số vũ khí, đạn dược…Anh em thương binh được xử trí tại chỗ kịp thời nên không có trường hợp bị nhiễm trùng nặng. Chúng tôi cũng băng bó cho cả quân địch bị thương một cách chu đáo. Tôi có nói với các thương binh Pháp rằng: các anh sang xâm lược nước chúng tôi là có tội, nhưng vì lòng nhân đạo, chúng tôi không giết các anh đâu. Chúng tôi đã băng bó các vết thương, các anh cứ yên tâm nằm đây, đồng đội các anh ở trên đồn sẽ đưa các anh về…Tôi nhớ rõ trận đánh đó diễn ra vào đầu tháng 7/1949…”
Nghe chúng tôi hỏi về chiếc ống nghe tim phổi, ông cười hóm hỉnh: “Đấy là tôi biển thủ được. Trong số chiến lợi phẩm thu được, tôi thấy có một số đồ dùng y tế và thuốc men, tôi đã giữ lại chiếc ông nghe này. Đây là loại ống nghe do Pháp sản xuất nên rất tốt. Nó được tôi sử dụng suốt cho đến tận khi nghỉ hưu, sau nó bị hỏng, vứt đi thì tiếc nên tôi cất làm kỷ niệm. Dẫu sao cũng là trận đầu tiên tôi đưa đội mổ lưu động ra tận chiến trường.” Sau trận Ninh Mã một thời gian, ông cũng có nhận được một bức ảnh ông đang căn dặn một lính Pháp bị thương sau khi được ông băng bó. Bức ảnh chụp không nét lắm nhưng lại rất có ý nghĩa. Rất tiếc là ông không biết tác giả của bức ảnh là ai. và tại sao lại chụp đượcngay tại lúc ông căn dặn người lính Pháp bị thương. Đó là một bức ảnh lịch sử nói về đạo đức y học trong chiến tranh và chính sách với thương binh của đối phương. Tất cả những kỷ vật này ông lưu giữ hết sức cẩn thận và trân trọng trong suốt 60 năm qua.
Phạm Kim Ngân