Năm 1953, GS Hoàng Bảo Châu (nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam) cùng với khoảng 150 sinh viên, được cử đi học tập ở Trung Quốc theo các chuyên ngành học khác nhau với một mục đích rất rõ ràng: sau khi tốt nghiệp sẽ trở về nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1959, đoàn sinh viên học chuyên ngành Y trở về nước, trong thời gian chờ công tác, số bác sĩ này đã xin vào các bệnh viện thực tập làm quen với công việc.
Thời gian chưa được bao lâu, bác sĩ Hoàng Bảo Châu được Thứ trưởng Nguyễn Văn Tín gọi lên giao nhiệm vụ mới: tiếp tục sang Trung Quốc học thêm 3 năm, một năm thực tập chuyên khoa đã học (chuyên khoa Thần kinh), hai năm theo học lớp “Tây y học tập Trung y khóa II” tại Học viện Trung y Bắc Kinh, niên khóa 1960 – 1962.
Hoàn thành khóa học, bác sĩ Hoàng Bảo Châu không chỉ am hiểu những kiến thức về Đông y mà cả về Tây y. Mặc dù vậy, sau khi về nước, ông vẫn tiếp tục tự học để bổ sung kiến thức cho mình. Ông trực tiếp theo học những thày lang giỏi về y học cổ truyền, theo học những y tá, y sĩ về châm cứu, xem họ làm thế nào, thực hành như thế nào, có cái gì mới không để có thể tiếp thu những gì mình chưa được học. Song song với việc vừa học tập từ các người thày không trên lớp, ông say sưa đọc các sách kinh điển về Đông y như Linh khu, Tố vấn,… của Trung Quốc, và các sách y học của các nước phương Tây như Pháp, Anh… Vừa học tập trên sách vở, ông vừa mạnh dạn thực hành trên thực tiễn trong điều kiện thực tế của khí hậu và con người Việt Nam. Trong quá trình học tập và thực hành ông đã ghi chép lại cẩn thận tất cả những vấn đề về chuyên môn vào các cuốn sổ tay, như: Sổ tay ghi chép các kiến thức về Nội khoa, Khí công, Thái cực,…. Cách làm của ông là: chép nguyên văn hoặc dịch ra chữ quốc ngữ những kiến thức đọc được từ sách cổ của Trung Quốc hoặc sách của phương Tây, và ghi chép cả những kiến thức mà mình đã trực tiếp kiểm chứng để có thể tiện nghiên cứu.
Trong cuốn sổ ghi chép các kiến thức về Nội khoa, bác sĩ Hoàng Bảo Châu đã liệt kê ra 249 chứng bệnh thường gặp phải trong đời sống hàng ngày của nhân dân, tiêu biểu trong số đó như: Hư lao, xuyễn, nôn, hoàng đản, thời bệnh, sốt nóng, dịch hạch, huyền vựng, cổ chướng, cảm mạo,…. Mỗi loại bệnh ông đều phiên âm Hán Việt, nêu rõ nguyên nhân, triệu chứng của bệnh, các loại thuốc để chữa từng loại bệnh đó. Cuốn sổ dùng để ghi chép những kiến thức nội khoa này là phần thưởng cho những hoạt động thi thể dục thể thao khi Hoàng Bảo Châu còn học tập ở Trung Quốc, ông vẫn giữ và dùng để ghi chép trong quá trình làm việc của mình. Những bài thuốc ông ghi trong cuốn sổ là kiến thức để ông có thể giảng bài cho các học viên hoặc có thể sử dụng khi cứu chữa bệnh trên thực tế lâm sàng. Ngoài ra nó còn là tài liệu để ông viết những bài báo nghiên cứu gửi đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Những kiến thức này khi được phổ biến rất có tác dụng trong việc phòng chữa bệnh trong nhân dân.
Và cũng từ những cuốn sổ ghi chép, những bài viết, những bản thảo quá trình làm việc, nghiên cứu như vậy, GS Hoàng Bảo Châu đã tổng hợp lại thành một cuốn sách Nội khoa Y học cổ truyển. Sách được Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 1997 tức là sau hơn 30 năm từ những ghi chép đầu tiên của ông.
Nguyễn Thanh Hóa