Mỗi bó hoa tươi, mỗi thiệp chúc mừng, hay đơn giản là những thông điệp từ các cuộc điện thoại vào ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm, khiến PGS.TS Đường Hồng Dật không khỏi xúc động bởi tình cảm của các học trò. Không xúc động sao được, khi đã hơn 40 năm rời xa giảng đường nhưng ông vẫn được học trò nhớ đến. Ông không khỏi bồi hồi khi nhớ về những năm tháng làm thầy tại Học viện Nông lâm.
Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Taskent (Liên Xô) năm 1959, kỹ sư Đường Hồng Dật được phân công dạy môn học Bệnh cây[1] cho sinh viên Khoa Trồng trọt, Học viện Nông Lâm. Đến năm 1962, với kiến thức cùng kinh nghiệm vốn có, ông chủ động mở rộng phương pháp giảng dạy trong mỗi giờ lên lớp. Bên cạnh thời gian trên giảng đường, ông còn làm công tác quản lý với vai trò là Chủ nhiệm khoa Trồng trọt và Trưởng phòng Giáo vụ của trường. Từ đó, giảng viên Đường Hồng Dật có điều kiện gần gũi và hiểu được hoàn cảnh, ước vọng của sinh viên. Sự cảm thông, chia sẻ chân thành ấy đã tạo nên sự gắn bó, gần gũi giữa vị Chủ nhiệm khoa với học trò.
Với mong muốn truyền lửa cho sinh viên, kỹ sư Đường Hồng Dật chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình về học tập, nghiên cứu với sinh viên vào các giờ học môn Bệnh cây. Những năm 1960 của thế kỷ trước, Bệnh cây là môn học hoàn toàn mới, bởi ngay cả những cán bộ đã có thâm niên làm nông nghiệp, cũng có những hiểu biết rất mơ hồ về bệnh cây. Hầu hết, sinh viên chỉ hình dung được các vấn đề như: di truyền, chọn giống hoặc là phương pháp cày bừa, làm cỏ, bón phân, tưới nước… và tuyệt nhiên không nghĩ “Bệnh cây” lại là một môn học. Vì thế, để tạo sức hấp dẫn cho môn học mà sinh viên chưa hề biết là một điều không dễ. Theo ông, để cho sinh viên yêu môn học, trước hết là phải gieo vào lòng sinh viên tình yêu cây cỏ. Trên cơ sở đó, hình thành nên ý thức xây dựng sự nghiệp cho bản thân [2].
PGS.TS Đường Hồng Dật say sưa chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình giảng dạy của mình
Giảng viên trẻ Đường Hồng Dật luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách để truyền đạt cho sinh viên nắm được kiến thức chuyên môn, cũng như để sinh viên hiểu thêm về lĩnh vực đang theo học. Hơn thế nữa, Đường Hồng Dật mong muốn các kỹ sư nông nghiệp do trường đào tạo phải đáp ứng được yêu công việc… Ông tự rút ra kết luận, muốn sinh viên nắm vững kiến thức, thuần thục thao tác chuyên môn cần tạo cho sinh viên niềm say sưa và tinh thần trách nhiệm.
Qua tiếp xúc với sinh viên, Chủ nhiệm khoa Đường Hồng Dật nhận thấy do xuất thân khác nhau và đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc nên hoàn cảnh gia đình của mỗi sinh viên có nhiều khác biệt. Ý thức học tập, sự phấn đấu, cũng như những nhận thức về tình yêu và lòng đam mê đối với khoa học cũng rất khác nhau, dẫn đến sức học không đồng đều. Từ đó, Đường Hồng Dật đã phân ra thành hai nhóm đối tượng sinh viên để có biện pháp thôi thúc tinh thần học tập, nghiên cứu ở học trò:
– Nhóm một bao gồm những sinh viên có định hướng rõ, yêu nghề, yêu môn học, tiếp thu nội dung môn học sâu, nhanh, toàn diện, nắm vững nội dung và ghi nhớ các vấn đề của môn học. Với nhóm đối tượng này, ông thu hút học trò bằng cách lập các nhóm học tập, giao cho nhóm những đề tài nghiên cứu nhỏ. Các đề tài tập trung vào vấn đề bảo vệ thực vật như: bệnh đạo ôn hại lúa, nghiên cứu về bệnh tiêm lửa hại lúa, bệnh xoăn lá cà chua, bệnh chết ẻo ở cây lạc, bệnh rày xanh đuôi đen… Để sinh viên làm quen với công việc nghiên cứu, ông trực tiếp hướng dẫn sinh viên cách nghiên cứu đề tài về cả lý thuyết và thực hành. Các nghiên cứu nhỏ này bước đầu rèn luyện cho sinh viên được kỹ năng nghiên cứu, tạo tiền đề cho việc học tập cũng như công tác sau này. Những nghiên cứu như vậy, sau đó được báo cáo khoa học trong Khoa, và có những nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị Khoa học của trường. Trong số các học trò tích cực tham gia nghiên cứu, ông còn nhớ những sinh viên tiêu biểu, sau này trưởng thành, như Trần Thế Tục (sau là GS.TSKH, nguyên Viện trưởng Viện Rau quả), Vũ Chí Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng), Nguyễn Viết Tùng (sau là GS.TS, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I)Hiêu, Đinh Thế Lộc (sau là PGS.TS, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Nông nghiệp I)…
– Nhóm hai gồm những sinh viên tỏ ra không yêu thích ngành học, hời hợt trong học tập, nắm kiến thức chưa có hệ thống. Với những sinh viên học chỉ để đối phó, để trả bài trên lớp mỗi lần kiểm tra, ông thường gặp gỡ họ trao đổi về cuộc sống, học tập. Khi giảng bài, ông không quá đi sâu vào chuyên môn mà nhẹ nhàng đưa ra những câu chuyện thực tế liên hệ sáng tạo vào bài học tạo sự hứng thú. Ngoài việc học tập, ông còn chia sẻ với học trò về tâm tư, tình cảm kèm theo những cuốn sách về triết lý cuộc sống. Ông vẫn nhớ một số học trò được ông quan tâm đặc biệt, như sinh viên Nguyễn Quang Hiếu (khóa 8), Hiếu vốn thích học Toán, thi vào khoa Cơ khí của trường nhưng do không còn chỉ tiêu nên chuyển Hiếu sang khoa Trồng trọt. Niềm đam mê học toán bị vùi lấp khiến Hiếu trở nên hờ hững với chuyên ngành Trồng trọt, nhưng với sự dìu dắt của thầy Hồng Dật, Hiếu đã tìm được sự hứng thú và say sưa trong học tập. Hiện ông Nguyễn Quang Hiếu là Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật, có những đóng góp nhất định cho lĩnh vực Bảo vệ thực vật ở Việt Nam. Hay tương tự, như trường hợp của sinh viên Nguyễn Thành Mỹ, cũng được chuyển từ khoa Cơ khí sang khoa Trồng trọt, sau là giáo viên của trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội…
Từ đó, mỗi khi có dịp lên lớp, hoặc trong các buổi sinh hoạt, trò chuyện cùng với sinh viên, giảng viên Đường Hồng Dật luôn chuyển đến học trò "thông điệp": Cần tích lũy và chuẩn bị thật tốt cho mình về kiến thức, tình cảm, lòng đam mê… để bước vào đời. Ba yếu tố mà ông muốn nhấn mạnh với học trò để mỗi con người có được sự thành công và hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ: Một là, tạo lập một lý tưởng sống cao đẹp, trong sáng; Hai là, Tích lũy kiến thức để xây dựng sự nghiệp cho bản thân. Bởi theo ông, sự nghiệp gắn với nghề nghiệp, nghề nghiệp song hành với mỗi người trên suốt quãng đường đời. Vì vậy, ai không yêu nghề thì không thể có sự nghiệp đáng kể. Ba là, tích lũy vốn sống để xây dựng một cuộc sống đẹp, hạnh phúc. Ông lập luận, nếu không có được cuộc sống riêng thật đẹp, khó có được những thành công thật đáng kể trong cuộc đời.
Sau này, đối với những sinh viên bước chân vào nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đường Hồng Dật luôn nhắc nhở về sự tỉnh táo, nghiêm túc. Ông cho rằng, người làm khoa học phải biết ước mơ và dám có những ước mơ khám phá, dám mạnh dạn xóa bỏ nếp suy nghĩ cũ kỹ. Ngoài ra, cần có đủ bản lĩnh để đuổi theo những ý tưởng cho đến khi tóm bắt được nó.
Lớp học trò của PGS.TS Đường Hồng Dật hồi ấy, có nhiều sinh viên sau này là cán bộ lãnh đạo cấp cao nhưng họ vẫn giữ được tình yêu với chuyên môn, với nghề nghiệp của mình. Đó là những kiến thức đúc kết được từ trải nghiệm của bản thân, từ những thành công và thất bại. Tất cả, ông muốn truyền đến học trò một thông điệp, rằng con đường xây dựng sự nghiệp không phải bao giờ là đường bằng phẳng. Chỉ có tình yêu nghề nghiệp, niềm đam mê say đắm mới có được thành công.
Chặng đường một thập kỷ làm công tác giảng dạy đại học của PGS.TS Đường Hồng Dật (từ 1959 đến 1969), và những kỷ niệm của một thời làm thầy vẫn in đậm trong ký ức ông. Với ông, quãng thời gian được gần gũi, truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm có được cho sinh viên là hạnh phúc lớn trong cuộc đời làm khoa học. Cho tới nay, món quà vô giá mà vị Chủ nhiệm khoa ngày nào nhận được đó là tình cảm thầy trò cùng những lời tâm sự từ sinh viên đã được ông dìu dắt ngày nào, như câu nói của học trò Đào Xuân Trường: Dù bận gì thì bận, nhưng mỗi khi đến giờ học của thầy là em phải có mặt từ đầu đến cuối. Trong công việc cũng như cuộc sống sau này, mỗi khi gặp khó khăn, yếu lòng em lại nhớ đến những lời thầy nói, và lại vững vàng đứng lên bước tiếp trên đường đời[3].
Nguyễn Thị Loan
[1] Môn học cung cấp các kiến thức cơ bản về nguồn gốc và bản chất của bệnh hại cây trồng bao gồm triệu chứng bệnh, nguyên nhân gây bệnh, cơ chế của quá trình xâm nhiễm, mối quan hệ giữa cây trồng, mầm bệnh và các yếu tố môi trường, phương pháp điều tra biến động bệnh hại, cơ chế sự kháng bệnh của cây và hệ thống các biện pháp phòng trừ, quản lý tổng hợp bệnh hại cây trồng.