Có lẽ tờ phiếu học tập ngay từ thuở ban đầu đã không trắng, bởi là giấy nứa[1], qua hơn 60 năm, đến nay càng ngả sang màu nâu xám, dấu đỏ của nhà trường đóng trên đó cũng đã phai nhạt đi, nhưng tài liệu này được ép plastic và giữ gìn cẩn thận. Đó là tờ phiếu học tập của Nguyễn Viết Tùng khi học hết kỳ I lớp 5 tại trường Trung học tư thục Phan Bội Châu ở xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. Tờ phiếu viết bằng mực tím, cho thấy Nguyễn Viết Tùng đạt điểm trung bình là 6,88 và xếp thứ 2 trong lớp có 43 học sinh. GS.TS Nguyễn Viết Tùng cho biết, cứ kết thúc một học kỳ, nhà trường lại gửi một tờ phiếu học tập về cho phụ huynh của từng học sinh.
Mặc dù vốn ở thị xã Vinh (Nghệ An), nhưng năm 1946 Nguyễn Viết Tùng theo cha mẹ đi tản cư ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tại đây, đầu năm 1954 Nguyễn Viết Tùng học xong lớp 4, nhưng vì trong xã không có trường cấp 2 nên cậu được bố là cụ Nguyễn Viết Nghi đạp xe đưa đi xin học tại trường Trung học tư thục Phan Bội Châu ở xã Phúc Sơn, cách nhà khoảng 10 cây số. Nghe tiếng cụ Chánh Gốc ở xã Thạch Sơn trong huyện là một thầy lang hiền lành, tốt bụng và giỏi chữ Hán, cụ Nghi xin cho con vào ở trọ. Cùng trọ với Tùng ở nhà cụ Chánh Gốc còn có 5 bạn nữa, trong đó có một bạn nữ, tất cả đều là học sinh trường Trung học tư thục Phan Bội Châu. Cụ Chánh Gốc chẳng những cho ở trọ miễn phí, mà còn tạo điều kiện cho 6 học sinh học tập tốt. Cụ bảo ban như với con cháu trong nhà: Các con muốn khỏi dốt, khỏi nghèo thì phải học thôi. Dù có phải đi xa nhà, dù có phải ăn đói, mặc rét, dù có nhớ bố mẹ thì cũng phải xuống đây học hành. Nhà đây, các con cứ ở, các con chỉ cần mang thêm gạo, còn thức ăn thì lúc nào cũng sẵn có[2].
Lúc đó, trường Phan Bội Châu chỉ có lớp 5 và lớp 6, phải mượn nhà dân làm trụ sở, còn phòng học thì dựng bằng tranh tre nứa lá. Trong lớp, bàn học sinh là những tấm gỗ xẻ kê hàng ngang, mỗi hàng có 10 người ngồi, không có lối đi ở giữa; ghế là hai cây tre ghép lại và có chân là cọc chôn xuống đất, học sinh ngồi trong lớp hay phải nhấp nhổm cho đỡ đau mông. Bảng là gỗ ván bào nhẵn ghép lại, xin nhọ nồi của dân đem trộn với lá khoai lang giã nát rồi quét lên thay vì sơn đen hay xanh.
Học kỳ I lớp 5, do vẫn phải tránh bom đạn của giặc Pháp, trường Phan Bội Châu tổ chức học vào buổi tối, từ khoảng 7 giờ đến 10 giờ. Nguyễn Viết Tùng và các bạn thường ăn bữa chiều rồi mới rời nhà trọ lúc 6 giờ và cuốc bộ khoảng 4km đi học. Không có đèn, cũng không dùng đuốc, phải lần mò và theo nhau mà đi. Những hôm trời quang, trăng sáng thì dễ đi, nhưng khi trời mưa, nhiều mây, đường trơn và nhiều vũng lầy, chuyện bị vấp ngã hoặc bẩn áo quần là thường, có khi còn đâm sầm vào trâu bò của người dân buộc ven đường.
Học sinh cùng nhau tự tạo ra các chụp đèn chiếu sáng lớp học. Đèn là 3 bát dầu hỏa, đốt bằng bấc sợi, bên trên có bộ phận chụp hình máng được treo lên. Tấm chụp đèn đan bằng nan nứa hay tre, lấy hồ bột nếp hoặc bột sắn dán giấy vào mặt trong rồi quét vôi cho trắng. Trong khi nhiều bạn đục thủng chụp đèn và thòng dây treo lên bên dưới mái nhà để cố định các bát dầu, thì Nguyễn Viết Tùng nghĩ ra cách làm thêm một trục tre nhỏ gắn ngang phía trong chụp đèn, rồi làm móc treo các bát dầu, như vậy vừa đẹp, vừa thuận tiện. Mỗi chụp đèn chiếu sáng được cho 5 học sinh ngồi học. Tuy nhiên, những ngày nồm hay khi trời mưa, côn trùng thường bu đến nhiều, rất khó chịu, thậm chí làm tắt đèn.
Chụp đèn dùng cho bảng của lớp thì có hình phễu, được đặt chếch góc trên bục giảng để hướng ánh sáng lên bảng. Thầy giáo đứng trong bóng tối, với tay ra viết lên bảng để không bị sấp bóng.
Viết Tùng mua những thếp giấy nứa về đóng lại thành vở để ghi chép bài giảng. Ngòi bút, quản bút và mực cũng đều mua ở hàng xén, với giá chỉ vài xu. Mực ở dạng hạt rời, bán theo gói nhỏ và chỉ có hai loại: mực tím và mực xanh, đem hòa vào nước lã đựng trong lọ, mang theo đến lớp và chấm ngòi bút vào để viết. GS.TS Nguyễn Viết Tùng vẫn nhớ, thời đó học sinh hay đến trạm xá bộ đội để xin những lọ penicillin đã tiêm hết thuốc, đem về rửa sạch và đựng mực viết. Lọ penicillin nhỏ gọn, đặc biệt có nắp cao su kín khít nên có thể bỏ lọ mực vào túi quần đem đi học.
Vốn thích văn chương từ cấp I nên Nguyễn Viết Tùng học rất chăm chỉ và luôn đạt điểm cao. Với môn toán, cậu cũng học giỏi nhưng không đam mê như với môn văn. Buổi tối đi học, còn ban ngày cậu và các bạn cùng trọ thường ở nhà làm bài tập hoặc ôn lại kiến thức cũ, không mấy khi ra ngoài chơi bời. Viết Tùng thường đứng trong tốp đầu lớp về kết quả học tập và được các thầy quý mến. Thỉnh thoảng, cậu được thầy giao cho một số tài liệu in ronéo để đọc cho các bạn chép.
Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Phan Bội Châu là thầy Nguyễn Năng Yên, thầy dạy văn học, lịch sử và giáo dục công dân. Thầy Mai dạy toán, địa lý và vạn vật. Hai thầy đều có bằng Tú tài, được Sở giáo dục Liên khu IV cho phép hành nghề dạy học. Cả hai thầy cùng yêu nghề, nhiệt huyết với học trò, chịu đựng gian khổ cùng học trò. Viết Tùng cảm thấy như được các thầy truyền cho "lửa quyết tâm" học tập. Việc dạy và học, kiểm tra và thi cử đều nghiêm túc. Có lần học môn địa lý, khi làm bài kiểm tra về châu Phi, Viết Tùng đã viết nhầm tên nước Công Gô thành Công-gồ, mãi đến khi tốt nghiệp còn bị thầy Mai nhắc nhở lại chuyện này.
Tờ phiếu học tập hồi lớp 5 của GS.TS Nguyễn Viết Tùng
GS.TS Nguyễn Viết Tùng còn nhớ, cuộc sống thời kỳ này rất khó khăn, ông và các bạn phải thường xuyên ăn cơm độn ngô, mà gạo thì ít, ngô thì nhiều. Thức ăn chính là món nhút. Có thể hình dung đây là thứ “dưa mít”. Những quả mít non hái xuống, gọt bỏ vỏ, rồi thái nhỏ và cho vào vại sành, trộn thêm muối và đậy kín lại, để lâu sẽ lên men chua thành nhút. Đối với mít chín, phần xơ còn lại sau khi ăn múi cũng được cho vào vại cùng với mít non. Chum nhút để ở góc nhà, là thức ăn quanh năm của người dân địa phương. Đến bữa, lấy nhút ra cho vào nồi, cho nước lã và thêm muối vào rồi đun lên thành một thứ canh sền sệt. Thỉnh thoảng, Viết Tùng và các bạn rủ nhau ra sông bắt con cua, con ốc về cải thiện bữa ăn.
Hàng tuần, nhóm học sinh ở trọ thường về nhà vào đêm thứ bảy để lấy gạo. Tan học khoảng 10 giờ đêm, cả nhóm đi về nhà cụ Chánh Gốc nấu cơm, ăn uống xong khoảng 11h30 lên đường về xã Tường Sơn. Bấy giờ, từ xã Phúc Sơn về xã Tường Sơn có hai cách đi: một là theo quốc lộ 7 – con đường do Pháp xây dựng, rộng khoảng 8m, rải đá răm, nhưng ít người đi lại vì cách xa làng xóm, nên lâu ngày bị hoang hóa, rậm rạp; một cách khác là đi men theo bờ sông Lam, qua nhiều làng xóm.
Vào mùa khô, Viết Tùng cùng các bạn về nhà bằng con đường ven sông. Đôi khi đi qua suối, nước đến ngực, phải cởi quần áo mà lội. Mấy bạn trai lội sang trước, còn bạn gái tên là Tố sang sau. Có lần đứng đợi khá lâu nhưng chưa thấy Tố, các bạn nam gọi ời ời: Tố ơi, mi còn sống nữa không?[3], cho đến khi bạn gái đáp lời mới thở phào nhẹ nhõm.
Vào mùa lũ, đường ven sông ngập lụt, vì thế nhóm học sinh buộc phải đi đường 7 về nhà. Đi đêm, mà đường rậm rạp, nên ai cũng sợ hổ. Cụ Chánh Gốc động viên: Các con đừng sợ, con khái (tiếng Nghệ An ám chỉ con hổ) cũng không hại người đâu, nó cùng đường hoặc bị đuổi đánh, bí quá thì mới tấn công mình[4]. Những hôm nhóm học sinh quyết định về nhà, cụ Chánh Gốc thường ra ngồi trên chiếc chõng tre ở sân và nhìn trời. Nếu là đêm tối trời, trăng mờ, nghĩa là có khả năng hổ xuất hiện, cụ ra vườn chặt cho mỗi người một cây mía, để nguyên lá, róc vỏ và phát vài nhát ở đoạn gốc cho trắng toát và nhọn hoắt như ngọn giáo. Cả bọn làm theo lời cụ dặn: Lên đường 7 thì chổng ngược gốc lên, cho ngọn mía quét xuống đường, vừa đi vừa phát ra tiếng động, cứ đi một chặng lại hô lên một tiếng "hoạt" (âm phát ra có tiếng vang cao nhất), đi đường có khát nước mấy cũng không được lấy mía ăn![5]. Sáu thiếu niên đi trên con đường đá răm, cây cối rậm rạp, chân đeo dép cao su, không đèn đóm, bám nhau mà đi, có lúc vừa đi vừa chạy, nhưng may mắn chưa bao giờ chạm mặt hổ.
GS.TS Nguyễn Viết Tùng kể lại: Thường 4h30 sáng cả nhóm về đến địa phận xã Tường Sơn, vào nhà bạn Chiểu (một thành viên trong nhóm) ở làng Trang để nghỉ ngơi. Bấy giờ, nhà Chiểu tương đối khá giả về kinh tế, bố mẹ của Chiểu thường nấu cơm cho cả nhóm ăn. Về tới đây, ai cũng thấy đói bụng nên xúm vào ăn hết nồi cơm, sau đó lăn ra ngủ. Khoảng 7 giờ sáng, tôi tỉnh dậy, bấy giờ mới trở về nhà ở làng Chính Yên[6]. Kỳ thi kết thúc học kỳ I lớp 5 được tổ chức vào cuối tháng 7-1954. Cả 6 môn đều thi viết: toán, địa lý, vạn vật, văn học, lịch sử, giáo dục công dân. Viết Tùng đạt kết quả tốt nhờ chăm chỉ học tập, nhưng về thành tích lao động thì kém người bạn thân tên là Đại, nên được xếp thứ 2 trong số 43 học sinh của lớp. Với thành tích như vậy, Viết Tùng được thầy hiệu trưởng Nguyễn Năng Yên tặng giấy khen của trường Trung học tư thục Phan Bội Châu. Ít lâu sau, cậu theo gia đình trở về thị xã Vinh, Nghệ An, từ đó đến nay không có cơ hội gặp lại bạn bè và các thầy ở trường Phan Bội Châu nữa.
Sinh thời, chính cụ ông thân sinh của GS.TS Nguyễn Viết Tùng đã giữ gìn tờ phiếu học tập này. Cụ Nghi xuất thân trí thức nên rất quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Thời kỳ Viết Tùng theo học tại trường Phan Bội Châu, cụ thường xuyên hỏi han, động viên con cố gắng học tập, đôi lần cụ còn tìm đến nhà các thầy để hỏi thăm tình hình học tập của con mình. Sau khi cụ qua đời, GS.TS Nguyễn Viết Tùng tiếp tục lưu giữ tờ phiếu học tập với sự trân trọng đặc biệt, bởi đây là kỷ vật duy nhất về thời kỳ ông học tại trường Trung học tư thục Phan Bội Châu. Nó khiến ông bồi hồi nhớ lại các thầy và bạn bè cũ, nhớ những năm tháng sống và học tập tại vùng tự do ở Anh Sơn, Nghệ An. Tháng 5-2015, ông đã tin tưởng gửi gắm tờ phiếu học tập này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.
Phạm Ngọc Hải
___________________________
* GS.TS Nguyễn Viết Tùng là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
[1] Loại giấy sản xuất từ nguyên liệu tre, nứa, bằng phương pháp thủ công thô sơ, màu giấy không trắng.
[2] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 28-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[4] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[5] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[6] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.