Tôi không có may mắn được là học sinh, cũng như chưa một lần được diện kiến giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, nhưng ngay từ khi chính thức là thành viên của bộ môn Văn học ngước ngoài (tôi nhớ vào khoảng tháng 9 năm 1976, lúc đó cả ba nhóm văn học Nga, Trung Quốc và phương Tây còn sinh hoạt chung trong một bộ môn) tên tuổi và những giai thoại về ông, với tôi, luôn là một trong những kỉ niệm hấp dẫn và ấn tượng nhất. Ấn tượng về ông với tôi, một “kẻ hậu sinh” trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu văn học nước ngoài, có lẽ trước tiên ở tài năng đáng nể của ông: ngay từ năm 23 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường đã đậu tới hai bằng tiến sĩ Pháp (mà là tiến sĩ quốc gia – docteur d’État hẳn hoi, chứ không phải tiến sĩ mới – docteur nouveau ngày nay, mà nhiều người có thể đạt được); thành tích của ông “chói sáng” đến mức khiến cho cả những người Pháp lúc bấy giờ cũng phải ngạc nhiên. Clement Vautel, một nhà bình luận bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng thời ấy đã có những “lời cảnh báo’ trên một tờ báo Pháp về hiện tượng Nguyễn mạnh Tường rằng: “Người Pháp nên cẩn thận: để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997)
Ấn tượng thứ hai về thầy Nguyễn Mạnh Tường, với nhiều người khác có thể không nghi ngờ gì, đó là sự “tự kiêu”, nhưng với tôi, đó lại là là sự tự tin, bản lĩnh, tự nhận thức được bản thân mình, “tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”, như một nhà triết học Pháp thế kỉ XVII đã khẳng định. Giáo sư Trần Thanh Đạm, cựu sinh viên Đại học Văn khoa đã kể về người thầy của mình – giáo sư Nguyễn Mạnh Tường như sau: “Hồi dạy chúng tôi ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa thỉnh thoảng thầy nói: Tôi thật sự là một cái quái thai. Các anh nghĩ có phải cái quái thai không?. Học trò đang ngơ ngác, thầy bảo: Ai như tôi, 23 thuổi mà đậu hai bằng tiến sĩ. Thầy tự hào mà nói ra như thế, học trò thì bảo: Thầy kiêu ngạo một cách thật thà, hồn nhiên”. Đại loại là như vậy, những câu chuyện về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, cũng như của không ít những giáo sư nổi tiếng khác một thời của Đại học văn khoa Hà Nội đã từng làm cho nhiều thế hệ học trò chúng tôi suốt nhiều năm sau vẫn không hết tự hào. Quả thật, sẽ còn lâu lắm, dù khoa học có đi lên bằng “tàu vũ trụ”, tôi vẫn tin rằng, chúng ta khó có thể tìm lại được một đội ngũ những nhà khoa học tài năng và ấn tượng như thế. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường là một trong những vị giáo sư ấn tượng đó.
Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909 trong một gia đình công chức phố Hàng Đào, thành phố Hà Nội. Thực ra, quê chính của ông thuộc làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Một cách ngắn gọn ta có thể biết những trang tiểu sử ngắn gọn của ông như thế này: Hồi nhỏ, ông học trường Paul Bert, sau tiếp tục học trường Albert Sarraul, năm 26 tuổi ông đỗ tú tài triết học hạng ưu, vì thế đã nhận được học bổng du học tại Pháp. Từ năm 1927 đến 1933, bằng sự thông minh chói sáng của mình, Nguyễn Mạnh Tường đã có một cuộc thăng tiến kì diệu: ông lần lượt vượt qua các chương trinh trình cử nhân luật và văn chương, rồi sau đó đậu luôn hai bằng tiến sĩ thuộc hai lĩnh vực này. Tất nhiên, sự “thăng tiến kì diệu” của Nguyễn Mạnh Tường ngoài sự thông mình bẩm sinh, còn có một sự khổ học thật sự. Ông nói: “Từ lớp 6 cho tới Tú tài, tôi có thói quen mỗi tuần đọc 2 cuốn tiểu thuyết Tây […]; và nhất là do cật lực làm việc: suốt 5 năm dài, mỗi sáng tôi thức dậy từ 4 giờ, học và viết tới 8 giờ thì đi lớp, chiều lại học tới khuya”.
Tháng 5 năm 1932 ông trở về nước, nhưng sau đó quay trở lại Pháp, du lịch và nghiên cứu tại một số quốc gia châu Âu (Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Hy lạp). Đến 1936, ông mới chính thức trở về Việt Nam và tham gia nhiều công việc khác nhau: được cử giảng dạy khoa Văn chương phương Tây, ngay sau khi Đại học Văn khoa được thành lập (1945); năm 1946, được chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt. Cùng năm, khi đang tham dự một phiên tòa tại Hải Phòng, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngay lập tức ông gia nhập đoàn quân kháng chiến: lên chiến khu Việt Bắc, vào liên khu III và IV, được cử làm luật sư tại các Tòa án quân sự, Tòa án Đại hình và thành viên Ban giám đốc Đại học dự bị, khi đó ở Thanh Hóa và Nghệ An. Mặc dù vậy, điều không may mắn với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, có lẽ do hoàn cảnh đất nước kháng chiến bộn bề những khó khăn, những công việc dành cho một trí thức được đào tạo bài bản như ông, để ông có thể cống hiến, thật sự không nhiều. Thêm nữa, con đường sự nghiệp của ông tại trường Đại học Tổng hợp thời điểm ấy lại rất ngắn, chỉ trong khoảng 3 năm, từ 1954 đến 1957 với vai trò giám đốc khoa luật và phó giám đốc khoa Sư phạm. Khoảng tháng 10 năm 1957, do một “tai nạn” nghề nghiệp, ông vĩnh viễn rời bục giảng đại học.
Phải tới tận năm 1994, một thời gian dài “đứt đoạn”, Nguyễn Mạnh Tường mới có điều kiện quay trở lại công việc chuyên môn quen thuộc của mình: tham gia biên soạn xuất bản một số công trình tài liệu thuộc cả hai lĩnh vực văn chương và giáo dục. Ba công trình Lý luận giáo dục châu Âu thế kỉ XVI, XVII, XVIII, từ Erasme đến Rouseau (NXB GD, 1994), Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp (NXB GD, 1994), Viergile và anh hùng ca La Tinh (NXB KHXH, 1996) có thể được coi là tiêu biểu của ông. Một cách đầy dủ hơn, sự nghiệp của Nguyễn Mạnh Tường gồm 18 đầu sách, gồm cả dịch thuật, nghiên cứu, sáng tác bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp thuộc các lĩnh vực văn học, luật học, giáo dục. Mảng sách viết bằng tiếng Pháp, đa phần đều chưa được in ra, ngay cả tại Pháp. Trong số những cuốn sách chưa được in đó, theo tôi biết, còn có tập bài giảng in rô nê ô Văn hóa và văn học Phục hưng phương Tây (hiện vẫn được lưu giữ tại Phòng tư liệu khoa Văn học). Rất tiếc, cho đến tận lúc này nó vẫn chỉ tồn tại ở dạng lưu hành nội bộ. Từ một tiểu sử và sự nghiệp có phần “đứt đoạn” như thế, cùng với những nhận xét về ông vẫn chưa hoàn toàn có tiếng nói chung, để dựng lại một bức chân dung đầy đủ và chính xác về ông, với “một kẻ hậu thế” như tôi quả là rất khó. Tuy nhiên, tôi vẫn xin được mạo muội phác họa vài nét bức chân dung không thật đầy đủ về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường như trên. Hy vọng thời gian tới phần khiếm khuyết của bức chân dung sẽ được bồi đắp cho đầy đủ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường thời trẻ
Đánh giá một cách khách quan, công bằng bức chân dung Nguyễn Mạnh Tường – “vị giáo sư của hai bằng tiến sĩ” như thế nào? Trước tiên, tôi xin khẳng định rằng, cho dù nhận xét về ông có khác nhau thế nào, về mặt con người, ông hoàn toàn chân thành, trung thực, và nhiệt huyết huyết. Ở một phía khác, trong tư cách công dân, Nguyễn mạnh Tường cũng là người luôn vì sự phát triển và tiến bộ của dân tộc, đất nước. Nhà sử học Pháp George Boudarel trong một bài viết về ông đã khẳng định không hề sai rằng: “Dù hết sức ngưỡng mộ Paris và nước Pháp (khó có thể làm hơn), nhưng tới giờ phút quyết định, Nguyễn Mạnh Tường trong sâu thẳm của tâm hồn, vẫn là người Việt. Dường như ông nghĩ, mình chỉ trung thành với những lí tưởng hun đúc ở Paris: độc lập, tự do, nhân quyền và dân quyền. Năm 1945, cùng toàn bộ thành phần ưu tú của dân tộc, ông đi theo chính phủ Hồ Chí Minh”.
Về sự nghiệp khoa học, thật tiếc, kể từ sau khi về nước, do hoàn cảnh chiến tranh, sự nghiệp thường xuyên bị gián đoạn, phần lớn các công trình, sáng tác của Nguyễn Mạnh Tường bằng tiếng Pháp không có điều kiện được in ra; những gì mà chúng ta, những người Việt đương thời và hậu thế có cơ hội tiếp xúc chỉ gồm 4 cuốn được xuất bản tại Việt Nam (bằng tiếng Việt) từ khoảng năm 1994 đến 1996, chừng ấy chưa đủ để đánh giá hết sự đóng góp của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cho nền khoa học nước nhà. Thêm nữa, “kho tàng trí tuệ” của vị giáo sư hai bằng tiến sĩ lại “bị phân tán”, mở rộng sang quá nhiều lĩnh vực: văn chương và luật học, triết học và giáo dục, khảo cứu và sáng tác, biên soạn và dịch thuật…nên thật khó đạt đến độ chuyên sâu, toàn diện ở bất cứ lĩnh vực nào. Việc đánh giá về ông cả ở hai khuynh hướng đề cao đến mức “siêu phàm” lẫn “phủ nhận hoàn toàn”, tôi cho rằng đều không thuyết phục. Đúng là ở thời điểm nền đại học Việt Nam còn ít thành tựu và thiếu kinh nghiệm (thập niên 40 của thế kỉ trước), một tài năng được đào tạo bài bản như Nguyễn Mạnh Tường không được “khai thác triệt để” là một điều hết sức đáng tiếc. Nhưng dẫu biết vậy, ta vẫn phải thừa nhận, điều “hết sức đáng tiếc” đó có phần lỗi của lịch sử. Mà lịch sử đôi khi vẫn có “cái lí riêng” của nó. Đến thời điểm này, cũng không nên bàn cãi quá nhiều và “sâu” về sự “đúng – sai”. Chúng ta chỉ có thể khẳng định một điều chắc chắn: sau 70 năm ra đời của Đại học Văn khoa Tổng hợp, vị giáo sư hai bằng tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cũng như nhiều thế hệ giáo sư tài năng một thời góp phần tạo nên tên tuổi cho trường, vẫn mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ thầy và trò Ngữ Văn Tổng hợp, trong đó có tôi.
GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
- Năm sinh: 1909.
- Mất năm: 1997.
- Quê quán: Từ Liêm (Hà Nội).
- Tốt nghiệp đại học ngành Văn chương tại Pháp năm 1927; ngành Luật năm 1930.
- Nhận bằng Tiến sĩ Luật tại Pháp năm 1932 và Tiến sĩ Văn chương năm 1932.
- Nguyên Giám đốc Đại học Luật và Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Được phong học hàm Giáo sư năm 1957.
- Công tác tại Đại học Văn khoa từ 1954 đến 1957.
- Những công trình khoa học tiêu biểu:
Lý luận giáo dục châu Âu thế kỉ XVI, XVII, XVIII, từ Erasme đến Rouseau, NXB KHXH, Hà Nội, 1994.
Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp, NXB GD, Hà Nội, 1996.
Viergile và anh hùng ca La Tinh, NXB KHXH, Hà Nội, 1996.
Essai sur la valeur dramatique du théâter d’Alfred Musset (Khảo cứu giá trị kịch trong vở diễn của d’Alfred Muset), Luận án tiến sĩ văn chương, 1932, tiếng Pháp trong nguyên bản.
L’individu dans la vieille cite annamite (cá nhân trong xã hội Việt Nam cổ), luận án tiến sĩ triết học, 1932, tiếng Pháp trong nguyên bản.
Trần Hinh
Nguồn: //www.ussh.vnu.edu.vn/