Với kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực điều khiển động cơ và ô tô cùng một tinh thần cống hiến, học hỏi không ngừng, Nhà giáo ưu tú quê ở xã An Chấn, huyện Tuy An này đã khẳng định được năng lực của bản thân và vị thế trong xã hội.
Vươn lên bằng sự học
Từ nhỏ, cậu bé Dũng đã tạo lập cho mình một ý chí và quyết tâm trong học tập. Gia cảnh khó khăn, để có tiền trang trải sinh hoạt phí trong những năm xa nhà theo học trường chuyên của tỉnh, tranh thủ lúc vào hè, Dũng lên núi kiếm củi để bán. Năm 1979, niềm vui đến với Dũng khi anh xuất sắc thi đậu thủ khoa Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng với số điểm tuyệt đối; đồng thời, nhận giấy gọi du học ở Nga. Trong 5 năm học chuyên ngành Cơ điện tử ô tô ở Trường đại học Cơ khí ô tô Moskva, Dũng luôn vượt trội hơn nhiều sinh viên khác. Anh 6 lần đại diện trường đoạt giải nhất trong các cuộc thi Olympic toàn liên bang. Nhờ vậy, Dũng là sinh viên nước ngoài duy nhất có mặt trên bảng danh dự treo trước cổng trường. Anh cũng là một trong số ít sinh viên có tất cả các môn học trong bảng điểm đều đạt điểm ưu. Nhờ vậy, điểm trung bình tốt nghiệp của anh đạt mười phẩy tròn trĩnh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng tư vấn cho học sinh lớp 12 của Phú Yên trước kỳ thi tuyển sinh đại học – Ảnh: K.Hà
Không những học giỏi, Dũng còn tích cực tham gia nghiên cứu khoc học từ năm thứ 2 và được Thành đoàn Thanh niên cộng sản Moscow trao bằng khen. Với thành tích xuất sắc này, sau khi kết thúc 5 năm học, Dũng được đặc cách chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nhưng sau đó, vì một số trục trặc ngoài ý muốn trong khâu làm thủ tục nên Dũng không thể thuận lợi chuyển tiếp nghiên cứu sinh.
Năm 1986, từ Phú Yên, Dũng khăn gói vào TP Hồ Chí Minh xin dạy tại Trường đại học Bách Khoa. Sau đó, thầy Dũng chuyển sang giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Năm 1995, thầy lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật chuyên ngành Cơ khí động lực tại Học viện quốc gia về ô tô máy kéo TP Moskva. Vì muốn có cơ hội học thêm tiếng Anh, nên thầy tiếp tục dự tuyển học bổng chuyên ngành thạc sĩ Quản lý giáo dục của chính phủ Úc. Năm 2000, thầy lấy bằng thạc sĩ của Trường đại học Sydney. Ngôi trường hàng đầu nước Úc đã đề nghị thầy ở lại học tiếp bằng tiến sĩ thứ hai về Quản lý Giáo dục, nhưng thầy từ chối và quay về Việt Nam, đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Cơ khí Động lực của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Năm 2002, thầy nhận chức danh phó giáo sư. Bốn năm sau, thầy vinh dự nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú. Với chuyên môn vững vàng, năm 2008, thầy được đề bạt làm Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2013-2018. Trong đề án công tác của mình, thầy Dũng đặt mục tiêu đến năm 2018 đưa nhà trường trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín ngang tầm với các trường đại học lớn trong nước, tiếp cận, hòa nhập với các trường trong khu vực và thế giới; là một trong 10 trường đứng đầu Việt Nam và nằm trong top trường đứng đầu khu vực Đông Nam Á theo các chỉ số đánh giá. Thầy Dũng bộc bạch: “Dù ở cương vị nào, tôi cũng xem việc học là quan trọng nhất. Vì thế, trong quá trình dạy học, tôi luôn muốn khơi dậy trong học trò ý chí vươn lên, khát khao làm chủ tri thức để làm giàu bản thân và cống hiến cho xã hội”.
Bảng vàng nghiên cứu khoa học
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Với kinh nghiệm quản lý đã được tích lũy, trên cương vị mới, Bộ GD-ĐT tin tưởng Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng sẽ có những sáng tạo trong điều hành, quản lý; không ngừng rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức để đưa Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tiếp tục vững bước trên con đường nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trong cuộc đời mình, thầy Dũng dành khá nhiều thời gian và công sức cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Hơn 30 năm làm công tác giảng dạy và quản lý, thầy có 21 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và 17 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ngoài ra, thầy còn có 13 bài báo cáo khoa học được dùng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Từ năm 1998 đến 2013, thầy chủ trì 12 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp; hướng dẫn sáu nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ. Thầy từng xuất sắc đoạt giải khuyến khích VIFOTEC vào năm 2008 và giải nhì sáng tạo kỹ thuật của Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào năm 2009.
Bênh cạnh đó, để sinh viên ngành Công nghệ ô tô trong cả nước có tài liệu học tập, thầy còn đầu tư biên soạn 14 sách chuyên khảo và sách giáo trình, trong đó, có chín cuốn sách do một mình thầy đảm nhiệm. Thầy còn bỏ ra ba năm miệt mài viết cuốn từ điển Anh – Việt chuyên ngành Công nghệ ô tô. Mặc dù bận rộn với công tác quản lý nhưng trong năm 2014, thầy vẫn hoàn thành hai cuốn sách “Nhập môn công nghệ ô tô” và “Sổ tay tra cứu các hệ thống phun xăng, phun dầu điện tử lưu hành ở Việt Nam”. Thầy vừa là đồng nghiệp, vừa là người thầy dẫn dắt hầu hết các giảng viên trẻ ngành Công nghệ ô tô của khoa Cơ khí Động lực Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Với bề dày kiến thức và kinh nghiệm, thầy hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô TP Hồ Chí Minh và là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực điều khiển động cơ và ô tô. Không những vững về lý thuyết, thầy là một chuyên gia có tay nghề, chuyên giải quyết các ca khó, luôn được các đồng nghiệp trong ngành nể phục. Ngày nào, thầy cũng nhận hàng chục cuộc gọi và tin nhắn tư vấn về các lĩnh vực liên quan đến điện tử ô tô. Anh Lê Việt Hùng, một nghiên cứu sinh từng được thầy Dũng hướng dẫn làm luận án tiến sĩ, nhận xét: “Không chỉ vững về lý thuyết, có tay nghề cao trong thực hành, thầy còn là một giảng viên, cán bộ quản lý tận tâm, nhiệt tình. Với việc sáng tạo ra hàng chục loại mô hình giảng dạy, tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và cập nhật công nghệ mới cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cán bộ kỹ thuật ngành ô tô, thầy đã góp phần tạo ra một nguồn nhân lực mạnh, giúp ngành này phát triển”.
“Nặng lòng” với thế hệ trẻ và quê nhà
Là cán bộ quản lý, thầy Dũng rất quan tâm đến việc tuyển sinh đầu vào của trường. Cho nên, mỗi khi có chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, thầy lại hăng hái tham gia. Dù ở thành phố hay ở các tỉnh lẻ, không ngại khó khăn, thầy đều đồng hành cùng chương trình, nhiệt tình tư vấn cho học sinh lớp 12. Tại các chương trình Tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ở Trường đại học Phú Yên, thầy Dũng luôn để lại ấn tượng với mọi người bằng sự dí dỏm, nhiệt tình và chu đáo. Thầy Dũng cho biết: “36 năm trước, vào thời điểm chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký thi đại học, tôi cũng như các em, bâng khuâng và đắn đo rất nhiều, vì đây là ngã rẽ có tính chất quyết định của cuộc đời. Vì thế, khi tham gia vào các chương trình tư vấn tuyển sinh, tôi luôn cố gắng giải thích, tư vấn một cách thỏa đáng, sát sao nhất để các em có thể đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp và có việc làm khi ra trường”.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng trao học bổng cho sinh viên Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh vượt khó học tốt – Ảnh: K.Hà
Điều thầy Dũng trăn trở với sinh viên ngày nay là dù các em có điều kiện và môi trường học tập tốt hơn, năng động hơn… nhưng các em chưa nhận thấy và làm nổi bật trách nhiệm của bản thân mình với gia đình và đất nước. Vì thế, thầy luôn chỉ đạo, kêu gọi các đoàn thể, hội sinh viên của trường tổ chức nhiều hoạt động xã hội để sinh viên tham gia, phát huy sức trẻ, cống hiến cho đất nước. Mỗi khi có chương trình, hoạt động nào lớn tổ chức cho sinh viên tại trường, thầy đều cố gắng sắp xếp thời gian tham gia, động viên các bạn trẻ.
Là một người sống xa quê nên thầy Dũng luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho quê hương. Hầu như năm nào, thầy Dũng cũng về Phú Yên tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12, giúp các em có định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Thầy còn có sáng kiến đưa đội hình tình nguyện mùa hè xanh của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh về xã An Chấn (huyện Tuy An), nơi thầy sinh ra và lớn lên để giúp đỡ bà con làm đường giao thông nông thôn, bắt điện đường, tặng máy tính… Hiện tại, đội hình mùa hè xanh của trường thầy đang tình nguyện tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, góp sức trẻ để giúp người dân nơi đây có cơ hội thoát nghèo.
Mới đây, khi biết ý định của Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức Ngày hội sinh viên và họp mặt, trao học bổng cho sinh viên Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh năm 2015, thầy Dũng đã tạo điều kiện cho mượn cơ sở vật chất, hội trường để làm nơi tổ chức. Mặc dù giỏi giang, năng động và luôn hướng đến cộng đồng nhưng thầy Dũng rất khiêm nhường và hầu như không muốn người khác viết về mình. Thầy Dũng bảo: “Cái nôi hiếu học của quê hương và gia đình đã giúp tôi có những tiền đề tốt để đạt được những thành công như hôm nay. Cho nên, tôi sẽ không ngừng phấn đấu để làm giàu tri thức cho bản thân và cống hiến cho xã hội. Tôi không sợ khó khăn, thất bại mà chỉ sợ mình là người đi sau mọi người”.
Khánh Hà
Nguồn: www.baophuyen.com.vn