Máy điện châm đầu tiên của Viện Châm cứu

Thời kỳ bác sĩ Nguyễn Tài Thu học tập (năm 1953-1958), ở Trung Quốc vẫn chưa sử dụng máy điện châm trong điều trị. Nhưng từ những năm 1960 thì kỹ thuật này đã phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1971, Trung Quốc đã công bố thực hiện được khoảng 1 triệu ca điện châm chữa bệnh. Cũng thời gian đó, bác sĩ Nguyễn Tài Thu, ông Đặng Văn Cáp (Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam) cùng đoàn cán bộ, bác sĩ Việt Nam được cử sang Trung Quốc thăm quan học tập 3 tháng. Trong thời gian ở Bắc Kinh, ông đã được quan sát những kỹ thuật chuyên môn mà trước đó vẫn ao ước được biết tới như: Chôn chỉ qua huyệt để chữa bệnh; thủ thuật châm sâu để chữa câm điếc; thủy châm với chất chiết xuất từ trung dược (đương quy, hồng hoa). Lúc đó, ông nung nấu quyết tâm về nước làm bằng được những kỹ thuật này để chữa cho bệnh nhân.

Cũng trong chuyến đi này, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đặc biệt để ý những chiếc máy điện châm được đồng nghiệp Trung Quốc sử dụng rất tiện lợi, an toàn cho bệnh nhân, thậm chí có thể dùng máy điện châm gây tê để mổ được. Ông bày tỏ với ông Lý Tiên Niệm (khi đó là Phó Thủ tướng của Trung Quốc) muốn xin một chiếc máy điện châm này nhưng bị từ chối, vì lúc đó những kỹ thuật như vậy được coi là bí mật quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên dựa vào ông Đặng Văn Cáp – người có mối quan hệ khá thân mật với Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm, nên ông đã xin được bản vẽ sơ đồ chiếc máy điện châm. Tiễn đoàn Việt Nam lên máy bay, ông Lý Tiên Niệm đã tặng mỗi cán bộ một bức tranh, bác sĩ Nguyễn Tài Thu cũng được một bức tranh, bên trong đó có kèm theo bản vẽ sơ đồ chiếc máy điện châm.

Về nước, việc đầu tiên bác sĩ Nguyễn Tài Thu làm là mang bản vẽ chiếc máy điện châm của Trung Quốc tới xưởng Y cụ của Cục Quân y để nhờ thiết kế. Kỹ sư có tên là Từ là người đã chế tạo ra chiếc máy điện châm dựa trên bản vẽ và gợi ý của ông. Chiếc máy được chế tạo có kích thước khá to (gấp đôi so với kích thước của chiếc máy bây giờ). Mặc dù không thật tiện lợi nhưng sử dụng nó rất có hiệu quả. Dần dần, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã suy nghĩ cải tiến cho phù hợp và tiện lợi hơn.

Máy điện châm được thiết kế và sử dụng từ năm 1983

Năm 1982, Viện Châm cứu được thành lập sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi của bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Theo thiết kế máy điện châm được sử dụng ở Trung Quốc từ năm 1971, bác sĩ Nguyễn Tài Thu và các cộng sự trong Viện châm cứu trung ương đã cải tiến thành chiếc máy điện châm phiên bản I, được dùng từ những ngày đầu Viện mới thành lập. Đến nay, máy điện châm đã ra phiên bản số VIII, có kích thước và kỹ thuật khác nhiều so với phiên bản I. Máy được dùng trong các chỉ định: điện châm chữa liệt, phục hồi chức năng, châm tê để mổ, châm tê hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy (từ những năm 1990 trở đi),…GS Nguyễn Tài Thu cho biết :Điện châm tốt hơn so với châm tay ở những điểm sau: độ rung của kim đều hơn, vê kim ổn định hơn nên bệnh nhân đỡ đau, có thể điều chỉnh cường độ dòng điện vào cơ thể theo ý muốn của bác sĩ chuyên môn.

Máy điện châm phiên bản I được đưa vào sử dụng tại Viện Châm cứu năm 1983 có kích thước 17×11,9×6,5cm, hình chữ nhật, một bên mỏng, một bên dày, bao gồm 8 chiếc kìm nhỏ dùng để kẹp kim châm, các nút điều khiển cường độ dòng điện, tần số … Chiếc máy này là một trong những hoạt động tìm tòi nghiên cứu phục vụ bệnh nhân của GS, bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Đồng thời, nó cũng là một trong những hiện vật đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, với tiền thân là Viện châm cứu Trung ương.

 

Nguyễn Thanh Hóa