GS.TSKH. Hà Huy Khôi là nhà khoa học tận tụy, nhà dinh dưỡng đầu ngành của Việt Nam đã có gần 50 năm cống hiến hết sức mình xây dựng ngành dinh dưỡng trưởng thành vì thể chất và tầm vóc người Việt Nam.
GS Hà Huy Khôi sinh năm 1936, trong một gia đình nhà giáo ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Năm 1953, học xong trung học ở quê nhà, theo triệu tập của Bộ Giáo dục, ông lặn lội đi bộ lên Lăng Quán, Tuyên Quang, vào học lớp y sĩ đặc biệt khóa 6 mở tại Trường đại học Y Dược khoa. Năm đó trường không mở lớp đào tạo bác sĩ.
GS.TSKH. Hà Huy Khôi.
Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc năm 1954, ông và các bạn đồng khóa được huy động phục vụ việc chăm lo sức khỏe cho hàng vạn dân công, trên các công trường lao động khôi phục đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan, một công trình trọng điểm cần làm gấp rút trong những ngày đầu sau khi miền Bắc được giải phóng.
Tháng 10/1955, nhận bằng y sĩ, ông được điều động phụ trách công tác y tế trong cải cách ruộng đất ở 3 huyện thuộc tỉnh Nam Định. Ông đã làm tốt nhiều việc vượt khả năng trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Sau đó, y sĩ Khôi được điều về Đội Y tế lưu động số 2 (tiền thân của Trung tâm Y tế dự phòng ngày nay) của tỉnh Nam Định tham gia phòng chống dịch và xây dựng mô hình điểm về vệ sinh phòng bệnh.
Với chí tiến thủ, ông đề nghị ngành cho ông được đi học tiếp để có kiến thức cơ bản và hệ thống tại Trường đại học Y khoa. Ông đã dự thi như học sinh phổ thông, trúng tuyển học hệ chính quy đào tạo bác sĩ khóa 1957-1962.
Một nhà giáo tận tụy
Tốt nghiệp đại học loại ưu, nhà trường thấy ông đã kinh qua công tác y tế dự phòng, nên giữ ông ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. BS. Hà Huy Khôi trở thành giảng viên Bộ môn Vệ sinh dịch tễ của Trường đại học Y Hà Nội, một ngành học quan trọng và cần thiết nhưng các sinh viên và bác sĩ thời đó phải học vì nhiệm vụ, phải nhận vì sự phân công của tổ chức, chứ không theo nguyện vọng. Theo gương thầy Hoàng Tích Mịnh, Chủ nhiệm Bộ môn, đã từng đi du học y khoa – ngành vệ sinh học tại Pháp, ông yên tâm theo ngành: “Tự tôi xác định công việc đã được giao, đã nhận thì phải làm cho tốt nhất”.
Thầy chủ nhiệm phân công ông đi chuyên ngành dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm, một chuyên khoa mới mà thuở ban đầu có rất ít tài liệu. BS. Hà Huy Khôi chấp hành, miệt mài học tập chuyên môn, lặng lẽ và tích cực học tiếng Nga, để chiếm lĩnh những tri thức khoa học cần thiết. Năm 1967, ông được cử đi học nghiên cứu sinh ở Ba Lan về chuyên ngành này và đã hoàn thành luận án tiến sĩ năm 1971.
Cuốn sách giáo khoa: Vệ sinh dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm do BS. Hoàng Tích Mịnh và TS. Hà Huy Khôi biên soạn xuất bản năm 1977 là cuốn sách giáo khoa đầu tiên về lĩnh vực dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm. Cuốn sách đã cập nhật các kiến thức đương thời về lĩnh vực khoa học này, đặc biệt ông đã chú ý tham khảo các tài liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới về “Tiêu chuẩn dinh dưỡng” và “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng”. Là nhà giáo, từ phụ trách tổ bộ môn rồi là chủ nhiệm, ông luôn cố gắng truyền đạt những điều mình tâm đắc với bao lớp sinh viên của Trường đại học Y cho đến đầu năm 2007, ông nghỉ hưu.
Ông truyền nhiệt huyết say mê nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học cho các thế hệ học trò, luôn động viên các đồng nghiệp và học trò ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc và cán bộ nghiên cứu khoa học trong công tác chăm sóc dinh dưỡng cho cộng đồng, nâng cao sức khỏe của người dân.
Ông luôn trăn trở với những điều liên quan đến sức khỏe và cuộc sống cộng đồng; những thực tiễn, với những phán đoán nghiên cứu khoa học và đề xuất có tính vĩ mô tới sự an toàn của con người và sự phát triển của nòi giống. Ông cho rằng vì hoàn cảnh, dân mình chỉ mới chú ý đến chữa bệnh mà chưa lo được cái gốc là dinh dưỡng và phòng bệnh.
Năm 1977, GS. Hà Huy Khôi đã cùng các đồng nghiệp của trường xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng tiết chế, đào tạo bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng điều trị, một chuyên ngành cần thiết trong điều trị và chăm sóc người bệnh.
Năm 1990, sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã hoàn thành luận án với chủ đề: Tình trạng dinh dưỡng protein năng lượng của nhân dân ở một số vùng sinh thái của Việt Nam. Ông đã được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và cơ quan khoa học nước bạn đồng ý, cho phép bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Ba Lan và ông đã thành công.
GS. Hà Huy Khôi vừa là nhà nghiên cứu khoa học đầu đàn vừa là người thầy xuất sắc trong công tác đào tạo cán bộ ngành dinh dưỡng. Ông đã viết 10 đầu sách khoa học có giá trị phục vụ cho giảng dạy, đã chủ biên nhiều tài liệu giáo khoa về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. GS. Hà Huy Khôi đã có công đầu trong việc đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu về dinh dưỡng ở Việt nam với 18 tiến sĩ và nhiều thạc sĩ. Tiếp bước GS. Từ Giấy nghỉ hưu, từ năm 1993 đến năm 2002, GS. Hà Huy Khôi là Viện trưởng viện Dinh dưỡng. Và nay là Chủ tịch danh dự Hội Dinh dưỡng Việt Nam.
Nhà dịch tễ học dinh dưỡng xuất sắc
Việt Nam đầu thập niên 1980, sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, thiên tai bão lụt, hạn hán, nền kinh tế kém phát triển, tình hình an ninh lương thực không bảo đảm, nhân dân nhiều vùng thiếu ăn; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ rất trầm trọng. Viện Dinh dưỡng đã được Chính phủ ra quyết định thành lập ngày 13/6/1980 nhằm xây dựng ngành khoa học về dinh dưỡng – vệ sinh an toàn thực phẩm. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Bộ Y tế, Nhà nước các biện pháp tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn. GS. Từ Giấy là Viện trưởng sáng lập, GS.TSKH. Hà Huy Khôi được giao nhiệm vụ Phó Viện trưởng từ 1981.
Trong 10 năm, GS. Khôi là Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: Đánh giá mức tiêu thụ lương thực thực phẩm và tình trạng dinh dưỡng của một số đối tượng nhân dân ở các vùng sinh thái khác nhau (1981-1985) và Dịch tễ học các bệnh thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em và các giải pháp phòng chống các bệnh thiếu dinh dưỡng ở cộng đồng (1986-1990).
Giáo sư đã có những quyết định quan trọng về phương pháp nghiên cứu khoa học dinh dưỡng ở Việt Nam. Các công trình đã cập nhật phương pháp dịch tễ học dinh dưỡng ở cộng đồng, để phân tích, chẩn đoán các vấn đề dinh dưỡng thời sự nhất ở nước ta. Công trình đã đưa ra cách nhìn nhận mới về tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở cộng đồng. Qua đó, ý nghĩa sức khỏe của vấn đề thiếu vitamin A và bệnh khô mắt, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt đã được khẳng định.
Nhờ sử dụng thang phân loại quốc tế (WHO 1986), lần đầu tiên, công trình đã áp dụng phương pháp mới sử dụng cùng một lúc 3 chỉ tiêu (cân nặng/tuổi, chiều cao/tuổi, cân nặng/chiều cao), quần thể tham khảo quốc tế và các thang phân loại suy dinh dưỡng trong đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam, từ đó cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn rất cao (51,5% thể thiếu cân, 59,7% thể thấp về chiều cao cá biệt ở những vùng lũ lụt, hạn hán, tỷ lệ này cao tới 67-68%). Từ đó đưa ra những kết quả và nhận định đúng đắn về tình hình dinh dưỡng ở Việt Nam: “Suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam chủ yếu là thể mạn tính, trường diễn, giảm cả chiều cao, cân nặng, thể hiện sự thiếu năng lượng phối hợp với thiếu protein kéo dài ở cộng đồng”.
Bằng cách so sánh tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam qua nhiều thời kỳ, giáo sư đã làm sáng tỏ được yếu tố kìm hãm trong phát triển thể lực của người Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Qua công trình, ông khẳng định: “Nếu chúng ta thấy được sự cấp bách cần thiết của các giải pháp khắc phục kịp thời, trẻ em Việt Nam nếu được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt có thể phát triển thể lực không kém gì so với trẻ em các nước phát triển”.
Đó là các cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp can thiệp đặc hiệu nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam, xây dựng các chương trình quốc gia: Chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ; Chương trình phòng chống thiếu vitamin A và khô mắt; Chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng…
Giáo sư đã trực tiếp tổ chức các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm một số giải pháp cải tiến dinh dưỡng vào cộng đồng, trực tiếp đi các địa phương để xây dựng mạng lưới thực hiện chương trình dinh dưỡng và mạng lưới giám sát dinh dưỡng để để theo dõi việc thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học. Những đề tài và ứng dụng của GS. Khôi đã có hiệu quả rất lớn trong thực tiễn bấy giờ.
Sau gần ba thập kỷ phấn đấu, Việt Nam được WHO, UNICEF và quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia trong khu vực đã thực hiện giảm SDD một cách bền vững (giảm từ 1,8 – 2% một năm). Tỷ lệ SDD nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 51,5% năm 1985 xuống còn 18,9% năm 2009. Mặt khác, đã có bằng chứng khoa học về gia tăng tăng trưởng về chiều cao của trẻ em và người trưởng thành Việt Nam trong những thập kỷ gần đây (tăng khoảng 1-2cm/1 thập kỷ).
GS. Hà Huy Khôi cho trẻ uống vitamin A.
Những trăn trở đối với nền dinh dưỡng trong thời kỳ chuyển tiếp
GS. Hà Huy Khôi rất quan tâm nghiên cứu “những vấn đề dinh dưỡng trong thời kỳ chuyển tiếp”, và những thay đổi về mô hình bệnh tật ở nước ta. Ông day dứt nhiều đến tình trạng nước ta đang phải đối mặt với một “gánh nặng kép” tức là vừa thiếu dinh dưỡng, vừa thừa dinh dưỡng do sự hiểu biết không đầy đủ của người dân, mà hậu quả rõ nét nhất là sự thừa cân – béo phì và một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng (tiểu đường, tim mạch…) đang tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây, song song với các vấn đề thiếu dinh dưỡng truyền thống như suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng. “Đó là vấn đề không tránh khỏi của giai đoạn chuyển tiếp, đòi hỏi chúng ta phải có một quá trình phấn đấu lâu dài và khoa học”.
Các công trình nghiên cứu của giáo sư đã cho phép dự báo mô hình dinh dưỡng chuyển tiếp ở nước ta. Giáo sư hết sức coi trọng “dinh dưỡng hợp lý” và xây dựng chính sách dinh dưỡng. Ông rất tâm huyết cho rằng: “Hiểu biết về dinh dưỡng và sử dụng dinh dưỡng hợp lý là một hành trang của mọi người khi bước vào đời”. Ông coi đây là nền tảng đảm bảo sự thành công của một chương trình can thiệp dinh dưỡng.
Những đóng góp của Giáo sư Hà Huy Khôi cùng với sự tiếp cận nhanh chóng các thành tựu khoa học trên thế giới đã mở ra hướng hợp tác quốc tế giữa ngành Dinh dưỡng nước ta và thế giới. Chuyên ngành Dinh dưỡng ở nước ta phát triển và có vị trí được các nhà Dinh dưỡng các nước trên thế giới coi trọng. Nền tảng đó đã tiếp sức cho các thế hệ cán bộ kế tục sự nghiệp của ông trong xây dựng và phát triển Viện Dinh dưỡng.
Với những cống hiến bền bỉ cho khoa học Dinh dưỡng nước nhà, GS. Hà Huy Khôi đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005, và được Ban Thường trực Dinh dưỡng của Liên hợp quốc trao giải Nhà khoa học có nhiều đóng góp xuất sắc. (Tháng 3/2008).
Gần 50 năm là người thầy và là nhà nghiên cứu dinh dưỡng đầu đàn, Giáo sư Hà Huy Khôi – một nhà khoa học nhiều nghị lực và tận tụy, đã có những thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Giáo sư có cuộc sống giản dị, chân thành luôn khiêm nhường, luôn điềm đạm, thân ái và gần gũi với đồng nghiệp và các học trò. Nhà trí thức quê hương Hà Tĩnh được các đồng nghiệp quý mến, các thế hệ học trò kính nể. Giáo sư luôn nhớ đến công lao và tri ân hai người thầy, Bác sĩ Chủ nhiệm khoa Hoàng Tích Mịnh, Giáo sư Viện trưởng Từ Giấy; và ông luôn ghi nhận sự hợp tác tích cực của các đồng nghiệp và sự giúp đỡ của đông đảo nhân dân tại cộng đồng.
GS.TSKH. Hà Huy Khôi
Quê quán: Xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ðược công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 1992.
Khen thưởng:
Ðược Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2002) và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (2005).
Trần Giữu