Quan hai thầy thuốc… đi kháng chiến

Dẫu đã về với tiên tổ gần 30 năm nhưng mỗi lần nhắc tới Thiếu tướng, GS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108, các thế hệ thầy thuốc nơi đây vẫn dành những tình cảm và lòng kính trọng đặc biệt về người thầy của mình. Những câu chuyện về ông từ lâu đã trở thành “tiêu chí” trong rèn luyện y thuật, trau dồi y đức của nhiều thế hệ thầy thuốc Bệnh viện TƯQĐ 108.

“Tài sản” là máy nghe, ống tiêm                    

GS Nguyễn Ngọc Doãn là người làng Thịnh Hào (Đống Đa, Hà Nội). Ông là con quan huấn đạo, dòng dõi trí thức nhiều đời. Năm 1933, ông thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. 6 năm học tập, ông đều đạt kết quả xuất sắc.

Mùa hè năm 1939, sau khi đọc lời thề Hippocrate tại Đại lễ đường Trường Đại học Y Hà Nội, ông được nhận giải thưởng Spina, phần thưởng cao quý dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập. Ra trường, ông vào làm việc tại Bệnh viện Đồn Thủy, đeo lon quan hai Pháp. Được một năm, ông xin ra ngoài công tác, mở bệnh viện tư khám bệnh phục vụ nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tình nguyện tham gia Ban Quân y Vệ quốc đoàn. Từ mùa đông năm 1946, khi tiếng súng chống Pháp bùng nổ, sự nghiệp cách mạng của bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn cũng bắt đầu từ đó. Trong kháng chiến, ông giữ nhiều trọng trách của ngành quân y, từ Viện trưởng Viện Quân y Yên Bái, Trưởng ban Quân y Tây Tiến đến Viện trưởng Viện Quân y IX. Ở cương vị nào, bác sĩ Nguyễn Ngọc Doãn cũng luôn tận tình chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Vượt qua bom đạn của địch, ông khoác ba lô đi khắp mặt trận Tây Bắc với chiếc ống nghe, vài cái bơm tiêm. Ông coi đó là “tài sản” của mình. Và những “tài sản” ấy đã theo ông trong suốt cuộc đời tham gia cách mạng.

Gia đình Thiếu tướng, GS Nguyễn Ngọc Doãn
(Ảnh do gia đình cung cấp)

Có một chuyện mà sau này các thế hệ học trò của GS Nguyễn Ngọc Doãn vẫn thường nhắc lại với tất cả lòng kính trọng. Đó là khi làm nhiệm vụ ở vùng kháng chiến Việt Bắc, GS Nguyễn Ngọc Doãn đã đưa nhiều em nhỏ mồ côi cha mẹ do bom đạn chiến tranh về các lán trại của mình nuôi dưỡng, dạy học. Từ những lán trại đơn sơ đó, nhờ công nuôi dưỡng, chăm sóc của GS Nguyễn Ngọc Doãn, nhiều người đã trưởng thành; có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ta.

Thiếu tướng, GS, TSKH Bùi Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết: GS Nguyễn Ngọc Doãn thuộc thế hệ bậc thầy đầu tiên của ngành y học Việt Nam. Phong cách chẩn đoán và điều trị bệnh của ông mang những nét độc đáo tiêu biểu. Ngay những năm còn là sinh viên, ông đã chú trọng thực tập ở nhiều chuyên khoa khác nhau để tự rèn cho mình bản lĩnh nghề nghiệp. Kết quả, nhờ công khổ luyện đã giúp ông có tay nghề thành thạo và giác quan lâm sàng sắc bén. Nhờ đó, trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù là một bác sĩ nội khoa, những khi cần thiết ông vẫn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của một thầy thuốc ngoại khoa.

Mẫu mực về y đức và lối sống

GS Trần Xuân Đàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Huyết học, Bệnh viện TƯQĐ 108 khi nghĩ về người thầy của mình, xúc động nói: “Anh Doãn là một thầy thuốc có kiến thức sâu rộng và giàu kinh nghiệm. Khi đi điểm bệnh ở các khoa, anh khám rất kỹ những bệnh nhân nặng. Đối với bệnh nhân nhẹ, anh cũng chú ý song anh khuyên bệnh nhân chỉ dùng ít thuốc, nên chú ý ăn uống, luyện tập, sinh hoạt đều đặn. Anh chỉ cho đủ thuốc, các thứ cần thiết, không bao giờ dùng thuốc bao vây tâm lý của bệnh nhân”.

TS, bác sĩ Đào Bội Hoàn, người được GS Nguyễn Ngọc Doãn hướng dẫn luận án tiến sĩ tâm sự: “Tôi hay được thầy cho lịch hẹn gặp ở bộ môn hay ngay tại nhà riêng để báo cáo tiến trình thực hiện. Thầy thường giảng giải một đôi điều ngoài đề tài mà với tôi, đó là những bài học về kiến thức tổng hợp và về y đức. Có lần thầy nói về sự liên quan giữa hiệu lực của thuốc với tâm lý của người bệnh. Theo thầy, tâm lý người bệnh tốt sẽ giúp việc chữa trị bệnh được nhanh hơn. Cũng như sự đồng cảm của thầy thuốc có thể giúp bệnh nhân giảm được nỗi lo âu về bệnh tật rất nhiều. Những việc đó, nếu không được thầy dạy bảo, dường như đội ngũ bác sĩ trẻ chúng tôi chẳng ai quan tâm đến nhiều lắm”.

Ngừng lại hồi lâu, TS Đào Bội Hoàn kể tiếp: “Một hôm, thầy hẹn tôi đến để duyệt lại bản luận án trước khi đưa đi in. Đúng 7 giờ tối, tôi đến nhà thầy. Hôm đó mất điện, tôi đang dò dẫm bước từng bước lên tầng 2 thì nhìn thấy thầy một tay cầm đèn dầu, một tay giở từng trang luận án, lặng lẽ, mệt mỏi khác với mọi khi. Vào tới nhà, tôi không dám hỏi mà chỉ đứng đằng sau quạt cho thầy và trả lời là đoạn này thầy Huyền đã chữa, phần kia thầy Phan, thầy Lợi, thầy Đại đã thông qua. Thầy hỏi lại một vài chi tiết và tỏ vẻ hài lòng. Lúc đưa tôi xuống cầu thang, tôi mới rụt rè hỏi: “Thưa thầy! Thầy bị mệt ạ?”. Thầy im lặng khá lâu rồi nói nhỏ: “Cũng có chuyện, con trai tôi bị tai nạn vào mắt khi đang làm việc. Tuy đã được đưa đến Bệnh viện TƯQĐ 108 mổ cấp cứu suốt cả chiều nay, nhưng… không giữ được con mắt”. Nghe thầy nói vậy, tôi bủn rủn chân tay. Lúc đó, tôi không nghĩ được nhiều mà chỉ thấy thương thầy. Sau này nghĩ lại, tôi thực sự cảm phục bản lĩnh, nghị lực và đức hy sinh của thầy. Dẫu gặp nỗi đau buồn đến vậy mà thầy vẫn đúng hẹn để giúp học trò”.

50 năm hoạt động trong ngành y học, 40 năm gắn bó với quân đội, Thiếu tướng, GS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn đã cống hiến trọn đời cho khoa học. Ông là chuyên gia đầu ngành về nội khoa, đã có 70 công trình khoa học, trong đó có 45 bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, là tác giả của 12 cuốn sách thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Thiếu tướng, GS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn đã hiến dâng trọn đời mình cho cách mạng và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Trịnh Văn Dũng
Nguồn: www.qdnd.vn