Ba chuyến xuất ngoại khó quên của GS.TS.NGND Vũ Văn Vụ

 "Chu du" trên đất Trung Hoa

Đầu năm 1990, Đoàn đại biểu của Ủy ban Khoa học kĩ thuật nước ta tham dự Hội nghị quốc tế tại Thượng Hải (Trung Quốc). Tại hội nghị này, GS Vương Đào (Trung tâm Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Lâm nghiệp Trung Quốc) ngỏ ý mời cán bộ khoa học Việt Nam tham gia nghiên cứu về chất điều hòa sinh trưởng và nhờ Đoàn giới thiệu nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này. Đoàn về nước, tìm hiểu và biết đến GS.TS Vũ Văn Vụ. Theo địa chỉ của GS Vương Đào do Đoàn giới thiệu, GS.TS Vũ Văn Vụ viết thư cho GS Đào và bà vui vẻ chấp nhận và mời ông sang dự Hội nghị quốc tế về Các chất điều hòa sinh trưởng thực vật vào tháng 10 -1991.

Lúc này, hai nước Việt Nam và Trung Quốc chưa mở lại quan hệ ngoại giao chính thức, nên Hữu nghị Quan chưa mở cửa cho khách qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, GS.TS Vũ Văn Vụ chỉ làm được visa đi Trung Quốc bằng đường hàng không. Tuy nhiên vì chuyến đi phải tự túc kinh phí, nên ông không chọn đường hàng không. Vả lại lúc đó cũng chưa có đường bay trực tiếp Việt Nam – Trung Quốc. Ông đã xin giấy giới thiệu lên Công an biên phòng Lạng Sơn, nhờ họ cho người đưa qua biên giới theo con đường mà dân buôn bán hai nước vùng này thường xuyên qua lại.

Sáng sớm hôm ấy, GS.TS Vũ Văn Vụ đi ô tô từ Hà Nội lên Lạng Sơn, đến Đồn biên phòng Hữu nghị Quan và tất nhiên không qua được Hữu nghị Quan. Sau khi làm thủ tục xuất cảnh, hai chiến sĩ biên phòng dẫn ông đi theo đường Lũng Nhịu-con đường của những người buôn bán. Họ dặn ông: “Qua Lũng Nhịu rồi thì tùy cơ ứng biến”. Khi GS.TS Vũ Văn Vụ đến gần một cổng sắt, để qua đó vào bến xe đi Bằng Tường, có một người bán hàng ở bên đường đã nói bằng tiếng Việt rất sõi với ông: “Anh không thể qua được cổng sắt đâu, chúng tôi dân Việt Nam chỉ ở bên này thôi, không qua được”. Ông đứng một lúc quan sát, thấy có nhiều người buôn bán vẫn đi qua lại, tuy nhiên đều bị hỏi han và kiểm tra hàng hóa. Chợt Giáo sư thấy có hai ông bà ăn mặc bảnh bao đi qua cổng sắt. Những người gác cổng hỏi gì đó rồi cho họ đi qua. Đoán là Hoa kiều về nước đi thăm biên giới, nên khi hai người đến ngắm cảnh gần chỗ Giáo sư, rồi quay về, thì ông đi theo. Đúng lúc qua cổng sắt, thì công an gác cổng đang kiểm tra những người buôn bán, không để ý đến hai Hoa kiều và ông. May quá và thế là ông vào được bến ô tô và vội lên xe đi Bằng Tường.

Ở trên xe, sau khi thu tiền vé, nhiều người biết ông là người Việt Nam và chắc là cả lái xe cũng biết, cho nên một việc bất ngờ đã xảy ra với ông. Xe đi được 2-3km gì đó thì dừng lại. Phụ lái ra hiệu cho ông xuống xe và chỉ ông đi theo đường tầu. GS.TS Vũ Văn Vụ không hiểu gì nhưng cứ đi theo đường chỉ dẫn. Đến một ga tàu, ông dừng lại, dùng vốn Hoa ngữ ít ỏi của mình khi học ở phổ thông, hỏi có tàu đi Bằng Tường không, họ nói đến đêm mới có, còn hỏi đi ô tô thì họ chỉ ra một ngã tư để đón xe. GS.TS Vũ Văn Vụ đi theo hướng chỉ, ra đến ngã tư thì gặp ngay đồn Công an Trung Quốc.

Tại đồn Công an, GS.TS Vũ Văn Vụ đưa giấy tờ, hộ chiếu và nói bằng tiếng Anh, nhưng họ không hiểu. Họ bắt ông ngồi đợi, mang giấy tờ vào phòng trong. Một lúc sau, có một công an ra chặn các xe hỏi gì đó rồi lại cho đi. Thì ra họ tìm một người biết tiếng Việt. Trên một chiếc xe, họ tìm được một bà xuống để làm phiên dịch. Đây là người Việt Nam sang Trung Quốc buôn bán và sinh sống ở đây. GS.TS Vũ Văn Vụ trình bày, bà này phiên dịch, giải thích và tốt bụng bảo lãnh cho ông đến Bằng Tường, đêm nay ông ở lại đây để hôm sau đi Nam Ninh. Bà đưa GS.TS Vũ Văn Vụ về nhà ăn cơm tối, rồi nói người con rể đưa ông đến khách sạn ở gần ga. Về khách sạn, ông nhờ anh này viết cho mẩu giấy nhỏ bằng tiếng Trung: “Tôi là người Việt Nam đi hội nghị ở Bắc Kinh, bán cho tôi vé nằm”.

Sáng hôm sau, GS Vũ Văn Vụ ra ga mua vé đi Nam Ninh. Ông đến Nam Ninh vào buổi chiều, thấy người ta xếp hàng mua vé đi Bắc Kinh. Ông cũng xếp hàng và chờ đến lượt. Tới lượt mình, ông đưa mẩu giấy nhỏ ra nhưng người bán vé lắc đầu, chỉ vào ghế đang ngồi. Ông hiểu ra ngay là đã hết vé nằm, chỉ còn ghế ngồi. Ông gật gật đầu và mua vé ngồi, đi suốt hai ngày hai đêm.

Đến Bắc Kinh, ông ra taxi và đưa họ địa chỉ cần đến. Khi thấy ông, GS Vương Đào rất mừng, rối rít hỏi tình hình đi đường của ông. Bà hỏi tại sao ông không mua vé máy bay để bà trả tiền, rồi bà an ủi: “Cứ họp đi và bà sẽ tìm cách đưa ông về Việt Nam dễ dàng”. Sau đó, GS Vương Đào tự lái ô tô đưa ông đến khách sạn nghỉ và cũng là nơi diễn ra Hội thảo.

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên về Chất điều hòa sinh trưởng thực vật ABT- chất có tác dụng trong việc kích thích ra rễ của cây trồng (Trung Quốc ứng dụng nhiều trong trồng rừng). Hội thảo gồm khoảng 20 nước ở châu Mĩ, châu Á, châu Âu tham gia, diễn ra trong 7 ngày. Tại Hội thảo, GS Vũ Văn Vụ báo cáo về “Một số nghiên cứu sử dụng chất điều hòa sinh trưởng ở Việt Nam” với các chất điều hòa sinh trưởng mang từ Tiệp Khắc về. Sau đó, các đại biểu đi tham quan một số nơi ở Trung Quốc: Nam Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Triêt Giang, Tô Châu,…

Chuẩn bị về nước, ông đưa hộ chiếu cho GS Vương Đào nhờ người mua vé máy bay. Tuy nhiên, một vấn đề mới nảy sinh: hộ chiếu không có dấu nhập cảnh. Viện Hàn lâm Khoa học Bắc Kinh mời GS.TS Vũ Văn Vụ lên hỏi tại sao vào được Trung Quốc. GS.TS Vũ Văn Vụ kể lại sự tình, họ không biết địa danh Lũng Nhịu là gì, gọi về Quảng Tây mới phát hiện ra con đường đi chui. Họ nói ông đến Đại sứ quán Việt Nam xin công hàm để làm thủ tục về nước.

Thế là, trong khi đoàn đại biểu được đi tham quan Vạn lí Trường Thành, GS.TS Vũ Văn Vụ phải đến Đại sứ quán Việt Nam để xin công hàm. Nhưng Sứ quán cho biết: Việt Nam chưa mở lại quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, nên không thể gửi công hàm. Đang lúc lúng túng chưa biết làm thế nào, GS Vũ Văn Vụ gặp một người bước vào phòng. Ông hỏi thăm và sau khi biết Giáo sư công tác tại trường Đại học Tổng hợp, ông đã sẵn sàng giúp đỡ để Giáo sư có được một lá thư giới thiệu của Sứ quán Việt Nam. Nhờ đó, GS Vũ Văn Vụ mua được vé lên máy bay về Nam Ninh.

Tại đây, GS Vương Đào đã liên hệ trước và bố trí cán bộ Nam Ninh ra đón, nghỉ ngơi ở Nam Ninh và sau đó đưa ông về Việt Nam qua đường Hữu nghị Quan. Vừa ra khỏi sân bay, GS Vũ Văn Vụ được hai người ra đón: một nói tiếng Anh, một nói tiếng Việt. Họ đưa ông về khách sạn Minh Viên nổi tiếng, nghỉ 2-3 ngày và mời làm việc với Ủy ban Khoa học kĩ thuật Quảng Tây. Trong nội dung làm việc, UBKHKT Quảng Tây đặt vấn đề: sắp tới Trung Quốc và Việt Nam mở lại quan hệ ngoại giao, cửa biên giới sẽ thông thương, Ủy ban Khoa học kĩ thuật Quảng Tây muốn có một đoàn đại biểu đầu tiên sang làm việc với Ủy ban Khoa học kĩ thuật Việt Nam. Đề nghị GS Vũ Văn Vụ giúp đỡ để có được thư mời. Ông hứa sẽ giúp và sau đó đã có một Đoàn của UBKHKT Quảng Tây sang Việt Nam.

Ngày đưa ông về Việt Nam, buổi đưa tiễn diễn ra long trọng: sau khi ăn sáng, xe đi từ Nam Ninh và gần trưa thì đến Bằng Tường. Sau bữa ăn trưa thịnh soạn, cả đoàn đi, hai bên bồng súng, có quay phim, chụp ảnh. Khi chia tay Đồn trưởng Đồn biên phòng Hữu nghị Quan dặn ông: “Cứ đi thẳng, cách đó 100m có hàng rào, cứ yên tâm, không có mìn đâu, vạch hàng rào đi qua và đi tiếp khoảng 200m, sẽ gặp Bộ đội biên phòng Việt Nam”.

GS.TS Vũ Văn Vụ đi đến hàng rào, quay lại vẫy tay chào rồi mở rào đi tiếp. Được khoảng 200m, quả thật, ông gặp bộ đội Việt Nam đang tắm dưới hồ. Họ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ông vì cho đến nay chưa ai đi qua đây. Họ chạy ngay lên hỏi: “Tại sao bác đi đường này” và kéo ông lên Đồn biên phòng. Tại đây, các chiến sĩ biên phòng hỏi han rất chi tiết Giáo sư và khám xét đồ đạc của ông. Ông giải thích: cách đây chục ngày ông lên Đồn biên phòng này, trình giấy tờ và được hai bộ đội biên phòng dẫn đi theo con đường Lũng Nhịu, đề nghị xem lại sổ Nhật kí. Nhưng họ không tìm thấy sổ Nhật kí và hai người dẫn ông đi hôm trước không có mặt ở Đồn hôm nay. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó cũng được giải quyết ổn thỏa. Ông lên xe về Lạng Sơn rồi về Hà Nội, kết thúc chuyến chu du đầy mạo hiểm, nhưng cũng rất lý thú. Và đặc biệt chuyến đi này đã mở đầu cho hàng chục chuyến đi sau đó hàng năm sang Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu quốc tế về Các chất điều hòa sinh trưởng thực vật.

GS.TS Vũ Văn Vụ (hàng đầu, ngoài cùng) cùng đồng nghiệp các nước đi thăm rừng tại Trung Quốc, tháng 10-1991

GS Vũ Văn Vụ cho biết: “Chuyến đi này hay ở chỗ: nếu mình không vì khoa học thì không dám đi, vì rất nguy hiểm. Có một số trường hợp đã bị đuổi về”. Ông cũng thấy mình gặp nhiều may mắn vì được sự giúp đỡ tận tình của nhiều người, của các cơ quan chức năng của cả hai nước và đặc biệt của GS Vương Đào. Sau Hội thảo quốc tế đầu tiên về nước, GS.TS Vũ Văn Vụ thành lập nhóm nghiên cứu về chất ABT. Trong những lần hội nghị sau, Việt Nam đã có các báo cáo khoa học tốt so với các nước khác và đã nhận được nhiều giải thưởng và giấy chứng nhận công trình.

Đến Đất thánh Jerusalem (Israel)

GS.TS Vũ Văn Vụ kể: Khi thực tập khoa học ở Hà Lan, ông viết được hai bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. GS David Hall (Giáo sư ở Đại học Hoàng gia Anh) rất chú ý đến hai bài báo này và đã trích dẫn vào công trình của mình. GS David Hall viết thư cho ông, đồng thời giới thiệu ông với UNESCO để tổ chức này tạo điều kiện cho ông quan hệ với các nhà khoa học quốc tế.

Hồi đó, có lớp học chuyên đề quốc tế về Công nghệ vi tảo ở Israel do UNESCO tài trợ. GS David Hall giới thiệu GS.TS Vũ Văn Vụ với UNESCO để Israel mời ông sang học. Nhưng khi đó giữa Việt Nam và Israel chưa có quan hệ ngoại giao, nên GS Vụ phải tự túc việc đi lại và ăn ở. GS Vũ Văn Vụ đã nhờ bạn học thời cấp 3, lúc đó đang làm việc tại Văn phòng Chính phủ, giới thiệu đến Bộ Ngoại giao. Ở đây ông xin được một bức thư giới thiệu sang Bộ ngoại giao Israel. Sau một ngày fax thư sang Bộ ngoại giao Israel, theo sự hướng dẫn của GS Vonshach – người phụ trách lớp học, Giáo sư Vụ nhận được thư thông báo đến lấy vé khứ hồi Hà Nội – Telaviv, tại đại lí vé máy bay Thái Lan ở phố Bà Triệu. Phía Israel tài trợ tiền vé, ăn ở, đi lại ở Israel. Riêng thị thực nhập cảnh thì phải làm tại sân bay Telaviv.

GS.TS Vũ Văn Vụ ra lấy vé, bay sang Băng Cốc, qua Thụy Sĩ, rồi đến Telaviv. Tại sân bay Telaviv, có hơn mười cổng làm thủ tục nhập cảnh với hơn mười cô gái rất xinh đẹp làm việc. Ông tự nhủ: “Phải tìm một người dễ tính mới hy vọng mọi việc trôi chảy". Và ông đã đi một lượt trước các cổng, đến cô thứ 12, ông thấy cô rất xinh, nét mặt tươi tỉnh, hay cười và làm việc nhanh nhẹn. Ông bèn đưa giấy tờ cho cô. Kiểm tra trên máy một lúc, không thấy tên ông, cô gái nói ông chờ một lát, rồi đi vào phía trong. Một lát sau, cô gái trở ra, tươi cười, nói với ông là xong rồi. Cô đóng dấu vào hộ chiếu và mời ông qua cổng. Ông nghĩ bụng: "Giá không chọn cô này, chưa chắc mọi việc đã thuận lợi thế".

GS Vụ kể lại: Khóa học tại Israel kéo dài 6 tuần. Giảng viên là các giáo sư giỏi nhất về Công nghệ vi tảo bấy giờ. Lúc đầu, việc nghe hiểu tiếng Anh trên lớp cũng có khó khăn và mãi đến tuần thứ 3-4 mới thấy dẽ dàng hơn. Cuối cùng, ông cũng viết và trình bày được một báo cáo về tình hình Nghiên cứu tảo Việt Nam và được đánh giá cao.

Trong khóa học, các ông được đi chơi Jerusalem, Telaviv, Besava. GS.TS Vũ Văn Vụ kể: ông nhớ nhất buổi đi tắm hai ngày ở ba biển: Biển Chết, Biển Địa Trung Hải và Biển Hồng Hải. Rồi các ông đến thăm Công ty nuôi trồng tảo Dunaliela – loại tảo đỏ đơn bào chứa hàm lượng beta-caroten (tiền vitamin A) rất cao. Loại tảo này vớt lên, xấy khô, làm thành sản phẩm dạng viên. Công ty nuôi trồng tảo Dunaliela đặt ở thành phố Ilat – một thành phố du lịch rất đẹp trên eo biển Hồng Hải, vì ở đây nước biển rất mặn, ánh sáng chan hòa và nhiệt độ rất cao.

GS.TS Vũ Văn Vụ còn có một ấn tượng sâu sắc về Đất thánh Jerusalem với các Thánh địa, với dòng người xếp hàng dài vào thăm nơi Đức Chúa Giesu ra đời, với hàng ngàn cây nến như mỗi linh hồn người đã khuất trong khu tưởng niệm những người dân Do Thái bị phát xít Đức giết hại hồi Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Ông nghĩ: “Người ta dành dụm cả đời để đi đến Đất Thánh Jêrusalem thì mình may mắn không mất xu nào cũng đến được đây. Lạy Thánh Ala ”. Đây là một chuyến đi tuyệt vời trong cuộc đời làm khoa học của GS Vũ Văn Vụ.

                                                                                         

GS.TS Vũ Văn Vụ say sưa kể về những chuyến đi li kì của mình

Gặp thổ dân da đỏ đảo Tahiti

Qua sự giới thiệu của GS. David Hall, tháng 5 năm 1995, UNESCO lại mời và chi toàn bộ kinh phí cho GS.TS Vũ Văn Vụ đi dự Hội nghị khoa học quốc tế tại Viện Pasteur tại Quần đảo Tahiti.

GS.TS Vũ Văn Vụ mua vé máy bay sang Thái Lan, rồi nghỉ 5 tiếng tại đây. Ông cầm hộ chiếu và vé đến phòng đăng kí bay ở nhà chờ sân bay. Một nhân viên nam xem và bảo: “ không đi được, không có visa Úc làm sao qua Úc được?”. GS Vũ Văn Vụ giải thích: ông chỉ chờ ở sân bay Úc có 1 tiếng, nên không xin visa Úc. Ông đề nghị nhân viên này xin ý kiến cấp trên giúp đỡ. Cuối cùng, họ đồng ý cho ông làm visa trên máy bay.

GS.TS Vũ Văn Vụ đến Sydney, chờ 1 tiếng rồi đi New Zealand, sau đó bay đến đảo Cook, sang đảo Tahiti. Ở sân bay, một đội thổ dân da đỏ trên đầu đội vành hoa đại, mặc váy, đánh trống tiếp đón hành khách đến Tahiti. Sau khi làm thủ tục, ông được đón về khách sạn. Tại Hội nghị khoa học quốc tế này, ông đại diện cho Việt Nam tham dự và có một báo cáo dạng poster. Theo ông, đây là cơ hội để ông trao đổi, giao lưu với các nhà khoa học quốc tế và đặc biệt là biết được một vùng đất mới ở Nam Thái Bình Dương. Ông rất mừng là trong chuyến đi này, ông đã gặp và cảm ơn trực tiếp những người đã nhiều lần giúp đỡ ông trên con đường nghiên cứu khoa học của mình và tạo điều kiện cho ông giao lưu với các các nhà khoa học quốc tế, cũng như tiếp cận với thành tựu khoa học thế giới.

Cười hể hả tâm đắc với ba chuyến xuất ngoại, đặc biệt phiêu lưu nhất là chuyến đi Trung Quốc, GS.TS Vũ Văn Vụ tâm sự: “Các chuyến đi của tôi đều có những trục trặc nhất định, nhưng cuối cùng đều gặp may và đều suôn sẻ. Như có qúy nhân phù trợ vậy. Tôi thường tự nhủ: Ở hiền gặp lành. Ba chuyến xuất ngoại mang tính phiêu lưu này là những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời hoạt động khoa học và giảng dạy của tôi”.

GS.TS, NGND Vũ Văn Vụ, sinh năm 1941, quê Thái Thụy, Thái Bình.

Ông nguyên là Giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý thực vật, Chủ nhiệm Khoa Sinh học, nguyên Thường vụ Đảng ủy trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng KH-ĐT ngành Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội; hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Hòa bình Việt Nam – Israel; Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam.

Trần Bích Hạnh