GS Đặng Hữu – người đồng hành cùng dân tộc và thời đại

Đồng hành cùng dân tộc? 

Quả vậy! Ông sinh năm 1932 tại xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, mới 13 tuổi, cậu bé Hữu đã lao ngay vào những buổi sinh hoạt vui tươi náo nức của Đội Thiếu niên và Nhi đồng cứu quốc. 

Vừa tròn 18 tuổi, anh học sinh trung học chuyên khoa Đặng Hữu sớm đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, và được tin cẩn chọn về làm việc tại cơ quan Tỉnh uỷ Bình Định.

Cuối năm 1952, chàng trai Bình Định 20 tuổi ấy, lòng đầy mơ ước, cuốc bộ một mạch 5 tháng liền, dọc theo những lối mòn len lỏi giữa rừng già trên dãy Trường Sơn cheo leo vách đá, vượt qua bao “núi xanh và thác bạc” từ vùng đồng bằng Liên khu 5 ra tận huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang, dự lớp chỉnh huấn ở chính nơi hai năm trước đã họp Đại hội II của Đảng. Vật dụng không thể thiếu trong cuộc hành trình xuyên Việt nghìn dặm trèo đèo lội suối đó là đôi dép cao-su cắt từ lốp ô-tô cũ.

  Anh thanh niên Đặng Hữu 20 tuổi (trái)

trên con đường nghìn dặm ra Chiến khu Việt Bắc

 

Sau đó, anh lên đường sang Trung Quốc, theo học Học viện Đường sắt ở thành phố Đường Sơn.

Năm 1958, anh trở về nước giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1963, một lần nữa anh ra nước ngoài, và lần này là sang  “xứ sở bạch dương”, quê hương của Pushkin và Lenin, viết Luận án tiến sĩ tại trường Đại học Quốc gia Giao thông – Vận tải Moskva, một trong những đại học danh tiếng nhất siêu cường Liên bang Xô-viết thanh bình và hùng mạnh một thời. Luận án tiến sĩ chuyên ngành xuất sắc của anh được Hội đồng chấm luận án của trường đánh giá đạt trình độ tiến sĩ khoa học.

                                                                     Nghiên cứu sinh Đặng Hữu ở Moskva

                                          Nhà khoa học Đặng Hữu được  trao bằng Tiến sĩ khoa học danh dự của

                                                      trường Đại học Quốc gia Giao thông – Vận tải Moskva

                                                      GS Đặng Hữu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị  trường Đại học Quốc tế Bắc Hà

Trở lại Việt Nam, giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong những năm máy bay và tàu chiến Mỹ ném bom và nã pháo dữ dội miền Bắc Việt Nam, ông không ngần ngại dấn thân vào sự nghiệp chung của cả dân tộc: chống Mỹ, cứu nước. Nhiều lần ông có mặt trên “Đường mòn Hồ Chí Minh” bị máy bay Mỹ bắn phá suốt ngày đêm và rải chất da độc cam “diệt cỏ”, để khảo sát, quy hoạch và thiết kế tuyến Đông Trường Sơn, có thể cho xe tải, xe com-măng-ca chạy vào đầu mùa mưa, khi mà ở tuyến Tây Trường Sơn thác dữ bắt đầu cuồn cuộn cuốn trôi xe.

Là chuyên gia đầu ngành về đường ô-tô, không ngại hiểm nguy, ông lặn lội vào tận Liên khu 5 và Tây Nguyên, làm việc với những vị tướng  lừng danh thao lược như Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo, hay với vị Bí thư Liên khu uỷ nức tiếng táo bạo Võ Chí Công, khi mà chiến trường còn ở thế “cài răng lược” giữa ta và địch, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Ngay trong đạn lửa chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã biết nhìn xa, sớm lo toan cho việc hoạch định mạng lưới đường sá ở miền Nam sau giải phóng.

Rõ ràng Đặng Hữu là người, ngay từ thời trẻ, đã dũng cảm đồng hành cùng dân tộc qua bao năm dài đấu tranh vì độc lập, tự do, đầy gian nan nguy hiểm “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”…

Thế còn đồng hành cùng thời đại?

Không phải tất cả những ai đã từng đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau ngày hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, cũng đều còn “hơi sức” để có thể đồng hành cùng thời đại.

Nhưng Đặng Hữu là một người như thế, cho đến hôm nay, khi ông đã tám mươi. Đâu là nét đặc sắc của thời đại mới đang mở ra trước mắt chúng ta? Đó là thời đại của xã hội tin học hoá, của nền kinh tế tri thức, kinh tế thông tin, kinh tế Internet. Trên mũi nhọn “mới toanh” của khoa học và công nghệ tiên tiến ấy, ông là một trong số rất ít người đi tiên phong “khai sơn phá thạch”, mở đường cho việc kết nối Internet ở Việt Nam.

 

                                              GS Đặng Hữu, chuyên gia đầu ngành cầu – đường, kiểm tra hầm Hải Vân

 

                                                                             GS Đặng Hữu kiểm tra Đường Hồ Chí Minh

Những năm 1963-1966, khi đang học ở Moskva, nghiên cứu sinh Đặng Hữu vẫn thường lên phòng máy tính của trường, làm quen với những cỗ máy tính điện tử to bằng cả gian phòng. Điện tử và tin học lôi cuốn ông ngay từ dạo ấy, mặc dù chuyên ngành mà ông sở trường là đường ô-tô.

Những năm 1970, làm việc tại  trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ông thi thoảng viết chương trình, làm thuật toán để chạy trên máy tính Minsk-22 đặt kín một căn phòng trong tầng hầm toà nhà số 39 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. 

Cơ sở chính của trường Đại học Quốc tế Bắc Hà 

Rồi những năm 1982-1983, khi máy tính cá nhân bắt đầu xuất hiện, cũng là lúc ông được cử làm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Rất thích thú sử dụng PC (personal computer), ông khuyến khích các bạn trẻ nên mạnh dạn bước ngay vào công nghệ thông tin, kẻo bỏ lỡ mất thời cơ.

Những năm 1992-1993, Internet bùng nổ trên thế giới. Ở nước ta, một số cán bộ tin học như Trần Bá Thái, Vũ Hoàng Liên… bắt đầu tìm cách truy cập qua những cổng điện tử ở Australia, ở Mỹ. GS Đặng Hữu cũng có ngay một mật khẩu để vào Internet qua điện thoại đường dài kết nối với Hong Kong, nhưng chỉ dùng những khi công việc chung đòi hỏi phải gấp gáp, vì quá tốn kém.

Ông cũng là người giúp Chính phủ ta soạn thảo và ban hành Chỉ thị 49-CP ngày 4-8-1993 về Công nghệ thông tin, sau đó, chủ trì việc xây dựng Chương trình Quốc gia về Công nghệ thông tin đến năm 2000, rồi làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình ấy. Cùng với các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo như GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Đình Ngọc, TS Chu Hảo, TS Mai Liêm Trực, v.v., ông đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt của Công nghệ thông tin và Truyền thông ở nước ta trong hai thập niên vừa qua.

Là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng, GS Đặng Hữu tham mưu cho Bộ  Chính trị về công nghệ thông tin. Năm 1997, Bộ Chính trị có kết luận cho phép nước ta kết nối Internet với thế giới.

Năm 2003, ông được Tổ chức Công nghiệp tính toán châu Á – châu Đại  dương (Asian – Oceanian Computing Industry Organization/ ASOCIO) tặng Giải thưởng OSOCIO, giải thưởng dành tặng những người đóng góp nhiều nhất cho công nghệ thông tin. GS Đặng Hữu là người Việt Nam đầu tiên được tặng giải thưởng ấy.

Nay đã ở tuổi tám mươi, ông vẫn đồng hành cùng thời đại, nhận làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, một trong số 10 trường điểm được kỳ vọng đạt chất lượng cao nhất nước ta. Trường đào tạo sinh viên cho các chuyên ngành hiện đại đang có nhu cầu lớn về nhân lực như: kế toán, tài chính – ngân hàng, quản trị – kinh doanh, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử – truyền thông, v.v..

Cuộc đời dài, phong phú của một nhân vật tiêu biểu như GS Đặng Hữu bao trùm nhiều thập niên của thế kỷ 20 nối dài sang cả thế kỷ 21, chỉ có thể được kể lại đầy đủ, tỉ mỉ và xúc động trong một cuốn hồi ký dài, do chính ông tự viết. Tuy nhiên, do ông quá bận rộn, lại là nhà khoa học tự nhiên không quen thể hiện mình bằng văn chương từ phú, vậy nên cho đến nay, cuốn sách ấy vẫn chưa được ông viết ra! Trong khi chờ đợi cuốn hồi ký kia một ngày nào đó đến tay bạn đọc, chúng tôi viết vội một bài báo ngắn với hy vọng sao cho hình ảnh ông không bị xã hội lãng quên…

 

Hàm Châu và Cẩm Ngọc

Nguồn: dvt.vn/20110929043225731p0c126/gs-dang-huunguoi-dong-hanh-cung-dan-toc-va-thoi-dai.htm