Bây giờ thì GS.TS Bùi Đức Phú đã gần như có được tất cả những gì cần có của một nhà ngoại khoa: Giải thưởng “chiếc kéo vàng” của Hội Ngoại khoa Việt Nam; là người đi đầu và gắn bó với lịch sử phát triển chuyên ngành phẫu thuật tim mạch lồng ngực tại Bệnh viện T.Ư Huế và khu vực miền Trung (phẫu thuật tim kín 1986, phẫu thuật tim hở 1999; từ năm 2000-2011 đã phẫu thuật cho 8000 trường hợp bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim và bệnh mạch vành); Bệnh viện T.Ư Huế do ông làm giám đốc, ngày 2.3.2011 đã trở thành bệnh viện đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ca ghép tim trên người lấy từ người chết não do chính đội ngũ cán bộ của bệnh viện thực hiện và ông chính là “tổng đạo diễn”…
Ông nói, khác với nhiều nghề khác trong cuộc đời của mỗi một phẫu thuật viên, con đường mà họ trải qua đều mang nặng dấu ấn của những người thầy. Và một trong những người thầy đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời ông chính là GS Tôn Thất Tùng. “GS Tôn Thất Tùng đã cho tôi một cú hích định mệnh cho định hướng nghề nghiệp của tôi. Là người đã biến giấc mơ ngoại khoa của tôi thành hiện thực” – ông kể.
“Đó là những ngày đầu khi tôi được Học viện Y Huế gửi ra Trường ĐH Y khoa Hà Nội học ngoại khoa, nhưng không biết vì sao tôi và anh Lộc (lúc đó mới là sinh viên năm thứ 6) bị chuyển sang học Gây mê hồi sức. Theo học được vài tháng tôi được phân công thực tập gây mê tại phòng mổ A (còn gọi là phòng mổ thầy Tùng) do thầy Tôn Đức Lang phụ trách gây mê cùng với cô Hồ (vợ thầy Tùng).
Một hôm do một bác sĩ phụ mổ của thầy bị ốm nên tôi được gọi vào phụ mổ ca mổ cắt gan do thầy Tùng thực hiện. Ngày hôm sau thầy Tùng cho gọi tôi và Lộc vào phòng làm việc của thầy. Trong lúc nói chuyện, thầy thầm quan sát từ dáng đi, giọng nói cho đến những cử chỉ nhỏ nhất của tôi. Đoạn, thầy bảo tôi xoè tay ra cho thầy xem, một hồi lâu, cuối cùng thầy bảo một câu thật gọn ghẽ mà dứt khoát – đúng như phong cách của thầy: “Em nên đi theo chuyên ngành ngoại khoa!”.
Tôi nghe lời thầy, bản thân từ ngày học đại học đã rất mê chuyện mổ xẻ, thần tượng các phẫu thuật viên, nên quyết tâm theo học chương trình nội trú Ngoại khoa nhờ vào sự can thiệp của thầy với trường Đại học Y Hà Nội”.
Ông từng học và làm việc với GS Tôn Thất Tùng, vậy cảm nhận của ông về thầy Tùng trong công việc như thế nào?
– Thầy là một người hết sức mô phạm, mẫu mực trong ứng dụng kỹ thuật. Quan điểm của thầy là phải khởi đi từ thực nghiệm, thảo luận rốt ráo, trao đổi kỹ lưỡng với chuyên gia và sau đó mới có thể ứng dụng phẫu thuật trên người. Trong cuốn hồi ký “Nhớ về những năm tháng đã qua”, GS Đặng Hanh Đệ kể lại hành trình mổ tim thực nghiệm trên chó với máy tim phổi dạng Kay-Cross do Trung Quốc tặng: “Thầy Tùng đề ra nguyên tắc là khi mổ thực nghiệm phải làm sao chó sống qua đêm ít nhất là năm con thì mới có thể mổ trên người. Có nhiều chuyện cần khắc phục thì mới mổ thực nghiệm được”. Cuối cùng, “hết tuần này đến tuần khác, rút kinh nghiệm thì sau khoảng 20 con đã bắt đầu có chó sống. Chúng tôi rất vui vì nghĩ đến ngày có thể mổ trên người được rồi…”.
Trong những ngày mổ thực nghiệm ấy, thầy Tùng luôn có mặt và theo dõi sát sao toàn bộ cả êkíp và quy trình: “Khi mổ, thầy Tùng thường đứng bên cạnh quan sát xem chúng tôi làm ăn ra sao, nhất là khi bắt đầu cho máy chạy, mọi người vừa làm vừa nói chuyện rất vui, có cảm giác như trong một gia đình”. Đó chính là phong cách làm việc của thầy: chuyên nghiệp, khoa học, mô phạm, hết sức cẩn trọng trước bất kỳ một công việc nào.
Đó còn là tấm gương mẫu mực trong truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của một người thầy đối với các thế hệ học trò. Trong cuộc mổ, thầy rất chú ý đến từng động tác của các học trò: từ cách buộc một mũi chỉ cho đến cầm kéo cắt chỉ, thầy thường uốn nắn ngay hoặc bắt làm lại. Đôi khi có những tổn thương trong cuộc mổ không tương xứng với chẩn đoán trước đó. Thầy vẫn dạy chúng tôi, vấn đề là khả năng nhận định tổn thương, đề ra những kế hoạch cụ thể: “xếp thành ô trong đầu” các phương án giải quyết, tự mình phải tính trước những biến chứng có thể xảy ra để luôn luôn chủ động trong mọi tình huống.
Có lần ông dẫn lời GS Tôn Thất Tùng nói đại ý “công việc của một nhà ngoại khoa không chỉ có mổ và mổ”. Ông cho biết rõ hơn về ý này?
– Đối với thầy Tùng, một nhà ngoại khoa, một phẫu thuật viên không chỉ có đôi bàn tay mổ xẻ hàng loạt mà còn cần phải có kiến thức sâu rộng về các chuyên ngành khác. Việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, suốt cuộc đời chứ không chỉ ngày một ngày hai. Chẳng hạn, một nhà ngoại khoa cần có những kiến thức cơ bản về chuyên ngành giải phẫu bệnh để có thể nắm chắc bản chất bệnh lý của tổn thương, từ đó có những kỹ thuật xử trí phù hợp. Bản thân chúng tôi trước khi “học mổ” đều phải trải qua nhiều tháng học chuyên ngành giải phẫu bệnh. Không chỉ có thế, đối với một phẫu thuật viên, việc nắm chắc kiến thức cơ bản của các chuyên ngành khác rất quan trọng, chúng có tác dụng hỗ tương, phối hợp để làm bộc lộ rõ chân xác vòng tròn bệnh lý.
Tôi có một kỷ niệm về một buổi giao ban điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, hôm đó tôi phải báo cáo tình hình phiên trực đêm trước, trong đó có một ca chấn thương sọ não. Thầy Tùng truy tôi nguyên nhân của bệnh đến câu thứ ba thì tôi không trả lời được, rõ ràng là không nắm rõ nguyên nhân- một phần cũng do bệnh nhân vào quá đông chúng tôi không kịp hỏi kỹ. Đây là một bài học mà thầy Tùng dành cho chúng tôi: trước một ca chấn thương sọ não, cần phải tìm hiểu nguyên nhân chấn thương, nó giúp phẫu thuật viên đánh giá được vị trí, mức độ của thương tổn để có hướng xử trí thích hợp.
Việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân chấn thương còn là một kênh quan trọng trong hỗ trợ công tác pháp y nếu cần thiết, hay thậm chí làm cơ sở cho việc phòng ngừa trong tương lai. Hoá ra, công việc của một nhà ngoại khoa không chỉ là “cứ việc mổ, mổ và mổ”! Buổi giao ban hôm ấy còn cho tôi bài học “nhớ đời” về sự trung thực của một người làm trong ngành y, trung thực ngay trong một lời báo cáo, đặc biệt đối với những ai mới chập chững vào nghề.
Nhân câu chuyện về buổi giao ban, tôi cho rằng tất cả các thế hệ bác sĩ ngoại khoa từng học tập ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội không ai có thể quên được những buổi giao ban mà thầy Tôn Thất Tùng chủ trì. Mỗi buổi giao ban đều mang sức nặng của những giá trị mà chỉ có thể có ở những góc giảng đường- thánh đường: sự đồ sộ của kiến thức, của kinh nghiệm, những “cây cao bóng cả” trong chuyên môn cũng như trong tình cảm thầy trò, là nơi cho tất cả mọi người – cả thầy và trò – có cơ hội được thể hiện mình.
Theo ông, di sản quan trọng nhất mà GS Tôn Thất Tùng đã để lại cho y học Việt Nam là gì?
– Một di sản vô cùng quan trọng của thầy Tôn Thất Tùng chính là tư duy nghiên cứu khoa học. Tư duy ấy là gì? Đó chính là sáng tạo khoa học phải dựa trên nền tảng thực tế, lấy thực tế làm thước đo cho lý luận. Và thành quả sáng tạo có được không chỉ từ trí tuệ và tư duy mà còn nhờ vào sự lao động chuyên cần, không mệt mỏi. Chắc hẳn mọi người đều biết thành tựu “phẫu thuật cắt gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng” được giới khoa học công nhận và nể phục. Để có được thành tựu ấy, thầy đã thực hành phẫu tích qua hơn 200 lá gan tử thi, bộc lộ được hệ thống mạch máu trong gan, đối chiếu, vẽ sơ đồ… từ đó đưa ra phương pháp cắt vùng gan tổn thương sau khi đã xác định và thắt các mạch máu đến nuôi.
Tư duy nghiên cứu khoa học dựa trên thực tiễn ấy được thầy ghi lại rõ ràng trong cuốn hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”. Thầy viết: “Nghiên cứu khoa học là một vấn đề lao động bằng mười ngón tay liên tục trong hàng năm, rồi sau đó vào vỏ não mới có thể nhận định ra một cái gì mới. Cái khó là mỗi lần lao động như thế, phải suy nghĩ ngay, rút kinh nghiệm ngay, để luyện tập các tế bào não… Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cúng và tĩnh mịch”.
Tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của thầy còn thể hiện ở chỗ: bên cạnh thầy luôn có các chuyên gia toán học hỗ trợ nhằm bảo đảm tính chuẩn xác và trung thực trong xử lý số liệu. Cùng với phương pháp “cắt gan khô” nổi tiếng, thầy còn có hơn 120 công trình nghiên cứu khoa học khác được đăng tải và xuất bản, tất cả đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thực tiễn bệnh tật của nhân dân… Và cũng từ những thực tế của đời sống sau chiến tranh. Khi chứng kiến những đứa trẻ dị dạng con của các cựu chiến binh. Bằng sự linh cảm sắc bén của một nhà khoa học, thầy là người đầu tiên nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam Mỹ dùng trong chiến tranh dưới dạng chất diệt cỏ gây những tác hại khủng khiếp tới con người.
Ngoài việc tiếp sức cho “giấc mơ ngoại khoa” của ông thành hiện thực, GS Tôn Thất Tùng còn có ảnh hưởng như thế nào đối với sự nghiệp của ông sau này với tư cách là một nhà ngoại khoa hàng đầu, cũng như một nhà quản lý?
– Xin không dùng chữ “hàng đầu” vì mãi mãi tôi vẫn là học trò nhỏ, không ngừng học ở thầy nhân cách cao thượng, lòng nhân ái vô bờ, luôn chăm lo cho thế hệ trẻ, tương lai của gia đình và dân tộc… Vẫn biết nghề y là một nghề đặc biệt vừa mang tính khoa học chính xác vừa có tính nghệ thuật, đó là sự tổng hợp các hoạt động thể lực, tinh thần và đạo đức, được bồi đắp bằng tài năng, sự giáo dục và kinh nghiệm. Nhưng thầy Tùng đã không còn coi ngành y là một nghề, mà chỉ tìm thấy hạnh phúc duy nhất trong công việc đang làm. Thầy bước ra khỏi mọi rào cản đời thường với lòng say mê, sự kiên nhẫn, sẵn sàng vượt qua những trở ngại, và hơn tất cả là tình yêu thương con người- một cách tự nhiên.
GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đức Phú sinh năm 1956 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Đại học Y Huế năm 1981; học nội trú ngoại khoa tại Bệnh viện Việt – Đức và Đại học Y khoa Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Y khoa Hà Nội năm 1995. Hai lần tu nghiệp tại Pháp vào các năm 1988-1990, 1997-1998 và đã bảo vệ xuất sắc luận văn lấy bằng chuyên khoa sâu về phẫu thuật tim tại Đại học Rennes và bằng về phẫu thuật nội soi tại Đại học Strasbourg. Từ năm 2010, ông là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam.