Những bài học từ một viện trưởng

 Học tập để có trình độ chuyên môn giỏi – yếu tố quan trọng để làm quản lý  

GS Phạm Đức Dương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ bé luôn thiếu thốn, mẹ và các em gái đã phải đi ở đợ để có tiền cho ông đi học nên ông luôn có ý thức tranh thủ mọi điều kiện để học tập. Với ông, “học để nâng cao kiến thức, phục vụ tốt cho công việc chuyên môn, cho cuộc sống là nhiệm vụ và niềm tự hào của mỗi người, nhưng học bằng tiền, bằng quyền, cốt có tấm bằng để tiến thân thì đó là một điều tai hại đối với xã hội”[1]. Những ngày mới thành lập Ban Đông Nam Á, Phạm Đức Dương là một trong những người luôn học hỏi từ chính đồng nghiệp của mình, không chỉ học lý thuyết, ông còn đi thực tế với các chuyên gia, đồng nghiệp. Cuối những thập niên 70, dù đã gần 50 tuổi nhưng Phạm Đức Dương vẫn theo Hà Văn Tấn và các sinh viên vào Hà Tĩnh khai quật khảo cổ học. Giữa trời miền Trung nắng nóng, thầy trò ông cởi trần, mồ hôi nhễ nhãi ngồi phân loại hiện vật giữa nhà kho. Ông còn một mình đi tìm hiện vật để thực hành và nhờ Hà Văn Tấn kiểm tra giúp: “tôi nghe theo lời anh giảng và tự đi tìm phân loại hiện vật. Nay anh xem lại mà đúng thì coi như tôi đã thuộc bài của anh”[2].

Trong quá trình làm việc, Phạm Đức Dương luôn coi những người như Phan Ngọc, Từ Chi là những người thầy của mình, với ông, được làm việc với những nhà khoa học lớn này là một đặc ân, một vinh dự và một cơ hội để học tập. Như ông nói: “Từ Chi là người đã dạy tôi phương pháp đi thực địa, không phải dạy sách vở mà dạy qua những chuyến thực địa trực tiếp. Còn Phan Ngọc đã dạy tôi về nghiên cứu tư liệu, về lý luận…”[3]. Phạm Đức Dương có quan điểm rõ ràng về việc học: học để làm việc, để hiểu người hiểu việc và học để từ đó sử dụng con người cho đúng việc và tạo điều kiện để họ làm việc tốt nhất. Như ông từng tâm sự: “Mình làm quản lý, riêng từng chuyên môn thì mình không thể biết sâu bằng chuyên gia nhưng mình cũng phải hiểu để biết cán bộ của mình đang làm cái gì. Nếu mình không học hỏi nghiêm túc thì sẽ trở thành một anh cán bộ lãnh đạo chính trị, luôn đứng trên người khác và đi dạy người khác”[4].

Nhận thức rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của người viện trưởng

Thực tế ở nhiều ngành, nhiều đơn vị thường chưa có sự phân biệt rõ giữa người quản lý khoa học và các nhà chuyên môn, chuyên gia trong nghiên cứu khoa học. Theo quan điểm của Phạm Đức Dương, quản lý khoa học là tổ chức và đảm bảo điều kiện để các nhà khoa học thực hiện công việc nghiên cứu, sáng tạo. Còn việc nghiên cứu sâu, tìm tòi và phát hiện những vấn đề mới mang tính sáng tạo, đột biến thường là của các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Nhìn nhận lại, GS Phạm Đức Dương là một trong số ít người thuộc thế hệ của ông tránh được sự nhầm lẫn này.

Khi còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Phạm Đức Dương luôn coi mình chỉ là một người quản lý khoa học, người đứng ra tổ chức và tạo điều kiện tốt nhất cho anh em nghiên cứu khoa học. Nói một cách khiêm tốn, đồng nghĩa với người giúp việc cho các chuyên gia nghiên cứu. Chức Viện trưởng của ông cũng chẳng khác gì anh tổ trưởng tổ sản xuất. Dù nghe có vẻ không hợp lý, nhưng nhận thức của ông khi còn làm quản lý là như vậy.  Phạm Đức Dương từng trao đổi ý kiến về quan điểm này với một lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội, nhưng không được sự tán đồng. Khi một vị lãnh đạo của Ủy ban Khoa học Xã hội hỏi ông về kinh nghiệm sau nhiều năm lãnh đạo một viện nghiên cứu, ông đã bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi không có kinh nghiệm gì về quản lý nhưng thiết nghĩ, anh muốn có khoa học thật sự thì hãy trân trọng các chuyên gia nghiên cứu, sử dụng họ hợp lý và tạo điều kiện để họ sáng tạo, đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Hãy bớt hình thức và phân biệt rõ quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học. Muốn vậy anh phải biết được ai là những chuyên gia thật sự trong các ngành mà anh quản lý và phải nắm rõ danh sách để sử dụng họ đúng việc và tạo điều kiện cho họ làm việc tốt hơn”[5].

Đi điền dã vùng Tây Bắc với GS Haudricourt- một chuyên gia ngôn ngữ học Pháp, khoảng năm 1974

(Từ trái qua phải: PTS Phạm Đức Dương thứ 2 và GS Haudricourt thứ thư)

Đầu những năm 1980, sau chiến tranh biên giới Tây Nam rồi chiến tranh biên giới phía Bắc đã đặt ra nhiều vấn đề về quan hệ giữa Việt Nam và khu vực. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có cuộc trao đổi với Phạm Đức Dương khi đó với tư cách là Viện trưởng Viện Đông Nam Á. Khi gặp Thủ tướng, Phạm Đức Dương nói rõ quan điểm của mình: “Anh bảo tôi trình bày về Đông Nam Á thì tôi cũng làm được. Nhưng nếu anh muốn hỏi ý kiến chuyên gia thật sự về vấn đề lịch sử, văn hóa Đông Nam Á thì tôi xin giới thiệu anh Phan Ngọc và anh Từ Chi. Họ là những chuyên gia thật sự”[6]. Việc này làm Thủ tướng có chút ngạc nhiên, nhưng ông vẫn trao đổi với Phạm Đức Dương và sau đó qua thư ký mời Phan Ngọc lên nói chuyện để hiểu thêm vấn đề. Theo Phạm Đức Dương, nhiệm vụ của một Viện trưởng là phải nhìn nhận và giới thiệu đúng các chuyên gia để có thể tư vấn cho lãnh đạo các cấp khi cần thiết và cũng là tạo điều kiện để các chuyên gia đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Trân trọng các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành

Trong những năm làm Viện trưởng, GS Phạm Đức Dương luôn trân trọng các chuyên gia đầu ngành và điều đó đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho đồng nghiệp, bạn bè. Theo PGS.TS Ngô Văn Doanh “Viện Nghiên cứu Đông Nam Á dưới thời GS Phạm Đức Dương được coi là thời hoàng kim khi tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực hội tụ về Viện làm việc. GS Phạm Đức Dương có sức hút như một thỏi nam châm lớn hút được các chuyên gia về viện và tạo điều kiện để họ làm việc tốt”[7]. Việc tạo điều kiện cho Từ Chi và Phan Ngọc về làm việc tại Viện là một minh chứng cho sự trân trọng các chuyên gia của GS Phạm Đức Dương.

Từ Chi là một nhà dân tộc học chính thống, được đào tạo bài bản và là người có kinh nghiệm nghiên cứu điền dã dân tộc học từ Châu Phi đầu những năm 1960. Theo GS Phạm Đức Dương “với bề ngoài xoàng xoàng, ăn mặc lôi thôi nhìn như một người hành khất nhưng Từ Chi lại chứa đựng một trí tuệ sắc sảo với một vốn tri thức uyên bác. Tuy nhiên, không phải ai cũng phát hiện ra sự vĩ đại từ con người giản dị này”[8]. Khi làm quản lý Ban Đông Nam Á, sau là Viện Đông Nam Á, Từ Chi là người mà Phạm Đức Dương mời về cộng tác nhiều nhất. Với Phạm Đức Dương, Từ Chi “sở hữu” một khối óc vĩ đại nên nhiệm vụ của ông là tạo điều kiện cho Từ Chi làm việc và khai thác trí tuệ của Từ Chi trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ trẻ. Ông mời Từ Chi tham gia các chương trình nghiên cứu của Viện, giảng dạy và đào tạo cán bộ cho Viện. Ông cử các cán bộ trẻ như Nguyễn Duy Thiệu, Ngô Văn Doanh… đi theo Từ Chi để học tập. Các sinh hoạt chuyên môn của Từ Chi chủ yếu diễn ra ở Viện Đông Nam Á. Dù Từ Chi chưa bao giờ được biên chế ở Viện Đông Nam Á nhưng bà vợ của Từ Chi cũng biết đến “cơ quan” của chồng là Viện Đông Nam Á. Từ Chi đã dạy cho các cán bộ trong viện về phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp và lý thuyết nhân học phương Tây và khơi dậy khát vọng và đam mê cho cán bộ nghiên cứu trẻ.

Cùng với Từ Chi, Phan Ngọc cũng là một trí tuệ uyên bác khác, với vốn ngoại ngữ phong phú, Phan Ngọc từng nghiên cứu và dịch thuật nhiều tài liệu và tác phẩm quan trọng, tham gia giảng dạy đại học. Chuyện Phạm Đức Dương làm mọi cách để đưa Phan Ngọc từ Đại học Tổng hợp về Viện Đông Nam Á đến giờ vẫn được coi như là một “cuộc giải cứu”. Phan Ngọc công tác tại Khoa Ngôn ngữ và được giao hai việc là dịch thuật và hướng dẫn cho các cán bộ trẻ để họ lên lớp giảng lại cho sinh viên. Sau hơn hai mươi năm làm dịch thuật, dù đời sống không khó khăn nhưng ngược lại, những công trình nghiên cứu khoa học của Phan Ngọc lại vô cùng hạn chế do không được xuất bản. Ông cố gắng xin chuyển cơ quan nhưng Đại học Tổng hợp không đồng ý. Phải đến năm 1980, khi hai người học trò của Phan Ngọc lên làm quản lý Khoa Ngôn ngữ, đồng thời Ủy ban Khoa học Xã hội thời điểm đó hoàn toàn ủng hộ, việc Phan Ngọc chuyển về Viện Đông Nam Á mới được thực hiện. Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Phan Ngọc càng được vươn cao khi Phạm Đức Dương đã tạo mọi điều kiện để ông tập trung làm việc tại Viện Đông Nam Á. Năm 2009, khi Phạm Đức Dương đến thăm Phan Ngọc tại nhà riêng ở Mỹ Đình, Phan Ngọc đã ôm lấy ông và nói rằng: “Có Phan Ngọc ngày hôm nay là nhờ có Phạm Đức Dương, ông là ân nhân của đời tôi”[9].

Chăm lo đời sống kinh tế của các cán bộ trong viện

Viện trưởng Phạm Đức Dương luôn quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ trong viện cải thiện đời sống kinh tế trong gia đình. Với chuyên gia làm cộng tác viên như Từ Chi, Viện không có quỹ chi trả lương nên trong các chuyến công tác Phạm Đức Dương cố gắng để Từ Chi có một khoản công tác phí. Cùng mọi người đóng góp, chia sẻ để Từ Chi có kinh phí cho sinh hoạt thường ngày.

PTS Phạm Đức Dương trình bày báo cáo trong một Hội thảo về Đông Nam Á học, khoảng đầu những năm 1980

Với các cán bộ trong viện, lương thời bao cấp rất thấp và phải 5 năm mới được xét tăng lương một lần. Nên khi về Viện Đông Nam Á, Cao Xuân Phổ dù là một nhà nghiên cứu kỳ cựu nhưng vẫn chỉ được hưởng lương cán sự 3 (tương đương sinh viên mới tốt nghiệp). Phạm Đức Dương đã trao đổi với lớp cán bộ trẻ trong Viện cố gắng chịu “thiệt” để “nhường” cho các cán bộ lớn tuổi hơn được tăng lương trước. Sự linh hoạt có lý, có tình đã đưa mức lương của Cao Xuân Phổ từ cán sự 3 lên lương chuyên viên và khi nghỉ hưu là chuyên viên bậc 5. Một giải pháp được Phạm Đức Dương vận dụng là luân phiên bổ nhiệm cán bộ làm trưởng phòng và phó phòng để giải quyết vấn đề lương giúp “quân” của ông có được một cuộc sống khá hơn trong điều kiện khó khăn lúc đó. Sau này, khi nhìn lại ông tâm sự: “Bổ nhiệm cán bộ cần nhìn vào chuyên môn, trình độ của họ để sử dụng hợp lý. Nhưng trong điều kiện lúc bấy giờ khó khăn quá, mọi người “đói” quá thì không thể sống được chứ nói gì làm nghiên cứu khoa học vậy nên để giải quyết cuộc sống trước cho anh em, mình đã phải làm như vậy”.

Viện trưởng không nên nhận đặc quyền đặc lợi

Phạm Đức Dương xem việc đảm bảo quyền lợi cho người nghiên cứu khoa học là trách nhiệm của người quản lý khoa học. Vì thế, trong cuộc đời làm quản lý, ông không cho phép mình nhận những đặc quyền, đặc lợi của anh em cán bộ.

Hơn hai mươi năm làm Trưởng ban, rồi Viện trưởng, Phạm Đức Dương tự đặt ra nguyên tắc là không đăng ký vào danh sách chiến sĩ thi đua của Viện và không đăng ký vào danh sách 5% cán bộ được tăng lương. Bởi vì ông quan niệm chiến sĩ thi đua của một viện nghiên cứu khoa học phải là những người làm công tác nghiên cứu khoa học, danh hiệu này lại do chính các cán bộ trong viện bầu ra. Nếu viện trưởng đăng ký thì mọi người thế nào cũng sẽ bỏ phiếu bầu cho lãnh đạo, như vậy thì chính người quản lý đã vô tình “giành” mất một xuất đáng ra của nhà nghiên cứu. Còn việc tăng lương, ông cố gắng dành cho cán bộ chuyên môn tối đa những gì họ được hưởng. Không phải ông không cần lương, mà như ông đã từng nói với một vị lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội: “Các anh là người phải xem xét lương của các viện trưởng như chúng tôi vì chúng tôi là quân do các anh quản lý. Còn chúng tôi lại có trách nhiệm lo cho các nhà nghiên cứu mà chúng tôi quản lý. Nếu tôi cũng đăng ký vào 5% cán bộ tăng lương của viện thì còn gì phần của anh em”.

Ngoài chuyện lương bổng, cán bộ quản lý khoa học cũng có những ưu tiên trong việc xuất bản các công trình nghiên cứu trong thời bao cấp. Khi tiêu chuẩn xuất bản phân bổ về các viện nếu lãnh đạo viện đăng ký thì những sản phẩm của những người khác sẽ ít có cơ hội được xuất bản. Tuy nhiên, với Phạm Đức Dương, tiêu chuẩn xuất bản in ấn của Viện Đông Nam Á được ông phân chia rất rõ ràng: ông không đăng ký vào tiêu chuẩn của viện, mà ưu tiên số một dành cho các công trình nghiên cứu mà ông xem thấy có giá trị khoa học thật sự của các nhà nghiên cứu hàng đầu. Vậy nên các công trình nghiên cứu của Phan Ngọc, Từ Chi đều được xuất bản ở Viện Đông Nam Á. Với ông, Viện Đông Nam Á được đứng ra in những tác phẩm này là một vinh dự vì chính các công trình này làm rạng danh thêm cho Viện. Sự ưu tiên còn lại được ông dành cho các nhà nghiên cứu trẻ, những người sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, ông động viên chỉnh sửa lại nội dung trong thời gian sớm nhất, để được đưa vào kế hoạch in thành sách.

Trong suốt những năm làm Viện trưởng, Phạm Đức Dương luôn xuyên suốt quan điểm phải làm tốt nhiệm vụ của mình trên cơ sở trân trọng các nhà khoa học đầu ngành, quan tâm đến đời sống kinh tế của cán bộ và không nhận đặc quyền về cho bản thân, vậy nên ông được các thế hệ đồng nghiệp yêu mến. Theo GS.TS Tô Duy Hợp: “GS Phạm Đức Dương là một trong số rất ít người làm viện trưởng mà cả khi đương chức đến khi nghỉ hưu đều được nhiều người trí thức yêu mến và kính trọng”[10]. Còn GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – một đồng nghiệp – đã gọi Phạm Đức Dương là “con người của hành động”[11]. Phạm Đức Dương hành động không chỉ với một trí tuệ uyên bác mà còn bằng cả trái tim đầm ấm tình thương luôn sẵn lòng chia sẻ với mọi người.

Khi nhân loại đang tiến vào nền kinh tế tri thức, việc sử dụng trí thức trở thành yếu tố quyết định cho sự phát triển của quốc gia và việc quản lý khoa học đang là một bài toán khó đối với nước ta hiện nay. Vì thế, những bài học về quản lý của GS Phạm Đức Dương từ những tháng ngày làm Viện trưởng sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ. Hy vọng rằng cùng với sự thay đổi về nhận thức theo xu hướng phát triển của nhân loại, cùng sự trở mình của đất nước, những di sản trí tuệ của các nhà khoa học sẽ được vận dụng và phát huy.

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Vũ Đảm: Văn hóa dùng người tài (phỏng vấn GS Phạm Đức Dương). Vanhoanghean.vn

[2] Phỏng vấn GS Phạm Đức Dương ngày 08-6-2013. Tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Như trên

[4] Như trên

[5] Như trên

[6] Như trên

[7] Trao đổi với PGS.TS Ngô Văn Doanh tại lễ tang GS Phạm Đức Dương ngày 11-12-2013. Tài liệu ghi chép của tác giả.

[8] Phỏng vấn GS Phạm Đức Dương ngày 08-6-2013. Tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Ghi chép của tác giả trong cuộc gặp với GS Phạm Đức Dương và học giả Phan Ngọc năm 2009.

[10] Trao đổi với GS.TS Tô Duy Hợp nhân 49 ngày mất của GS Phạm Đức Dương, ngày 24-1-2014. Tài liệu ghi chép của tác giả.

[11] Xem “Phạm Đức Dương-một nhân cách lớn”. http://www.vanhoahoc.vn/tin-tuc/tin-lien-quan/2520-gs-pham-duc-duong-mot-nhan-cach-lon.html.