Miệt mài học tập nơi xứ người

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc chuyên ngành Hóa lý, trường Đại học tổng hợp quốc gia Kisinhốp, CH Mônđavia, Nguyễn Văn Xuyến về công tác tại Khoa Công nghệ hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 1976 trong đợt tuyển đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô, ngành Hóa lý chỉ có ba chỉ tiêu. Nguyễn Văn Xuyến được Khoa Hóa trường Đại học Bách khoa cử tham gia thi tuyển để sau này về phục vụ cho công tác giảng dạy của trường. Đáp lại sự tin tưởng của khoa và trường, với sự nỗ lực tự học không ngừng của bản thân, Nguyễn Văn Xuyến đã hoàn thành xuất sắc kỳ thi nghiên cứu sinh và là người đạt được số điểm cao nhất trong đợt thi tuyển.

Năm 1977, Nguyễn Văn Xuyến sang Liên Xô học tập tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp với đề tài nghiên cứu “Tính chất Peroxydaza của các hợp chất phức của Fe (II)”. Đây là lĩnh vực mới hoàn toàn với ông, nhưng thật may mắn, thầy hướng dẫn chính GS Xưchốp Chủ nhiệm Bộ môn Hóa lý của trường – một nhà khoa học có kiến thức rộng và uy tín trên thế giới. Niềm vui nhân đôi khi Nguyễn Văn Xuyến có dịp gặp lại Icac – người bạn từng ở cùng phòng thời học đại học, giờ đã là Phó Giáo sư và Chủ nhiệm Khoa hóa của trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp, đồng thời là thầy giáo hướng dẫn thứ 2 của ông. Nguyễn Văn Xuyến nhận thức sâu sắc rằng, làm nghiên cứu sinh là một quá trình tự học, thầy hướng dẫn là người định hướng và góp ý để nghiên cứu sinh phải tự tìm đọc nhiều tài liệu và làm các thí nghiệm để bổ sung vào đề tài của mình.

Trong quá trình làm luận án, bản thân Nguyễn Văn Xuyến tự tìm phương pháp học tập và bố trí sắp xếp thời gian hợp lý. Ông chia sẻ: “Có những thí nghiệm phức tạp phải làm đi làm lại, có khi mấy tháng mới ra được kết quả. Cũng có những thí nghiệm phải hoàn thành ngay trong một ngày, bởi nếu để sang đến ngày hôm sau, chỉ cần thay đổi một chút điều kiện thì kết quả đã hoàn toàn khác.[1] GS Xưchốp chỉ có thể dành cho học trò của mình khoảng thời gian ngắn để giải đáp những trình bày, những khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, vì thế, với tinh thần tự lập, Nguyễn Văn Xuyến đã thực hiện các thí nghiệm một cách nghiêm túc, kiên trì do vậy GS Xư chốp rất yên tâm về ông.

 

NCS Nguyễn Văn Xuyến tại Phòng thí nghiệm Hóa lý trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp, năm 1977 

Ngoài phòng thí nghiệm của Khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp, Nguyễn Văn Xuyến còn tìm đến phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm khoa học Mônđavia làm các thí nghiệm, ở đó trang thiết bị đầy đủ và tiện nghi hơn giúp cho việc thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu của ông hiệu quả hơn. Ông nhớ lại: “Cứ 5h sáng tôi đã rời ký túc xá, mang theo ba lô, trong balô đựng các mẫu dung dịch và chai lọ, đi đến nơi cũng vừa lúc phòng thí nghiệm mở cửa, làm việc và ở đó làm thí nghiệm cho đến khuya mới về…”[2]

Cùng với công việc làm thí nghiệm ông thường xuyên đi thư viện của nhà trường, thư viện của Viện Hàn lâm để đọc tài liệu. Nhưng sách ở Mônđavia cũng hạn chế nên ông phải tập hợp đầy đủ danh mục các tài liệu cần tham khảo rồi xin phép các thầy lên Thư viện Lênin để đọc tham khảo. Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinhốp có giấy giới thiệu ông đến Thư viện Lênin làm thủ tục. Ngay ngày hôm sau ngiên cứu sinh Nguyễn Văn Xuyến đã được cấp Thẻ đọc tại  thư viện, với thời hạn từ 1-8-1979 đến 27-8-1979.

 

Nguyễn Văn Xuyến  trên Quảng trường Đỏ, Mátxcơva,năm 1979

Được đến thư viện này là niềm ao ước của các nghiên cứu sinh vì đây là một trong những thư viện lớn nhất Liên Xô. Nguồn tài liệu ở đây hết sức phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt có đầy đủ các loại sách tra cứu, thư mục, các sách, báo nghiên cứu… rất thuận lợi cho quá trình làm luận án. Trong 4 năm làm nghiên cứu sinh đây là lần đầu tiên ông được đến đây tìm hiểu, tra cứu tài liệu. Đây là cơ hội duy nhất để tiếp xúc với nhiều tài liệu quý mà ở Mônđavia và các thư viện khác không có nên Nguyễn Văn Xuyến đã tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng các danh mục tài liệu cần đọc, tra cứu để không mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm. Ông chia sẻ “…trong khoảng thời gian đọc sách ở Thư viện Lênin, tôi được một người bạn học tại trường Đại học Lômônôxốp cho ở nhờ…”[3]. Trở về Mônđavia và tiếp tục kế hoạch làm luận án của mình và như Nguyễn Văn Xuyến tâm sự: “thời gian đi thư viện ở Mátxcơva rất có ích với tôi, vì đã đọc được những tài liệu mà ở Mônđavia không có”[4].

Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, ngày 14-2-1981, Nguyễn Văn Xuyến bảo vệ luận án một cách xuất sắc và được Hội đồng chấm luận án của Khoa Hóa trường Kishinhốp đánh giá cao, có nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam và nước ngoài tham dự buổi bảo vệ diễn. Khi về Việt Nam luận án của ông được áp dụng vào thực tiễn trong việc chế biến các sản phẩm dầu khí trong công nghiệp. Luận án Phó Tiến sĩ của ông cũng chính là tiền đề để sau này ông tiếp tục làm luận án Tiến sĩ về đề tài “Xúc tác đồng thể bằng phức chất các kim loại chuyển tiếp”, và bảo vệ thành công vào năm 1994.

Để có được những thành công như bây giờ, ngoài sự cố gắng không ngừng của bản thân, ông còn ảnh hưởng lớn từ hai người thầy của mình, đó là GS Xưchốp và ông Icac. Câu nói “Hãy đứng trên vai của thầy mà phóng đi” mà thầy Xưchốp đã nói với ông trong những ngày đầu sang học tập nghiên cứu được ông ghi nhớ suốt cuộc đời. Đó là ‘kim chỉ nam” soi đường chỉ lối giúp ông thành công trên con đường nghiên cứu khoa học.

 

Lê Thị Trinh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

 

 


[1] Báo cáo phỏng vấn GS Nguyễn Văn Xuyến, ngày 6-8-2013.

[2] Như trên

[3] Báo cáo phỏng vấn GS Nguyễn Văn Xuyến, ngày 21-8-2013.

[4] Bản ghi chép hiện vật, ngày 6-9-2013.