Sự nghiệp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức là một quá trình đi sưu tầm tư liệu, gặp gỡ, trao đổi và ghi chép về những vấn đề văn học mà ông quan tâm. Vậy nên những tác phẩm của ông, dù một bài viết dăm ba trang hay một cuốn sách dày mấy trăm trang, người đọc đều được nghe những câu chuyện thú vị, với những mô tả chi tiết và những đánh giá xác đáng. Đó là những câu chuyện về những cuộc gặp gỡ các nhà văn hay nhà nghiên cứu, nhiều khi họ chính là đối tượng nghiên cứu của ông, và có khi gặp gỡ trong cả một quá trình kéo dài đến mấy chục năm. Trường hợp nhà văn Tô Hoài[1] là một ví dụ điển hình: Hà Minh Đức không chỉ nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp văn chương của cây bút lớn này, mà còn trở thành một người bạn và người đồng nghiệp thân thiết, dù ông ít hơn Tô Hoài 15 tuổi.
GS Hà Minh Đức sinh năm 1935 tại Thanh Hóa. Năm 1957, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và được trường giữ lại để giảng dạy và nghiên cứu văn học. Khi bước vào sự nghiệp nghiên cứu, ông lựa chọn văn học hiện thực và đầu tiên là nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Cao[2]. Như ông chia sẻ: Tôi chọn nghiên cứu về Nam Cao vì tôi thấy khi nói đến văn học hiện thực không thể bỏ qua Nam Cao. Những tác phẩm như “Đôi lứa xứng đôi” (sau này in lại thành “Chí Phèo”), “Đời thừa”, “Sống mòn”, “Trăng sáng”, “Một bữa no”… đều là những trước tác quan trọng trong văn học hiện thực cả trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945[3].
Tuy nhiên, các tài liệu về văn chương của Nam Cao bị thất lạc nhiều, những tác phẩm quan trọng đều rất khó tìm, đó là thách thức lớn đối với việc nghiên cứu về nhà văn này. GS Hà Minh Đức cho biết: Một điều đáng tiếc là trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao viết khá nhiều truyện dài, truyện ngắn, truyện thiếu nhi…, nhưng do chế độ kiểm duyệt khắt khe của bọn thống trị, sách thường không được in, bản thảo bị thất lạc; hoàn cảnh chiến tranh lại làm mất thêm một số tài liệu nữa[4]. Trong thư viện chỉ thấy vài tài liệu về Nam Cao, nên ông phải tìm cả trên các tờ báo đã in tác phẩm của Nam Cao. Có lần đi săn lùng tư liệu, từ một gánh đồng nát ở phố Hàng Buồm, Hà Nội, ông tìm được một số sáng tác của Nam Cao như “Chiếc móng giò”, “Một đám cưới”… in trong tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy.
Hồi đó, Hà Minh Đức mới ra trường, còn thiếu cả tri thức lẫn kinh nghiệm. Để khắc phục tình trạng thiếu tư liệu trầm trọng, ông quyết định đi tìm để khai thác những nhà văn cùng thế hệ với Nam Cao. Khoảng năm 1958, được người quen giới thiệu, Hà Minh Đức đến gặp Tô Hoài. Đây là một trong những người bạn thân nhất của Nam Cao, đã có nhiều thời gian sống cùng và đi cùng Nam Cao trong quá trình công tác cũng như sáng tác. GS Hà Minh Đức không quên chi tiết nào trong lần gặp đầu tiên ấy: Tôi bối rối vì lần đầu tiên gặp mặt một nhà văn mà tôi vẫn ngưỡng mộ. Anh ân cần hỏi chuyện và khi biết tôi có dự định nghiên cứu Nam Cao và muốn được anh giúp đỡ, anh đã nói chân tình: “Tôi ủng hộ công việc của anh Đức, nhiều năm tháng tôi sống với Nam Cao, nên biết được gì sẽ kể lại. Ngoài ra anh có thể hỏi thêm Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân…”. Tôi than phiền với anh về tình trạng thất lạc và không còn gì đáng kể về tư liệu Nam Cao tại thư viện, ngoài cuốn “Sống mòn” và một hai tập truyện ngắn. Anh thông cảm với tôi và cho tôi mượn một số tài liệu về Nam Cao[5].
Trong số tài liệu của Tô Hoài cho mượn hôm ấy, có tập nhật ký của Nam Cao viết từ ngày 18-7-1950 đến ngày 18-9-1951. Tập nhật ký này là tài liệu đặc biệt có ý nghĩa, bởi thời điểm viết cuối cùng là trước khi Nam Cao rời miền núi xuống đồng bằng hoạt động, và chỉ hơn 2 tháng sau đó ông đã hy sinh ở Ninh Bình. Bởi vậy, Hà Minh Đức nhờ một sinh viên khoa Ngữ văn là Nguyễn Thị Ngọc Anh[6] chép lại giúp mình. Bản chép tay là một cuốn vở gồm 88 trang, kích thước 17cm x 20,5cm, viết bằng bút mực màu xanh, chữ nhỏ nhưng khá rõ ràng và dễ đọc. Trong tập nhật ký này, Nam Cao ghi lại công việc hàng ngày của ông, những suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống, về văn chương và cả bàn luận của ông về bạn văn. Thời kỳ ấy, Nam Cao làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, tham gia chiến dịch Biên giới, rồi tham dự hội nghị Văn nghệ liên khu III…
Bản chép lại nhật ký Nam Cao
Buổi gặp gỡ đầu tiên với Tô Hoài đem đến cho Hà Minh Đức hai điều rất cần thiết: một là ông có thêm nguồn tài liệu quý để nghiên cứu về Nam Cao; hai là thiết lập được quan hệ để ông có thể tiếp cận Tô Hoài thường xuyên, sau đó trở thành đôi bạn vong niên, rồi Tô Hoài trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng trong sự nghiệp khoa học của Hà Minh Đức. Tô Hoài cũng giới thiệu cho ông tiếp xúc một số nhà văn khác như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Tô Hoài, việc tìm hiểu về Nam Cao tiến triển và Hà Minh Đức hoàn thành được công trình "Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc" (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1961). Đây là tác phẩm đầu tiên của ông và cũng là một công trình nghiên cứu khá đầy đặn đầu tiên về Nam Cao. Tô Hoài không chỉ đọc bản thảo, sửa chữa và góp ý trong quá trình viết cuốn sách, mà còn là người viết lời giới thiệu, trong đó có đoạn: Tôi chỉ biết có đồng tình và nhiệt liệt hoan nghênh. Từng lời của nhà nghiên cứu gợi lên cho tôi những kỷ niệm. Tôi tưởng khi tình cảm mình chan hòa với trang sách đậm đà với những trang sách như thế thì chình là người viết ấy đã nói đúng, đã khơi được giường mối suy tưởng cho mình. Thật vậy, Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc của Hà Minh Đức đã dắt tôi trở lại với bao kỷ niệm. Tôi tưởng nhớ lại. Những chuyện nhớ lại này vẫn có thể, cùng với Hà Minh Đức giúp bạn đọc ít nhiều thấy một đôi nét con người ấy[7]. Ngay trong lời tựa cuốn sách này, tác giả đã thổ lộ những lời cảm ơn trân trọng đến nhà văn Tô Hoài. Hà Minh Đức luôn coi sự giúp đỡ của Tô Hoài là một sự ưu ái, một tình cảm lớn, mà sau này ông có dịp nhắc lại: Tô Hoài nhận lời và tôi đã có một bài giới thiệu công phu và sâu sắc. Điều đáng quý nhất là anh viết về tôi – một người mới bước vào nghề ở tuổi hai mươi lăm những lời quý trọng. Mãi mãi tôi cảm ơn anh về những lời tốt đẹp này[8].
Cho ra đời được sản phẩm đầu tiên và nhận được nhiều lời đánh giá tốt đẹp là một cú hích đối với một nhà nghiên cứu trẻ như Hà Minh Đức lúc đó. Nhưng với bản thân ông và với nghiên cứu về Nam Cao thì đó chỉ mới là một sự khởi đầu. Ông tiếp tục sưu tầm tài liệu về Nam Cao và tiếp tục mở rộng quan hệ với các nhà văn cũng như các nhà nghiên cứu. Như ông tâm sự: Khi tiếp xúc với một nhà văn lớn và có khoảng cách về tuổi tác thì mình cần có một sự chững chạc nhất định và cũng phải có công trình để người ta nhìn nhận mình là một nhà nghiên cứu và chấp nhận trao đổi ý kiến với mình. Sau khi xong cuốn về Nam Cao, năm 1962 tôi in được hai cuốn sách nữa là “Tác phẩm văn học” và “Thể loại văn học”[9]. Vậy nên tôi gặp và được các nhà văn quý mến, chia sẻ thêm tư liệu và trao đổi ý kiến[10]. Sau khi chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất, Hà Minh Đức vào miền Nam sưu tầm tư liệu về Nam Cao. Ông tìm thêm được một số tài liệu mà quan trọng nhất là cuốn "Đôi lứa xứng đôi" do Nhà xuất bản Đời mới in năm 1941 ở Hà Nội. Đặc biệt, năm 1987, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh Nam Cao, có nhiều nhà nghiên cứu văn học đã quan tâm sưu tầm và công bố kết quả nghiên cứu về cuộc đời nhà văn hiện thực nổi tiếng này. Hà Minh Đức vừa tham gia nghiên cứu, vừa lắng nghe, đồng thời sưu tầm tư liệu từ các nhà nghiên cứu khác. Những ý kiến và những tài liệu mới được ông nghiên cứu thêm, cho đến năm 1998, tức là 37 năm sau khi công bố nghiên cứu đầu tiên của mình, Hà Minh Đức mới hoàn thành cuốn sách thứ hai về Nam Cao: "Nam Cao – đời văn và tác phẩm" (nghiên cứu), do Nxb.Văn học, Hà Nội ấn hành. Trong công trình này, ông không chỉ phân tích, đánh giá về sự nghiệp văn học của Nam Cao, mà còn cung cấp cho người đọc một loạt tài liệu mới[11]. Cho nên, PGS.TS Trần Đăng Xuyền đã nhận xét: “Nam Cao – đời văn và tác phẩm” là cuốn sách tập hợp nhiều công trình của Giáo sư GS Hà Minh Đức viết về nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc Nam Cao, một nhà văn mà tác giả “trân trọng và gắn bó lâu dài trong nghiên cứu”. Cuốn sách là một bằng chứng giàu sức thuyết phục (cả về số lượng lẫn chất lượng) chứng tỏ rằng tác giả là một trong những chuyên gia hàng đầu về nhà văn lớn Nam Cao… đồng thời góp phần quan trọng xác định vị trí hàng đầu của ông trong giới lý luận, phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại[12].
Tô Hoài (trái) và Hà Minh Đức tại Hà Nội, năm 1964
Bắt nguồn từ quá trình nghiên cứu về Nam Cao, dần dần Hà Minh Đức hình thành ý tưởng nghiên cứu về Tô Hoài. Ông thường lui tới thăm hỏi và trao đổi rất nhiều chuyện với nhà văn Tô Hoài, từ những vấn đề ông đang nghiên cứu cho đến chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hoài. Có khi ông tới thăm Tô Hoài ở nhà số 23 phố Đặng Như Hài để trò chuyện. Có lúc hai người ra Hồ Gươm ăn kem, hoặc đi ăn uống ở Hồ Tây, đi dạo phố cổ. Những lần Tô Hoài đến Hội Văn nghệ Hà Nội, ông lại hay ghé vào nhà Hà Minh Đức ở phố Hàng Ngang. Trong quá trình tiếp xúc luôn như vậy, dù là các buổi trò chuyện giữa hai người hay những lần Tô Hoài đi nói chuyện văn học ở các nơi, Hà Minh Đức đều ghi lại chi tiết để làm tài liệu. Ông hay hỏi Tô Hoài về các tác phẩm quan trọng như "Dế mèn phiêu lưu ký", "Truyện Tây Bắc", "Vợ chồng A Phủ", "Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ", "Chiều chiều", "Ba người khác"… Kéo dài hàng chục năm trao đổi, làm việc, nghiên cứu và cả dạo chơi, thăm hỏi, đi ăn uống với Tô Hoài, Hà Minh Đức đã sưu tầm được một khối tài liệu khá lớn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn này. Hiện ông còn lưu giữ được nhiều bản ghi chép từ những cuộc trò chuyện với nhà văn Tô Hoài trong những năm 1960, 1970 cho đến gần đây.
Sự kiên trì của GS Hà Minh Đức trong khoảng nửa thế kỷ nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài đã đem lại thành quả đáng trân trọng: ông hoàn thành công trình "Tô Hoài – đời văn và tác phẩm" (nghiên cứu và trò chuyện ghi chép) vào năm 2007 (Nxb. Văn học, Hà Nội)[13]. Qua nghiên cứu của Hà Minh Đức, Tô Hoài không chỉ là một nhà văn nổi tiếng viết về đồng quê, về miền núi rừng Tây Bắc, về cuộc sống của loài vật, về Hà Nội cổ kính, mà còn là một Tô Hoài rất đời thường, một con người có trí nhớ tuyệt vời, có lối kể chuyện chân thực, chi tiết nhưng hóm hỉnh và vui tính. Đó là một Tô Hoài thích uống rượu vang trong cốc to, vì uống rượu vang trong ly nhỏ chua miệng, hay thích uống bia và ngồi một mình ngắm về phía trước; một Tô Hoài luôn chọn vị trí ngồi nhìn ra phía cửa để dễ quan sát khung cảnh chung, hoặc chọn một góc quán để ngắm toàn cảnh người đi lại thành phố[14]. Như GS Hà Minh Đức tâm sự: Viết về một nhà văn lớn rất khó, viết về Tô Hoài càng khó. Nếu chỉ đọc và hiểu về văn của ông mà không hiểu cuộc sống đời thường, không hiểu con người của ông thì không viết được. Tôi may mắn được nhà văn Tô Hoài yêu mến và chia sẻ, xem là bạn vong niên, mà cũng phải trải qua nửa thế kỷ (1958-2007) mới có thể viết được một cuốn về ông. Cuốn sách này vừa là kết quả của nửa thế kỷ nghiên cứu và cũng là thành quả của nửa thế kỷ bầu bạn[15].
Một số bản ghi chép của GS Hà Minh Đức trong các buổi trao đổi với nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Nam Cao mất khi Hà Minh Đức còn là cậu học trò cắp sách tới trường. Nhưng khi bước chân vào con đường nghiên cứu, do một cơ duyên hay sự nhạy cảm trong việc nhận định đối tượng, ông lại chọn Nam Cao để thực hiện công trình nghiên cứu của mình. Rồi Nam Cao đã trở thành cầu nối đưa Hà Minh Đức đến với Tô Hoài, để tạo nên một tình bạn vong niên đẹp đẽ trong gần sáu chục năm. Tô Hoài, ở một góc độ nào đó, đã tạo ra nguồn cảm hứng và sự khích lệ đối với Hà Minh Đức, đồng thời cũng là người mà Hà Minh Đức chia sẻ những suy tư nghiên cứu của mình. Những nghiên cứu của Hà Minh Đức, nhất là về Nam Cao, đều có hình bóng và cả bàn tay của Tô Hoài. Vậy nên, có thể xem đây là một tình bạn văn chương, cả tình bạn của người sống và người chết, vì Nam Cao luôn sống trong cả hai người. Còn về tập nhật ký của Nam Cao, theo GS Hà Minh Đức cho biết, sau khi chép lại xong, ông đã gửi trả cho nhà văn Tô Hoài và sau đó ông không biết nhà văn còn lưu giữ được hay đã bị thất lạc. Sau hơn nửa thế kỷ, cuốn vở dùng chép lại tập nhật ký của Nam Cao đã bị ố, ghim bị gỉ đã tạo ra mấy vết rách nhỏ. Khi biên soạn bộ sách Nam Cao toàn tập[16], GS Hà Minh Đức đã công bố tập nhật ký này. Tuy nhiên, vì lý do liên quan đến gia đình của cố nhà văn Nam Cao nên có vài chi tiết được bỏ ra. Ông hy vọng rằng, đến một lúc nào đó thích hợp, khi in lại bộ sách quý này, độc giả sẽ được tiếp cận toàn văn tập nhật ký của Nam Cao. Khi đó, bản chép lại này của GS Hà Minh Đức sẽ là tài liệu không thể thiếu được để trả lại nguyên nội dung tập nhật ký thời kỳ 1950-1951 của Nam Cao.
Bùi Minh Hào
__________________________
* GS.NGND Hà Minh Đức, chuyên ngành Văn học, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2012.
[1] Nhà văn Tô Hoài (1920-2014), một nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.
[2] Nhà văn Nam Cao (1917-1951), một nhà văn lớn của nền văn học hiện thực trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.
[3] [10] [15] Phỏng vấn GS Hà Minh Đức ngày 10-12-2010, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] [7] Hà Minh Đức, Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1961, tr. 5.
[5] [8] Hà Minh Đức, Tản mạn đầu ô, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002, tr. 121.
[6] Nguyễn Thị Ngọc Anh (đã mất) khi đó là sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học cùng với em gái của GS Hà Minh Đức là Hà Hiệp.
[9] Cả hai cuốn này đều do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tại Hà Nội.
[11] Hiện nay, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang lưu trữ 55 tài liệu ghi chép, trao đổi và tài liệu tham khảo liên quan đến quá trình nghiên cứu về Nam Cao của GS Hà Minh Đức, cùng các tác phẩm nghiên cứu của ông về vấn đề này.
[12] Trần Đăng Xuyền, “Nam Cao qua những công trình của một nhà nghiên cứu (mấy ghi nhận nhân đọc “Nam Cao – đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb. Văn học, 1998)”, Tạp chí Văn học, số 9, 1998.[13] Phần lớn số tài liệu của GS Hà Minh Đức ghi chép, nghiên cứu, sưu tầm để thực hiện cuốn sách này đang được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[14] Hà Minh Đức, Đi một ngày đàng, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 244.
[16] Nam Cao toàn tập, Hà Minh Đức sưu tầm và giới thiệu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1999.