Nhà khoa học với tâm hồn đượm chất thơ

Với quan niệm “mỗi phút đi qua mà không làm được gì thì thật lãng phí” nên GS.TS Đường Hồng Dật luôn có ý thức tận dùng quỹ thời gian quý báu sau giờ làm việc để sáng tác thơ.

Đường Hồng Dật làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, giai đoạn này ông làm thơ theo cảm tính, bản năng của một cậu học trò bước vào tuổi mới lớn. Nhưng rồi, kể từ khi ông vào đại học, và quãng dài thời gian sau đó, ông dường như quên hẳn việc mình biết làm thơ.

Từ những năm 1980 trở đi, trải qua nhiều biến động thăng trầm của cuộc sống, Đường Hồng Dật có thời gian suy ngẫm, nhìn lại cuộc đời. Ông đặc biệt tâm đắc với suy nghĩ về Nhà khoa học của một thầy giáo người Liên Xô, đại ý rằng: Nhà khoa học phải có hai đặc tính, đó là kinh điển và lãng mạn. Kinh điển được hiểu theo nghĩa làm khoa học nghiêm túc, có sáng tạo vượt trội, có khả năng vận dụng vào thực tế, suy nghĩ logic… Còn lãng mạn được hiểu theo nghĩa thuộc về tâm hồn, đam mê… Hai thứ đó đan xen và bổ trợ cho nhau, tạo nên tính chất của một nhà khoa học[1]. Và ông nhận ra rằng, điều đó hoàn toàn đúng, muốn trở thành nhà khoa học thì phải có cái gì đó vừa nghiêm túc, chính xác, nhưng vẫn phải có phần sáng tạo, tâm hồn bay bổng.

GS.TS Đường Hồng Dật yêu thích những vần thơ lãng mạn và đầy tinh tế của các nhà thơ Xuân Diệu, Tố Hữu, Huy Cận, Hoàng Cầm, Tế Hanh… và ông đã trở lại với thơ. Theo ông, thơ không chỉ là tiếng nói của tâm hồn mà thơ còn phản ánh cả lý trí con người. Bởi vậy, ông đã từng viết:

Thơ tôi không hay vì hay nói lý

 

Nhưng lý trí cũng là tiếng nói của thơ

Đối với mỗi con người nói chung, mục tiêu sống là để cống hiến, đóng góp cho xã hội. Thơ cũng vậy, thơ cần hướng tới giá trị chân thiện mĩ bằng cách hướng tới người lao động, cần thể hiện được cảm nghĩ của họ và nói thay lời họ.

                                                                                                  

Bản thảo sáu tập thơ của GS.TS Đường Hồng Dật

Cách viết thơ của GS.TS Đường Hồng Dật cũng “không giống ai”, bởi ông có những suy luận rất khác biệt, thơ phải thể hiện hết được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Chuyện là, năm 1958, sau khi tốt nghiệp đại học từ Liên Xô trở về nước, một người bạn của ông tâm sự rằng muốn viết một cuốn truyện ngắn nói về mặt trái của xã hội. Nhưng ông nghĩ, thực tế mặt xấu của xã hội đã quá rõ ràng ai cũng thấy, tại sao không viết về những điều tốt đẹp để hướng con người lạc quan hơn về cuộc sống.

Vì thế, thơ Đường Hồng Dật không có một chủ đề rõ rệt định trước, mà ông viết theo cảm hứng, theo sự trải nghiệm bởi tất cả những sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống đều có thể là những ý thơ hay. Bởi theo ông nếu hướng tới cuộc sống tốt đẹp, phản ánh cả công việc, gia đình, định hướng xã hội, tình yêu với thiên nhiên, bạn bè… thì niềm cảm xúc dành cho thơ sẽ không bao giờ vơi tắt. Ông cũng bày tỏ quan điểm này trong bài Ta yêu thơ in trong tập “Lửa tim”:

Ta yêu thơ vì thơ là ngọn sóng

Luôn rì rào giữa bát ngát đại dương

Là tâm hồn đầy khát vọng yêu thương

Là nhịp đập trái tim đang thổn thức

(Hà Nội, tháng 12-1986)

Thơ của GS Đoàn Hồng Dật không bị bó buộc bởi niêm luật, bằng trắc, vần điệu như thường thấy trong các thể lục bát, tứ tuyệt, song thất… Ông cho rằng, xã hội phát triển, con người cũng phát triển và có nhiều sáng tạo mới. Trong thơ văn cũng vậy, một số thể thơ tự do, thơ haiku (hai câu), thơ văn xuôi được người ta phát huy nhiều hơn. Nhưng dù thế nào, thơ cũng phải đảm bảo một số yêu cầu cơ bản về ý, về niêm luật, về hình ảnh, văn phong súc tích và phải luôn hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ.

Nói về hình ảnh trong thơ, ông cho rằng đây là một yêu cầu quan trọng, bởi nó hay ở chỗ sẽ giúp người đọc phát huy trí trưởng tượng. Ông dẫn ra một câu thơ mà ông khá tâm đắc để làm ví dụ:

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nếu hiểu câu thơ theo cách chân thực nhất thì đó là những hình ảnh về hoa văn, họa tiết dưới đáy một chiếc đĩa. Nhưng nếu suy ngẫm thì ý sâu xa của tác giả ở đây là nói về niềm vui được mùa của người nông dân, những kinh nghiệm trong sản xuất mùa nào thức ấy…

Một điều quan trọng nữa là những vần thơ của ông luôn được "nảy" ra từ những sự kiện hiện tượng diễn ra trong cuộc sống thường ngày, như “Ngày phụ nữ”, “Ngày nhà giáo”, “Đêm Noel”, “Những quả chuối”… in trong tập Thanh thản. Đó cũng có thể là những kỷ niệm, những suy nghĩ, trăn trở của ông trong các chuyến công tác như Đặng ngọt vị núi được ông ghi lại cảm xúc của mình tại vùng núi Hà Giang năm 2002; rồi sự mong đợi bước chuyển mình của Tây Nguyên khi ông chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của con người nơi đó những năm đầu thập kỷ 90 qua bài Tây Nguyên đợi; đến tình hữu nghị, vượt qua biên giới Sống trọn vẹn với những trăn trở của ông về sự phát triển của quê hương khi chứng kiến sự phồn hoa của đất nước Hà Quốc…

Nhìn nét chữ viết tay thẳng hàng, ngay ngắn trong bản thảo của 6 tập thơ, chắc hẳn không ai nghĩ rằng những vần thơ ấy không được GS Đường Hồng Dật ngồi bàn viết mà ông thường tranh thủ kê lên đùi tốc ký lại mỗi khi có cảm hứng. Ông từng tâm sự, tôi coi sáng tác thơ là một cách giải lao để vơi đi sự căng thẳng trong một ngày làm việc. Chất liệu ghi lại những vần thơ đầy cảm xúc ấy cũng rất đa dạng, đó có thể là mặt sau của tờ lịch treo tường khổ nhỏ (10x15cm), có thể là tờ giấy nháp đã được dùng một mặt, có thể là sau tấm ảnh chụp khung cảnh trong chuyến đi xa… Gần 3000 bài thơ được ông tập hợp lại và lần lượt cho ra đời các tập Lửa tim (H- Văn học, 2000); Mùa vui (H- Văn học, 2002); Nguyệt quế (Lao động xã hội, 2004); Bước tiếp (H- Lao động, 2008); Nhẹ nhàng (H- Thời đại, 2011); Thanh thản (H- Thời đại, 2011).

Dù đã nghỉ hưu đã hơn 20 năm, nhưng hàng ngày GS.TS Đường Hồng Dật vẫn miệt mài bên từng trang giấy. Những vần thơ của ông để lại cho người đọc nhiều cảm xúc bởi “lời thơ gần gũi, thi vị và thực tế từ suy ngẫm đến cuộc sống”4. Hơn thế nữa, một số bài thơ của ông còn được Nhạc sĩ Nguyễn Bính (một người bạn sống ở Thành phố Hồ Chí Minh) phổ nhạc, như bài “Tuổi 70”, “Phượng vĩ hồ Gươm”… hay tên các tập thơ của ông đã xuất bản được nhắc đến trong sáng tác của nhà thơ Đường Lương[2]:

Lửa tim vẫn sáng cùng trăm nẻo

Mùa vui còn nở đến muôn nơi

Nguyệt quế hoa tươi mừng đất nước

Thanh thản lòng son dựng cuộc đời.

Với số lượng xuất bản không nhiều, sáu tập thơ được GS Đường Hồng Dật gửi tặng bạn bè, người thân như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa. Với ông, đây là những nốt nhạc, mảng màu làm đẹp thêm cho quãng đời làm khoa học và cuộc sống thường nhật của ông. Ông cho rằng, mỗi một tập thơ là sự "góp nhặt" cảm xúc của ông trong cuộc sống hàng ngày, trải dài theo một không gian và thời gian không định trước.

Bản thảo 6 tập thơ của GS.TS Đường Hồng Dật được viết tay bằng mực xanh, đen trên nhiều loại giấy khác nhau. Do trải qua thời gian dài cùng với việc bảo quản chưa đúng quy chuẩn nên các bản thảo đã cũ, ố, ngả vàng, rách quăn lề. Nhiều bài thơ có bút tích chỉnh sửa lại câu từ của GS.TS Đường Hồng Dật. Để tiếp nối cho 6 tập thơ đã xuất bản của mình, năm 2014, GS Đường Hồng Dật dự định sẽ cho ra mắt bạn đọc tập thơ Cất cánh với đầy hân hoan để vươn tới chân trời bao la.

Tâm Loan

___________________

[1] Trích lời của GS.TS Đường Hồng Dật trong buổi phỏng vấn, ghi hình ngày 19-11-2013.

[2] Đường Lương, một nhà thơ nghiệp dư vốn là em họ của GS.TS Đường Hồng Dật.