Từ bản thảo bài giảng đến giáo trình

Năm 1966, sau khi tách ra từ trường Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Xây dựng đã thành lập Bộ môn Hình họa và Vẽ Kỹ thuật. Lúc đầu, Bộ môn Hình họa tại trường Đại học Xây dựng chỉ có 6 cán bộ là Nguyễn Đình Điện (Tổ trưởng), Đoàn Như Kim, Nguyễn Quang Cự, Nguyễn Mạnh Dũng, Hoàng Trung Nghĩa và Nguyễn Quý Đôn. Với số lượng giảng viên hạn chế, nên GS Tạ Quang Bửu – Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc bấy giờ đã quyết định mở lớp đào tạo Giáo viên Hình họa đầu tiên tại trường Đại học Xây dựng để bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Năm 1967, lớp đào tạo Giáo viên Hình họa đầu tiên ra đời, tập trung vào đào tạo các môn Hình họa, Vẽ kỹ thuật xây dựng và Vẽ cơ khí. Một số giảng viên đã tốt nghiệp khóa I trường Đại học Bách khoa được giao nhiệm vụ truyền đạt lại kiến thức cho sinh viên khóa sau, trong đó Đoàn Như Kim được phân công về ban Hình học họa hình, phụ trách chính về mảng Vẽ kỹ thuật Xây dựng.

Lớp Hình họa đầu tiên gồm 27 người, là sinh viên đang học năm thứ 2, trường Đại học Xây dựng đã được tiếp cận những kiến thức cơ bản của Vẽ kỹ thuật. Bên cạnh đó, các trường Mỏ, Công nghiệp nhẹ, Nông Nghiệp và Cầu đường cũng gửi sinh viên sang học. Những sinh viên này vừa được đào tạo về Hình họa tại trường Xây dựng, vừa tiếp tục học chuyên môn tại các trường khác đến hết năm thứ 5, sau khi tốt nghiệp ra trường được nhận Bằng Kỹ sư Xây dựng nhưng đã qua đào tạo chuyên môn Hình họa và Vẽ kỹ thuật.

Thời gian đầu lớp Giáo viên Hình họa gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như giáo trình giảng dạy. Các giáo viên phải tự tìm kiếm, tập hợp thông tin từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau để biên soạn thành bài giảng.

Khi trường Đại học Xây dựng sơ tán về Hà Bắc, lớp học mái tranh, vách đất, bàn ghế của thầy và trò đều là những cây tre, nứa ghép lại, quanh lớp học là hầm trú ẩn, thầy giáo, cán bộ, nhân viên và sinh viên đều ở nhờ nhà dân, các lớp học phân tán ở nhiều thôn, xã khác nhau của huyện Quế Võ. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ già, con nhỏ, nhưng Đoàn Như Kim theo sát, gắn bó với lớp ở nơi sơ tán, ngoài giờ lên lớp, ông phải tranh thủ quán xuyến việc nhà và chăm sóc người thân nhưng vẫn dành thời gian chuẩn bị bài giảng, trăn trở với những ý tưởng và bài tập Vẽ kỹ thuật. Đoàn Như Kim đã tập hợp và dịch lại những tài liệu của chuyên gia Liên Xô, sách báo chuyên ngành tiếng Pháp, kết hợp với những ghi chép cá nhân về Hình họa để biên soạn bài giảng cho sinh viên. Hai tập bản thảo bài giảng bao gồm những bài tập do Đoàn Như Kim đưa ra ý tưởng, soạn thảo và biên soạn. Mỗi bài tập đều kèm theo hình vẽ mô tả minh họa câu hỏi và đáp án cụ thể…

PGS.TS Đoàn Như Kim tâm sự: “Có khi đang nấu cháo cho con tôi cũng nghĩ về bài giảng, cháo trào ra ngoài lúc nào không biết…”. Hàng ngày, Đoàn Như Kim phải đạp xe đi đi về về hàng chục km trên bờ đê sông Đuống, tham gia tổ chức dự giờ và thông qua các bài giảng rút kinh nghiệm giảng dạy cho các cán bộ trẻ.

Để phục vụ tốt cho công tác dạy và học, GS Tạ Quang Bửu đã yêu cầu Ban Hình học họa hình, trường Đại học Xây dựng biên soạn giáo trình chính thức. Đoàn Như Kim đã tập hợp tất cả những bài giảng đã giảng dạy trước đó, dịch thêm các tài liệu tham khảo, sách báo nước ngoài để bổ sung nội dung giáo trình. Sau 3 năm cuốn Giáo trình Vẽ kỹ thuật Xây dựng của Đoàn Như Kim cùng với cuốn Hình học Họa hình của Nguyễn Đình Điện đã hoàn thiện và trở thành bộ giáo trình chuẩn chính thức đầu tiên của Bộ môn Hình họa, một công cụ hữu dụng cho cán bộ giảng dạy và sinh viên khối kỹ thuật.

Hai bản thảo bài giảng của PGS.TS Đoàn Như Kim được viết tay bằng bút bi mực xanh, kích thước 21×30 cm, trên giấy trắng. Trải qua thời gian, bản thảo đã cũ, giấy trắng đã ngả vàng, rách mép lề vẫn được ông lưu giữ trân trọng. Đến năm 2013, PGS.TS Đoàn Như Kim đã tặng lại 2 tập bản thảo Hình học họa hình và Vẽ kỹ thuật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.

Phạm Ngọc Hải

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

my wife cheated now what do i do site my wife cheated now what do i do