Về hưu từ năm 2007 nhưng GS.TS.NGND Nguyễn Trọng Uyển luôn bận rộn với những buổi lên lớp cho sinh viên, học viên; hướng dẫn nghiên cứu sinh; nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học… Do đó, dù đã liên hệ với ông từ tháng 9-2011 nhưng đến tháng 2-2012, chúng tôi mới có dịp được gặp ông. Đặc biệt, đây là cuộc gặp gỡ, sưu tầm mở đầu cho năm mới Nhâm Thìn trong kế hoạch nghiên cứu các nhà khoa học của Trung tâm.
GS.TS.NGND Nguyễn Trọng Uyển nhiệt tình tiếp chúng tôi và giới thiệu những bức ảnh quý của ông. Đó là những bức ảnh gia đình từ năm 1939 khi ông chưa sinh ra; ảnh chân dung người cha vốn là thầy đồ Nho – người đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và nghề nghiệp của ông; ảnh từ thời học cấp 2 ông chụp cùng bạn tại nơi sơ tán Hải Phòng.
GS.TS.NGND Nguyễn Trọng Uyển (trái) giới thiệu các ảnh
hoạt động khoa học của ông với nghiên cứu viên Trung tâm, ngày 7-2-2012
Bên cạnh các ảnh gia đình, ông giới thiệu các bức ảnh ghi dấu quá trình học tập và công tác của mình: ảnh học nghiên cứu sinh tại Kiép (Liên Xô) những năm 1960; ảnh khi ông làm thực tập sinh tại Hà Lan; ảnh công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên; các chuyến đi nước ngoài hợp tác đào tạo và báo cáo khoa học… Đặc biệt, ông kể về câu chuyện liên quan đến những tấm ảnh thời thực tập sinh. Khoảng năm 1981, Nguyễn Trọng Uyển đi thực tập sinh khoảng 6-7 tháng ở Amsterdam (Hà Lan) theo Chương trình VH2. Những bức ảnh chụp lại kỉ niệm ông trong phòng thí nghiệm tự phục vụ. Ông kể: “Vì là cán bộ đã công tác nên thực tập sinh được thầy giao đề tài, còn thí nghiệm thì tự mình tiến hành, tự chọn hóa chất: tôi phải đọc danh bạ, tra máy tính để biết các loại hóa chất để ngăn nào, tự chọn…”. GS.TS.NGND Nguyễn Trọng Uyển còn kể ấn tượng vui về Hà Lan: đó là đất nước thấp hơn mặt biển, đê bằng xi măng cốt sắt để hút nước chứ không phải đê đất như ở Việt Nam. Khi kết thúc thực tập về nước, ông được các bạn tặng một đôi giày gỗ nhẹ có dây buộc (do luôn bị ngập lụt nên dân Hà Lan thường đi giày gỗ nhẹ). Ông đeo giày vắt lên cổ, khi đến sân bay Berlin (Đức) nhiều người ngỡ ngàng nhìn ông như “một người kì lạ”.
Nguyễn Trọng Uyển làm thí nghiệm trong thời gian
thực tập sinh tại Hà Lan, khoảng 1981-1982
Ngoài ra, Giáo sư còn có 2 tập album là những hình ảnh bày tỏ tình cảm tri ân của các đồng nghiệp, học trò của Khoa Hóa học nói riêng và của trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói chung khi ông nghỉ hưu.
Tất cả những ảnh tư liệu kể trên khoảng gần 300 ảnh, GS.TS.NGND Nguyễn Trọng Uyển tin tưởng giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học scan lại để lưu giữ. Đây chắc chắn sẽ là nguồn cho những câu chuyện tiếp theo của chúng tôi về GS Nguyễn Trọng Uyển.
Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam