Bản luận án Phó Tiến sĩ về Địa chất đầu tiên bảo vệ trong nước

GS.TS Võ Năng Lạc sinh năm 1933 tại xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên tại trường Đại học Mỏ- Địa chất khi trường mới thành lập (năm 1966) và từng là Phó Hiệu trưởng trường này.

Những năm 60 của thế kỷ trước, mặc dù điều kiện trang thiết bị khó khăn, nhưng giảng viên Võ Năng Lạc đã sớm xác định hướng nghiên cứu cho mình. Ông đã có nhiều chuyến khảo sát thực địa tại các vùng Hà Bắc, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh để thu thập tài liệu về địa chất. Những số liệu, kiến thức thu nhận được qua các chuyến đi này đã giúp ông thực hiện một số đề tài nghiên cứu, đồng thời hoàn thành bản luận án Phó Tiến sĩ về địa chất: “Một số nhận định về những dạng cấu tạo nhỏ thường gặp ở Việt Nam (trong các vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai) các mối tương quan về hình thái giữa các cấu tạo và ý nghĩa của chúng trong việc nghiên cứu địa chất”. Đây là bản luận án chuyên ngành Địa chất đầu tiên được bảo vệ trong nước (1977), đồng thời nó như một luồng gió mới trong công tác thăm dò địa chất ở nước ta. Bản tóm tắt luận án của ông Võ Năng Lạc được gửi đến các cơ sở sản xuất, các cơ quan khoa học, các trường đại học, các ngành có liên quan và được đánh giá: là công trình có giá trị về lý luận thực tiễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao chất lượng công tác lập bản đồ địa chất, tỷ lệ trung bình và lớn, nâng cao hiệu quả tìm kiếm thăm dò khoáng sản[1].

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương vui vẻ chia sẻ:

“Ông nhà tôi là Phó Tiến sĩ chuyên ngành Địa chất đầu tiên bảo vệ ở  trong nước”

Cũng ngay trong buổi làm việc đầu tiên với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Chương và GS.TS Võ Năng Lạc đã trao tặng một số tài liệu văn bản liên quan đến quá trình công tác, nghiên cứu của ông, như Quyết định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp công nhận học vị Phó Tiến sĩ của ông Võ Năng Lạc năm 1977…

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

 


[1] Bài “Một bản luận án” của tác giả Như Khuê được đăng trên báo “Việt Nam”, số 222, 1977.