Chuyện cảm động về một tiến sĩ-binh nhì

Chúng tôi có mặt ở ngõ 134, phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội lúc mặt trời đã đứng bóng. Từ căn nhà số 16, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm vui mừng đón chúng tôi như những người học trò trở về thăm thầy. Mặc dù đã ở tuổi 75, đôi mắt nhòe đi, mái tóc bạc trắng nhưng hằng ngày thầy vẫn lên giảng đường để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, bài học mà mình đúc kết được cho thế hệ trẻ bằng tất cả lòng nhiệt huyết, đam mê…

Từ giảng đường đến chiến hào…

Trong không khí ấm cúng, thầy Lâm Ngọc Thiềm kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thuộc về vùng ký ức không thể nào quên. Đó là những năm tháng thầy từ giảng đường đến chiến hào và từ chiến hào quay về giảng đường với tư thế vững vàng hơn. Tuy hai mà một, cuộc đời người thầy-chiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm như những nốt nhạc trầm bổng tạo âm hưởng hùng ca trong bản nhạc chung của dân tộc Việt Nam anh hùng…

GS.TS Lâm Ngọc Thiềm sinh ngày 23-5-1940 tại vùng quê Khoái Châu, Hưng Yên. Ông lên đường nhập ngũ vào tháng 5-1972 khi trong tay đã có tấm bằng phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) Hóa học được nhận tại Liên Xô (trước đây) và đang trong thời gian giảng dạy tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Giờ đây, nhiều người vẫn kể về thầy như một trường hợp tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của lớp thanh niên trí thức khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Nói về quyết định của mình, thầy cười hiền từ rằng: “Nhiệm vụ cứu Tổ quốc lúc lâm nguy là trên hết. Cả nước ra trận không lý gì mà mình lại ngồi yên”. Được biết, khoảng thời gian học tập tại Liên Xô có ý nghĩa quyết định trong hành trang tư tưởng đối với thầy. Đặc biệt, người thầy trực tiếp giảng dạy sinh viên Lâm Ngọc Thiềm thuở ấy là một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô từ chiến hào trở về bục giảng cho nên ông càng thấm thía hơn tinh thần yêu nước từ ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga. Hơn 50 năm trôi qua tính từ thời điểm ấy, nhưng đến nay, lời dạy của người thầy Xô-viết ông vẫn còn nhớ như in: “Khi Tổ quốc bị giằng xé, chúng ta sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân. Tiếng gọi của Tổ quốc là tiếng gọi thiêng liêng nhất”.

GS.TS Lâm Ngọc Thiềm làm việc tại nhà riêng

Tạm xa bảng đen, phấn trắng, Phó tiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm cùng đồng đội hành quân bộ từ Hà Nội vào Thanh Hóa để đến Sư đoàn 338 huấn luyện. Kết thúc khóa huấn luyện tân binh, mang quân hàm binh nhì, ông được điều về Đại đội 512, Trung đoàn 252, Sư đoàn 363 và là pháo thủ số 3 tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Hải Phòng và phía đông Hà Nội. Sau đó, ông được điều về Trung đoàn Tên lửa 238, Sư đoàn 363 trong bộ phận bảo đảm nhiên liệu cho tên lửa tham gia Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Kể về những năm tháng cầm súng, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm nhớ mãi một kỷ niệm đặc biệt. Đó là lần Bí thư thứ nhất (sau này là Tổng Bí thư) Lê Duẩn bất ngờ tới thăm trận địa trước thời khắc lịch sử diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không”. Đặt tay lên vai ông, đồng chí Lê Duẩn hỏi: “Thầy giáo thành chiến sĩ có cảm nghĩ gì?”. Binh nhì Thiềm lúng túng không biết nói sao… rồi đọc 4 câu thơ vừa làm xong sau trận đánh: “Hôm qua trên bục cùng học sinh/ Bảng đen tôi viết những phương trình/ Hôm nay chững chạc màu quân phục/ Quen dần nếp sống một chiến binh“. Câu thơ vừa dứt, cả đơn vị vỗ tay hoan hô. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Cả nước ra trận, phó tiến sĩ cũng thành chiến sĩ thì chúng ta không thể không chiến thắng, dù kẻ địch có ngoan cố, xảo quyệt đến đâu đi chăng nữa”.

“Tuổi trên bảy chục vẫn còn say”

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1977, chiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm trở về với bục giảng, tiếp tục sự nghiệp “trồng người” cao quý. Như bao người lính trở về khác, ông gặp nhiều khó khăn không thể kể xiết. Bên cạnh khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh, còn có cái khó của muôn mặt đời thường nhất là giai đoạn vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Và rồi, sau mỗi giờ giảng, người ta lại thấy người thầy đáng kính đi dệt thuê, trồng thêm rau, chăn nuôi con lợn, con gà để giúp đỡ gia đình. Nhưng với thầy, khó khăn nhất vẫn là kiến thức bị ngắt quãng, rơi rụng sau 5 năm cầm súng. “Để bù đắp phần thiếu, tôi đã học ngày, học đêm, học đến quên mất ý niệm về thời gian. Ra chiến trận, không được luyện, rèn giũa như đồng nghiệp nên giờ mình phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần”-thầy chia sẻ.

Bằng tinh thần người chiến sĩ được tôi luyện trên chiến tuyến, ngày trở về thầy đã khẳng định được vị trí của mình trên bục giảng. Năm 1984, thầy được phong hàm Phó giáo sư.

Vừa có chuyên môn tốt, lại thông thạo ba ngoại ngữ: Nga, Pháp, Anh, thầy được cử sang An-giê-ri giảng dạy Hóa học bằng tiếng Pháp cho sinh viên các trường: Đại học Tổng hợp An-giê-ri, Biskara… Chương trình giảng dạy gồm hai đợt, đợt thứ nhất từ những năm 1985-1989, đợt hai vào những năm 1992-1994. Như vậy, GS, TS Lâm Ngọc Thiềm có gần 10 năm gắn bó với nền giáo dục nước bạn An-giê-ri. Tự thấy mình duyên nợ với nền giáo dục nước bạn, năm 1991, thầy được điều sang Cam-pu-chia giảng dạy Hóa học cho sinh viên ở thủ đô Phnôm Pênh.

Sau những chuyến đi xa, thầy về nước tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Đến năm 1998, thầy được phân làm Chủ nhiệm Hệ đào tạo cử nhân khoa học ngành hóa. Vào năm 2001, thầy được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tin học trong hóa học, tiếp đó là Chủ nhiệm Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng ngành hóa học…

Đến nay, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm đã có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, đã chủ trì 5 dự án, đề tài cấp bộ, tham gia viết hơn 24 đầu sách giáo trình, sách chuyên khảo, từ điển và dịch thuật. Đồng thời, thầy là người trực tiếp hướng dẫn hơn 30 tiến sĩ, thạc sĩ hoàn thành luận văn của mình, giúp đỡ hơn 100 luận án đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Năm 2005, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm đã cùng các đồng nghiệp huấn luyện các em học sinh giỏi môn Hóa đi thi Ô-lim-pích quốc tế tại Đài Loan (Trung Quốc) và góp công sức cho chiến thắng của đoàn Việt Nam với 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Năm 2014 vừa qua, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm lại là một trong những người tham gia tiểu ban chuyên môn Ô-lim-pích Hóa học quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Trong kỳ thi này, học sinh Việt Nam đã thắng lớn trên sân nhà. Đoàn học sinh nước ta có 4 học sinh tham dự thì cả 4 đều giành huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng, hai Huy chương Bạc.

Trong cuộc sống đời thường, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm được biết đến với một hình ảnh ấm áp, thân tình, giản dị. Nhất là khi toàn bộ tiền thưởng của danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, thầy đã mang tặng quỹ khuyến học tại nơi sinh sống. Đặc biệt, các sinh viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội rất vinh dự khi được thầy tặng những cuốn sách do thầy viết. Thầy chia sẻ rằng, việc tặng cho sinh viên nghèo vượt khó những cuốn sách mà thầy viết là nguồn động lực tinh thần để các em vươn lên, làm chủ tri thức và thay đổi chính cuộc đời mình. Cảm kích trước tấm lòng của thầy, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Khoa Hóa do thầy chủ nhiệm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam, đã về Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, về Khoa Hóa để tiếp tục giảng dạy như cái tên: Lê Kim Long, Trương Anh Tú, Vi Anh Tuấn,…

Mặc dù đã bước sang tuổi 75 nhưng GS.TS Lâm Ngọc Thiềm vẫn luôn đau đáu những dự định mới. Hiện thầy và nhóm tác giả Đại học Quốc gia Hà Nội đang gấp rút hoàn thành cuốn Từ điển Anh-Việt chuyên về lĩnh vực hóa học có chọn lọc, khoảng 2000 trang. Quyển sách được triển khai từ năm 2011, dự định sẽ hoàn thành vào năm 2016 nhân sự kiện Khoa Hóa học kỷ niệm 60 năm tuổi. Đến thời điểm này, cuốn sách đã hoàn thành hơn 2/3 quãng đường.

Ngoài ra, GS.TS Lâm Ngọc Thiềm còn nghiên cứu, bổ sung, tái bản các cuốn giáo trình mình viết dành cho sinh viên Khoa Hóa. Trong lần tái bản này, các cuốn sách sẽ được thầy viết lại theo cấu trúc mới phù hợp với thời hội nhập. Đồng thời, những cuốn sách này cũng được thầy đưa vào các dạng bài tập mới nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của sinh viên.

Là một trong những học trò được GS.TS Lâm Ngọc Thiềm yêu quý và dành nhiều tâm huyết, PGS.TS Lê Kim Long-Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) rất xúc động khi nhắc đến người thầy đáng kính của mình: “Thầy đã dẫn dắt tôi vào con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học đến ngày hôm nay. Thầy dìu dắt, rèn nghề cho tôi từ rất sớm, rèn cẩn thận như rèn lính trong quân đội. Trong lúc khó khăn nhất, thầy vẫn động viên tôi làm nghiên cứu ứng dụng để phục vụ đất nước”.

Không phụ niềm tin, tâm huyết của thầy, sinh viên Lê Kim Long năm nào nay đã trở thành một người có tiếng trong “làng Hóa học”. Anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Hóa học Trường Queensland (Ô-xtrây-li-a) năm 1996, tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào năm 2002 và được phong hàm Phó giáo sư vào năm 2006. Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Lê Kim Long nói: “Tấm gương Nhà giáo Ưu tú-chiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm luôn luôn là niềm tự hào của các thế hệ trẻ chúng tôi, là niềm kiêu hãnh của những người chứng kiến mất mát và thành công sau chiến tranh. Với chúng tôi, thầy luôn là người thầy dịu hiền, nhân từ và vĩ đại”.

“Quá nửa vòng đời trên bục giảng/ Tuổi trên bảy chục vẫn còn say/ Say đời say nghiệp say chi nhỉ?/ Bụi phấn mái tóc phất phơ bay”-đây là những câu thơ trong bài thơ “Người Thầy” được GS.TS Lâm Ngọc Thiềm sáng tác vào năm 2010. Những vần thơ chân chất đã nói lên bao điều tâm huyết  của Nhà giáo Ưu tú-chiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm.

Bài và ảnh: Phan Huyền
Nguồn: www.qdnd.vn